Nghệ thuật điêu khắc Chăm ở bảo tàng Guimet

Sau 3 năm chuẩn bị ráo riết, với sự cộng tác tích cực về phía Việt Nam, của các bảo tàng Đà Nẵng, Mỹ Sơn, TP HCM, và sự tham gia của nhiều nhà khảo cổ học Việt Nam, ngày 11-10- 2005 vừa qua, bảo tàng Guimet đã khai mạc long trọng cuộc triển lãm về nghệ thuật điêu khắc Chăm. Đây là lần đầu tiên, một khối lượng quan trọng các tác phẩm điêu khắc Chăm đã được trưng bày một cách có hệ thống, với đầy đủ nào bản đồ, thuyết minh, nào tài liệu in ấn đẹp và công phu, cung cấp cho người xem những hiểu biết bổ ích về nghệ thuật Chăm

Cuộc triển lãm chiếm trọn một khu vực khá rộng của bảo tàng Guimet, và được chia thành nhiều không gian, mỗi không gian dành cho một khu di tích khác nhau, và các tác phẩm được sắp đặt theo trình tự các thời kỳ nghệ thuật, trải dài từ thế kỷ V đến thế kỷ XV.

Ở ngay sảnh vào, một cuốn phim tài liệu, quay ngay tại hiện trường khảo cổ, dưới chân các tháp Chăm vào những năm 30, và những bức ảnh cùng thời, đã cho thấy công lao của các nhà khảo cổ học, những người đã có công đầu trong việc khai quật và nghiên cứu nghệ thuật Chăm ở Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX: Henri Parmentier (1871-1949), Charles Carpeaux (1870-1904), Jean -Yves Claeys (1896-1979), Philippe Stern (1895-1979). Nhà nhiếp ảnh Charles Carpeaux, người đã ghi lại được cho hậu thế nhiều hình ảnh quý báu về các ngôi tháp Chăm nay đã mai một, hoặc đã bị thời gian và các cuộc chiến tranh phá hủy, đã chết vì bệnh ở Việt Nam, lúc đó ông mới 34 tuổi. Cuốn phim tài liệu cũng đã không quên nhắc đến công lao của Louis Finot và Trường Viễn Đông Bác Cổ.

Theo các tài liệu được trình bày ở cuộc triển lãm, thì các khu di tích nghệ thuật của dân tộc Chăm trên lãnh thổ Việt Nam, trải dài trên gần 800 km bờ biển, từ Đèo Ngang tới Bình Thuận, có thể được chia làm 5 khu, 3 khu chính, gồm những quần thể kiến trúc nổi tiếng, và 2 khu phụ, gồm những di tích ít được nói đến hơn, mặc dầu cũng có những mặt quan trọng của chúng. Ba khu chính đó là :

1/ Khu Mỹ Sơn – Trà Kiệu – Đồng Dương (thuộc tỉnh Quảng Nam). Mỹ Sơn cách Đà Nẵng 60 km, về phía Nam; cách Trà Kiệu (Simhapura), kinh đô cũ của Vương quốc Chămpa, 30 km. Trà Kiệu nằm bên sông Thu Bồn, gần Hội An.

2/ Khu Tháp Mẫm – Tháp Bánh Ít – Yang Mum – Yang Prong, cách Quy Nhơn độ 20 km, về phía Bắc (thuộc tỉnh Bình Định).

3/ Khu Hòa Lai – Po Klaung Garai, nằm giữa Nha Trang và Phan Rang (thuộc các tỉnh Khánh Hòa, Ninh thuận, Bình thuận, nơi có khoảng 150 nghìn cư dân người Chăm sinh sống hiện nay).

Hai khu còn lại, ít được nói đến hơn, một khu nằm ở giữa Huế và Đèo Ngang, gồm các di chỉ Đại Hữu, Mỹ Đức, Bích La, Trường Xá, Mỹ khánh, v.v. (thuộc tỉnh Thừa Thiên), và một khu nằm ở phía dưới Núi Thành-Tam Kỳ, gồm các di chỉ Chánh Lộ, Phú Thọ, Đồng Phúc (thuộc tỉnh Quảng Ngãi).

