Người nhạc trưởng được Berlin Philharmonic chọn

Khi Berlin Philharmonic, vốn thường được ca ngợi là dàn nhạc xuất sắc nhất thế giới, bầu chọn nhạc trưởng chính thì đó là chuyện lớn trong giới âm nhạc cổ điển. Báo chí châu Âu nói về cuộc bầu chọn hồi tháng Năm năm nay của dàn nhạc không khác gì cuộc họp kín của các Hồng Y để bầu ra Giáo Hoàng. Cuộc bỏ phiếu hồi tháng Năm bất thành, nhưng đến ngày 22/7, dàn nhạc bất ngờ xướng tên người sẽ thay Simon Rattle vào năm 2018 là Kirill Petrenko.


Petrenko nhận được nhiều lời ngợi khen từ việc chỉ huy tại Bayreuth Festival và tại Bavarian State Opera, nơi ông làm giám đốc âm nhạc từ năm 2013.

Sinh ra ở Siberia, năm nay 43 tuổi, Petrenko không phải là một tên tuổi hoành tráng và vắng mặt trong nhiều danh sách rút gọn các ứng viên tiềm năng cho vị trí nhạc trưởng chính của Berlin Philharmonic. Ông theo đuổi sự nghiệp âm nhạc khá thầm lặng, nhận được nhiều lời ngợi khen từ việc chỉ huy tại Bayreuth Festival và tại Bavarian State Opera, nơi ông làm giám đốc âm nhạc từ năm 2013. Petrenko làm việc với Berlin Philharmonic lần đầu vào năm 2006 và sau đó chỉ huy dàn nhạc thêm hai lần nữa.

Phóng viên Tom Huizenga đã phỏng vấn Sarah Willis, nghệ sĩ kèn horn người Anh chơi cho Berlin Philharmonic từ năm 2001, về vị nhạc trưởng mới bí ẩn của họ.

Người hâm mộ nhạc cổ điển có thể nói rằng họ biết quá ít về Kirill Petrenko. Ông ấy không phải là một nhạc trưởng tiếng tăm lừng lẫy, thế nên khi [các nghệ sĩ thành viên của dàn nhạc] Berlin Philharmonic [bỏ phiếu] chọn ông làm nhạc trưởng chính kế tiếp, điều đó hẳn gây bất ngờ?

Có thể là bất ngờ với nhiều người. Nhưng mặt khác, với nhiều người, đặc biệt ở châu Âu, thì Kirill Petrenko là người mà mọi thứ ông đụng vào đều biến thành vàng. Ông rất được tôn trọng trong giới chuyên môn, nhưng thuộc kiểu người không thích trả lời phỏng vấn. Chính vì thế ông ít được giới truyền thông biết đến. Nhưng tôi đảm bảo, mọi người sắp sửa được nghe rất nhiều về ông.

Petrenko có nằm trong tầm ngắm của các nghệ sĩ Berlin Philharmonic không?

Có chứ. Lần đầu tôi chơi dưới quyền chỉ huy của ông là vào năm 2009 và đã có dịp phỏng vấn ông cho website Digital Concert Hall [của Berlin Philharmonic]. Tôi nhớ đã phải bỏ công thuyết phục và ông nhận lời với điều kiện phải có nghệ sĩ piano, nhạc trưởng Lars Vogt tham gia cùng.

Điều thường xảy ra khi một nhạc trưởng mới đến làm việc với dàn nhạc đó là chúng tôi hỏi nhau trong giờ nghỉ rằng liệu có nên mời người đó trở lại hay không. Nhưng với nhạc trưởng Petrenko thì kiểu như: “Khi nào ông sẽ quay lại?” Giống như tình yêu sét đánh vậy. Chúng tôi trân trọng điều ông làm.

Vì sao cô nghĩ ông ấy sẽ phù hợp với Berlin Philharmonic?

Tôi nghĩ ông sẽ đem tới hết thảy những niềm say mê sẵn có cùng lối tư duy cấp tiến. Ông là người làm việc miệt mài và rất chỉn chu. Tôi chưa từng thấy ông kết thúc buổi tập sớm hơn dự định dù chỉ một giây. Dàn nhạc hẳn nhiên thích được cho nghỉ sớm tầm 5 phút, nhưng điều đó chưa từng xảy ra với Petrenko.

Làm thế nào để biết liệu nhạc trưởng có ăn nhập với cả dàn nhạc hay không?

