Những cư dân cuối cùng của rừng?

Chiến tranh, sự khai thác lâm nghiệp quá mức và cuộc dồn đẩy của con người hiện đại đã khiến người Pymée, một tộc người sống trong các khu rừng rậm Châu Phi mất dần đất sống. Nhưng câu chuyện dưới đây không chỉ nói riêng về người Pygmée mà còn là bức phác hoạ khung cảnh tổng thể của một nước Công Go nghèo đói, lạc hậu và nội chiến liên miên.

Để đến được lãnh thổ của người Mbuti-một vùng đất rộng 60.000 km2 được gọi là “rừng Ituri”- cần phải đi theo những người thồ hàng bằng xe đạp. Họ tiến lên như những chú kiến đi qua vùng đất hoang rộng lớn của Đông Công Gô. Một con dao rẫy dắt lưng, hầu hết đều gầy, mắt mờ đi vì mệt mỏi, họ đẩy những chiếc xe thồ hàng, những chiếc xe muốn oằn gẫy vì phải chở quá nhiều thứ nặng: gạo, trứng, quần áo lót, súng đạn, xăng…“Chúng tôi phải uống rất nhiều thuốc. Thuốc Ibuprofène để giảm đau và indométhacine để tỉnh ngủ. Nếu không có thuốc, không ai có thể đến được nơi. Rất nhiều người đã chết vì làm công việc này”, một người đàn ông dáng vẻ mệt mỏi tên là Kambale Vivalya giải thích với chúng tôi. Kambake đang thồ một bao tải lớn giầy nhựa giá rẻ đến một mỏ vàng nằm cách 500km, bên rìa rừng Ituri.
Đâu còn đất cho người Pygmée!
Hiếm có nơi nào trên thế giới lại sụp đổ thảm hại như ở Cộng hòa Dân chủ Công Gô (RDC). Trước kia là Zaire, RDC đã bị cướp bóc một cách có ý thức trong ba thập kỷ thống trị của Mobutu Sese Seko, sau đó lại phải chịu hơn chục năm tàn phá dưới chế độ quân chủ và nội chiến. Hiện nay, RDC là một người khổng lồ chân đất sét của Trung Phi, tiến về phía trước như một người miên hành bị giấc mơ cuồng nhiệt hậu khải huyền hớp mất hồn.
Trên những con đường ngang dọc miền đông của RDC chạy qua khu rừng rậm rộng thứ hai thế giới, sau Amazone, các cuộc xung đột vũ trang diễn ra liên miên tưởng chừng không bao giờ chấm dứt. Những con đường chạy qua các thành phố tồi tàn, nơi cây mọc trên mái nhà, các nhà máy hư hỏng giống như các phế tích của người Maya trước kia, các trang trại cà phê bị bỏ hoang… Tại các ngoại ô của thành phố rừng lem luốc những mảng tối, người ta thấy những người Mbuti dụt dè, im lặng, quan sát. Về phần mình, những người Pygmée rất thích chậu nhôm, thuốc lá và quần áo may sẵn của RDC. Tuy nhiên, để đổi được các món hàng này họ phải mất rất nhiều gỗ, thịt thú và vàng vào tay các lái buôn. Tệ hơn, những mối quan hệ thương mại trước kia giữa những người săn bắn với nông dân bản địa – một hệ thống phong kiến trao đổi nhân lực nông nghiệp của những người Mbuti và các lâm phẩm đổi lấy hạt giống và các dụng cụ bằng kim loại – đang dần biến mất. Trên thực tế, những người Mbuti đang giành được độc lập của mình, điều mà ở RDC có nghĩa là họ đang tự do mất tất cả, trở thành một dòng người du cư đói kém.
Từ tờ mờ sáng tôi lên một chiếc xe rời thành phố Beni. Người lái xe ôm của tôi là Wily. Sau 11 tiếng đồng hồ lắc lư trên các con đường vòng vèo khúc khuỷu, chúng tôi đến Ituri, vượt qua dòng người đi buôn đang nhễ nhại mồ hôi nối đuôi nhau tiến bước. Thỉnh thoảng lại có một bãi lầy bít kín đường. Đó là những con đường xấu nhất thế giới.

