Riccardo Chailly: Một sự nghiệp với La Scala

Bốn thập kỷ thu âm cho Decca, sống tại La Scala cùng với các vở opera của Puccini, Verdi và các bản nhạc phim của Fellini – có rất nhiều món trên “thực đơn” khi Neil Fisher thưởng thức bữa trưa cùng nhạc trưởng Riccardo Chailly.


Riccardo Chailly tại La Scala. Nguồn: La Scala

Dàn dựng những vở hiếm được trình diễn của Verdi

Vào giờ ăn trưa nhưng dư vị Verdi đêm trước vẫn vương vấn. Tại La Scala, nơi Chailly làm Giám đốc âm nhạc từ đầu năm 2017, nhạc trưởng bậc thầy người Milan này đang chỉ huy Attila, vở opera thứ chín của Verdi. Dẫu là cơ hội tuyệt vời cho một số giọng bass xuất sắc trong lịch sử opera (Boris Christoff, Nicolai Ghiaurov và Samuel Ramey đều đã thành công với vai Attila) nhưng Attila không được liệt vào loại tác phẩm hàng đầu của Verdi. Attila không tạo ra những cảm xúc giống như La traviata hay Don Carlos, nhưng với Chailly, việc mang vở diễn này trở lại La Scala hoàn toàn nằm trong lộ trình. Thoạt tiên là việc phục dựng Giovanna d’Arco (‘Joan of Arc’) vào năm 2015, sau khoảng gián đoạn 150 năm ở Milan, rồi đến Attila – “nhưng đích đến sẽ là Macbeth [có lẽ vào năm 2020], kiệt tác lớn đầu tiên của Verdi,” Chailly nói. “Hai vở Attila Macbeth có một sự kết nối mà anh buộc phải nắm bắt. Macbeth trở thành kiệt tác là nhờ sự chuẩn bị mà tác giả đã thực hiện với Attila. Màu sắc dàn nhạc tối và sâu, thậm chí đôi khi còn ‘xám xịt’. Cảnh phù thủy trong vở Macbeth gần như là trích dẫn trực tiếp từ cảnh yến tiệc trong màn 3 vở Attila. Điều này gần giống hiệu ứng tấm gương, tiến và lùi giữa hai vở opera.”

Verdi có mối quan hệ trắc trở suốt đời với La Scala. Còn hơn cả trắc trở! Sau khi Attila được công diễn lần đầu ở Venice, ông rất không hài lòng trước kế hoạch dàn dựng tiếp theo ở Milan đến nỗi đã viết trong thư: “Nhà hát này không đảm bảo đủ nguồn lực cho việc dàn dựng các vở opera của tôi.” Và ông đã không đe dọa suông: sau Giovanna d’Arco, Verdi đã từ chối để La Scala công diễn lần đầu các vở opera tiếp theo của mình cho đến tận Otello, một trận hạn hán kéo dài hơn 40 năm.

Chailly rất muốn nói về các vở opera Verdi hiếm được trình diễn và La Scala, cũng như mối quan hệ suốt 40 năm của ông với Decca, vốn là các chủ đề có xu hướng trở đi trở lại cuộc sống và sự nghiệp của Chailly. Năm 1978, Chailly bắt đầu cộng tác cùng Decca với William Tell của Rossini, bản thu âm vở opera trang nghiêm nhất của nhà soạn nhạc ở London với một dàn diễn viên toàn ngôi sao gồm Luciano Pavarotti, Mirella Freni, Sherrill Milnes và Ghiaurov. Với ông, đây là một năm may mắn vì ông cũng đã ra mắt La Scala thành công với vở opera hiếm được trình diễn của Verdi: I masnadieri, một vở còn hiếm được trình diễn hơn cả Attila. Claudio Abbado đang là giám đốc nghệ thuật. “Tôi đang diễn tập vở The Fiery Angel của Prokofiev ở Palermo khi ông gọi tôi yêu cầu đáp chuyến bay đầu tiên trở lại Milan – nhạc trưởng của I masnadieri ngã bệnh và ông muốn tôi chỉ huy thay. Ra khỏi The Fiery Angel để lao vào lửa”. Chailly bảo “Dù biết rằng mình phải nắm lấy cơ hội này nhưng thú thật tôi đã bay tới Milan mà trong lòng hết sức lo lắng, bất an.”

