Đọc Xứ Đông Dương

Paul Doumer là một chính khách người Pháp, sinh năm 1857. Ông làm Toàn quyền Đông Dương từ 1897-1902. Sau ông làm Tổng thống Pháp từ 1931-1932. Ông bị một phần tử quá khích người Nga ám sát năm 1932. Cuốn hồi ký "Xứ Đông Dương" là cuốn sách viết riêng về giai đoạn ông ở Đông Dương.

Là con của một công nhân đường sắt, Paul có một tuổi thơ vất vả, 12 tuổi đã phải tự mình kiếm sống bằng nghề thợ khắc. Nhưng ông là một người rất có nghị lực và ý chí học tập. Năm 20 tuổi, ông đỗ cử nhân toán rồi sau đó đỗ cử nhân luật và trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính. Ông tham gia Đảng Cấp tiến và từ nhà báo trở thành nghị sĩ của Đảng Cấp tiến. Ông cũng có mối quan hệ rộng với các tập đoàn tài chính, công nghiệp lớn của Pháp.

Năm 1895, ông là Bộ trưởng Tài chính Pháp. Năm 1897, sau khi Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau bị bệnh chết ở thuộc địa, Chính phủ Pháp cử Paul Doumer sang tiếp tục công việc của Armand. Từ đấy, Đông Dương chuyển sang một bước ngoặt lớn.

Paul là một Toàn quyền vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn. Ông ép triều đình nhà Nguyễn phải đóng cửa Nha Kinh lược sứ để tập trung quyền lực vào tay Toàn quyền. Ông muốn Bắc Kỳ và Trung Kỳ phải chuyển sang chế độ trực trị chứ không phải chế độ bảo hộ. Ông dứt khoát chia Đông Dương ra làm năm xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao và Cao Miên – với chiến lược chia để trị.

Dưới thời Doumer, hạ tầng cơ sở của Đông Dương được xây dựng, kiến thiết ào ạt. Ông muốn biến Đông Dương thành thị trường tiêu thụ của công nghiệp Pháp, đồng thời muốn khai thác triệt để tài nguyên từ Đông Dương. Muốn thế phải có bến cảng, đường xá, cầu cống… Chính trong thời gian này, cầu Doumer – sau này đổi tên thành cầu Long Biên, được xây dựng. Cây cầu này được coi là một kỳ quan của Đông Dương thời ấy. Cũng thời gian này Doumer còn cho xây dựng cầu Thành Thái (tức cầu Tràng Tiền) bắc qua sông Hương ở Huế và cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn. Ông xây dựng cảng Hải Phòng, thiết kế xây dựng đường sắt Đông Dương nối với Vân Nam. Tuyến đường sắt này mãi đến 1937 mới hoàn thành. Ông nhiệt tình với việc xây dựng đến nỗi báo chí Pháp mỉa mai ông là người theo chủ nghĩa đường sắt.

Ông cũng chính là người đã ủng hộ và hậu thuẫn công việc nghiên cứu của Yersin, đồng ý xây dựng thành phố Đà Lạt và đưa cây cao su vào trồng, hình thành nên những đồn điền cao su tạo hàng hóa xuất khẩu. Dưới thời cai trị của Paul Doumer, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên có điện.

