Chúng tôi vẽ làng

Làng Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội nằm dọc theo sông Nhuệ, cách trung tâm Hà Nội chưa tới hai chục cây số, gần thành phố lại gần sông, thuận đủ bề để Cự Đà phát triển hơn nhiều làng khác. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là giai đoạn hưng thịnh nhất của Cự Đà, ngôi làng nhỏ này đã sinh ra một lớp doanh nhân tên Cự, tiêu biểu nhất là nhà máy dệt của gia đình cụ Cự Doanh (phố Hàng Quạt).

Sẵn trên cái nền là một ngôi làng cổ như bất kể một ngôi làng nào ở Bắc Bộ có cổng làng, đường làng, giếng làng, có đình, chùa, đền, miếu; nhà ba gian, năm gian hai chái tiền kẻ hậu bẩy lại thêm dòng sông Nhuệ trên bến dưới thuyền. Khi những doanh nhân giàu có quay về làng, họ xây nhà xây cửa theo những mẫu kiến trúc đang thịnh hành thời đó là kiển trúc thuộc địa (hoặc còn gọi là kiến trúc Đông Dương), một phong cách kiển trúc giống như cuộc gặp gỡ của Đông và Tây. Thế là Cự Đà vừa là làng, vừa là phố trong làng, những biệt thự lần đầu được nằm cạnh nhà cổ truyền Bắc Bộ, cạnh lũy tre xanh. Đẹp và duyên dáng. Người làng Cự Đà chịu thương, chịu khó, “ông trời” ban thêm cho họ ngoài thế đất đẹp là nghề làm miến và tương. Miến và tương Cự Đà đã là thương hiệu. Đường làng ngõ xóm đầy phên phơi miến, những sân gạch kín chum tương to nhỏ xếp hàng, nong nia, gồng gánh, mua bán, nói cười, chợ phiên ngày lẻ…


Tranh của họa sỹ Ngô Bình Nhi

Trải qua những dâu bể, bể dâu, Cự Đà nay đã khác xưa nhiều, cơn bão đô thị hóa quét qua đã làm Cự Đà sứt mẻ, rơi rụng, 10 phần nay chỉ còn non nửa. Nhiều nhà cổ bị phá, phong trào bê tông hóa, nhôm nhựa hóa, mái tôn hóa xanh đỏ, kệch cỡm. Tất nhiên lỗi đâu chỉ tại người dân. Nhu cầu của đời sống hôm nay khác trước nhiều, họ cũng cần chỗ ở khang trang, rộng rãi, rồi còn lấy vợ, gả chồng, sinh con đẻ cái. Các cấp chính quyền thì thừa “nhiệt tình năng nổ” cấp đất cho các ông bà chủ để làm khu Công nghiệp và đô thị, người dân thì hồ hời nhận tiền đền bù và đương nhiên khi có tiền thì một số người không thể giữ nguyên nhà cổ nữa, phá đi (cho dù đau đớn) xây nhà mới.


Tranh của họa sỹ Nguyễn Quốc Thái

Để giữ gìn di sản thì không thể dựa vào tấm lòng của người dân, cốt lõi phải là luật pháp, cơ chế chính sách của người cầm quyền. Cự Đà, Đường Lâm, Cựu… là những bài học cay đắng cho vấn đề không cân bằng được giữa phát triển và bảo tồn.

Lần đầu tiên có một triển lãm vẽ về làng, trưng bày ở làng, mời dân làng đến xem. Khoảng 30 tác phẩm với nhiều chất liệu khác nhau gắn trên những tấm phên phơi miến sắp đặt trong không gian một ngôi nhà cổ ba gian hai chái, cùng với những cái bàn bày tương và miến đặc sản Cự Đà.

Những tác phẩm hội họa này không chỉ còn là những bức tranh phong cảnh đèm đẹp chung chung, nó đã cất lên một tiếng nói khác, nói bằng hội họa cũng là nói,  nó đã tham gia vào một câu chuyện của xã hội, câu chuyện gìn giữ bảo tồn di sản.

4.2016

Triển lãm hội họa về làng Cự Đà khai mạc vào lúc 15h ngày 29/4/2016 tại nhà của họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng, số 230 xóm Ba Gang, thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Triển lãm có 14 họa sỹ tham gia: Nguyễn Quốc Thái, Tào Linh, Nguyễn Hồng Phương, Trần Gia Tùng, Phạm Trần Quân, Lê Thiết Cương, Nhi Bình, Quốc Thắng, Phạm Minh Đức, Nguyễn Minh Hiếu, Nguyễn Anh Minh, Lê Hiệp, Đặng Hữu.

Tác giả