Điều đáng chú ý trước tiên, là các tác phẩm điêu khắc Chăm, tưởng như chỉ giới hạn ở các pho tượng và phù điêu bằng đá sa thạch, ngoại trừ những bức tượng Phật, hoặc tượng thần Ấn Độ giáo hiếm hoi được đúc bằng đồng mun (đôi khi được đúc ở tận Sri Lanka, như bức tượng Phật tìm thấy ở Đồng Dương (thế kỷ 8-9), thực ra, nghệ thuật điêu khắc Chăm còn được thể hiện ngay trên vật liệu gạch nung, ở mặt tiền của các ngôi tháp. Các bức phù điêu được chạm khắc thẳng trên gạch nung. Đó cũng là một trong những nét đặc thù của nghệ thuật Chăm, cho phép ta phân biệt dễ dàng các tác phẩm kiến trúc và điêu khắc Chăm với các tác phẩm Khơme và Ấn Độ.

So sánh với nghệ thuật của người Khơme ở Angkor, chẳng hạn, chúng ta thấy rằng, trên một công trình kiến trúc tôn giáo như ngôi đền tháp Chăm (kalan) – biểu tượng của ngọn núi Meru thần thoại, trung tâm của vũ trụ, theo tín ngưỡng của người Ấn Độ cổ – người Chăm và người Khơme đều có cùng những quy tắc thẩm mỹ – được quy định một cách rất tỉ mỉ, chính xác, trong nghệ thuật tôn giáo Ấn Độ – cùng một sự quan tâm đến những bộ phận kiến trúc cần phải chạm khắc. Quan niệm tổng hợp kiến trúc với điêu khắc, và đôi khi với cả hội họa nữa, có nguồn gốc từ trong quan niệm kiến trúc tôn giáo của người Ấn Độ, có ít nhất từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên (quần thể kiến trúc Phật giáo đầu tiên ở Sanchi).

Có giả thuyết cho rằng, trên lớp gạch nung ở mặt tiền của các ngôi tháp Chăm, trước kia có trát một lớp vữa mỏng, và bên trên lớp vữa đó, người ta trang trí bằng các lớp nước sơn màu. Người ta còn giải thích rằng sở dĩ mặt gạch của các tháp Chăm đôi khi không đều, không bằng phẳng, là vì người nghệ nhân Chăm trông vào lớp vữa trát cuối cùng để che lấp đi những chỗ lồi lõm. Giả thuyết này không mâu thuẫn với kiểm nghiệm khoa học của các chuyên gia Ba Lan, là gach Chăm nung non lửa oo (1000-1150C), nên dễ bị long lở. Tuy nhiên, khó mà có thể hình dung được các ngọn tháp Chăm có lớp vữa phủ ở bên ngoài và lại còn được sơn lên bằng những màu sắc rực rỡ! Hơn nữa, các tài liệu của Trung Quốc thời nhà Đường còn để lại, đều khen ngợi người Chăm giỏi về kỹ thuật xây tháp bằng gạch nung để trần. Song, rất có thể một vài bộ phận nào đó của công trình đã được trát bằng một lớp vữa, với mục đích che chở cho gạch khỏi bị hư hại với thời gian, mặc dầu giả thuyết này cũng không thể nào đứng vững được, khi chúng ta đã chấp nhận rằng, người Chăm xây xen kẽ đá với gạch nung, chính là để thể hiện một sự tương phản nghệ thuật giữa hai vật liệu này, không lẽ sau đó họ lại đem trát lên toàn bộ công trình một lớp vữa, để lấp đi tất cả?

Điểm thứ hai, đáng chú ý, là các tác phẩm điêu khắc Chăm tạc trên đá sa thạch (grès), tỏ ra không được mịn màng, sắc nét, bằng những tác phẩm điêu khắc ở Angkor, hay ở các đền tháp của người Ấn Độ, mặc dầu chất liệu của loại đá có hạt to này, qua thời gian, dãi dầu nắng, mưa, sương, gió, vẫn có một vẻ đẹp riêng, đường nét và nhịp điệu của các pho tượng lại rất sinh động, uyển chuyển.

Trong các di chỉ còn tồn tại cho đến ngày nay, Mỹ Sơn là quần thể kiến trúc có niên đại xưa nhất và quan trọng nhất, vì còn giữ được khá nguyên vẹn các di tích, ngược lại với Đồng Dương đã bị san bằng bởi một trận bom B52 của Mỹ vào năm 1969.