Điều này có vẻ lạ. Milan là nhà của Chailly và La Scala gần như là việc gia đình: cha của ông, nhà soạn nhạc Luciano Chailly là giám đốc nghệ thuật ở đó từ năm 1968 đến năm 1971. Nhưng thực tế thì “cha tôi chưa bao giờ là người cố vấn lý tưởng cho tôi trước những lựa chọn,” Chailly nói khi người phục vụ dọn lên những đĩa salad atisô tươi ngon. “Cha tôi rất khắt khe về nền tảng âm nhạc của tôi. Ông ấy luôn tin chắc – điều thực sự đúng đắn – rằng để ‘thâm nhập’ được vào tác phẩm của người khác thì nhạc trưởng nên có khả năng tự sáng tác. Nhưng vì đã làm trợ lý của Abbado trong các mùa diễn giao hưởng của ông với dàn nhạc La Scala trong hai năm nên tôi có được sự tự tin để dấn thân vào.”

Cả đội ngũ điều hành Decca và La Scala đều hài lòng với những nỗ lực của Chailly con năm đó. Abbado mời ông tiếp tục phiêu lưu cùng âm nhạc Verdi tại Milan với I due Foscari trong mùa diễn 1979-80.

Khám phá truyền thống âm nhạc Đức

Năm 1982, Chailly có được công việc trong dàn nhạc lớn đầu tiên của mình ở vị trí nhạc trưởng chính của Dàn nhạc Giao hưởng Đài phát thanh Berlin (nay là Dàn nhạc Giao hưởng Đức Berlin). Đó là khởi đầu của một hành trình phiêu lưu khác.

Tại Berlin, Chailly đã thực hiện nhiều siêu phẩm giao hưởng trong vốn tiết mục cùng với cả những tác phẩm ít người biết tới. Bộ 55 đĩa CD mà Decca đã sản xuất để đánh dấu kỷ niệm 40 năm có hai tác phẩm viết cho dàn nhạc của Puccini, Preludio Sinfonico và Capriccio Sinfonico. “Bản thu âm đầu tay của tôi ở Berlin đấy!” Chailly kêu lên. Anh có tưởng tượng được không?” Tôi tưởng tượng ra một dàn nhạc với những người Đức đầy lý tính kinh hoàng khi maestro mới của mình đề nghị chơi những tác phẩm opera ‘hạng gà’. “Không phải thế đâu,” Chailly đáp. “Thái độ của họ hoàn toàn ngược lại. Họ đã có những nhạc trưởng huyền thoại, như Ferenc Fricsay, rồi Lorin Maazel, những nhạc trưởng khách mời tuyệt vời như Eugen Jochum… Họ luôn hứng thú khi bỏ qua những tiết mục thường lệ để chuyển sang những tiết mục mới. Và họ thực sự hâm mộ âm nhạc Ý.

Là dàn nhạc “khác” ở Tây Berlin, BRSO phải tạo ra một vị trí thích hợp khi cùng cư ngụ trong phòng hòa nhạc Philharmonic với Herbert von Karajan và Berlin Philharmonic. Khi ấy không có nhiều cạnh tranh ở đó. “Tôi gần như có đặc quyền gần gũi Karajan vì ông cho phép tôi tham dự rất nhiều buổi tập riêng của ông. Nhờ vậy tôi có thể khám phá sự vĩ đại của nhà ảo thuật âm thanh này,” Chailly nhớ lại

Một đóng góp quan trọng của Chailly cho bộ 55 đĩa CD đó là chùm tác phẩm Bruckner đầy đủ được bắt đầu thu âm trong những năm ông ở Berlin với phong cách trình tấu rực lửa và trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Tôi hỏi ông có nghĩ các bản thu đó đã vững vàng trước thử thách của thời gian? “Tôi cũng chẳng biết,” Chailly thú nhận. “Làm sao anh có thể tin chắc rằng mình có thể giải quyết xong xuôi chùm tác phẩm Bruckner khi ít nhất ba phần tư số bản giao hưởng đó phải được chọn từ hai đến bốn phiên bản khác nhau – và đó là với từng chương nhạc? Tôi rất hài lòng với tác phẩm chúng tôi đã phát hành, nhưng nếu là bây giờ có lẽ tôi sẽ sử dụng các phiên bản khác.”


Riccardo Chailly (hàng trên bên phải) chuẩn bị cho một buổi thu âm với DSO Berlin và nhà sản xuất Michael Haas. Nguồn: Gramophone

 

“Tôi xem chỉ huy là nghề nghiệp ‘thứ yếu’ của mình,” ông nói khi bắt đầu thưởng thức món chính ông chọn, osso buco (xương bê hầm rau củ) với risotto alla Milanese (cơm kiểu Milan) truyền thống. “Nghề mà tôi yêu thích thứ nhất là nghiên cứu. Việc nghiên cứu, hiểu biết những điều chưa được biết, mang lại cho tôi sức mạnh đáng kinh ngạc và lượng hoocmon adrenalin để làm phong phú thêm khoảnh khắc biểu diễn. Và trong quá trình nghiên cứu, có rất nhiều khám phá Verdi, Puccini, Mendelssohn, Rossini. Thật sự là một đặc ân bởi tôi có thể khám phá những báu vật và mở rộng kiến ​​thức của mình.”

