Ám ảnh chinh phục không gian trong nghệ thuật

Một ngộ nhận lớn chúng ta vẫn thường thấy là quan điểm cho rằng nghệ thuật có chức năng mô tả những tình cảnh cụ thể. Đương nhiên, nghệ thuật có thể làm được điều ấy, nhưng đó không phải là mục tiêu căn bản của nó.


Đêm sao, Vincent van Gogh, 1889.

Ngộ nhận trên có lẽ xuất phát từ cách thức cảm thụ văn học của số đông. Nó khiến việc cảm thụ văn học của độc giả trở nên hời hợt, đồng thời lây lan sự hời hợt ấy sang cả cách họ cảm thụ các bộ môn nghệ thuật khác. Minh chứng rõ nhất của điều này là thói quen đặt câu hỏi: thông điệp của tác phẩm này là gì? Đó là một thói quen dễ dãi hết sức tai hại, biến việc cảm thụ nghệ thuật trở thành hời hợt và lóng ngóng, như thể tìm cách ăn cháo loãng bằng đũa, nhất là khi người ta tiếp xúc với các lĩnh vực nghệ thuật phi ngôn từ, ví dụ như nhạc không lời.

Mục tiêu cơ bản của nghệ thuật chân chính là làm lay động tâm can. Trong các tác phẩm nhiều khi có thể hàm chứa các thông điệp, tuyên ngôn, sự giãi bày tình cảnh, nhưng đó chỉ là một số trong các công cụ phục vụ mục tiêu lay động tâm can con người. Tất nhiên, rất nhiều tác phẩm không đạt được mục tiêu này, đó là những tác phẩm yểu thọ, không mấy người biết hoặc nhớ đến.

Như thế nào là lay động tâm can? Chúng ta biết rằng các tác phẩm nghệ thuật lớn có khả năng “phá chấp”. Cuộc sống hằng ngày với những tiết tấu cũ kỹ theo quán tính, những quan niệm định kiến của số đông khiến con người trở nên chai sạn, họ tưởng như mọi sự đều đã quen thuộc, tỏ tường hết thảy. Nghệ thuật có chức năng phá vỡ bề mặt chai sạn ấy. Nó làm thay đổi cảm nhận của chúng ta, mở ra những cách nhìn mới đầy ngỡ ngàng về thế giới, hoặc khơi dậy những tâm tưởng quý giá từ lâu bị vùi lấp trong sâu kín. 

Vậy làm thế nào để lay động tâm can? Đây là câu hỏi mấu chốt. Nó không chỉ nói lên bản chất của công việc làm nghệ thuật, mà còn chạm tới điều cốt lõi hơn: cơ sở nào cho phép người đồng cảm với người?

Bản năng giành/giữ vị thế trong không gian

Một trong những bản năng sơ khởi và phổ biến nhất của con người là chinh phục, giành/giữ không gian. Không gian ở đây có thể bao hàm ý nghĩa về vật chất, nhưng chủ yếu thiên về ý nghĩa tinh thần, ví dụ như không gian quan hệ gia đình, không gian môi trường công việc và sự nghiệp, không gian các mối quan hệ cộng đồng, v.v. Khát vọng phát triển vươn lên trong sự nghiệp hay ham muốn chinh phục của người đàn ông khi nhìn vào không gian trong đôi mắt giai nhân đều là những ví dụ về bản năng giành vị thế trong không gian. Ngay cả sự gắn bó và niềm hi vọng gửi gắm của cha mẹ vào con cái, ở góc độ nào đó cũng có thể được coi là biểu hiện của bản năng truyền thừa và duy trì vị thế của bản thể trong không gian ở thời tương lai.

Một em bé sơ sinh cũng đã có bản năng tìm hiểu, nhận biết không gian xung quanh và tìm cách xác lập vị thế của mình trong đó. Bản năng giành/giữ vị thế trong không gian len lỏi tới từng tế bào của đời sống, và không ai nằm ngoài quy luật chung ấy. Trong suốt vòng đời, chúng ta giành/giữ vị thế của mình trong từng lời nói, hành vi, trong mỗi lựa chọn, mỗi mục tiêu lớn hay nhỏ của cá nhân, theo cách có ý thức hay vô thức. Không chỉ những người giàu tham vọng và có tâm thế hướng ngoại mới có nhiều khát vọng giành/giữ vị thế trong không gian, ngay cả những người hướng nội, thu mình trước số đông cũng có thể mang khát vọng rất lớn trong việc giành/giữ vị thế của mình, mặc dù khát vọng ấy lại được biểu hiện theo một hình thức khác: sự thu mình và hướng nội thực chất là rút lui khỏi những không gian bấp bênh, khó kiểm soát, để quay về không gian quen thuộc cố hữu dễ bề làm chủ hơn. Vì vậy, dù là những người say mê quyền lực hay những chàng trí thức mọt sách, những kẻ luôn gương mẫu chỉn chu lành mạnh hay những gã nát rượu tối ngày bê tha, thói quen bề ngoài của bọn họ có vẻ như khác nhau, nhưng tất cả đều có những lãnh địa tinh thần quen thuộc của riêng mình và niềm ham thích của mỗi người đều gắn chặt với bản năng giành/giữ vị thế cái tôi của họ trong lãnh địa riêng ấy.

