Kỷ niệm 150 năm ngày mất của Nguyễn Công Trứ: CÒN NHIỀU ĐIỀU VỠ LẼ VỀ ÔNG ĐANG CHỜ PHÍA TRƯỚC…

Nguyễn Công Trứ đã được thừa nhận và tôn vinh một cách thật xứng đáng, đó không có nghĩa là việc triển khai hệ vấn đề nghiên cứu về ông đã có thể tạm dừng. Ngược lại, tôi tin rằng chúng ta đang hiện diện trên một lý trình nơi biển báo giao thông hướng ta đến nhiều ngả đường mới mẻ.

Những kết quả nghiên cứu về Nguyễn Công Trứ cho đến nay

Chính sử:

Nguồn tài liệu, thư tịch có giá trị quan trọng bậc nhất  về Nguyễn Công Trứ từ nhiều góc độ quan sát và đánh giá  (dung lượng, tính hệ thống và độ tin cậy) là các bộ chính sử của triều Nguyễn.

Trong bộ sử quan trọng nhất của vương triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tên tuổi của Nguyễn Công Trứ bắt đầu được ghi chép từ sự kiện dâng Thái bình thập sách cho Gia Long (1802), bẵng đi 19 năm, sau đó dồn dập xuất hiện. Theo thống kê của chúng tôi, danh tính của Nguyễn Công Trứ xuất hiện trong bộ sử này ở 329 vị trí, tần số thuộc hàng cao nhất trong các triều thần dưới các triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị. Điều khá đặc biệt là vào thời điểm Tự Đức năm đầu, ông đã được vua chuẩn cho cáo lão về hưu, nếu theo thông lệ thì sử quan chỉ còn chép về cái chết của các vị nguyên lão đại thần nữa là hết, nhưng tên ông thì vẫn còn được chép tiếp khá nhiều (cả một đoạn dài trong Đại Nam liệt truyện) với nhiều những biến cố đặc thù “hậu hưu trí”. Rất ít người, nếu không phải là không có ai, được Thực lục (chứ không nói Liệt truyện) chép kỹ đến như ông, chép chi tiết đến từng bản tấu sớ, biểu chương, đến cả những chuyện sinh hoạt! Trừ các vị vua, còn thì tất cả các nhân vật lịch sử được Đại Nam thực lục điểm danh nhiều nhất đều là các đại thần, làm quan tại triều lâu ngày, và cũng đảm nhiệm lâu dài những cương vị cơ mật, trọng yếu bậc nhất của bộ máy. Nguyễn Công Trứ là trường hợp ngoại lệ : ông chỉ được trao chức Thượng thư ( Bộ Binh) trong có 4 năm, mà 4 năm ấy ông lại đảm nhiệm chức phận Tổng đốc Hải Yên (hàm ngang thuợng thư, nhưng việc chính lại giữ cương vị tỉnh thần) là chủ yếu.

Ngoài Đại Nam thực lục, nguồn tư liệu về Nguyễn Công Trứ còn được tìm thấy trong các bộ sử hoặc thư tịch mang tính lịch sử khác như Đại Nam liệt truyện (chính biên), Minh Mệnh chính yếu, Bắc kỳ tiểu phỉ, Gia phả của dòng họ, Quốc triều hương khoa lục, các tài liệu địa chí (tỉnh chí, huyện chí) của các địa phương mà Nguyễn Công Trứ từng sống hoặc trị nhậm.

Trước tác của Nguyễn Công Trứ:

Về những trước tác đích thực của Nguyễn Công Trứ, gọi chung là thơ văn, người nghiên cứu ngày nay có thể tìm thấy và sử dụng qua các công trình khảo cứu  sớm nhất là của học giả Lê Thước, sau đó là của Lê Thước – Hoàng Ngọc Phách – Trương Chính, và văn bản mang tính kết tập cao nhất là của Trương Chính vào lần xuất bản Thơ văn Nguyễn Công Trứ năm 1983 (Nxb Văn học). Đương nhiên, tại các kho tư liệu Hán Nôm ở nhiều địa chỉ khác nhau, cho tới nay vẫn còn có thể khai thác phát hiện thêm những sáng tác khác của ông, và đối với những sáng tác đã được sưu tầm và xuất bản, thậm chí đối với một số tác phẩm đã trở nên rất quen thuộc, vẫn còn có thể đưa ra những khảo dị , “”đính ngoa” mới.