Tôi không thể nói thay những người khác vì dàn nhạc có tới 128 nghệ sĩ và mỗi người đều có quan điểm riêng. Nhưng chúng tôi đã bầu chọn ông ấy, có nghĩa là số đông cũng cảm thấy như tôi. Trong nhạc thính phòng cũng có chút giống với trong hẹn hò, ngay từ đầu, bạn đã linh cảm được liệu mối quan hệ có đi đến đâu không. Và thật tuyệt vời khi điều đó diễn ra đúng như những gì bạn linh cảm.

Cô từng nói về Petrenko trong một cuộc phỏng vấn rằng, “Ông ấy không làm gì nhiều. Nhưng những gì ông ấy làm đều hoàn hảo.”

Phải. Petrenko không quan tâm liệu cử chỉ của mình có bắt mắt không. Ít ra là tôi không cảm thấy như vậy. Điều ông quan tâm là liệu những gì mình làm có hiệu quả không. Bất kỳ ai xem các video của ông sẽ hiểu ý tôi. Vấn đề là cho đến nay chưa có gì nhiều về ông trên các phương tiện truyền thông. Tôi nghĩ ông hết sức ý thức rằng điều này sẽ thay đổi khi sắp tới ông xuất hiện cùng Berlin Philharmonic trong các chuyến lưu diễn và các buổi ghi hình.

Tính cách của ông ấy ra sao?

Tôi mới gặp riêng ông trong buổi phỏng vấn. Ngoài ra cũng chỉ gặp ở dàn nhạc. Tôi thấy ông rất bẽn lẽn, rất khiêm tốn nhưng hết sức chân thành. Tôi thấy thật cảm động khi một nhạc trưởng lớn lại như vậy.

Khi chỉ huy ông ấy như thế nào? Có dễ theo không?

Cử chỉ của ông khá dễ theo. Tuy vậy tôi mới chơi có vài buổi hòa nhạc với ông nên cũng khó nói. Tôi đã xem những buổi ông chỉ huy tại Bayreuth, họ ca ngợi ông ghê lắm. Ông rất lịch sự nhưng biết chính xác mình muốn gì và có thể giải thích điều đó chỉ trong vài từ. Ông không phải kiểu nhạc trưởng nói hàng giờ, đến mức không ai muốn nghe nữa. Chúng tôi thích những nhạc trưởng như vậy.

Ồ, điều đó có ích khi ông chỉ huy một dàn nhạc như Berlin Philharmonic…

Phải, đôi khi rất khó để chỉ huy Berlin Philharmonic bởi dàn nhạc hẳn nhiên có ý tưởng riêng về việc một tác phẩm nên được chơi ra sao và có thể chơi theo ý tưởng đó. Đương nhiên chúng tôi cũng cố gắng hiểu điều nhạc trưởng muốn, nhưng đối với chúng tôi quá dễ dàng để chơi một tác phẩm theo cách hiểu của mình. Quan trọng là các nhạc trưởng phải cho chúng tôi thấy tầm nhìn của họ đối với tác phẩm và khiến chúng tôi muốn tuân theo.

Hồi mới làm nhạc trưởng chính của chúng tôi, Simon Rattle từng nói chỉ huy Berlin Philharmonic giống như chỉ huy 128 siêu sao.

Tôi nhớ lần Simon chỉ huy một giao hưởng của Bruckner, ông đã phải dừng chúng tôi lại và bảo: “Thưa các quý bà và quý ông, nghe thì hay lắm nhưng chẳng giống chút nào với thứ tôi đang chỉ huy.” Lần khác, khi dàn nhạc tập một giao hưởng của Mahler, ông cũng phải dừng dàn nhạc lại để nói, “Tôi rất tiếc nhưng các bạn đang chơi cho Claudio [Abbado].” Và sự thật là như vậy! Chúng tôi chơi tác phẩm theo cách Claudio từng chỉ huy trong khi Simon muốn làm khác đi.

Làm thế nào để một nhạc trưởng có thể “đổi giọng” của một dàn nhạc như Berlin Philharmonic?

Tôi không nghĩ nhiều nhạc trưởng muốn đổi giọng của Berlin Philharmonic. Tôi nghĩ các nhạc trưởng thích giọng của nó. Berlin Philharmonic có thứ giọng độc nhất vô nhị. Bộ dây đồ sộ – tôi chưa từng nghe bộ dây nào có tiếng như vậy, ta có thể tắm mình trong đó. Tôi không nghĩ có nhạc trưởng nào đến với ý tưởng thay đổi điều này. Họ có thể đến với mục đích đạt tới đỉnh cao trong sự nghiệp với những gì họ có và bằng cách truyền cho dàn nhạc những ý tưởng của họ.

Vậy với một dàn nhạc xuất chúng như Berlin Philharmonic… các bạn có còn cảm thấy bị thách thức bởi điều gì nữa không?