Đa số các xúc cảm của con người đều gắn với bản năng giành/giữ không gian. Các xúc cảm tích cực thường nảy sinh khi người ta đạt được vị thế thuận lợi trong không gian tinh thần của họ, và ngược lại xúc cảm tiêu cực nảy sinh trong không gian kém thuận lợi. Tuy nhiên, không gian quá thuận lợi cũng gây ra cảm giác nhàm chán, tù túng, bởi bản năng tối hậu của con người vẫn luôn là vươn ra xa hơn, làm chủ những không gian rộng lớn hơn, mới mẻ hơn. Những trở ngại và rào cản có thể càng thổi bùng lên ham muốn vượt qua và chinh phục.

Song bản năng chinh phục không gian của mỗi con người không phải khi nào cũng thuần túy mang sắc thái ích kỷ. Việc người ta vượt qua những khác biệt giữa các cá nhân để tìm đến sự giao hòa, đồng cảm với đồng loại, về bản chất cũng chính là từ bản năng chinh phục không gian. Trước hết, sự đồng cảm với đồng loại là một phần tất yếu không thể thiếu trong quá trình mỗi người hình dung, nhận biết thế giới, làm cơ sở để xác lập vị thế của mình trong đó. Ở một tầm mức cao hơn, động cơ của sự đồng cảm và giao hòa còn là khi một cá nhân không thỏa mãn với không gian nhỏ hẹp của một cái tôi biệt lập, muốn phá vỡ các rào cản của sự khác biệt để hòa đồng với không gian riêng của cá nhân khác nhằm đạt tới một vị thế tinh thần lớn lao hơn, lành mạnh hơn. 

Mặt khác, sự đồng cảm của con người là khả thi dù cá nhân nào cũng có một hoàn cảnh đặc thù riêng, không ai giống ai. Bởi trong mỗi người đều có khả năng giả lập không gian và vị thế của người khác. Ta hình dung không gian riêng của ai đó từ những thông tin, dữ liệu về người ấy, rồi tự hỏi nếu đặt bản thân mình trong không gian đó thì vị thế của ta sẽ ra sao. Hình dung về vị thế trong không gian giả lập giúp mang lại những xúc cảm giả lập, nhờ đó mà chúng ta thấu hiểu (hoặc cho là mình thấu hiểu) đồng loại.

Cũng theo cùng một bản chất và logic như trên, bản năng chinh phục không gian khiến con người có ham muốn đồng cảm, giao hòa với đồng loại thông qua nghệ thuật và sự đồng cảm ấy có thể khả thi là nhờ vào năng lực giả lập không gian.

Tiếp cận một tác phẩm nghệ thuật  

Khi mà ám ảnh về vị thế trong không gian thấm sâu vào đời sống tinh thần con người trong đa số mọi lĩnh vực hoạt động, từ công việc cho tới tình ái, thì hiển nhiên trong công việc sáng tạo nghệ thuật cũng không là ngoại lệ. Mỗi nét vẽ của người họa sỹ, mỗi nốt nhạc của nhạc sỹ, mỗi động tác của vũ công, v.v, một cách cố ý hay vô thức, tất thảy đều có thể xuất phát từ một ám ảnh về vị thế trong không gian.

Mỗi tình tiết có thể tưởng như vô tình, nhưng đều có mối liên hệ với các tình tiết khác cũng như với tổng thể không gian tác phẩm, và tất cả đều ngấm ngầm hướng tới một sự tối ưu bí mật nào đó.

Để tiếp cận tác phẩm, chúng ta cần hướng tới tất cả mọi tình tiết của nó, nhận biết mối tương quan giữa các tình tiết với nhau, và tương quan giữa tình tiết với tổng thể tác phẩm. Các mối tương quan ấy sẽ gợi tả ra các vị thế của đối tượng/nhân vật trong các không gian giả lập, và từ đó những xúc cảm giả lập sẽ tự nhiên hình thành trong người quan sát. Người xem có thể thấy trong tác phẩm muôn vàn cảnh ngộ khác nhau, hình ảnh một đoàn quân trùng điệp ra trận, tiết tấu rộn rã của một buổi vũ hội nô nức hào nhoáng, hay nét trầm tư của người nông dân trên ruộng cày giữa lúc xế chiều…, nhưng tựu trung, mục đích của chúng đều là thuyết phục người xem đặt vị thế của mình trong những không gian khác nhau ấy, và từ đó khơi gợi ra những sắc thái xúc cảm biến hóa tùy theo dụng ý của tác giả.
Tuy nhiên, với tất cả mọi ấn tượng một tác phẩm có thể mang lại, chúng ta hãy quay lại câu hỏi ban đầu: làm thế nào để tạo ra sự lay động tâm can?