Theo nhận định của PGS Phan Văn Các (1996), dù cuốn “Sự nghiệpvà thơ văn của Yu Viễn tướng Công Nguyễn Công Trứ”(1928) của giáo sư Lê Thước là cuốn sách nền đáng quý, thì “vẫn thiếu hẳn phần nghiên cứu văn bản học  mà ngày nay ai cũng biết là không thể thiếu được, nhất là đối với giới học thuật nước ngoài”. Với tư cách là người phụ trách Viện Hán Nôm nhiều năm, ông cho rằng “Thật ra  khó hy vọng tìm thấy thủ bút của tác giả”. Từ năm 1996, Phan Văn Các đã bước đầu công bố thêm một số nguồn tư liệu, chủ yếu từ lưu trữ của viện Hán Nôm. Theo đó, phần lớn những tư liệu liên quan tới Nguyễn Công Trứ (có những lời khẳng định là tác phẩm của ông nhưng chưa được giới văn bản học thẩm định kỹ ) là những tài liệu viết về ca trù nói chung, hát nói nói riêng, như Ca điệu lược ký, Ca trù, Ca trù các điệu, Ca trù thể cách, đặc biệt là các tác phẩm có dung lượng khá lớn là Đại Nam quốc âm ca khúcQuốc âm thi sao. Ngoài ra, cũng theo Phan Văn Các và cả Vũ Ngọc Khánh, có những tài liệu ghi chép việc Nguyễn Công Trứ sáng tác tuồng hoặc viết thêm vào các vở tuồng một số bài thơ của mình. Từ trước tới nay, tuy Nguyễn Công Trứ đỗ tận Giải nguyên trường Nghệ (vào thời điểm triều đình chưa khôi phục lại kỳ thi đại khoa), lại từng do “có khoa bảng xuất sắc” mà được bổ nhiệm làm Quốc tử giám Tư nghiệp, nhưng về thơ chữ Hán, ông chắc chắn được khẳng định là tác giả của chỉ một bài, đó là bài thơ tự thọ năm ông 70 tuổi. Trong Đại Nam quốc âm ca khúc chép tới 5 bài thơ thất ngôn bát cú chữ Hán, được khẳng định là của ông, cuối mỗi bài lại có một bản dịch lược thành 4 câu lục bát.

Đặc biệt, xung quanh Nguyễn Công Trứ hình thành nên rất nhiều giai thoại. Tuyệt đại đa số người trở thành trung tâm các giai thoại là người khác đời, nhất là về tài năng và tính cách. Trong nhiều công trình đã được công bố, những giai thoại về Nguyễn Công Trứ này đã được khai thác khá rốt ráo. Vậy nhưng, vẫn là câu hỏi “muôn thuở “ được đặt ra: có cách gì chăng để thẩm định tính xác thực hay tỷ lệ “sự thật” hàm chứa trong các giai thoại đó? Một số giai thoại ấy đã có thể khẳng định là những “chuyện hay, chuyện lạ có thật”, nhưng cũng không ít những giai thoại tiếp tục chịu đựng sư hoài nghi kéo dài.

Việc thẩm định cho thật chính xác tác phẩm của bất cứ tác giả nào cũng là công việc quan trọng mang tính tiên quyết đối với người nghiên cứu, nếu không rất dễ dàng xuất hiện nhiều khẳng định và nhận xét sai lạc về tác giả đó. Những tác giả quan trọng như Nguyễn Công Trứ lại càng cần một sự sưu khảo văn bản học nghiêm nhặt. Về phần mình, trong số những tác phẩm gây ấn tượng hàng đầu của Nguyễn Công Trứ, tôi cũng từng nêu băn khoăn về chữ “lồng” trong “Bài ca ngất ngưởng”, tiện đây, cũng xin nói thêm về sự nghi hoặc của mình đối với tác phẩm viết về cây thông rất nổi tiếng vốn cũng được khẳng định là của ông. Xét từ nhiều góc độ, đó là một bài thơ tuyệt tác. Nhưng tôi chưa tìm ra một văn bản có độ tin cậy cao nào khẳng định đó là thơ Nguyễn Công Trứ, mà theo cảm nhận tổng thể của mình về ông, tôi không tin ông là tác giả của bài thơ này.

