Antonio Lopez – Bậc thầy hội họa tả thực

“Tranh của tôi không chỉ trình hiện hiện thực, mỗi bức tranh còn được lồng vào một ý nghĩa đặc biệt nào đó – Một loại cảm giác nội tại được sinh ra nhờ sự miêu tả các cảnh tượng”.

Khi nói về tính đương đại trong nghệ thuật, ít người nghĩ đến họa sỹ tả thực Tây Ban Nha, Antonio Lopez Garcia. Vì những gì xuất hiện trong tác phẩm của ông chỉ đơn giản là một “người thân”, một cái tủ lạnh, một hình ảnh nhà tắm, một cảnh phố Madrid hay một góc sân nhỏ,… Nhưng từ những chủ đề gần gũi, và dường như giản đơn ấy Antonio đã tìm được những cảm xúc ẩn sâu trong đó mà không phải ai cũng nhìn thấy được. Đúng như ông từng nói: “Tranh của tôi không chỉ trình hiện hiện thực, mỗi bức tranh còn được lồng vào một ý nghĩa đặc biệt nào đó – Một loại cảm giác nội tại được sinh ra nhờ sự miêu tả các cảnh tượng”.

Antonio Lopez Garcia sinh năm 1936, trong một gia đình nông dân tại một thị trấn nhỏ thuộc thành phố Tomelloso, Tây Ban Nha. Năm 1949, khi mới 14 tuổi, được gia đình khích lệ, cậu bé Antonio một mình lên thủ đô Madrid học hội họa và năm sau đó, Antonio đã thi đậu vào trường Cao đẳng Mỹ thuật San Fernando (tiền thân là Học viện Mỹ thuật Hoàng gia San Fernando, nay là Học viện Mỹ thuật Madrid). Năm 1955, khi Anotonio vừa tốt nghiệp, đã nhận được học bổng của Bộ Giáo dục Tây Ban Nha trong cuộc thi nghệ thuật tạo hình quốc gia lần thứ 3 Tây Ban Nha. Từ 1964-1969, ông dạy học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật San Fernando, sau đó từ chức, để chuyên tâm sáng tác hội họa và điêu khắc. Năm 1993, ông được phong danh hiệu Viện sỹ của Học viện Mỹ thuật Hoàng gia San Fernando, Tây Ban Nha.

Xuất thân trong một gia đình nông dân, hoàn cảnh gia đình dường như đã gieo trong tâm hồn cậu bé Antonio một hạt giống vô hình về thẩm mỹ quan: “học tập đại tự nhiên”. Điều này đã trở thành sự truy cầu nghệ thuật trong suốt sự nghiệp vẽ tranh của Antonio sau này. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Antoni Garcia đã xác lập cho mình một hướng đi riêng trong nghệ thuật: Tả thực. Và ngay sau khi tốt nghiệp đại học, ông cùng với một số người bạn của mình thành lập “Nhóm tả thực Madrid”. Tuy thời gian đầu, phong cách hội họa của ông vẫn còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi phong cách của chủ nghĩa siêu thực vốn đang thịnh hành, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, khi phong cách hội họa của Garcia đạt đến độ chín muồi, thì cũng là lúc chủ nghĩa hiện thực huyền ảo thống trị suốt thập niên 60 của thế kỷ trước bị thay thế bởi phong cách hội họa tả thực. “Trong mắt tôi, thế giới vật chất đã có đầy đủ tính quan trọng của nó”, phát biểu điều này, Garcia đã xác định rằng, phong cách hội họa tả thực ở ông đã được định hình, và nó vẫn đi theo ông cho đến tận hôm nay.
Điều đáng nói là, dù là tả thực, dù lấy cảm hứng từ những sự vật đơn giản, đời thường nhất, thì trước những bức tranh của Garcia người ta vẫn thấy ngồn ngồn chất hiện đại. Chất hiện đại hiện lên không bởi những gì được vẽ trong tranh ông, nó hiện lên bởi cách phối màu, bởi những xử lý và bố cục điêu luyện và nó còn hiện lên cả trong quá trình đầy tâm huyết mà Antonio dành cho những bức tranh của mình.
Trước hết, là những màu sắc mang đầy cảm giác đương đại trong tranh của ông. Hội họa cổ điển phương Tây thường nhấn mạnh sự biểu hiện hòa hợp của màu vàng nâu, sắc thái thường mang tính đơn nhất, trong thời đại của văn minh công nghiệp, hội họa hiện đại thường nhấn mạnh sự kết cấu và đối lập mạnh của các màu cơ bản hồng, vàng, lam. Không giống với hội họa cổ điển truyền thống, cũng không giống với hội họa hiện đại, màu sắc trong tranh của Garcia không có những điểm nhấn lớn, không có những màu sắc quá nóng, nó là một chỉnh thể “bình đạm” và ôn hòa. Garcia đã dùng màu sắc để đem những vật bình thường trong cuộc sống xung quanh ông thăng hoa thành những tác phẩm nghệ thuật đầy hàm ý, khiến chúng trở nên vừa giàu tính hiện thực, vừa vượt qua những giới hạn cụ thể của cảnh tượng, đi được vào chốn sâu thẳm trong tâm linh của người xem.

