Mozart với hội chứng Tourette

Theo các nhà nghiên cứu, hội chứng Tourette gây ra ở Mozart những hành vi khó hiểu nhưng đồng thời đó cũng có thể là lời giải thích hợp lý cho các ý tưởng âm nhạc vô tận của nhạc sĩ thiên tài.

Năm 1938, lần đầu tiên những lá thư của Mozart được chuyển qua tiếng Anh và xuất bản đầy đủ. Điều đặc biệt là trong nhiều lá thư, những từ tục tĩu thường xuyên xuất hiện. Từ việc nghiên cứu những lá thư này, giả thuyết Mozart mắc hội chứng Tourette lần đầu được hai nhà nghiên cứu Đan Mạch đưa ra tại hội nghị tâm thần học ở Vienna năm 1983. Một năm sau, bộ phim Amadeus của đạo diễn Miloš Forman công chiếu, trong đó hội chứng Tourette ở Mozart được diễn viên chính thể hiện khá chuẩn xác: không ngừng cử động chân tay và nói luôn miệng.

Hội chứng Tourette được nhận ra do nhiều tật máy giật vận động và máy giật phát âm, bao gồm chứng nói tục (coprolalia), nhại lời người khác (echolalia), hay lặp lại lời của mình (palilalia) – những tật này lúc tăng lúc giảm và có thể được kiểm soát tạm thời.

Phân tích kỹ lưỡng 371 bức thư của Mozart, giới nghiên cứu nhận thấy những từ tục tĩu, trong đó phổ biến nhất là “cứt”, được nhắc đến trong hơn 12% số thư. Một báo cáo năm 1978 cho thấy phổ từ tương tự cũng thường xuyên được sử dụng bởi những người mắc hội chứng Tourette ở New York.

Điều khá trùng hợp là những bức thư chứa những từ tục tĩu thường xuất hiện đúng vào thời điểm gắn với sự kiện lớn trong đời nhạc sĩ, như chuyến lưu diễn Italia lần đầu khi 14 tuổi (1770) đem lại tiếng tăm lớn; hay giai đoạn khủng hoảng trầm trọng và rất áp lực1 trong những năm 1777-1781. Năm 1873, Mozart có con trai đầu lòng, mâu thuẫn giữa cha nhạc sĩ – ông Leopold – và chủ nhà người Do Thái vì tranh nhau làm cha đỡ đầu cho đứa bé, cùng với việc đứa bé đột ngột qua đời cũng khiến nhạc sĩ căng thẳng và viết những lá thư có những từ tục tĩu. Điều này lại xảy ra năm 1789, lúc Mozart “cày” tour xuyên các thành phố ở Đức để cải thiện tình hình tài chính tệ hại. Cuối cùng là khoảng mùa thu năm 1791, thời điểm Mozart sáng tác hai vở opera cuối cùng và qua đời trước khi hoàn thành Khúc cầu hồn (Requiem). Như vậy có thể thấy các cảm xúc mạnh mẽ có liên quan với chứng nói tục trong các bức thư của Mozart.

Những nhà viết tiểu sử như Schlichtegroll (1793), Niemetscheck (1798) hay Nissen (1828) đã phỏng vấn người thân, bạn bè của nhạc sĩ, như chị gái Nannerl, góa phụ Constanze, em vợ Sophie Haibel và bạn lâu năm Andreas Scachtner – những người này cùng một số nhân chứng đáng tin cậy khác đều mô tả chứng máy giật vận động và máy giật phát âm ở Mozart.

Máy giật vận động

Một nguồn khảo cứu về chứng máy giật vận động ở Mozart nằm trong Nekrolog auf das Jahr 1791 [Tiểu sử những người qua đời năm 1971] gồm 12 tập do Schlictegroll [người đầu tiên viết tiểu sử Mozart] soạn với phần dành cho Mozart dài 6.000 từ.

“Ông gầy nhẳng và nhợt nhạt; khuôn mặt ông hết sức đặc biệt, nhưng những biểu cảm của ông thì rất khó nhớ vì nó thay đổi quá nhanh. Nét mặt ông biến đổi liên tục, không lưu lại dấu vết gì của niềm vui hay nỗi buồn mà ông bất chợt cảm thấy ngay trong thời khắc đó. Ông có hành vi và biểu hiện như một kẻ ngốc: cơ thể chuyển động không ngừng nghỉ, tay vung vẩy còn chân gõ liên tục xuống sàn”.