 

Những nhận xét tổng quát về “lịch sử vấn đề Nguyễn Công Trứ”

Trước hết, chúng tôi cho rằng việc nghiên cứu nhân vật lịch sử Nguyễn Công Trứ ở thời chúng ta chưa đạt tới quy mô và tính chất cần thiết.

Trên thực tế, các sử gia thời hiện đại đã viết không ít những bài báo khoa học về nhiều những vấn đề khác nhau trong sự nghiệp Nguyễn Công Trứ. Các tác giả Văn Tân, Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyễn Nghiệp, Văn Tạo, Văn Lang, Nguyễn Phan Quang và Nguyễn Danh Phiệt, Vũ Huy Phúc, Chương Thâu, Hà Văn Tấn, Nguyễn Cảnh Minh,  Đào Tố Uyên…đều đã có những bài viết khá công phu về một hay một số phương diện nhất định của Nguyễn Công Trứ với tư cách là nhân vật lịch sử. Có cả luận án tiến sĩ  về sự nghiệp dinh điền của ông. Điều cũng dễ thấy là giữa các gương mặt lịch sử đích thực dưới thời các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, dù sao Nguyễn Công Trứ cũng còn được ghi nhận như một danh nhân hiếm hoi không thuộc hàng ngũ những “chiến sĩ chống ngoại xâm” – tiêu chí hầu như duy nhất đáng kể khi định vị các cá nhân trong khoảng thời gian trên 400 năm gần đây của lịch sử dân tộc. Điều dễ hiểu là với tình trạng  “Thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn từ thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XIX là một trong những thời kỳ lịch sử đã trải qua những cách nhìn nhận và đánh giá hết sức khác nhau, có lúc gần như đảo ngược lại” (Phan Huy Lê. Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Nxb Thế giới, 2008, tr.11), sử luận chính thống một thời dài ở ta không thể tách cá nhân Nguyễn Công Trứ ra để xét đoán, đánh giá đơn độc. Chắc chắn lời kêu gọi của vị chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam về việc đảm bảo tính “khách quan và trung thực” đối với việc nghiên cứu lịch sử nước nhà, đặc biệt là “giai đoạn nhà Nguyễn” sẽ nhận được sự cộng hưởng của các sử gia đang có mặt ở đây ngày hôm nay, và hy vọng cả trong hội thảo này, cả thời gian tới, chúng ta sẽ nhanh chóng được tiếp cận những công trình sử học sâu sắc hơn, toàn diện hơn, mới mẻ hơn nữa về một bậc danh nhân mà tất cả chúng ta đều kính yêu và ngưỡng mộ.

Nếu tách bạch một cách tương đối, có thể thấy rằng số lượng các công trình nghiên cứu về Nguyễn Công Trứ tập trung nhiều hơn cả vào các trước tác của ông, chứ chưa đặt lên bình diện hàng đầu – như lẽ ra phải thế – con người lịch sử hiện thực của ông. Ngay cả công trình “Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ” của Giáo sư Trương Tửu (Nguyễn Bách Khoa) cũng có chung hạn chế đó: những dẫn liệu chủ yếu được trích xuất và phẩm bình từ “những điều ông nói, ông viết” hơn là “những việc ông làm”.

Giữa những công trình được thực hiện trong khoảng gần một thế kỷ vừa qua, những chuyên luận và sách biên khảo có quy mô và ảnh hưởng nổi bật ngoài công trình đầu tiên của GS Lê Thước  Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ có thể kể Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ của Nguyễn Bách Khoa (Hàn Thuyên,1944), Thơ văn Nguyễn Công Trứ (Trương Chính biên soạn và giới thiệu, Văn học, 1983), Nguyễn Công Trứ (Sách danh nhân – Vũ Ngọc Khánh viết, Văn hoá, 1983, 1996), ngoài ra, về quy mô có thể kể thêm Triết lý chấp sinh Nguyễn Công Trứ của Hán Chương Vũ Đình Trác (Hội Hữu xb, California, 1988).Với tư cách là công trình tập thể, kỷ yếu một cuộc hội thảo khoa học, cuốn sách Nguyễn Công Trứ – con người, cuộc đời và thơ (Nxb Hội Nhà văn, 1995) có thể coi là một bước tiến đáng kể trên lịch trình nghiên cứu về danh nhân này.
Tính đến quy mô công trình và tầm ảnh hưởng xã hội, các chương về tác giả Nguyễn Công Trứ trong các bộ  giáo trình, sách lịch sử văn học Việt Nam của các tác giả Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Lộc cũng đáng được coi là có dấu ấn.