Trong “Bồn rửa tay và kính” (Washbasin and Mirror, 1967), sự sắp đặt của họa sỹ là ở sự hài hòa chỉnh thể tuyệt vời của gam màu nâu. Khi ánh mắt người xem chú ý vào những vật vừa như quen thuộc lại vừa như xa lạ, vừa chân thực lại vừa như mộng cảnh thì cũng là lúc họ phát hiện ra rằng, Garcia đã phá vỡ quy luật vật lý của thị giác, dùng màu sắc để đưa đến cho người xem một cảnh thần bí mà mọi tâm hồn con người đều có thể cảm nhận được.
 Hiệu quả được tạo ra bởi sự kết hợp giữa tính hư và thực cũng là một đặc điểm mang tính hiện đại nổi bật trong tranh của Garcia. Tranh ông mang phong cách của chủ nghĩa tả thực điển hình. Sự vật không phải hoàn toàn được khắc họa một cách tỉ mẫn, mà ngược lại, không hề có sự phân biệt tuyệt đối giữa hư và thực, trong hư có thực, trong thực có hư. Trước tranh ông, người xem luôn cảm thấy “dị thường” bởi một cảm giác “chưa hoàn kết” và sự “phá hỏng” một cách “vô ý”. Bức “Bữa tối” (The Dinner) được Garcia vẽ trong 9 năm (1971-1980) là một điển hình tiêu biểu cho lối xử lý độc đáo này của ông. Trong bức tranh này, Antonio đã cố ý bố trí để tạo nên sự đối lập mạnh mẽ giữa cảm giác chân thực nơi người xem và sự mơ hồ trong việc trình hiện những đồ ăn trên bàn. Bên cạnh đó, việc Antonio không ngại ngần “phá hỏng” khuôn mặt của người mẹ đã dồn toàn bộ chú ý của người xem vào trung tâm của bức tranh, nơi ánh mắt chăm chú và trầm tĩnh của cô con gái.
Một đặc điểm nữa làm nên tính hiện đại trong tranh của Garcia là sự hằng định của thời gian trong những bức tranh ông. Rất nhiều tác phẩm của Garcia được sửa đi sửa lại, thậm chí là vẽ lại nhiều lần. Có những bức tranh ông vẽ liên tiếp trong mười năm. Garcia có lần nói, khi vẽ tranh ông hoàn toàn không quan tâm đến việc nhanh hay chậm. Điều mà ông quan tâm nhất là không biết mình đã đưa được toàn bộ những thứ mình cần và muốn biểu đạt lên mặt vải hay chưa. Bức “Phía Nam Madrid” (1965-1985) được ông vẽ trong vòng 20 năm, thời gian trôi qua và Madrid thay đổi không ngừng nhưng bức tranh của Garcia thì không hề thay đổi. Những gì hiện lên trong tranh ông dường như đã trở thành một vết hằn trên vải vẽ, nó vẫn là một góc Madrid đã từng tồn tại. Và xem tranh ông người ta tìm thấy một sự giải thích đối với thời đại đó.                                         
    Lê Văn Hiệp (tổng hợp)

Tác giả