Em vợ Sophie Haibel, người từng chăm sóc vợ Mozart lúc sinh con, cũng mô tả rất kỹ về Mozart trong cuốn tiểu sử của Nissen (1828) như sau: “Kể cả khi rửa tay vào sáng sớm thì anh ấy vẫn đi tới đi lui trong phòng… không lúc nào đứng yên một chỗ, gót chân nọ gõ vào gót chân kia… và luôn đăm chiêu. Ở bàn ăn thì cậu ấy xoắn vặn một đầu khăn ăn rồi xoa vào môi trên một cách vô thức mà không biết mình đang làm gì, và hay phồng miệng một cách kỳ lạ… Rồi chân tay anh ấy luôn cử động, chạm vào cái gì đó như mũ, túi quần áo, bàn ghế như thể đó là phím đàn clavier vậy”.

Giọng nam cao Ireland Michael Kelly (1762 –1826), người tham gia phần diễn mở màn vở opera Đám cưới Figaro, nhớ lại: “Tôi không thể nào quên được nét mặt luôn có chút gì đó sôi nổi của ông ấy…” Em dâu Mozart, Josepha Hofer, cũng để ý thấy tay chân và môi nhạc sĩ cử động liên hồi khi xem vở opera này.

Trong khi đó, theo lời người vợ Constanze, Mozart có thói quen dậm chân liên tục nếu như nhận thấy dàn nhạc mắc lỗi. Biểu hiện rõ nhất của hội chứng Tourette đó là nhạc sĩ không thể ngồi yên mà luôn đi lại trong phòng trong tình trạng “hồn trên cung trăng”. Ông cũng thường xuyên viết nhạc trong khi đang chơi billiards, nói chuyện với bạn bè hay làm những việc khác, giống như là phân thân làm đôi. Vận động chân tay ở ông dường như hoàn toàn vô thức.

Máy giật phát âm

Chứng máy giật phát âm của Mozart được nhiều tài liệu khẳng định, từ nhân chứng sống cho tới những bức thư kỳ lạ. Bằng chứng được dẫn ra nhiều nhất là mô tả của nữ tiểu thuyết gia người Áo, học trò của Mozart – Karoline Pichler: “Một hôm khi tôi đang chơi giai điệu ‘Non piu andrai’ [Xin em đừng đi] từ vở Figaro bên chiếc đại dương cầm thì Mozart đến chơi; ông bất ngờ xuất hiện sau lưng tôi, ngồi xuống và nói tôi tiếp tục chơi trong khi miệng âm ư giai điệu đẹp tuyệt vời mà ai cũng từng nghe… Nhưng rồi bỗng nhiên ông thấy chán, nhảy bổ khỏi ghế trong tâm trạng khùng khùng thường thấy ở ông, rồi nhảy qua bàn qua ghế, miệng kêu meo meo như mèo và lộn vòng như một thằng bé ngỗ nghịch vậy”.

Dựa trên chi tiết vở Figaro có thể đoán rằng chuyện này xảy ra hồi những năm 1786-1789. Trong giai đoạn đó, Mozart thậm chí còn viết “Rondo meo” (K298) với chú thích dài dòng “Allegretto grazioso [khá nhanh và vui vẻ] nhưng không presto [quá nhanh], cũng không quá adagio [chậm], kiểu kiểu thế… thật nhiều sự quyến rũ và biểu cảm”. Năm 1790, Mozart hợp tác với nhạc sĩ bạn thân Benedikt Schack viết nhạc cho gánh hát của Schikaneder. Felix Joseph Lipowsky, chủ một nhà xuất bản người Đức chuyên ấn hành các cuốn tiểu sử về các nghệ sĩ và nhà soạn nhạc, kể lại hồi năm 1811 rằng khi Mozart tản bộ cùng Schack, ông thỉnh thoảng ngồi nghỉ và viết nhạc. Các tiểu phẩm như K625 “Nun, liebes Weibchen, zeihst mit mir” [Em yêu, hãy ở bên anh], một aria hài hước dành cho giọng nữ cao và nam trầm có những đoạn giọng nam hát đối bằng một loạt từ “meo, meo, meo, meo” liên tiếp.