Sự lay động tâm can trước hết chỉ có trong tác phẩm khi nó vốn dĩ xuất phát từ sự lay động tâm can bên trong tâm tưởng của tác giả, và tác giả chuyển tải được sự lay động ấy trong bố cục các tình tiết của tác phẩm, trọn vẹn tới một mức độ nhất định. Để rồi khán giả thông qua bố cục các mối tương quan giữa những tình tiết trong tác phẩm có thể giả lập lại các sắc thái vị thế không gian trong tâm tưởng của mình, rồi từ đó gợi mở được sự lay động nguyên thủy trong tác giả.

Người nghệ sỹ tài ba sẽ biết cách tạo ra sự lay động mạnh mẽ bằng những tình tiết đơn giản, tối thiểu nhất. Lý Bạch khởi đầu bài Tương Tiến Tửu chỉ vẻn vẹn bằng hai hình ảnh: kìa nước sông Hoàng Hà từ trên trời đổ xuống, chảy ra đến biển thì không quay lại nữa, và bậc cha mẹ soi gương buồn nhìn tóc bạc, sáng còn xanh, chiều tối đã thành trắng tuyết, và ngay lập tức độc giả cảm thấy mình như vừa trải qua một cõi nhân sinh đầy ắp những thăng trầm. Còn với Hóa thân của Kafka, những biến ảo vi tế của thân phận một cõi tha nhân được nén chặt một cách thản nhiên và dễ dàng trong phạm vi biến cố một gia đình nhỏ với các tình tiết mang tính chấm phá thực ra có thể gói gọn trong một vài ngày.

Tính “đại tự sự” không thể tránh khỏi trong công việc nghệ thuật

Một số nhà phê bình theo chủ nghĩa Hậu hiện đại vẫn thường chế giễu tính đại tự sự, nhưng về bản chất, từ cái buồn mênh mang dằng dặc kèm theo chí khí cao ngất của Lý Bạch trong Tương Tiến Tửu, tới cái đột biến kịch tính mang chất Hậu hiện đại của Kafka trong Hóa thân, đều có thể quy đồng về một: ám ảnh về vị thế con người trong không gian vô hạn của vô vàn những biến ảo cõi nhân thế. Đó là một sự lay động có tính toàn thể, mẫu số chung mang tính tất yếu, được tạo ra từ khát vọng chinh phục của người nghệ sỹ.

Sáng tạo nghệ thuật dù thế nào luôn là một thứ đại tự sự. Cũng giống như bản năng chinh phục không gian luôn tiềm ẩn trong mỗi người, không nghệ sỹ nào mà không công khai hoặc ngấm ngầm hướng tới một sự lay động có tính toàn thể. Chẳng ai muốn tác phẩm của mình làm ra chỉ lay động trong một không gian hẹp nào đó, hoặc lay động một lần rồi hết vị. Kể cả phù du như nghệ thuật ý niệm cũng vậy – với nghệ thuật ý niệm thì cần hiểu tác phẩm không chỉ là ý niệm mà là mối tương quan giữa nó với bối cảnh thế giới xung quanh, nghĩa là về bản chất nó cũng hướng tới sự lay động trên diện không gian rộng đôi khi được trá hình khéo léo trong một không gian hẹp nào đó.

Mà một khi đã hướng tới tính lay động toàn thể thì tất yếu quá trình sáng tạo đòi hỏi sự thấm thía đủ các trải nghiệm dâu bể. Các trải nghiệm ấy dù đơn tuyến hay đa tuyến, thì cuối cùng vẫn phải được lọc qua một lăng kính chủ quan của tác giả. Nghĩa là, tất yếu đó là đại tự sự. Khác biệt chỉ là đại tự sự ấy lộ liễu hay lén lút mà thôi.

Tuy nhiên, luôn có vô số những nghệ sỹ lạc đường. Ngộ nhận của họ có cùng bản chất sự ngộ nhận của công chúng như đã đề cập từ đầu bài, đó là thường sa vào tình tiết, đặt ra mục tiêu quá cận trong nghệ thuật. Họ thiếu khát vọng và chỉ có thể tạo ra các tiểu tự sự. Tiểu tự sự cũng có giá trị của chúng và họa hoằn cũng nảy sinh các tác phẩm gây lay động tâm can. Nhưng đó là ăn may. Con đường khắc nghiệt của nghệ thuật cần rất nhiều khát vọng cũng như nỗ lực chinh phục, tuyệt đối không thể trông chờ vào sự ăn may.

Tác giả