Samuel Beckett: Một biểu tượng của tính hiện đại

“Tôi gần như không thể viết nổi một dòng giới thiệu hay phê bình nào cho những sáng tác của chính mình” (Samuel Beckett).

 



Gương mặt một Beckett khi về già lập tức gây ấn tượng: gầy gò, góc cạnh, nhăn nheo, mái tóc cắt ngắn pha sương, mũi dài khoằm, và trên tất thảy là đôi mắt xanh (như mòng biển) có cảm giác như xuyên thấu tất cả. Ảnh: Wikipedia.
 


Đã thêm một thế hệ nghệ sĩ mới kể từ sau khi Beckett qua đời, ông vẫn là một trong những người khổng lồ, đồng thời còn là một trong những huyền thoại của văn học và kịch nghệ thế kỉ XX. Giống như ‘các nhà hiện đại chủ nghĩa’ khác,  dù bị mang tiếng là khó hiểu và tối nghĩa, nhưng tác phẩm của Beckett vẫn tìm được cách thẩm thấm và gây ám ảnh nền văn hóa của chúng ta theo những cách rất riêng. Chính từ Beckett và những tác phẩm của ông mà trong giới phê bình xuất hiện thêm thuật ngữ “Beckettian” (xin được tạm dịch là ‘chất Beckett’). Chỉ một từ ấy thôi giờ đây đã đủ sức biểu đạt trọn vẹn cái nhìn ảm đảm về cuộc đời, được pha trộn với một tinh thần hài hước sâu cay? Người ta bắt gặp điều gì nơi các tác phẩm của Beckett? – Những kẻ lang thang không chốn nương thân đứng bơ vơ trên một sân khấu trống trơn để tuyệt vọng chờ đợi một điều gì đó chính họ cũng không thể biết, một cặp vợ chồng già cụt chân ngồi trong thùng rác ngó ra, những người kể chuyện già nua lú lẫn lầm bầm bập bẹ những từ ngắt quãng… Tất cả gợi ra tính rời rã và tối giản, song trùng với đó là một thôi thúc được rũ bỏ và phơi lộ. 
Những hình ảnh sân khấu của ông có một chiều kích trực quan và cụ thể mà các nhà thơ và các tiểu thuyết gia hiện đại chủ nghĩa thiên về tính trừu tượng ít khi có được. Huyền thoại Beckett hay ‘thương hiệu’ Beckett được thổi bùng bởi hai hiện tượng: ông từ chối đưa ra bất cứ một lời dẫn giải nào về tác phẩm của mình, khăng khăng rằng ‘ý nghĩa của chúng chỉ đơn giản là những gì chúng nói’; và thứ hai là ông lựa chọn cuộc sống ẩn dật một cách quyết liệt (gắn với nỗi kinh hoàng sợ bị thiên hạ biết tới, đến nỗi vợ ông đã chào đón giải Nobel Văn học được trao cho ông năm 1969 bằng câu nói: ‘Thật không gì thảm họa hơn!’). Nhưng nếu như Beckett mong đợi sự im lặng và lánh đời của mình sẽ làm nguội bớt mọi suy đoán về ‘người đàn ông’ phía sau tác phẩm, thì đó thực là một hi vọng bất thành. Ngược lại, sự từ chối lên tiếng ấy tạo thành và nuôi dưỡng sự bí ẩn cùng hào quang bao quanh ông, xác quyết hình ảnh về ông như là một vị thánh trong làng nghệ thuật, không vướng chút ô uế vấy bẩn vì sự tự lăng-xê hợm mình hay những trò kinh doanh thô lậu. 
Bất chấp tuyên bố của Theodor Adorno về sự bất khả của nghệ thuật sau sự kiện Trại tập trung, Beckett đã tiến gần nhất tới việc trở thành một tượng đài nghệ thuật về sự hoang tàn của thế kỉ 20. Ngay trong thời ông sống, Beckett đã được tôn vinh như một vị thánh thế tục. Các tác phẩm của ông, dù thường khó hiểu, nhưng luôn là sự đánh động sâu sắc và đề cập tới những gì cốt yếu nhất của đời sống. Gương mặt Beckett gần như đã bước vào hệ thống biểu tượng hiện đại. Có thể nói, không nhà văn nào khác thời hậu chiến mà gương mặt của họ có một độ nổi tiếng tương đương với sáng tác của họ như Beckett. Gương mặt một Beckett khi về già lập tức gây ấn tượng: gầy gò, góc cạnh, nhăn nheo, mái tóc cắt ngắn pha sương, mũi dài khoằm, và trên tất thảy là đôi mắt xanh (như mòng biển) có cảm giác như xuyên thấu tất cả. Việc sẵn sàng để cho những tay săn ảnh thoải mái chụp chân dung, song song với sự từ chối bất cứ một cuộc phỏng vấn nào, khiến Beckett, trớ trêu thay, trở thành một nghệ sĩ ẩn dật nổi tiếng nhất thế giới. 




Beckett trong một buổi diễn tập vở “Trong khi chờ đợi Godot”Tại nhà hát Royal Court những năm 1980. Ảnh: Donald Cooper/Rex/Shutterstock.