Tật máy giật phát âm của Mozart còn thể hiện ở thói lảm nhảm những từ ngữ vô nghĩa hay đặt ra các biệt danh kỳ lạ cho người thân và bạn bè. Hồi nhỏ, Mozart đã tự hát thành giai điệu những từ chẳng có nghĩa gì như “oragnia figarafa” trước khi đi ngủ. Thư gửi cho anh chị em, bạn bè được đề những biệt danh quái gở kiểu như Nữ công tước Vỗ mông, Bá tước Sến chảy nước, Hoàng tử bụng bia đuôi lợn. Nhóm những người yêu nhạc nhà nam tước Jacquin2 thì được Mozart đặt cho những cái tên có phát âm kỳ quặc như: Hinkity Honky, Punkititi, Schalaba Pumfa, Royka-Pumfa, Natschibinitschibi, Sagadarata, Schlamanuzkey, Runzi-funzi, Ramlois-Schurimiri, Gaulimauli, Blatterrizi, Quý cô Diniminimi. Riêng thư gửi vợ từ 1789 với 1791 có các từ Schluck và Druck, Spitzegnos, Schlumba và Saperlotte, Stachelshwein, “nu, nu, nu, nu”, Stanzi-marini, Plumpa-Strumpi, Lacci Bacci và Snai.

Joseph Lange, họa sĩ nổi tiếng từng vẽ chân dung Mozart hồi năm 1782 và 1789, nhận xét, những lúc bận bịu với một công việc quan trọng nào đó, Mozart nói chuyện lúng túng và rời rạc, đôi khi buột ra những lời mà người ta không ngờ được ở ông. “Hoặc ông cố tình che giấu sự căng thẳng nội tâm đằng sau vẻ ngớ ngẩn bề ngoài, hoặc ông vì mải chìm đắm trong những ý tưởng thần diệu mà buột ra những lời khiếm nhã,” họa sĩ nhận xét.

Tăng động

Các hội chứng kèm theo và thường xảy ra đối với người mắc hội chứng Torrette là rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Cũng có những bằng chứng rõ ràng về chứng tăng động ở Mozart. Nhà thơ, tiểu thuyết gia đương thời người Đức Ludwig Tieck từng mô tả Mozart trong buổi diễn tập một vở opera: “Ông ấy nhỏ con, nhanh nhẹn, không ngưng cử động chân tay và đi lại liên tục từ khu này sang khu khác, giống như một con rối nhỏ lọt thỏm trong chiếc áo khoác xám lớn”. Trong buổi diễn tập, nhạc sĩ thường rời bục chỉ huy đến nói chuyện với những nhạc công khác nhau rồi lại leo lên bục, theo lời Ludwig Tieck.

Từ những bằng chứng thu thập từ thư từ và các cuốn tiểu sử về Mozart, các nhà khoa học cho rằng, có thể kết luận nhạc sĩ thiên tài là nạn nhân của hội chứng Tourette. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh hội chứng này không ảnh hưởng xấu đến trí thông minh của người mắc. Một bài báo phân tích tâm lý của Margaret Mahler và Leo Rangell, hai nhà nghiên cứu nổi tiếng về hội chứng Tourette, xuất bản vào năm 1943, lần đầu chỉ ra rằng những người mắc hội chứng này bị rối loạn chức năng biểu hiện cảm xúc bằng hành vi với đặc điểm không thể kiềm chế những cảm xúc thường trực ở trong tình trạng phấn khích quá mức. Rất có thể chính trạng thái phấn khích thường trực đó đã góp phần kích thích khả năng sáng tạo vô tận của nhạc sĩ thiên tài.

Trang Nguyễn tổng hợp

Hội chứng Tourette (còn được gọi Hội chứng Gilles de la Tourette) thường khởi phát từ tuổi lên 5 đến 15. Chưa ai biết nguyên nhân chính xác gây nên hội chứng này nhưng yếu tố di truyền và môi trường được coi là những nguyên nhân tiềm tàng. Nhà thần kinh học người Pháp Jean-Martin Charcot (1825–1893) đặt tên cho hội chứng này theo tên một bác sĩ nội trú của ông, Georges Albert Édouard Brutus Gilles de la Tourette (1859–1904), người đã xuất bản bài tường thuật về chín người bị hội chứng nói trên vào năm 1885.

——–
1 Giai đoạn 1777-1781, Mozart làm việc cho Tổng giám mục Salzburg song bị trả lương thấp, chưa kể ông mê sáng tác opera – thể loại mà Tổng giám mục không có thiện cảm. Cũng thời gian này, ông nhảy việc liên tục, mâu thuẫn với bạn thuê chung nhà, phải bán đi nhiều món đồ có giá trị; tới năm 1781, khi Idomeneo, vở opera đầu tiên thành công của ông ra mắt thì tình hình mới bắt đầu được cải thiện.
2 Mozart là thầy dạy nhạc cho con trai và con gái nam tước Jacquin, nhiều tác phẩm của ông được đề tặng cho gia đình nam tước.

 

Tác giả