Khôi phục opera Ý ở La Scala

Khi Chailly bị lôi cuốn tới La Scala – một cuộc hẹn khiến thời gian của ông tại Leipzig sớm kết thúc – ông xác định rõ rằng nhiệm vụ của mình là khôi phục địa vị đứng đầu của truyền thống opera Ý. Ở hậu trường nhà hát, ông mang vào văn phòng giám đốc âm nhạc – nơi từng thuộc về Claudio Abbado và Riccardo Muti – chân dung các vị thánh thế tục của nhà hát, Verdi và Puccini. Họ là mối bận tâm của ông hiện giờ song ông vẫn đang tìm những tầng ngữ nghĩa mới trong âm nhạc của họ. Phiên bản Attila của ông bao gồm một khúc romance cho giọng tenor chưa từng được nghe kể từ thời Verdi. Táo tợn hơn, Chailly tiết lộ rằng ông cũng bổ sung vào năm ô nhịp do Rossini già cả viết để mở đầu khúc trio ở màn 3 mà nhà soạn nhạc ẩn dật này đã chơi trên đàn piano trong một bữa tiệc gia đình riêng ở Paris.

Và ngay cả với Puccini quen thuộc, Chailly cũng phát hiện ra những đoạn nhạc bị cắt xén hay che giấu. Trong ấn bản Il trittico (Hardy Classic phát hành đĩa DVD), ông đã đưa vào một phiên bản độc thoại trước đó của nhân vật Michele trong Il tabarro (‘dữ dội hơn nhiều so với thứ ta biết’) và phục hồi ‘aria chất độc› trong Suor Angelica. Bất chấp lời khẩn nài của Puccini, aria này đã bị hầu hết các giọng soprano bỏ qua ngay từ đầu, và tiếp tục bị loại bỏ trong các ấn bản chính thức. Ông tự hào về dàn dựng Madama Butterfly gần đây, vở khai mạc mùa diễn vào tháng 12/2016 của La Scala (và vừa được Decca phát hành trên DVD), đã đề cao tổng phổ gốc năm 1904. Thất bại đầy tai tiếng của buổi công diễn lần đầu tại Scala “là nỗi đau lòng lớn nhất trong đời Puccini” vì vậy bây giờ phải thực hiện những sửa chữa. Cuối năm nay ở Milan, Chailly cũng sẽ ra mắt phiên bản Manon Lescaut gốc của Puccini và mùa diễn 2019/20 sẽ bắt đầu vào tháng 12 cùng một cái nhìn mới mẻ về Tosca, với Anna Netrebko đảm nhận vai nữ chính. Đây sẽ là một ấn bản mới quan trọng nữa của Ricordi, một loại Urtext1 với gần 50 ô nhịp mà chúng ta chưa bao giờ được nghe. Đội ngũ tại Ricordi đã tặng bản thảo viết tay cho Chailly làm quà “và nó gần như không thể đọc được, bởi Puccini có lối viết của người loạn thần kinh. Nhưng anh có thể thấy những chỗ đã bị cắt bỏ hoặc rút ngắn”. Điều khiến Chailly thấy hấp dẫn ở Puccini là sự tinh nhạy của ông trong việc tính toán thời gian, vì vậy việc xem xét những chỗ cắt bỏ hoặc chỉnh sửa vào phút cuối có thể tiết lộ nhiều hơn về quá trình soạn nhạc. “Ông ấy rất thận trọng và kỹ tính với thời gian, nó gần giống như một bộ phim chứ không phải một vở opera về mặt tốc độ, thay đổi tâm trạng, thay đổi chủ đề, thay đổi không khí. Mọi thứ diễn ra rất nhanh.”