Công bằng mà nói, ông đã làm được rất nhiều việc cho xứ Đông Dương. Ông là một nhà cai trị, một nhà kinh tế giỏi, nhưng trước hết ông là một người yêu nước chân chính. Ông yêu nước Pháp – Tổ quốc ông với tình yêu nước nồng nàn. Trong Thế chiến thứ nhất, ông có năm con thì bốn người gia nhập quân đội và hy sinh cho Tổ quốc. Với lòng yêu nước nhiệt thành ấy, khi làm Toàn quyền Đông Dương, ông muốn lá cờ tam tài của nước Pháp phải được bay cao ở châu Á, làm rạng danh cho đất nước. Do vậy, ông muốn Đông Dương thuộc địa của Pháp phải được phồn vinh – phồn vinh để phục vụ nước Pháp. Ông muốn Đông Dương phát triển – phát triển để trở thành thị trường cho nền công nghiệp Pháp. Ông biết công cuộc chinh phục đã xong và bây giờ là lúc phải khai thác thuộc địa. Muốn khai thác hiệu quả thì phải hiện đại hóa xứ Đông Dương, biến nó thành mảnh đất thực sự của người Pháp. Để làm thế thì phải trực trị, không cho An Nam thống nhất, mà chia thành ba phần tách khỏi nhau. Để thực hiện được mưu đồ ấy, thực hiện kế hoạch ấy thì phải có tiền, tức là phải khai thác, bóc lột thuộc địa và người dân phải đóng góp, phải chịu sưu cao thuế nặng.

Paul Doumer là một tay thực dân chính cống, ông hành động hoàn toàn vì lợi ích của nước Pháp. Nhưng ông là một nhà kinh tế có tài và có tầm nhìn. Chính do vậy, người Pháp có lợi nhưng xứ thuộc địa cũng được hiện đại hóa, Tây phương hóa. Một đất nước theo kiểu Tây phương được công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa đã manh nha hình thành.

***
Những cuốn sách viết về lịch sử Việt Nam của người Trung Quốc, người Pháp, người Mỹ… xưa nay không ít. Lẽ dĩ nhiên, là sách của đối phương nên cách nhìn bao giờ cũng đối nghịch với quan điểm của chúng ta. Tuy nhiên, nếu biết so sánh đối chiếu, nếu phê phán có chọn lọc thì đó sẽ là một nguồn tài liệu đáng quý, giúp ta nhìn nhận sự việc được khách quan hơn. Viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các nhà sử học của Việt Nam cũng từng sử dụng những nguồn tư liệu của phương Tây khá hiệu quả. Cụ Hoàng Xuân Hãn lúc viết cuốn Lý Thường Kiệt cũng dùng khá nhiều tài liệu của Trung Quốc. Do vậy, cuốn Xứ Đông Dương của Paul Doumer đối với chúng ta là một tài liệu tham khảo rất đáng quý.

Thời điểm Pháp xâm chiếm nước ta, những cuốn sách của các tướng lĩnh Pháp là một nguồn tài liệu tham khảo về quân sự. Riêng cuốn Xứ Đông Dương, theo tôi, còn quý hơn vì nó là một cuốn sách có thể nói là hiếm hoi, của người Pháp viết về thời kỳ xây dựng thuộc địa, thời kỳ kinh tế thuộc địa.

Nói chung, cuốn hồi ký có ích rất nhiều cho những nhà sử học, dân tộc học, Việt Nam học, nghiên cứu văn học… nhất là những ai quan tâm tới giai đoạn người Pháp bắt đầu xây dựng Đông Dương để khai thác thuộc địa.

Vì là một cuốn hồi ký nên cuốn sách khá hấp dẫn. Tôi đã đọc nó, say mê như đọc một cuốn tiểu thuyết. Tác giả, với lối hành văn đẹp đẽ giàu hình ảnh, đã khắc họa khá chân thực và sinh động chân dung của vua Thành Thái, vua Norodom, tổng đốc Trần Bá Lộc… cũng như giúp cho độc giả dễ dàng hình dung bối cảnh Đông Dương ngày ấy, địa hình, khí hậu, sản vật và con người.

Nhận xét, từ những năm đầu thế kỷ XX, của vị toàn quyền Đông Dương về người Việt, rằng: Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh…. Người An Nam thông minh, cần cù và dũng cảm” … cũng đồng quan điểm với rất nhiều nhận định của thế giới sau này khi đánh giá về năng lực, khả năng học hỏi, lòng quả cảm của người Việt. Chắc chắn nó có phần nào sự vô tư trong đó.
 

Tác giả