Tìm “tinh thần rong ruổi” ở phim tài liệu Việt

Tin rằng không có phim tài liệu hay bằng việc minh họa một định đề có sẵn trong một phương thức sản xuất chớp nhoáng, người viết đã tìm kiếm "tinh thần rong ruổi" của nhà làm phim từ 10 bộ phim tài liệu Việt Nam (sản xuất năm 2015, 2016 của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, VTC, VTV) tham gia Liên hoan Phim tài liệu Châu Âu – Việt Nam lần thứ 8, diễn ra đồng thời tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ ngày 9 đến 18/6 mới đây.


Một cảnh trong phim Mẹ ơi, con đã về của đạo diễn Lương Minh Đức.

Tinh thần rong ruổi của phim tài liệu được hiểu ở quá trình thiết lập mối quan hệ giữa nhà làm phim và nhân vật, yếu tố quan trọng hàng đầu chi phối hướng tiếp cận đề tài, khả năng khai thác câu chuyện hay thế chủ động gợi ý cho nhân vật vào những tình huống để gia tăng kịch tính hay tô đậm chủ đề. Mặt khác, tính rong ruổi trong phim tài liệu là việc chấp nhận hiện thực của phim tài liệu cùng với các sự kiện bề bộn của nó là một hiện thực vén mở, vừa không ngừng tiếp diễn, vừa có nhiều cách để tri nhận. Chính vì thế trong sự rong ruổi, nhà làm phim không sao chụp sự kiện, không hùng biện sự kiện, họ “định hình sự kiện” (từ của nhà nghiên cứu Warren Buckland). Về phía khán giả, họ cũng đủ tỉnh táo để chấp nhận sự thật trong phim tài liệu là sự thật chủ quan, bởi dù được xây dựng trên tinh thần phi hư cấu, câu chuyện trên màn ảnh là kết quả của: mục đích làm phim, các lựa chọn quay phim, dựng phim, cùng một số thủ pháp đặc thù như lời bình, phỏng vấn, dán ghép tư liệu, thậm chí cả tái dựng, dàn dựng…

Liên hoan Phim tài liệu Châu Âu – Việt Nam lần thứ 8, trình chiếu 10 bộ phim tài liệu Việt Nam, bên cạnh 10 bộ phim tài liệu châu Âu. Từ những số phận cá nhân đến gương mặt chung của nhân loại, từ những thước phim trưng bày một cách kiêu hãnh những di sản cổ xưa đến những dự phóng lo âu trong thời đại công nghệ thông tin, Liên hoan phong phú về đề tài (thiên nhiên, chính trị, lịch sử, văn hóa, nghề nghiệp, bệnh tật, công nghệ…), đa dạng về thể loại (phim tài liệu mô tả, quan sát, tương tác, dàn dựng…), và còn là cơ hội thưởng thức, quan sát sự làm mới các chiến lược kể chuyện trong phim tài liệu Việt Nam.

Khi các phương tiện truyền thông đại chúng chiếm vai trò gần như độc tôn trong việc đưa tin, phim tài liệu không giữ vai trò giới thiệu, lưu giữ sự kiện, song nó chưa bao giờ mất đi tính hấp dẫn ở chỗ, dù trực tiếp hay gián tiếp, tinh thần nhân vật có khả năng phản chiếu sâu sắc não trạng xã hội. Chính ở điểm này, ta thấy các sự kiện trong phim tài liệu Việt Nam trước đây thường là những sự kiện đã hoàn kết. Nó trở thành đối tượng của sự thẩm bình, ngợi ca hơn là khảo sát, khai phá. Cũng vì thế các nhân vật trong phim thường trở thành dẫn chứng mang tính chức năng thời điểm, hơn là sự trăn trở thăng trầm mang tính số phận. Vậy các phim tài liệu Việt Nam tại Liên hoan lần này có vượt thoát khỏi quán tính đó? 

Với hai bộ phim về đề tài văn hóa – Dấu ấn Sa Huỳnh (đạo diễn Phùng Ngọc Tú) và Người Mông hiện hữu trong tiếng khèn (đạo diễn Nguyễn Đức Phương) – một phim giới thiệu nền văn hóa Sa Huỳnh trong những dấu tích từ 3.000 năm trước ở miền Trung Việt Nam mang tính khảo cổ học, một phim giới thiệu về nhạc cụ thể hiện bản sắc dân tộc Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, trong một thời lượng khiêm tốn (25 và 28 phút), các nhà làm phim đã sử dụng nhiều phương tiện quen thuộc của phim tài liệu như lời bình, phỏng vấn giới chuyên gia, hình ảnh đồ họa, hình ảnh tư liệu trích dẫn lại, các trích đoạn bày biện hình ảnh cổ vật, hay biểu diễn tiếng khèn…Cách làm đó biến cuộc “giải mã” nhằm chỉ ra những ý nghĩa sâu xa của các nét văn hóa trở nên bất khả thi do việc trình bày vấn đề chung chung và hoàn toàn vắng bóng kịch tính. Thiết nghĩ người làm phim mới chỉ dừng lại ở tính đề tài chứ chưa đi vào một phương thức kể chuyện có thể cho thấy các mô hình kịch tính mà chất liệu hiện thực gợi ra: cũ – mới, giao lưu – tiếp biến, nhọc nhằn – lãng mạn…