Một lỗ thủng trong rừng
Hai nhà sinh vật học của Wildelife Conservation Society, một hiệp hội bảo vệ tự nhiên, đã dành cả cuộc đời cho bảo vệ rừng Ituri.
Trước khi nội chiến tràn đến rừng Ituri, chồng tôi là John đã đến đây nghiên cứu các phương pháp săn bắn của người Pygmée Mbuti. Tôi còn nhớ rất rõ một lá thư mà anh đã viết cho tôi gần một cái lưới săn, miêu tả cách người Pygmée giăng lưới. Được giăng thành một nửa vòng tròn rộng giữa các cây nhỏ và dây leo. Một người Pygmée tên là Basalito đứng dựa lưng vào John, bất động. Anh căng tai về phía tiếng vợ mình ở giữa nhóm đàn bà đứng ở đầu kia của lưới. Mỗi người phụ nữ hát và vỗ vỗ tay để đuổi con vật săn về phía chồng mình.
Bỗng nhiên, một tiếng rắc rắc vang lên. Các giai điệu hát của những người phụ nữ trở nên dồn dập. Basalito ngay lập tức rút lao bằng một cử chỉ  nhanh nhẹn và khéo léo. Các tiếng rắc tăng lên. Một mảng tối, lớn như môt con ngựa, xuất hiện cách chưa đầy hai mét. Con vật lướt qua như một tia chớp: một con hươu đùi vằn, một con mồi hiếm. Tiếng động xa dần. John ngạc nhiên quay lại nhìn Basalito. Lúc này Basalito đã đứng dậy, cất lao vào. Vợ anh đứng bên cạnh cười hồn nhiên, áo che thân chỉ là vài lá cây rừng.
“Tại sao anh không phóng lao?”, John hỏi.  Chắc chắn với khả năng săn lão luyện, Basalito sẽ phóng trúng con mồi. Vậy mà Basalito lại cười và hất đầu mình về phía đầu cái bụng tròn của vợ mình. “Tôi không thể làm một cái lỗ trong rừng, không phải lúc này. Chúng tôi không muốn con chúng tôi sẽ rơi vào trong đó.”
Khi đọc thư của John, tôi rất băn khoăn về những người Mbuti và quan hệ của họ với rừng. Những đứa trẻ rơi vào trong lỗ của con hươu đùi vằn-đó là điều khiến tôi suy nghĩ.
Câu chuyện này xảy ra năm 1975. Vào thời kỳ này, chúng tôi không thể tưởng tượng đượng những cái lỗ mà những khẩu súng AK-47 để lại trong rừng. Năm trước, từ tháng sáu đến tháng mười hai, người ta ước tính rằng 17 tấn ngà voi đã được chuyển ra ngoài Ituri. Điều này có nghĩa là ít nhất đã có 500-1000 con voi bị bắn hạ. Lông hươu đùi vằn và ngà voi được chuyển qua biên giới Ouganda bất hợp pháp. Hầu hết những tên săn bắn trái phép đến từ phía Đông và những người cung cấp vũ khí là những chư hầu của những chúa tể chiến tranh lợi dụng chế độ quân chủ.
Sau khi bảo vệ luận án tiến sỹ, chúng tôi đã trở lại RDC với tư cách làm việc cho Wildlife Conservation Society. Chúng tôi muốn biết rõ hơn về hươu đùi vằn, một loại hươu cao cổ sống trong rừng, rất nhát chỉ có trong vùng Ituri. Và một trong những phát hiện của chúng tôi là: nhờ có các bẫy bằng sắt, những người đàn ông đã bắt được hươu đùi vằn khỏi nơi cư chú của chúng. Đối với những người không sống ở Ituri, giá trị của rừng không chỉ bó hẹp ở cây cối và động vật rừng: còn có cả đất canh tác và đất ngầm rất giàu khoáng sản. Trong hàng chục năm, những người tìm vàng đã hướng các khai thác mỏ đến vùng này. Các trại khai thác đã phá rừng để lấy đất canh tác lấy lương thực để nuôi những người đào vàng.