Mỹ Sơn là một “thánh địa” thờ thần Siva (Ấn Độ giáo), do vua Bhadravarman I sáng lập vào cuối thế kỷ 4. Chính ở đây, mà người ta đã tìm thấy nhiều tượng thần Siva rất đẹp. Trong tín ngưỡng của người Chăm, thần Siva đóng một vai trò quan trọng hàng đầu. Biểu tượng của thần Siva, là cái linga, bộ phận sinh dục của đàn ông, mà nguồn gốc là từ trong tục thờ cúng các hòn đá hình trục, phổ biến trong dân gian từ thời thượng cổ ở khắp vùng Đông Nam Á. Ở Chămpa, chiếc linga bao giờ cũng là một hòn đá liền khối, gồm 3 phần: phần dưới vuông, phần giữa có mặt cắt hình bát giác, phần trên cùng có mặt cắt hình tròn. Phần dưới của linga gắn liền với một cái đế, giống như một cái chậu vuông, có rãnh thoát nước, biểu tượng của bộ phận sinh dục của nữ giới, và của Uma, hôn thê của thần Siva. Bộ phận hình chậu vuông này còn là biểu tượng của nữ thần phù hộ cho đất đai, luôn phải nhờ ơn mưa móc của linga. Biểu tượng của sự sinh dục, linga còn là biểu tượng của chiếc cột trụ chống đỡ vũ trụ, của ngọn núi Meru thần thoại. Cuối cùng, linga còn là biểu tượng của sự vĩnh cửu và tính chất chính thống của mỗi triều đại vua. Cũng bởi những ý nghĩa tượng trưng đó, mà chiếc linga luôn luôn có mặt trong các biểu hiện nghệ thuật có ảnh hưởng của Ấn Độ giáo.

Khác với Mỹ Sơn, quần thể kiến trúc ở Đồng Dương, do vua Indravarman II sáng lập (875), mặc dầu trên danh nghĩa là nơi thờ Siva, nhưng trên thực tế nhà vua đã lấy nơi đây làm chỗ riêng của mình để thờ Phật Laksmindra-Lokesvara. Ngoài pho tượng Phật (thế kỷ VIII-IX) và pho tượng Tara (thế kỷ IX-X) bằng đồng mun ra, còn nhiều pho tượng khác bằng đá sa thạch, có phong cách độc đáo, với những khuôn mặt có miệng, mũi, rộng, môi dày , từ tượng nhà sư cầm bông sen (thế kỷ IX-X), nhà sư dâng đồ cúng (cuối thế kỷ IX- đầu thế kỷ X), đến các tượng Quan Âm, Thần giữ cửa, v.v.

Trà Kiệu, kinh đô cũ của vương quốc Chămpa, cũng có không ít tác phẩm điêu khắc có giá trị. Đáng chú ý nhất, về mặt tượng, có lẽ là bức tượng vũ nữ Chăm, trên một nền tháp bằng đá (thế kỷ X). Ngoài ra, còn có rất nhiều tượng vũ nữ khác, với phong cách nghệ thuật dân gian, giống như những tượng chạm khắc gỗ trong các ngôi đình chùa Việt Nam. Tượng các thú vật, đặc biệt, những con voi trên các bức phù điêu cũng là những tác phẩm sinh động, đáng chú ý. Có một bức chạm nổi bằng sa thạch, rất cổ (thế kỷ VI?), thể hiện một nhân vật đóng khố, ngồi xếp bằng, hai tay để trên háng, mà người ta cho rằng mang đậm ảnh hưởng của phong cách nghệ thuật Gupta, Ấn Độ (thế kỷ V). Nhân vật trên bức chạm nổi này khiến cho người xem phải kinh ngạc về tính chất thật và sống động của nó.

Tháp Bánh Ít, có tượng Siva mười tay, bằng đá sa thạch, được mài nhẵn, bức tượng có khuôn mặt đẹp, cơ thể cân đối, từ nụ cười toát ra một sự an nhiên, thanh thản. Đây là một trong số hiếm những pho tượng được chính quyền bảo hộ đưa sang bảo quản tại bảo tàng Louvre ngay từ cuối thế kỷ XIX.

Những tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở Tháp Mẫm, có niên đại muộn hơn (thế kỷ XII-XIII). Hình dạng , tỷ lệ, và phong cách của các mô-típ trang trí ở đây trông thô hơn hẳn, so với nghệ thuật ở các thời kỳ trước. Có một cái gì đó như một sự suy đồi về phong cách. Những mô-típ thú vật thần thoại này làm cho người ta không khỏi nghĩ đến những mô-típ điêu khắc bằng gốm nung khai quật được gần đây ở di chỉ hoàng thành Thăng Long. Sự trùng hợp này chỉ có thể giải thích được bằng bàn tay của chính các nghệ nhân người Chăm bị các vua Việt, từ thời Tiền Lê, đến các thời Lý, Trần, Lê, bắt đem về Thăng Long xây dựng các cung điện, đền đài cho họ, và rồi những người Chăm này đã định cư tại đây, hoặc tại các làng mạc lân cận.

Văn Ngọc

Tác giả