Cha – con và chiến tranh

Điện ảnh Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ là một trong những giai đoạn hoàng kim nhất của nghệ thuật thứ bảy nước nhà. Công chúng thường khó hiểu vì sao trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, giữa mưa bom, bão đạn, mà các đạo diễn, đoàn phim vẫn liên tục cho ra đời những tác phẩm đoạt được nhiều giải thưởng tại các Liên hoan phim quốc tế như “Vĩ Tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Thành phố lúc rạng đông”...

Gia đình đạo diễn Hải Ninh – Thanh Vân

Tác giả của những phim kể trên, đạo diễn Hải Ninh, đã bước sang tuổi thất thập. Ông vừa qua khỏi trận ốm mà nhiều người nghi ngại là ung thư K. Nhưng khi gặp, thật mừng thấy ông vẫn cười tươi, sung sướng như trẻ lại, hào hứng kể về chuyện làm phim xưa, mới mấy mươi năm thôi mà chiến tranh đã lùi xa và những người bạn, êkip làm phim của ông ngày ấy nay đã không còn. Đó là nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, họa sĩ Đào Đức – cặp “bài trùng” của ông. Không thể không nhắc đến gương mặt thời đại, nữ diễn viên điện ảnh Trà Giang với vẻ đẹp đặc biệt khó lẫn vào đâu. “Thế mà trong chiến tranh, nhiều lúc tôi còn gặp những nữ dân quân, chiến sĩ cộng sản có vẻ đẹp không thua gì Trà Giang cả. Vẻ đẹp sâu thẳm của họ cứ ngời lên dưới bom đạn, trong căn hầm u tối của địa đạo. Chị Diệu, một con người bằng xương bằng thịt thực sự, bí thư xã Gio Hà – huyện Gio Linh, chỉ huy một đội quân tối tối bơi qua dòng sông vĩ tuyến, lấy vũ khí từ bờ bên kia mang về trang bị cho du kích xã nhà là người đẹp như vậy. Gặp chị thật tình cờ trong chuyến đi chuẩn bị hoàn chỉnh kịch bản và tìm cảnh quay, tôi không ngần ngại gì nữa, chọn chị làm hình mẫu của cô Dịu trong bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày đêm” ngay”.
Với “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, lần đầu tiên điện ảnh VN có một phim truyện nhưạ hai tập. Đây cũng là lần đầu tiên người ta biết đến một thể loại phim sử thi hoành tráng gắn liền cảm xúc thời đại. Cột mốc này đã đánh dấu phong cách của Hải Ninh, dù trước đó, “Một ngày đầu thu” do ông vừa viết kịch bản vừa đạo diễn, Cù Chính Lan trong “Người chiến sĩ trẻ” hay khi đi sâu vào khai thác những ấn tượng của chiến tranh trong “Rừng O Thắm”, ông cũng đã bắt đầu manh nha tìm sự thể hiện ấy. Có thể nói, đạo diễn Hải Ninh là người đã “trường kì” bằng những thước phim suốt các cuộc chiến của quân dân ta . Về chiến tranh chống Pháp, ông có phim “Người chiến sĩ trẻ”. “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội” là biểu tượng của điện ảnh thời chống Mỹ. Với đề tài về chiến tranh phá hoại miền Bắc, ông làm phim “Rừng O Thắm”. “Đất Mẹ” lại là bộ phim về chiến tranh biên giới phía Bắc…Hoà bình, những bộ phim ông đạo diễn lại có dáng dấp của một cuộc chiến khác, vừa là chiến tranh được nhìn qua lăng kính hậu chiến, vừa là cuộc chiến trong lòng người ở một chế độ mới thiết lập và chuyển đổi (“Mối tình đầu”, “Bãi biển đời người”, “Số phận một tình yêu”, “Bên kia bờ vực thẳm”)…


Diễn viên Lâm Tới (vai Trần Sùng) trong phim “Vĩ tuyến 17 Ngày và đêm”

Áp phích phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”  tại LHPQT Nhật Bản