Hai bộ phim về đề tài lịch sử – Thời bao cấp (đạo diễn Trần Tuấn Hiệp) và Một đất mẹ cho tất cả (đạo diễn Nguyễn Sỹ Bằng) – đều có sự đồ sộ về thời lượng (mỗi phim chia làm hai tập, tổng thời lượng khoảng 90 phút) trong sự ôm đồm, phân nhánh của đề tài, làm cho tính vấn đề của phim bị yếu, lạc mất trọng tâm. Phim Thời bao cấp hứa hẹn mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc khi trở về một thời kỳ lạ, vất vả gian lao, nhưng tất cả sự biện dẫn đều hướng về việc chấp nhận nó như tính tất yếu của lịch sử. Bộ phim xây dựng nhân vật kể chuyện, một du học sinh từ Mỹ dành thời gian tìm hiểu về lịch sử dân tộc trong kỳ nghỉ hè, song từ việc sử dụng lời bình, hệ thống nhân vật, nhân chứng, xử lý quay phim đã lộ rõ tính dàn dựng thiếu tự nhiên. Trong cơ hội tiếp cận với rất nhiều nguồn tư liệu về thời bao cấp: bảo tàng, sách báo, các quán café mang tính phục dựng…, việc thưởng thức bộ phim không giúp nhiều cho việc hiểu biết, trải nghiệm cảm xúc đặc biệt về thời kỳ này nên đã khiến không ít khán giả tiếc nuối. Một phim khác về đề tài lịch sử, Một đất mẹ cho tất cả, chọn hai cột mốc lịch sử – 1954 và 1975 – với hai địa danh – sông Bến Hải và TP Hồ Chí Minh – để thể hiện số phận chia cắt và thống nhất của dân tộc Việt Nam trong lịch sử, vẫn được thực hiện theo phong cách tài liệu mô tả (expository documentary), nặng về lời bình luận mang tính giáo huấn, cường điệu áp chế hình ảnh.

Hai bộ phim về đề tài xã hội – Con đường phía trước (đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn) và Muốn về nhà (đạo diễn Hoàng Dũng) – một phim về những người mẹ trong hành trình đi tìm phương cách giáo dục phù hợp cho những đứa con mắc chứng tự kỉ, một phim về con đường trở lại với gia đình của những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần – cùng có điểm chung là song song sử dụng lời tự thuật của người trong cuộc, phân tích của các bác sĩ, cho thấy nhiều khoảnh khắc xúc động. Tuy nhiên chính tính ý hướng nặng về truyền thông điệp làm cho cả hai bộ phim sa vào giáo điều.

Bốn bộ phim chân dung – Chuyện ngày hôm qua (đạo diễn Phạm Hồng Thăng, Đặng Thị Linh) về ban nhạc Bức tường và thủ lĩnh Trần Lập xoay quanh lịch sử hình thành ban nhạc và sự ra đi của Trần Lập; Hai đứa trẻ (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư) về câu chuyện hai đứa trẻ bị trao nhầm và hành trình đổi lại con giữa hai gia đình bốn năm sau tại Bình Phước; Nhật kí của ba (đạo diễn Hoàng Hà Lê) về quá trình nuôi con của người cha đơn thân Trình Tuấn, từ việc anh xin sữa từ những người phụ nữ khác cho con đến việc lập ứng dụng Babyme trên điện thoại di động như một ngân hàng sữa; phim Mẹ ơi, con đã về (đạo diễn Lương Minh Đức) về hành trình lần đầu trở về Việt Nam tìm người mẹ ruột của Stacy Thuy, một đứa bé trong chiến dịch Không vận năm 1975…- là những chân dung trực diện, không sử dụng lời bình, với những khoảnh khắc đời sống riêng tư chân thật, những trạng thái đối cực vui buồn, phân vân, hoài nghi. Chính những lo lắng trăn trở cá nhân được khai thác kịch tính đã bộc lộ các vấn đề lịch sử xã hội.

Bộ phim Mẹ ơi, con đã về là bộ phim đã khai thác triệt để nhân vật trong những tình huống chính yếu của cuộc đời họ. Số phận của con người gắn chặt với thân phận dân tộc. Hành động, sự thay đổi, diễn biến tâm lý của nhân vật đã gợi lên những vấn đề mang tính chính trị. Đây có lẽ là bộ phim duy nhất xây dựng nhân vật ở trạng thái động, người làm phim khéo léo xếp đặt để nhân vật có cơ hội trải nghiệm, giãi bày những khoảng khắc riêng tư ở nhiều thái cực: hiện tại – quá khứ, quen thuộc – mới mẻ, hy vọng – hoài nghi, cá nhân – dân tộc. Một bộ phim mang tinh thần rong ruổi của người làm phim mà cá nhân tôi kiếm tìm.

 

Tác giả