Có một sự sùng kính đặc biệt ở những người theo Beckett, những kẻ bắt chước và sùng mộ ông. Ông dường như bất khả xâm phạm trước phần lớn những phản ứng phê bình bấy lâu nay vẫn chĩa mũi nhọn về phía các tác giả hiện đại chủ nghĩa suốt thập kỉ qua. Người ta cố đưa ra những câu trả lời, những phương án ‘giải mã’. Nhưng đối diện với những vở kịch và tiểu thuyết của Beckett, có lẽ việc cố công khai lộ những ý nghĩa ẩn giấu bên dưới tính mơ hồ tối nghĩa bề mặt là không cần thiết. Bởi như chính Beckett phát biểu, ông luôn dành sự chú trọng nhiều hơn đến tính thẩm mĩ trong sáng tác thay vì ý nghĩa có thể được đúc rút ra từ nó. Ông quan tâm tới tạo hình hơn là tạo nghĩa. Ông từng nói, một cách thận trọng rằng: “Từ khóa cho những vở kịch của tôi là có thể”. Trong một tiểu luận về nhà văn Ireland James Joyce do chính ông chắp bút, Beckett cảnh báo “nỗi nguy hiểm ẩn chứa sau tính gọn ghẽ của việc xác quyết và ấn định ý nghĩa”. Đó thực sự là lời cảnh báo dành cho tất cả chúng ta trong một thời đại mà sự vô nghĩa lên ngôi.  
Người ta đã quá thường xuyên phàn nàn về ‘độ khó’ và ‘tính mơ hồ’ của tác phẩm Beckett. Nhưng chính ông đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng trải nghiệm độ khó có thể bắt nguồn từ những gì tối giản nhất. Ông không đưa tới cho chúng ta một sân khấu hoàn toàn xa lạ, ông chỉ dỡ bỏ cấu trúc của những sự quen thuộc, hóa giải những giả định và khước từ những quy ước sân khấu thông thường. Nếu như những vở kịch của Beckett có phần dễ hiểu hơn phần lớn văn xuôi của ông, thì đó không chỉ bởi tính cụ thể trong hình dung khiến người ta được giao tiếp trực quan với hình ảnh trước khi lí trí có thời gian suy luận về ngữ nghĩa hay ý nghĩa; mà còn bởi tính đơn giản triệt để và lạ lùng này. Độ khó của những tác phẩm văn xuôi của Beckett – giọng điệu mỉa mai được che phủ dưới vẻ ngoài uyên bác – rất khác với các tác phẩm kịch của ông sau này, khi Beckett chủ động biến sân khấu thành những tình huống tối giản, với sự lặp đi lặp lại của những câu từ và ngữ điệu đơn sơ. Đó cũng là một trong những lí do khiến Beckett luôn từ chối đưa ra bất cứ một lời giải thích nào về ý nghĩa những vở kịch của mình, khăng khăng chỉ nhấn mạnh đến nghĩa đen của những gì được đưa lên trang viết hay sân khấu. Ông từng viết cho Alan Schneider, đạo diễn người Mĩ làm phim của ông: “Tôi tuân thủ một nguyên tắc duy nhất là từ chối mọi sự giải thích, dưới bất kì một dạng thức nào. Và chỉ nhấn mạnh đến tính đơn giản tối hạn của tình huống kịch. Nếu như điều đó là không đủ cho họ, và rõ ràng là không, thì đã là quá nhiều cho chúng ta, và chúng ta không có nghĩa vụ phải giải thích toàn bộ những bí ẩn do họ tự tạo ra ấy. Công việc của tôi chỉ là làm cho những thanh âm căn bản nhất được cất lên hết mức có thể, và tôi không chịu trách nhiệm trước bất cứ một điều gì khác nữa. Nếu người ta mong muốn bị đau đầu vì những ngụ ý và âm bội, thì đành để mặc họ. Họ sẽ phải tự đi tìm thuốc giải cho chính mình”. 




Hai nhân vật chính Vladimir và Estragon trên sân khấu trống huơ trong vở “Trong khi chờ đợi Godot”. Ảnh: Pinteret. 


