Giải mã cuộc chinh phục Miền đất hứa

Miền đất hứa do những người Do Thái thực hiện chỉ là một câu chuyện hoang đường: các nhà khảo cổ học đã tìm được bằng chứng cho khẳng định này. Hơn thế nữa, những phát hiện của họ còn cho phép đưa ra một cách giải thích mới cho các tích truyện trong Kinh thánh thuật lại cuộc chinh phục này

Những nghi ngờ đầu tiên
Trong tất cả các sự kiện mà Kinh thánh thuật lại thì cuộc chinh phục Miền đất hứa trong cuốn kinh Josué gây nhiều chú ý nhất cho các nhà khảo cổ học. Mối quan tâm của họ rất dễ hiểu: những truyện kể trong Kinh thánh thường rất cụ thể, và phần lớn các thành phố bị chinh phục và phá hủy đều có thể xác định được trên thực địa. Chắc chắn các thành phố này sau khi bị tàn phá đã để lại các dấu vết có thể định vị được.Và như vậy về nguyên tắc, các nhà khảo cổ vừa có thể tìm được phương tiện để minh họa Kinh thánh và kiểm tra tính xác thực của chúng, tạo ra một “mẫu hình” định hướng các nghiên cứu và diễn giải các phát hiện khảo cổ.
Một câu hỏi ngay lập tức được đặt ra: cuộc chinh phục Miền đất hứa nằm ở khúc nào trong dòng thời gian dài của khảo cổ học Palestine? Con số 1446 năm trước Công nguyên được tính toán dựa vào Kinh thánh là không thể chấp nhận được. Sự thống trị của người Ai Cập vào thời kỳ này đã ổn định trên vùng đất Canaan. Trong khi đó đã xảy ra một sự ngắt quãng lớn, đánh dấu sự quá độ giữa thời kỳ đồ đồng và thời kỳ đồ sắt, vào khoảng năm 1250 trước CN. Các phát hiện khảo cổ học đầu tiên có vẻ chứng tỏ rằng rất nhiều thành phố đã bị phá hủy vào thời kỳ này và chúng xảy ra gần như đồng thời. Như vậy, hoàn toàn tự nhiên khi các nhà khảo cổ học nửa đầu thế kỷ XX thống nhất rằng cuộc chinh phục bắt đầu từ nơi đây.
Nhưng với sự tiến bộ trong nghiên cứu, người ta đã không thể lớn tiếng khẳng định và rất nhiều kết luận trái ngược nhau. Khi thì “các thành phố bị phá hủy” không tồn tại vào thời kỳ này, khi thì chúng không chịu bất kỳ tổn thất nào, khi thì các thành phố bị phá hủy trong một khoảng thời gian tương ứng với nhiều thế hệ. Đấy là còn chưa nói đến rất nhiều các sai lạc về thời gian, những mâu thuẫn tích tụ, thể hiện ở chỗ tính lịch sử của truyền thuyết kinh thánh đã trở thành một thứ không thể phản bác.
Phải chăng có nghĩa là tất cả mọi thứ được kể lại trong Kinh thánh đều sai lệch và hoàn toàn không có cơ sở lịch sử ? Một số nhà nghiên cứu nghĩ như vậy.
Rất nhiều các công trình khảo cổ học trong vùng khẳng định rằng từ năm 1250 đến 1100 trước CN, Palestine đã trải qua các biến động lớn. Đời sống đô thị bị suy sụp. Nhiều làng nông nghiệp nhỏ, mỗi làng vài gia đình, được hình thành, và dân số trong các vùng miền núi tăng lên. Sự phong phú vật chất bị giảm đi rõ rệt, mà sự biến mất của kiến trúc lớn và các tác phẩm nghệ thuật, sự trì trệ của thương mại “quốc tế” và sự thụt lùi của nghề thủ công là bằng chứng. Nhìn một cách tổng quát, xã hội đã ít phân chia đẳng cấp hơn so với thời kỳ trước.

