Henry Buttner

Khác với các nhân vật cao lớn lênh khênh trong tranh của mình, Henry Buttner là một người nhỏ nhắn, ít lời, thậm chí hơi bẽn lẽn. Ông sinh ra tại ngôi làng nhỏ ở phía Nam Đức và hiện vẫn sống ở đó, một “ông tỉnh lẻ” như người ta đùa.

Nhưng chính “ông tỉnh lẻ” này đã lập một kỷ lục mà các họa sĩ biếm họa Đức đều ước mơ: đã có 30.000 tranh được in kể từ bức đầu tiên được đăng trên một tờ tạp chí hàng tuần vào những năm đầu của thập kỷ 50. Chưa hết! Hàng ngàn tranh chưa in của ông được cất kỹ trong một chiếc va li sắt phòng lỡ bề có hỏa hoạn thì kịp sơ tán, như ông tâm sự. Hiện tại, ông vẽ đều đặn ngày 5 tranh, trong đó 3 tranh được in.
H. Buttner vẽ chủ yếu bằng bút sắt, nét rất mảnh, đầy đường thẳng và các góc sắc cạnh, nghiêm khắc. Nhưng trái với bút pháp, ông có cái nhìn đầy cảm thông, độ lượng với người đời và môi trường sống. Bởi thế, ý tranh của ông đơn giản, nhẹ nhàng, dễ hiểu. Sự tinh tế trong quan sát, thể hiện thông qua các nhân vật to cao quá cỡ trông lại ngây ngô với những ý tranh rất bất ngờ, rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày gây được cái dí dỏm riêng, làm hàng triệu người mê say. Tranh ông thể hiện điều ông hằng mong: “ Hãy sống vui vẻ với nhau, vì chúng ta đang sống trong một thế giới có chỗ cho sự vui vẻ”.

Ngạn ngữ có câu: “Chúng ta ngồi chung trong một con thuyền”. Qua một tranh 4 hình, H. Buttner cho ta thấy tính ích kỷ cố hữu của con người không có giới hạn về không gian và thời gian, dân tộc, màu da. Phải chăng ở ngay cái nước Đức giàu có vào loại bậc nhất thế giới, một xã hội phát triển cao, thì cái ích kỷ, nhỏ nhen của con người và chuyện con gà hàng xóm vốn là nguyên nhân cho bao vụ tranh chấp, xung đột đôi khi đầy bi kịch lại khác đi? Một ông đang xới đất ở vườn nhà mình, con gà hàng xóm chui qua một cái lỗ thủng ở rào, sang vườn ông, vớ được con giun và hớt hải chạy về. Thế là ông liền dừng tay, ném cho “kẻ ăn cắp” một cái nhìn nảy lửa và bằng một quyết tâm cao độ, ông bám vào cái rào cũ không quản hiểm nguy đu cả tấm thân đồ sộ đặc biệt là phần dưới qua hàng rào rượt theo. Và ông lại vượt rào trở về, hân hoan, đắc thắng, nét mặt đầy mãn nguyện với con giun của vườn nhà mình trong tay.
Còn cảnh tranh giành nhau. Người ta có thể cùng nhau chung lưng đấu cật xây dựng một xã hội mới, đạt được một mức sống rất cao, có tiền để trang bị máy ảnh cẩn thận đi từ Châu Âu sang tận Ai Cập xem Kim Tự Tháp. Ấy thế mà ở cả cái nơi sa mạc mênh mông vắng vẻ đó chỉ có hai con người, hai gã đàn ông với nhau, tưởng sẽ có thì giờ ung dung chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc kỳ vĩ được coi là kỳ quan thế giới đó, thì lại hầm hè huých vai nhau quyết liệt như thể một mất một còn để tranh cái chỗ chụp ảnh! H. Buttner khái quát hóa một cách thần tình cái sự đời khốn khổ, cứ hớt hải tranh giành nhau mà nhiều khi chả biết tại sao và để làm gì!
 

Nhưng thế giới tranh chủ yếu của H. Buttner là thế giới của hàng chục ngàn tình huống bất ngờ, oái ăm, đã có, sẽ có, phi lý và hợp lý… Ở ngay ta, ở đâu đây quanh ta: Một ông chồng thẳng người, ưỡn ngực giơ hai ngón tay làm hiệu chữ V (chữ cái đầu của từ Victory: chiến thắng) cho ông bạn già láng giềng trong một trận giao phong cá ngựa với bà vợ mặt đang chảy dài vì thua. Hay cảnh bà vợ canh chặt cô gái làm mẫu đứng khuất ở góc tường cốt không để cho ông chồng họa sĩ thấy. Ông chỉ được vẽ cô theo sự diễn tả của bà… Cái dáng uyển chuyển kiều diễm của cô trở thành cứng queo, cái mũi dọc dừa của cô trở thành dài quá cỡ mà nhọn hoắt. Còn bộ ngực thanh xuân đầy sức sống của cô thì bà quên. Đến đoạn cái rốn, hoạ sĩ quen làm một cái chấm thì bà đặc tả dài tới cả hàng phân đến nỗi cô gái phát hoảng. Hoặc cảnh một bà vợ mập ú đi ăn tiệm với anh chồng gầy. Quá chén, chẳng may lưng áo của bà rách ra. Chúng ta thử nghĩ trong trường hợp ấy mình sẽ xử sự ra sao? H. Buttner giải quyết rất gọn nhẹ, rất tình: Bà vợ cõng phắt anh chồng gầy lên lưng rảo bước về nhà. Thế mới biết những anh chồng gầy có vợ béo đôi khi được hưởng những diễm phúc lớn lao thật bất ngờ.
Henry Buttner hiện là cộng tác viên của tạp chí châm biếm Eulenspiegel được yêu thích hàng đầu ở Đức.

P.V

Tác giả