Lo ngại cho rừng, chúng tôi cùng với một số người khác đã bắt đầu lên tiếng. Năm 1992, Chính phủ của Tổng thống Mobutu đã trả lời bằng việc lập ra khu dự trữ động vật Hươu đùi vằn, một không gian rộng hơn 14.000km2 trong rừng Ituri. Chúng tôi đã lập tức xây dựng các dự án với cơ quan quản lý khu dự trữ của RDC. Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn sự phát triển của một vùng nông nghiệp đang giãn ra dọc theo các con đường để bảo vệ rừng, cũng như ảo vệ phương pháp săn bắn an toàn của người Mbuti.
Một buổi tối năm 1996, tôi và John đang ở trong trại Edoro, cách con đường duy nhất nối sông Congo với các biên giới của Ouganda và Rwanda 25 km về phía Bắc. Chúng tôi đã thống kê các loài thực vật trong một diện tích rừng rộng 40ha. Mỗi một cây gỗ có đường kính từ 1cm trở lên đã được tính và xác định. Tổng cộng đã thống kê được 715 loài, trong đó có môt cây lạ cho đến nay vẫn chưa có tên, đó là một cây cổ thụ tua tủa gai. Tối hôm đó cũng như bao tối khác ở Edoro, đáng lẽ cũng sẽ êm ả. Kayo bắt đầu mở đài: “Người Babyanmulenge tấn công các trại tị nạn trên biên giới Rwanda. Quân đội của Mobutu dạt về phía tây. Người tị nạn đổ xô sang phía đông. Phần lớn hướng đến Rwanda, nhưng một số mạo hiểm chạy về phía tây và chạy vào rừng”.
Tôi rời RDC bằng chuyến bay cuối cùng cất cánh từ Bunia, năm 1996. Trong suốt sáu năm tiếp theo, chúng tôi đã luân phiên nhau trở lại Ituri. Tháng 9 năm 2002, tình hình có vẻ lắng dịu, chúng tôi cùng nhau trở lại. Chúng tôi vào rừng vừa được một tuần thì nhận được một lệnh khẩn cấp: “Đi ngay lập tức”.
Trong vòng bốn tháng, hai thủ lĩnh chiến tranh đã đương đầu với nhau dọc theo con đường băng qua khu dự trữ hươu đùi vằn. Cuối tháng 12, một hiệp định đã được ký và chúng tôi trở lại Ituri. Chúng tôi đã thật kinh hoàng phát hiện ra các ngôi mộ vô danh nằm rải rác xung quanh trại của chúng tôi. Trong những ngôi làng xung quanh, không còn những em bé gái và chúng tôi bắt gặp rất nhiều bà mẹ khóc cho những đứa con gái của mình bị bắt đi làm nô lệ tình dục trong các trại lính.
Vì chỉ là các nhà sinh thái học, nên chúng tôi đã không thể tiến hành được những cuộc chiến đấu mạnh mẽ hơn. Trong thời gian này, các nhóm của chúng tôi, gồm các sinh viên đại học Công Gô, người Mbuti và những người dân trong làng, đã đếm số voi và hươu đùi vằn trong khu dự trữ. Trước chiến tranh, ước tính của chúng tôi là 6000 đến 8000 voi, và từ 4000 đến 6000 hươu đùi vằn.Chúng tôi cũng biết rằng những người đã tàn sát voi đôi khi cũng chính là những người đã bắt các em gái đi và đã lôi kéo các bé trai vào các đội quân ứng chiến. Chính họ đã làm thủng rừng và giết chết mọi hy vọng. 

Tôi được theo Musa đi lấy mật ong. Anh vừa tìm thấy một cây có mật. Đó là một sự kiện. Đối với những người Mbuti mật ong rừng là một loại thức ăn không thể thiếu. Trong miền Nam của rừng Ituri, mùa mật ong được tính theo chu kỳ nở hoa của cây. Mùa lấy mật thực sự bắt đầu từ đầu tháng sáu. Đó là một loại mật trắng, gần như trong suốt và vị dịu, như một loại rượu nhẹ hay những hơi thở đầu tiên của bình minh. Tiếp theo, vào tháng tám, mật có màu sẫm hơn. Loại này được gọi là mật đen, rất nóng, vị mạnh vì hoa được hưởng nhiều ánh nắng mặt trời và phấn của những loại hoa rừng nhiệt đới.