Khác với rất nhiều tác giả trong giai đoạn này (và càng về sau càng đông đảo hơn) ngoài văn chương ra không còn gì đáng kể, Nguyễn Công Trứ, dù sao mặc lòng, coi văn chương, rộng hơn, các loại hình nghệ thuật chỉ là một trong những bình diện “có cho đủ” với cuộc đời, chắc chắn không phải là bình diện quan trọng nhất.

Dễ thừa nhận rằng với “mảng công việc” này, giới nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, nghiên cứu văn học nói riêng có lẽ đã làm được nhiều hơn cả.

Nhưng nói thế  không có nghĩa là giới nghiên cứu văn học đã “làm hết việc cần làm”. Bất cứ ai trong số những người làm văn học sử cả một thời gian dài vừa qua đều không ít thì nhiều, không trực tiếp thì gián tiếp chịu sự chi phối của lịch sử quan mang tính thời đại. Từ góc độ phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, giới nghiên cứu văn học sử lại bị quy định bởi những quyết định luận “siêu nghiệm”, sự ước thúc của những xác tín mang màu sắc ý thức hệ đậm đà của lý luận văn học. Tính giai cấp của các tác giả như kiểu Nguyễn Công Trứ đương nhiên là điều người viết văn học sử không được phép quên. Những hạn chế, những điểm dừng trở thành ngưỡng nhận thức mang tính định kiến về vai trò của các giai cấp đối lập trong xã hội, cách hiểu và vận dụng những luận điểm về đấu tranh giai cấp hình thức là theo chủ nghĩa Mác nhưng thực chất chịu sự kiến giải mang tính áp đặt của chủ nghĩa Mao, tính chất máy móc của sự vận dụng nguyên tắc phản ánh luận … tất cả những thứ đó và nhiều ràng buộc khác nữa đã khiến cho những nhà viết văn học sử “chính thống” không vượt lên bao nhiêu so với tầm bay chập chờn của sử học phổ quát. “Chí nam nhi”, “chí khí anh hùng”,  khát vọng được hiện thực hoá, tối đa hoá những phẩm chất cá nhân ở Nguyễn Công Trứ thường xuyên được kéo co về gom lại trong cái mũ chụp của “chủ nghĩa anh hùng phong kiến”. “Hành lạc” được giải thích là biểu hiện của suy đồi và bế tắc. Sự  thiếu hiểu biết ở cấp độ hệ thống đối với học thuyết Nho giáo nói riêng, về các học thuyết và các truyền thống tinh thần, tư tưởng trong lịch  sử Việt Nam và lịch sử khu vực trước kia nói chung đã biến không ít những bài viết thành những văn bản chứa chan những lời khống luận và suy diễn thiếu sức thuyết phục.

Là một nghệ sĩ cơ hồ bẩm sinh, Nguyễn Công Trứ chắc chắn xứng đáng được ghi danh là người có những đóng góp nổi bật cho đời sống nghệ thuật của thời đại mình. Ông là một trong vài ba nhân vật hiếm hoi trong suốt lịch sử dân tộc biến được cuộc đời thành sân chơi, nhìn mọi biến thiên, biến cố nghiêm trọng thành những “miếng trò”, thực sự biểu hiện mình là người dám sống, ham sống và vui sống. Nhìn toàn cục, ông là một kẻ yêu đời. Rất đáng tiếc là cho tới nay, nhiều lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đã trở nên “vật bất khả tri”, khiến cho không sao ráp nối được các “thú” (chữ đặc dụng của Nguyễn Công Trứ) mà ông từng sành sỏi với nhau, để hình dung về một “tay chơi lớn” từng có.