Đi tìm câu lý giải
Những thay đổi sâu sắc này gắn liền với sự tràn vào của các nhóm dân cư mới, như những người Philistins, sinh sống lâu dài tại phía Nam ven biển. Tại các vùng đồi núi là người Canaan bản địa và những cư dân đô thị bị “nông thôn hóa”, và những người chăn nuôi gia súc sống bán cư. Trong số họ có những tổ tiên trực tiếp của người Do Thái đã được nhắc đến trong Kinh Tân ước và trong các nguồn khác ngoài Kinh thánh: họ sinh cơ lập nghiệp trên các vùng đất mà Kinh thánh cho là có người Do Thái sinh sống, tổ chức kinh tế và xã hội của họ gợi đến tổ chức của thời kỳ những người Juges, và họ là những người khởi xướng một nền văn minh vật chất mới.
Bức tranh vừa được dệt với những nét chính gợi đến một bối cảnh rất gần gũi với các nhà sử học bởi người ta thấy nó ở các giai đoạn khác nhau ở rất nhiều nơi trên thế giới: đó là bối cảnh mà người ta thường gọi là sự sụp đổ. Ví dụ rõ ràng nhất là sự sụp đổ của Đế chế La Mã, sự cáo chung của Vương quốc Mycen, sự suy tàn của nền văn minh Indus, hay sự biến mất của những người Maya. Nhưng ở đây có một khác biệt, đó không phải là sự suy tàn của một nền văn minh dưới những đòn tấn công của những kẻ xâm chiếm, mà là một sự sụp đổ có hệ thống. Các trao đổi thương mại, hành chính và chính trị sụp đổ kế tiếp nhau, gây ra một sự suy sụp kinh tế, mất ổn định chính trị và rạn vỡ xã hội.
Các cuộc khủng hoảng này thường gồm ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên được đánh dấu bằng sự suy sụp nhanh chóng các tổ chức chính trị và hành chính; nhân tài lụi tàn; nền kinh tế tập trung bị phá vỡ; nơi sinh sống thay đổi và mật độ dân định cư thành thị giảm mạnh và các nhóm dân cư từ nơi khác tràn vào.
Giai đoạn tiếp sau tương ứng với thời kỳ sụp đổ, một “thời kỳ ảm đạm”. Sự gắn kết chính trị, kinh tế và xã hội bị phá vỡ, xã hội quay ngược trở lại vài thế kỷ và nhiều phương thức sống cũ được phục hồi.
Giai đoạn thứ ba là giai đoạn phục hồi, được đánh dấu bằng sự tái xuất hiện một quyền lực chính trị thống nhất dựa trên sự khẳng định các mối quan hệ dòng tộc nổi tiếng hay anh hùng trong quá khứ. Các tinh hoa xã hội xuất hiện trở lại, nghề thủ công và thương mại “quốc tế” khởi sắc. Phần lớn các công trình được lập ra thời kỳ trước đều bị bỏ rơi, và các thành phố được lập mới hoặc lập lại.
Palestine không phải là vùng đất duy nhất trải qua một quá trình như thế: sự quá độ giữa các thời kỳ đồ đồng mới và đồ sắt cũng diễn ra tương tự trong toàn bộ lưu vực phía Đông của Địa Trung Hải và trong các vùng đất trải dài từ Balkan cho tới tận Iran. Khủng hoảng này, trong một chừng mực nào đó, là sự lặp lại các hiện tượng vốn đã xảy ra trước đó trong vùng. Điều này đã được các nghiên cứu khảo cố học trong hai thập niên qua khẳng định. Trong thời kỳ sơ sử và cổ đại, người ta đã nhận ra ít nhất hai cuộc khủng hoảng loại này. Cuộc khủng hoảng đầu tiên đã diễn ra vào khoảng cuối thiên niên kỷ VII trước CN, vào thời kỳ gọi là Đá mới tiền gốm; Palestine sau đó gần như không có người sinh sống trong gần một thiên niên kỷ. Trong cuộc khủng hoảng thứ hai, xảy ra vào cuối thời kỳ đầu đô thị hóa của thiên niên kỷ III, vào khoảng năm 2250 trước CN, tất cả các thành phố và làng mạc, tức khoảng ít nhất từ hai đến ba trăm làng đã bị bỏ rơi vĩnh viễn ít nhất trong một thế kỷ.
Giai đoạn suy sụp tiếp sau các cuộc khủng hoảng này là quá trình “nông thôn hóa” nhanh chóng những người thành thị, “du mục hóa” những người nông dân định cư trong khi đó những người sống bằng chăn thả gia súc lại sống định cư. Quá trình này trở nên rõ ràng vào cuối thiên niên kỷ thứ III: người ta chỉ còn thấy ở Palestine các ngôi làng nhỏ tập trung những người nông dân-du mục và những lều trại theo mùa vụ của những người mục đồng bán cư, đánh dấu sự quay trở lại một phương thức sống kết hợp nông nghiệp với chăn thả gia súc đã từng chiếm ưu thế trong vùng núi một thiên niên kỷ trước, nghĩa là ngay trước thời kỳ thành thị hóa đầu tiên.
Sau “thời kỳ ảm đạm” này là giai đoạn khôi phục lại nền văn minh được đánh dấu bằng sự dịch chuyển của nền văn hóa vật chất và nơi sinh sống: sự xuất hiện trở lại của các ngôi làng vào thiên niên kỷ thứ V trước CN; đô thị hóa vào thế kỷ XXXI trước CN; tái đô thị hóa vào thế kỷ XX, và tiếp tục một lần nữa kể vào thế kỷ X. Các nhà khảo cổ học đã quan sát được sự xuất hiện các thành phần dân tộc mới: những người Canaan vào thế kỷ XX và người Do Thái vào khoảng thế kỷ X trước CN.
Sau mỗi một trong các thời kỳ khủng hoảng này, nền văn minh lại trải qua một giai đoạn mới tăng trưởng và ổn định kéo dài nhiều thế kỷ. Thật vậy trong thiên niên kỷ III, người ta đã được chứng kiến sự nở rộ đô thị đầu tiên. Nửa sau của thiên niên kỷ II tương ứng với thời kỳ vàng son của văn minh Canaan. Thế kỷ X và IX chứng kiến sự nổi lên của chế độ quân chủ Do Thái.
Các cuộc khủng hoảng này không phải là các hiện tượng có tính chu kỳ vì chúng không xảy ra theo các khoảng thời gian đều đặn. Đó là các hiện tượng tuần hoàn, xuất hiện mỗi khi hội đủ các điều kiện đồng nhất gây ra các hậu quả tương tự. Hiểu các nguyên nhân này là một thách thức lớn đối với nghiên cứu khảo cổ. Tùy theo các thời kỳ và theo các tỷ lệ biến thiên mà chúng bao gồm các nhân tố bên ngoài và bên trong. Các nhân tố bên ngoài có thể là khí hậu (có thể cuối thiên niên kỷ III) hay dân tộc (với sự tràn vào của những người Philistin cuối thời kỳ đồ đồng).
Các nhân tố bên trong trước hết là các mối quan hệ được thiết lập giữa những người sống định cư và du cư. Trong các xã hội phương Đông, và đặc biệt trong xã hội Palestine, tất cả các hoàn cảnh kinh tế-xã hội tồn tại song song, từ đời sống du cư tuyệt đối cho tới cuộc sống định cư hoàn toàn. Vậy mà quan sát dân tộc học và các dữ liệu sử học lại chứng tỏ rằng các phương thức sống là có thể thay đổi được: sau nhiều thế kỷ, những người di cư có thể trở thành những người định cư, và ngược lại.
Trong thời phục hồi mạnh mẽ, sự phân cực xã hội rất rõ ràng: các phương thức sống trở nên ngày càng khác nhau, tính bổ trợ kinh tế và các đối lập văn hóa và tư tưởng giữa những người sống định cư và di cư rõ ràng hơn. Ngược lại, trong các “thời kỳ ảm đạm”, những người nông dân và người du mục sống tự cung tự cấp, giữa họ không có nhiều khác biệt. Các đối lập giữa hai nhóm bị mờ nhạt đi nhiều vì phương thức sống nông nghiệp kết hợp du mục trở nên phổ biến trong một xã hội phân tầng yếu. Chính sự luân phiên các thời kỳ tan rã và phục hồi đô thị đã làm đảo lộn sâu sắc xã hội và giải thích sự kế tiếp của các khủng hoảng hệ thống.