Bằng những cử chỉ khéo léo và dứt khoát, Musa buộc sợi dây thừng dài 50m và làm cái việc mà anh phải làm. Anh trèo lên cây cao gần 20m so với mặt đất, dùng rìu chặt vỏ cây. Những người phụ nữ ở dưới đưa cho anh một mồi xông hơi làm bằng lá cây và than cháy dở. Một hoặc hai phút sau, những tiếng kêu vo ve vang lên và những cục mật vàng ượm được đưa xuống. Một lúc sau, sau khi đã chén no bụng thứ mật ong rừng tinh khiết vàng óng, cả nhóm thích thú cảm nhận năng lượng lan tỏa khắp cơ thể. Những người đàn ông tranh luận và to tiếng cãi vã nhau. Những người phụ nữ vui vẻ cười nói. Còn bọn trẻ nô đùa trên những cành cây ríu rít như bầy chim sẻ.
Trước khi rời miền đông của đất nước, tôi đến Miti bằng ôtô. Đó là một ngôi làng tiêu biểu của miền Đông hoang dã. Con phố rộng của làng đã trở nên tồi tệ. Chợ của làng rất đìu hiu và thứ hàng phổ biến là thịt rừng. Người mua xách con khỉ về nhà như xách một cái vali: đuôi khỉ buộc vào cổ tạo thành một cái tay xách rất thuận tiện!
Tôi phải vượt qua một trạm quân kiểm- một sợi dây thừng chắn ngang con đường, như thường lệ. Được trang bị một khẩu kalachnikov, một cậu bé 12 tuổi tiến đến chiếc ôtô của tôi và đòi “phí an ninh” một nghìn đôla Mỹ mới cho đi qua. Thế nhưng sau một hồi thương lượng, cậu bé đồng ý cho chúng tôi đi chỉ với một điếu thuốc lá thơm.
Tôi đến thăm David Bisimwwa, hay nói chính xác hơn là chiếc trực thăng tự chế của anh ta. Bisimwa là một người đàn ông mảnh dẻ, có uy tín và đầy nghị lực, trạc 30 tuổi, đôi mắt dịu dàng. Đó là một nghệ sỹ và một nhà sáng chế tự học. Anh là người dân tộc Bashis, những người khai thác nông nghiệp từng chung sống lâu đời với người Pygmée của RDC trong rừng nhiệt đới. Nhưng, ở Miti, một phần lớn rừng đã bị chặt phá. Những người Pygmée không còn săn bắn để sinh sống nữa. Họ làm việc trong các trang trại. Và con cháu của những người Bashi già bị dồn vào đường cùng do thiếu đất, đang phải đi tìm những vùng đất mới.
Từ các mẩu kim loại nhặt được, vài cái ống và dây sắt, Bisimwa đã chế tạo bằng tay một chiếc trực thăng Sikorsky trong rừng rậm Công Gô. Để biết hình dáng, anh đã sử dụng các bức ảnh của các tạp chí cũ. Bisimwa giải thích: “Đó là để nghiên cứu”. Tôi thất vọng không nói được gì. Chiếc máy này là bằng chứng của biết bao chờ đợi vô vọng. Anh nói rõ thêm một cách thân thiện: “Nghiên cứu hàng không học”. Vậy ai sẽ lái chiếc trực thăng này? Bisimwa trả lời ngay: “Chính tôi đã làm ra nó. Và chính tôi sẽ lái nó.” Anh tiết lộ cho tôi biết mới chỉ thử một lần, vào năm trước. Được lắp một động cơ Volkswagen mượn của một người bạn, các cánh quạt đã chỉ làm được một việc là tạo ra một đám bụi và gieo nỗi sợ hãi cho đám gia cầm. Vậy mà đối với những người dân trong làng, đó đã là một điều đáng khâm phục lắm rồi. Bisimwa thiếu tiền cho một thử nghiệm khác. Người bạn của anh đã đòi lại động cơ để lắp lại vào ôtô của mình. Bisimwa là một trong những người bị bỏ mặc trong số tầng lớp trí thức địa phương.