Khởi đi từ việc khẳng định vị trí hiển nhiên của Nguyễn Công Trứ với tư cách là nhà chính trị, nhà quân sự tài năng, một thành viên đặc biệt trong giới quyền lực, một nhà thơ độc đáo, người mang lại những đóng góp không thể chối cãi cả về nội dung lẫn nghệ thuật ngôn từ, nhà kinh tế, cụ thể hơn, nhà nông học đậm chất thực hành, dần dà, đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn những bài viết, thậm chí cả những công trình có dung lượng đáng chú ý trong đó tìm hiểu và phát hiện, kiến giải về Nguyễn Công Trứ với tư cách nhà tư tưởng, nhà văn hoá. Nếu như ở trong nước quy mô các bài viết về những bình diện ấy chỉ mới đến mức các tiểu luận, thì ở ngoài nước đã xuất hiện những luận án Tiến sĩ, những chuyên khảo hàng vài ba trăm trang viết . Tôi không bàn ở đây độ tin cậy của các công trình ấy đến đâu, nhưng dù sao mặc lòng, không thể nói khác rằng Nguyễn Công Trứ dần dà đã hấp dẫn sự chú ý của nhiều người lao động trong nhiều chuyên ngành khoa học “phi cổ truyền”.

Những gì còn có thể chờ đợi:

Điều đáng mừng là mối quan tâm đến danh nhân Nguyễn Công Trứ đã lan rộng tới nhiều nhà khoa học ở mọi lứa tuổi và thuộc nhiều lĩnh vực chuyên ngành khoa học khác nhau. Trong khi các nhà khoa học thuộc thế hệ “già làng” vẫn hăm hở đổi mới ngòi bút, hăng hái đưa ra những kiến giải mới từ những cách tiếp cận mới (chẳng hạn bài viết của các GS Nguyễn Đình Chú, Hoàng Ngọc Hiến, Phong Lê, Nguyễn Trường Lịch…), thì nhiều nhà khoa học thế hệ trẻ lại có những nỗ lực mang tính chuyên nghiệp hoá, lật đi lật lại một số vấn đề tưởng như đã cũ (rõ rệt nhất ở những bài viết của các nhà sử học và một số bài viết thuộc lĩnh vực nghiên cứu văn học). Một số tác giả  đã ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của tính chính xác văn bản học, vận dụng tốt những kiến thức chuyên ngành được đào tạo của mình để xử lý lại một số văn bản . Một số tác giả khác triển khai công trình của mình theo hướng tìm kiếm thêm những nguồn tư liệu mới, trong số đó có nhiều tác giả đã cất công điền dã ở các địa phương, những nơi mà Nguyễn Công Trứ để lại nhiều dấu tích.

Những bài viết vận dụng tri thức và phương pháp nghiên cứu liên ngành xuất hiện nhiều hơn trước đây. Các tác giả Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đình Chú, Trần Nho Thìn, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Viết Ngoạn, Nguyễn Hữu Sơn,… triển khai bài viết của mình theo hướng này. Có những bài viết tổ chức cái nhìn đối tượng từ những góc lạ, chẳng hạn “Phân tích triết lý sống của danh nhân Nguyễn Công Trứ từ quan điểm truyền thông đại chúng nhằm rèn đức “kẻ sĩ” cho nhà báo hiện đại” của PGS. TS Lê Thanh Bình, “Nguyễn Công Trứ : nhìn từ một quan điểm triết học” của TS. Văn Quang Phú. Một số tác giả khác lại nỗ lực phát hiện những ánh sáng mới từ những nguồn sáng cũ như Phạm Tuấn Vũ, Nguyễn Minh Tường  khi bàn về Hàn nho phong vị phú, Biện Minh Điền khi tìm “Sự thống nhất những đối cực trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Công Trứ”.

Nguyễn Công Trứ đã được thừa nhận và tôn vinh một cách thật xứng đáng, đó không có nghĩa là việc triển khai hệ vấn đề nghiên cứu về ông đã có thể tạm dừng. Ngược lại, tôi tin rằng chúng ta đang hiện diện trên một lý trình nơi biển báo giao thông hướng ta đến nhiều ngả đường mới mẻ.

Tác giả