Sau món chính, chúng tôi chuyển sang espresso pha thêm đường. Tôi hỏi Chailly liệu ông có nhớ việc dẫn dắt một dàn nhạc giao hưởng kể từ khi đổi Leipzig lấy Milan không. Ông nhẹ nhàng khiển trách tôi, bởi ông cũng là Giám đốc âm nhạc của Filarmonica della Scala. Đây là một dàn nhạc, giống như Vienna Philharmonic, hoạt động độc lập với dàn nhạc opera dù số lượng nhạc công của nó tăng gấp đôi. Và ông cũng bận rộn với họ trong phòng thu âm. Tiếp đến là một album nhạc phim Fellini bao gồm các bản nhạc do Nino Rota soạn cho auteur 2 người Ý. “Sẽ rõ ràng hơn nếu anh gọi nó là “Album Nino Rota”, Chailly nói. “Bởi Nino Rota là thiên tài cần được tôn vinh. Và dĩ nhiên nó bao gồm các bản nhạc phim tuyệt vời của ông song không chỉ có thế. Ông là người có văn hóa uyên âm và kiến ​​thức đáng nể.”

“Việc nghiên cứu, hiểu biết những điều chưa được biết, mang lại cho tôi sức mạnh đáng kinh ngạc và lượng hoocmon adrenalin để làm phong phú thêm khoảnh khắc biểu diễn” (Riccardo Chailly).

Nhà soạn nhạc của phim Bố già đã làm việc với Chailly vào năm 1974, bảy năm trước khi ông qua đời, trong một liên hoan mùa hè ở Lanciano, Abruzzo. Rota đã viết một bản concerto piano cho Arturo Benedetti Michelangeli nhưng nghệ sỹ piano trì hoãn biểu diễn nó hết lần này đến lần khác, vì vậy ông đã tự chơi bản nhạc cùng một dàn nhạc sinh viên do Chailly chỉ huy. “Tôi nhớ sự đơn giản, dịu dàng, hoàn toàn trái ngược với sự phù phiếm. Ông chơi rất cừ. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đã mang đến một màn trình diễn quyến rũ nhất, nhưng ông không bao giờ tỏ dấu hiệu bực tức hay nôn nóng.”

 

Chailly có ý tưởng nào nữa không? Người cha quá cố của ông đã viết 15 vở opera mà ngày nay không vở nào được biểu diễn. Chailly đã cân nhắc việc phục dựng một trong số đó tại La Scala, nhưng mỗi mùa diễn tại nhà hát ông chỉ biểu diễn hai vở opera và cho rằng sẽ rất khó để đưa vào mùa diễn. Thay vào đó, để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Luciano Chailly vào năm 2020, ông sẽ chỉ huy buổi công diễn lần đầu thế giới muộn màng bản Sonata tritematica No 4 do cha mình viết cho dàn nhạc. “Điều trùng hợp ngẫu nhiên lớn nhất là tác phẩm được soạn vào đúng năm tôi chào đời, 1953. Tôi đang mong chờ sự kiện này.” Chúng tôi quay trở lại với người nhạc trưởng trẻ tuổi đã giải cứu I masnadieri ở Milan hơn 40 năm trước. Mùa diễn này, vở opera trở lại La Scala dù dưới đũa chỉ huy của một nhạc trưởng đang lên từ thế hệ tiếp theo, Michele Mariotti. Chailly tự hào rằng ông đang mở rộng nhóm maestro tại La Scala khi lưu ý rằng những năm 1950 là ngôi nhà của những ngôi sao sáng như Karajan, Furtwängler, Walter, Bernstein và Barbirolli. Giờ đây ông muốn “cả những maestro vĩ đại nhất và giả cả nhất cùng những maestro giỏi giang nhất của thế hệ sau.”
 
Phải chăng điều đó nghĩa là Chailly đặt cái tôi của mình sang một bên để những người khác cũng có thể đạt được chút vinh quang? “Tính vị kỷ là một phần của mọi nhạc trưởng. Thực tế thì tôi chỉ cố gắng tiết chế cái tôi của mình càng nhiều càng tốt. Nhưng với một nhạc trưởng đó là một nhiệm vụ khá nặng nề.”□

 

Ngọc Anh dịch

Nguồn: https://www.gramophone.co.uk/feature/riccardo-chailly-the-conductor-on-puccini-fellini-and-life-at-la-scala

1. Ấn bản âm nhạc tái tạo đúng ý đồ gốc của nhà soạn nhạc. Đọc thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Urtext_edition

2. Auteur: từ tiếng Pháp có nghĩa là “tác giả” dùng để chỉ những đạo diễn phim có khả năng đưa vào bộ phim của họ một tầm nhìn nghệ thuật riêng, rõ ràng, giống như tác giả một cuốn sách.

3. Mockumentary: thể loại tài liệu giả tưởng trong đó câu chuyện phim là hư cấu nhưng lại được thực hiện như một cuốn phim tài liệu để tạo cảm giác chân thật.

Tác giả