Sự kiện đáng nhớ nhất của đời anh là một chuyến du lịch được trả tiền đến Nhật Bản để minh họa một cuốn sách. Điều này xảy ra đã lâu lắm rồi. Hiện nay, cũng giống như hàng nghìn người Công Gô khác có bằng cấp, Bisimwa sống một cuộc sống nghèo khó hoàn toàn không được đầu tư cho nghiên cứu. Những người sống lang thang đây đó như anh hiện có khắp nơi tại RDC.
Tương lai nào cho miền đông hoang tàn?


 Mặc dù bị mù nhưng Apatite Vecant (đứng phía trước) vẫn cảm nhận rằng mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn của anh, khu rừng giành cho người Pygmée đang bị đe dọa.

Châu Phi là lục địa khó dự báo nhất thế giới. Nhưng không một quốc gia Châu Phi nào lại phải  đương đầu với một tương lai ảm đạm và thê thảm, một tương lai vắng bóng mọi viễn cảnh như RDC. Chiến tranh liệu có lại xảy ra và đất nước lại bị chia thành nhiều quốc gia nhỏ hiếu chiến? Có thể. Hòa bình mong manh liệu có sẽ kéo dài để cuối cùng cho phép RDC có thể khai thác được nguồn tài nguyên phong phú của mình hay không? Đó cũng là điều có thể tiên liệu được. Một cuộc bầu cử đã được dự định diễn ra vào tháng sáu năm 2005 – cuộc bầu cử thực sự dân chủ kể từ khi giành được độc lập từ tay người Bỉ năm 1960- đã phải hoãn lại đến đầu năm sau. Nhưng các chuyên gia của Liên hợp quốc đã dự báo rằng hơn 100.000 cuộc bạo loạn, băng đảng, cướp, du kích và các nhóm vũ trang giết người khác sẽ phải hạ vũ khí. Còn về những gầm ghè sắc tộc và chính trị làm chao đảo đất nước, có lẽ chúng sẽ không dừng lại ngay khi có một vị tổng thống mới. Lúc này, với một sự kiên nhẫn và hài hước khó tin, hàng triệu người dân của Trung Phi vẫn đang sống.
Bình minh trong vương quốc rừng, những người Pygmée ném một cái nhìn thận trọng lên ánh sáng còn lờ mờ của buổi ban mai. Những con mắt của những người đàn ông toleka dò xét bầu trời. Trên một góc đường, một người lính đứng bật dậy bằng một cử chỉ mạnh mẽ, như vừa thoát khỏi một ác mộng, và đưa tay đến chỗ để vũ khí. Liệu tất cả họ có nhìn thấy thế giới mà họ mong muốn không? Hay một vực thẳm sẽ mở ra dưới chân họ?
Bầu trời bị những tiếng sấm và tia chớp loằng ngoằng xé rách. Những cơn gió lạnh, như thể được thoát ra từ một cái tủ lạnh, tràn qua trảng cỏ, mang đến một cơn mưa tắm rửa cây cối. Musa le Mbuti nhìn bầu trời thở dài. Người Pygmée không thích mưa. Không chỉ bởi vì sẽ khó đi lại trong rừng ẩm ướt. Mà còn vì nước làm dãn các mắt lưới săn và thú dễ dàng trượt qua như cá lách qua các vỏ cây rừng đẫm nước. Musa cuộn cái bẫy rồi đi vào nhà nghỉ như những người thợ săn khác.
Bóng tối. Những người Mbuti không sợ. Những gì của rừng không thể xấu. Musa châm một mồi lửa, hút thuốc. Anh đưa sang cho vợ. Cả hai chờ các con đến. Musa nắm ngón tay cái của vợ trong bàn tay phải đầy chai của mình. Họ chờ đợi trong im lặng. Tối nay, họ sẽ ngủ trong một cái lều mái tròn lợp lá cây mongongo. Loại lều này xuất hiện khắp nơi trong rừng Ituri. Người Pygmée đã biết dựng lều từ khi có rừng. Và họ sẽ tiếp tục dựng chúng chừng nào rừng còn sống.

Paul Salopek 
Nguồn tin: Quốc Khang dịch Theo National Géographique (France)

Tác giả