Ngoài ra, ông còn là tác giả bộ phim tư liệu “Thành phố lúc rạng đông” (Giải Bông sen vàng – Bồ câu vàng LHPQT Leipzig 1975). Từng làm phim về một vĩ tuyến chia cắt Bắc – Nam, nên ở bộ phim thống nhất đất nước ngày lịch sử 30.4.1975, thâm tâm đạo diễn Hải Ninh ngầm xem nó như một cái kết của “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”.
“Thời đó, làm phim không nhanh và hiện đại như bây giờ – đạo diễn nhớ lại – tôi và các bạn đồng nghiệp viết kịch bản “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” suốt từ năm 1969 – 1972. Cứ viết xong kịch bản nháp, lại lặn lội vào tận giới tuyến, đọc cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vùng giáp ranh phía Bắc nghe. Họ nghe rồi góp ý. Chúng tôi sửa, lại viết cho đến lúc hoàn chỉnh. Có đêm, chỉ với một ngọn đèn chụp trong lọ Pênixilin vàng ệch, chúng tôi đọc kịch bản cho hơn 100 người dân từ bên kia sông tập kết qua. Họ khóc oà lên, cứ hỏi tại sao chúng tôi không sống ở vùng tạm chiếm, mà lại hiểu được đời sống của họ. Đấy, cảm xúc thế nào thì tôi làm phim như thế. Cho nên, có thể nói, phim chiến tranh thời ấy là cảm xúc trực tiếp, là bom đạn trực tiếp, nó có hơi thở đời sống thực, chiến tranh thực, khác với thứ chiến tranh huy động máy bay xe tăng bọc thép gầm rú bây giờ”…
Tiếp cận chiến tranh ở góc độ tâm lý về sau được con trai ông, đạo diễn Thanh Vân, vốn học Kiến trúc nhưng nhất quyết bỏ ngang, “máu mê” đi theo nghề của cha khai thác triệt để. Sự lôi cuốn của một phong cách đạo diễn nhẩn nha, lặng lẽ nhưng có sức mạnh khiến Thanh Vân được nhìn nhận như “hiện tượng”. Trong thế hệ đạo diễn trẻ, chưa ai có vinh dự hai lần liên tiếp nhận giải thưởng LHP Châu Á Thái Bình Dương và 3 lần đoạt Bông sen vàng LHP trong nước như anh. Không đao to búa lớn, phim của Thanh Vân  dung dị những câu chuyện nhỏ, bối cảnh hẹp. Vân bảo, anh rất thích bộ phim “Cuộc đời tươi đẹp” (phim của đạo diễn người Italy) đã từng đoạt 8 giải Oscar là vì thế. Ám ảnh chiến tranh trong phim của Vân về cái để lại sau cuộc chiến hình như còn đáng sợ, đáng thương hơn cả những mất mát hy sinh trong bom đạn. Với “Đời cát” và “Người đàn bà mộng du”, Thanh Vân đã chứng tỏ sở trường xử lý tâm lý tinh tế, sự giằng co tâm lý trong những mảng miếng tối sáng của chiều sâu nội tâm con người. “Tự nhiên thôi mà anh ấy tìm ra hướng xử lý ấy chứ không phải là cố ý, không phải là gồng mình lên, nhất định phải chọn một cách hoàn toàn khác với bố của anh. Nếu đã gồng mình, chắc chắn, anh cũng chỉ có thể “ăn may” một lần chứ không đi dài từ phim này đến phim khác được” – đạo diễn Nhuệ Giang, người bạn đời của Thanh Vân giải thích thêm.
Một gia đình làm điện ảnh. Bố, (ngay cả bố của đạo diễn Nhuệ Giang cũng là đồng nghiệp cùng thế hệ Hải Ninh- đạo diễn Phạm Khắc Lợi), em gái của Thanh Vân hiện là giảng viên thiết kế mỹ thuật cho phim của Trường Sân khấu-Điện ảnh, nhưng đạo diễn Thanh Vân cho biết gia đình không mấy khi có thời gian trò chuyện sâu về nghệ thuật. Cứ đưa quan niệm của mình ra, thế nào cũng… “cãi” nhau. Vì thế, họ chỉ bàn điện ảnh trên những bộ phim, những cảnh quay cụ thể. Cũng vì ít bàn bạc, nên đôi khi trong những bộ phim của họ, có sự trùng lặp với nhau ở một vài chi tiết hết sức ngẫu nhiên. Chẳng hạn, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” mà Thanh Vân được xem từ lúc còn bé tý, bối cảnh chính là làng cát Gio Linh của chị Dịu. “Đời cát” của Thanh Vân cũng lấy bối cảnh là một làng cát Quảng Trị. Để có được cát trắng theo yêu cầu của đạo diễn “khó tính”, tổ đạo cụ phải mất …2 ngày gánh cát phủ lấp hết cỏ xanh trên một vùng đồi mênh mông. Phim chiếu rồi, anh mới phát hiện ra điều đó. Nhưng những sự trùng lặp chỉ càng làm nổi bật sự khác biệt của hai người mà như đạo diễn Hải Ninh gọi vui: “một bên là phong cách “sử thi dân tộc”, một bên là phong cách “sử thi làng”.
“Ngày trước, xem phim của bố, tôi đã ấn tượng khá nhiều. Bây giờ nhớ lại, đôi khi có những thước phim thấy thích hơn, những cũng có lúc thấy cụ khá “lên gân”. Sự lên gân, tuyên truyền ấy như một đặc điểm chung của thời đại. Thời chúng tôi đã khác. Tôi muốn nói về chiến tranh mà thậm chí không cần phải có sự hiện diện của bom đạn, xe tăng gì cả…”. Nhận xét thẳng thắn ấy của đạo diễn Thanh Vân làm “ông bố” Hải Ninh phải gật gù công nhận. Với hai người, phê bình là một cách học hỏi lẫn nhau, dù bây giờ, nghiệp đạo diễn đã được Hải Ninh đặt vào kì vọng “cha truyền con nối”. May mắn thay, phía sau ông đã có sự kế tiếp thế hệ và những mối dây gắn liền nhau bởi  cùng một thứ “tôn giáo” là nghệ thuật thứ bảy.

Nam Nguyễn
Nguồn tin: Tia sáng

Tác giả