Kết luận cuối cùng
Các nghiên cứu khảo cổ học mới đây đã làm cho cuộc chinh phục Miền đất hứa trong Kinh thánh mất đi tính thiêng liêng và chỉ còn là tiếng vọng xa xôi của một hiện tượng lịch sử quy mô lớn ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực duyên hải phía Đông của Địa Trung Hải và Trung Đông. Giờ đây các nhà khoa học đã có thể tái tạo các câu chuyện kể trong Kinh thánh bằng một quá trình khủng hoảng văn minh. Cuộc chinh phục, do một người tên là Josué huyền bí nào đó thực hiện, tương ứng với giai đoạn suy sụp thảm hại, phá vỡ nền văn minh Canaan cũ và góp phần thiết lập một trật tự mới. Còn về những câu chuyện liên quan đến sự lên ngôi của nền quân chủ, mà người ta có thể gọi là “Do Thái” tương ứng với giai đoạn thứ ba, được đánh dấu bằng sự thiết lập một quyền lực chính trị tập trung.
Như vậy câu chuyện được xây dựng từ một nền móng lịch sử, nhưng cái nền này đã được viết đi viết lại nhiều lần trong suốt nhiều thế kỷ, và cuối cùng trở thành một dạng truyện truyền miệng Do Thái, một câu chuyện li kỳ và hoang đường được dùng để giải thích nguồn gốc của một dân tộc và mối quan hệ độc nhất của dân tộc này với Chúa của mình

Ngô Vũ 
Nguồn tin: La Recherche No 391 – 12.2005

Tác giả