Có chứ. Chúng tôi chắc chắn vẫn có những thách thức của mình chứ. Ví dụ, chúng tôi vừa có một tối biểu diễn nhạc phim ngoài trời. Một tuần trước đó, Simon yêu cầu chúng tôi phải thuộc lòng tác phẩm chứ không được thị tấu. Chúng tôi hơi “cú” nhưng ông ấy nói đúng.

Với nhạc phim, người Mỹ các bạn vừa chơi vừa ngủ cũng xong, Star Wars, Raiders of the Lost Ark [tức Indiana Jones và Chiếc rương thánh tích], E.T., – tất cả những tác phẩm tuyệt vời đó của John Williams, rồi tacs phaamr như Ben Hur, Robin Hood… Các bạn hiểu rõ những tác phẩm này, nhưng chúng tôi thì không. Cuối cùng ai cũng phải lấy riêng phần của mình ra rồi tập như điên.

Simon đã mang đến cho chúng tôi vô số tác phẩm hiện đại và cách tân trong suốt 15 năm qua, và đó là điều dàn nhạc không trải nghiệm trước đó mấy khi. Trong số những tác phẩm lạ thường ấy, một số tôi thích, một số tôi không, nhưng tôi thật sự hạnh phúc vì được biết thêm nhiều như vậy.

Cô có hy vọng Petrenko sẽ mang gì lạ tới cho kịch mục của dàn nhạc không?

Tôi đã chơi với ông hai chương trình nhạc Nga và một giao hưởng của Elgar. Ông chưa chỉ huy quá nhiều Beethoven hay Bruckner nên sẽ hết sức thú vị khi xem cách ông diễn đạt các tác giả này. Một điều tôi cũng ngóng trông là được chơi các tác phẩm opera với ông. Họ mến mộ ông ở Bayreuth và tôi nghĩ đó là một bổ sung tuyệt vời cho kịch mục mảng opera của chúng tôi.

Có bao nhiêu nghệ sĩ của Berlin Philharmonic ngày nay là người Đức? Phải chăng nó đã biến thành một dàn nhạc quốc tế?

Chúng tôi thực sự đã trở thành một dàn nhạc quốc tế. Tính chung, quá nửa chúng vẫn là người Đức. Nhưng nếu nhìn vào nhóm kèn horn, chúng tôi có ba người Đức, một người Anh, một người Scotland, một người Slovenia. Chúng tôi thực sự là một dàn nhạc quốc tế và tôi thích điều đó.

Có tác phẩm nào cô mong muốn Petrenko sẽ thử nghiệm khi ông ấy đứng trên bục?

Tôi không thể nói mình muốn chơi gì. Tôi rất biết ơn Simon Rattle về tất cả những tác phẩm tôi được học dưới gậy chỉ huy của ông. Ông đã mang đến cho dàn nhạc những tác phẩm mà tôi chưa từng mơ được trình diễn, chẳng hạn như vở opera “Porgy và Bess” của George Gershwin và tác phẩm của Thomas Adès, người mà tôi rất ngưỡng mộ – tôi học cùng với anh ấy ở lớp nhạc đại cương hồi đại học. Simon có kịch mục lớn khủng khiếp, rất nhiều Janáček và rồi Rameau. Tôi không nghĩ Petrenko sẽ mang đến một kịch mục rộng như thế ngay từ đầu mà sẽ triển khai những gì khiến ông cảm thấy thoải mái và cho là quan trọng. Cho tới khi đó, biết đâu ông chẳng hoàn toàn gây bất ngờ cho ta.

Tôi nghĩ Berlin Philharmonic đã gửi đi một thông điệp hết sức tích cực đến thế giới nhạc cổ điển. Chúng tôi đã chọn một nhạc trưởng không phô trương nhưng với ông, âm nhạc là tất cả. Và vì ông còn chưa được biết đến nhiều nên một cuộc phiêu lưu đang chờ chúng tôi – chúng tôi còn chưa chắc chắn điều gì sẽ đến nhưng tất cả đều mong ngóng nó.

Điều tuyệt vời nhất ở Petrenko là gì?

Điều tuyệt vời nhất cho đến bây giờ – vì tôi không biết ông rõ lắm – có thể nói là nhiệt huyết của ông dành cho âm nhạc. Nó hiển hiện trong mọi điều ông làm, dù trong buổi tập hay trong buổi biểu diễn chính thức. Điều ấy rất cảm động và truyền cảm hứng.

Nemo lược dịch
Nguồn: http://www.npr.org/sections/deceptivecadence/2015/07/07/419160254/why-conductor-kirill-petrenko-fits-the-berlin-philharmonic

 

Tác giả