Chìa khóa để hiểu Beckett, theo lời Geoffrey, bạn thân và cũng là bác sĩ riêng của ông, là nhìn vào mối quan hệ của Beckett với mẹ – một người phụ nữ vừa đầy yêu thương vừa độc đoán, vừa chu đáo vừa cực kì nghiêm khắc, và thứ tình cảm yêu ghét lẫn lộn Beckett dành cho bà đưa lại một cảm giác vừa âu lo vừa tội lỗi phủ bóng lên nhiều tác phẩm. Dù Beckett tuyên bố ông “không có bất cứ một cảm giác tôn giáo nào”, ông đồng thời công nhận mẹ mình là người “mộ đạo sâu sắc”. Những ám chỉ Kinh Thánh trong sáng tác ông có lẽ phần nào bắt nguồn từ chính ảnh hưởng này. Khi được hỏi về thời thơ ấu, Beckett kể về nó như một tuổi thơ “yên bình, không nhiều biến cố”: “Có thể coi đó là một quãng thời gian hạnh phúc… dẫu tôi không được ban phát nhiều lắm thứ năng lực để cảm nhận hạnh phúc. Ba mẹ tôi làm bất cứ điều gì tốt đẹp nhất cho con. Nhưng tôi vẫn thường cảm thấy cô đơn”. Cô đơn, cô độc và lạc loài rồi sau này sẽ trở thành những chủ đề trở đi trở lại trong tác phẩm của ông. 
Beckett vốn giữ mối quan hệ thân thiết với James Joyce, người đồng hương người Dublin, tác giả của tập đại thành Ulysses (1922), đồng thời cũng là một trong số những người khổng lồ đặt nền móng cho văn học hiện đại chủ nghĩa. Dù James Joyce được đào tạo như một người Công giáo dòng Tên, Beckett chia sẻ nhiều điểm tương đồng với người bạn vong niên này cả về quan điểm thẩm mĩ lẫn cái nhìn xã hội. Cả hai đều xuất thân từ gia đình trung lưu, đều từ bỏ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi về văn hóa, đều hướng tới tư tưởng hiện đại và sẵn sàng thực hiện những thể nghiệm văn chương mang tinh thần Âu châu nhất. Sự ảnh hưởng của Joyce đến Beckett là rất lớn, không chỉ có thể dễ dàng nhận diện qua hệ thống chủ đề hay phong cách văn chương. Giống như Joyce, Beckett tuyên chiến với tất cả các dạng thức kiểm duyệt áp đặt lên tác phẩm của ông cũng như của bất kì một sáng tác nghệ thuật nào. Giống như Joyce, ông đặt niềm tin tối thượng vào quyền tự chủ bất khả xâm phạm của người nghệ sĩ, khước từ mọi ý định muốn can thiệp hay thay đổi bất kì tác phẩm nào đã hoàn thành. Nhưng với Beckett, Joyce hoàn toàn không phải là người dẫn đạo. Từ rất sớm, Beckett đã nhận ra con đường đi của riêng mình. Như chính ông từng nói với James Knowlson: “Tôi nhớ mình đã từng thuyết giảng về thành công vang dội của Joyce. Tôi dành cho ông một lòng hâm mộ lớn. Không ai truyền tải được chất anh hùng, chất sử thi như Joyce đã làm cho thời hiện đại. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng mình không thể tiếp tục dẫm bước đi con đường đó”. Joyce, có thể nói, là cái bóng quá lớn đè nặng lên bất cứ một nhà văn Ailen nào. Beckett chắc chắn ý thức được tình thế đó, với tất cả độ nguy hiểm và vòng cương tỏa mà sự tiếp xúc gần gũi đến thế với một bậc thầy có thể đưa lại. “Tôi thề rằng tôi sẽ vượt qua được J.J. trước khi nhắm mắt. Chắc chắn phải vậy!”, ông từng viết cho một người bạn của mình như thế vào năm 1932. □
 
Tham khảo: The Cambridge Introduction to Samuel Beckett (Ronald McDonald, Cambridge University Press, 1996), Samuel Beckett (Bloom’s modern critical views, NY., 2011), Another side of Samuel Beckett (Rovert McCrum, Theguardian.com, 2019) 
Beckett, trước hết, được biết đến như một kịch tác gia. Nếu như văn xuôi của ông gây được ảnh hưởng lớn đến các nhà tiểu thuyết hiện đại như J. M. Coetzee và John Banville, thì những ảnh hưởng ông đưa tới cho kịch thời hậu chiến gần như không một tác gia nào có thể làm được. Sự nghiệp của Edward Albee, Harold Pinter, Tom Stoppard cùng rất nhiều tác giả viết kịch khác sẽ là không thể nếu không được ươm mầm từ ảnh hưởng của Beckett. Beckett cũng là một trong những tác giả đột phá nhất của thế kỉ XX. Nhưng tham vọng viết tiểu sử về ông là một khó khăn lớn mà bất cứ ai có tham vọng đều phải đối mặt. Tất cả những gì người ta có thể làm là cố gắng đào bới những sự kiện có thật được đưa vào tác phẩm, cố công dẫn giải, làm chú thích về nhân vật hay sự kiện xem chúng có thể bắt nguồn từ thực tế nào… Trong khi điều đáng buồn là, tìm kiếm nơi bắt nguồn của dòng chảy không có nghĩa là đã nắm bắt được nhịp điệu của dòng sông. Trong những tác phẩm văn xuôi đầu tiên như More Pricks than Kicks (1934) hay Murphy (1938), có thể tìm thấy nhiều nét tương đồng rõ rệt giữa nhân vật và sự kiện trong truyện với cuộc đời của chính Beckett. Trong các tác phẩm sau Thế chiến thứ hai, những ám chỉ tiểu sử trở nên chìm khuất và khó nhận diện hơn, đến cả bối cảnh cũng tách dần khỏi sự quy chiếu thực tế.

Tác giả