Những hành tinh – bộ tranh tiến trình cuộc đời

Năm 1934 là một năm tổn thất đối với nền âm nhạc cổ điển Anh Quốc vì chỉ ba tháng sau khi Edward Elgar qua đời, nhà soạn nhạc Gustav Holst cũng mất sau một cuộc đại phẫu. Khi phải lựa chọn giữa một cuộc tiểu phẫu và một cuộc sống bị hạn chế sau đó hay một cuộc đại phẫu đầy nguy hiểm nhưng nếu thành công thì sau đó có thể tự do làm điều mình muốn, Holst đã chọn cách thứ hai. Sau khi Holst mất, những buổi biểu diễn tác phẩm của ông suy giảm rõ rệt nhưng tổ khúc giao hưởng The Planets (Những hành tinh) Op. 32 đã đủ bảo đảm danh tiếng quốc tế cho ông. Trớ trêu thay, tác phẩm thành công nhất này lại đem đến cho ông ít niềm vui nhất lúc sinh thời.

Tổ khúc Những hành tinh gồm 7 chương, mỗi chương được đặt tên theo một hành tinh và vị thần La Mã tương ứng của nó:
1. Hỏa tinh, Vị thần mang đến chiến tranh
2. Kim tinh, Vị thần mang đến hòa bình
3. Thủy tinh, Sứ giả có cánh
4. Mộc tinh, Vị thần mang đến niềm vui
5. Thổ tinh, Vị thần mang đến tuổi già
6. Thiên Vương tinh, Pháp sư
7. Hải Vương tinh, Người thần bí
Holst bắt đầu viết tổ khúc Những hành tinh vào năm 1914 và hoàn thành năm 1916. Một vài đoạn hòa âm đã được phác thảo trong những kì nghỉ cuối tuần dài tại ngôi nhà ngoại ô của gia đình ông ở Thaxted, thị trấn Essex. “Hỏa tinh”, “Kim tinh” và “Mộc tinh” được viết cùng một đợt. Sau khi tạm dừng để viết những tác phẩm khác, Holst mới viết tiếp “Thổ tinh”, “Thiên Vương tinh”, “Hải Vương tinh” và “Thủy tinh”.
Trong những năm 1910, Holst chắc chắn là đang trải qua một thời kỳ giống như khủng hoảng giữa đời. Tác phẩm quy mô lớn đầu tiên của ông và opera Sita đã thất bại trong việc giành giải thưởng trong cuộc thi sáng tác Ricordi. Các tác phẩm quy mô lớn khác trong thời kỳ này, đặc biệt là Đám mây sứ giả và Beni Mora, cũng được công diễn lần đầu mà không mấy thành công. Vào tháng 3 năm 1913, một người giấu tên đã gửi tặng Holst một món tiền, nó đã giúp ông có thể tới Tây Ban Nha với Clifford Bax, anh trai của nhà soạn nhạc Arnold Bax (và về sau viết libretto cho opera Vị học giả lang thang của Holst). Clifford Bax là một nhà chiêm tinh, ông và Holst đã trở thành những người bạn tốt. Nhờ sự giới thiệu của Clifford Bax, Holst đã biết đến những khái niệm chiêm tinh học.
Có lẽ chính nhờ tình bạn này, Holst bắt đầu khám phá lại những chuyện xảy ra trong tuổi thơ của mình qua thuyết thần bí. Thư viện của ông có cuốn sách “Nghệ thuật tổng hợp” của Alan Leo. Chính bản thân Leo cũng là một nhà chiêm tinh, người đã xuất bản nhiều cuốn sách về chiêm tinh học. Mỗi chương trong cuốn “Nghệ thuật tổng hợp” đều có một tiêu đề nêu điềm báo về việc những hành tinh được hình thành như thế nào. Alan Leo chia cuốn sách của mình thành các chương dựa theo mỗi hành tinh và miêu tả những đặc trưng về mặt chiêm tinh học của nó. Thực tế thì “Hải Vương tinh, Người thần bí” cùng là một tiêu đề trong cuốn sách của Leo lẫn trong tổ khúc của Holst. Có thể Holst đã được giới thiệu với Leo qua George Mead, một học giả tiếng Phạn và một thành viên của Hiệp hội Hoàng gia Á châu giống như Holst. Mead và Leo cũng là những người bạn.
Holst gọi tác phẩm của mình là “một loạt bức tranh tâm trạng”. Điều này đem đến những ảnh hưởng khác cho tác phẩm hơn là bất cứ liên hệ cụ thể nào với chiêm tinh học hay thiên văn học. Trước khi Holst bắt đầu soạn tổ khúc Những hành tinh, cả Arnold Schoenberg và Igor Stravinsky đều tới nước Anh và gây nhiều khuấy trộn tại đây. Schoenberg tới Anh và chỉ huy Bộ 5 tác phẩm cho dàn nhạc Op. 18. Holst chắc hẳn đã tới buổi hòa nhạc này và bị ấn tượng mạnh, vì Holst đã lấy tiêu đề ban đầu cho phác thảo Những hành tinh là “Bảy tác phẩm cho dàn nhạc”. Cũng khoảng thời gian này, Stravinsky tới Anh và chỉ huy Le sacre du printemps (Lễ bái mùa xuân). Holst chắc hẳn cũng để ý đến cách phối dàn nhạc độc đáo trong tác phẩm này, vì trong chương thứ nhất, “Hỏa tinh”, sự nghịch tai hiển nhiên và nhịp điệu độc đáo dường như đã được giải thoát bằng ảnh hưởng từ Stravinsky.
Có vẻ như Holst xem Những hành tinh là một tiến trình cuộc đời. “Hỏa tinh” có lẽ đóng vai trò như một sự khởi đầu sỏi đá và dằn vặt. Có một số người đã gọi chương này là khúc nhạc mang tính tàn phá nhất từng được viết ra. “Kim tinh” dường như đưa ra câu trả lời cho “Hỏa tinh”, tiêu đề của nó – “Vị thần mang đến hòa bình”, càng củng cố thêm khẳng định này. “Thủy tinh” có thể được coi là vị sứ giả giữa thế giới của chúng ta và những thế giới khác. Có lẽ “Mộc tinh” đại diện cho thời kỳ sung sức nhất của cuộc đời, cho dù giai điệu chính của nó được quá nhấn mạnh mà về sau được soạn lại cùng bài thơ “Con thề với người, tổ quốc ơi” của Cecil Spring-Rice thành một bài ca ái quốc. “Thổ tinh” có thể được xem như sự thể hiện cho phong cách chín muồi của Holst về sau này, và trong thực tế nó được chính Holst công nhận là chương mà ông tâm đắc nhất. Qua “Thổ tinh”, có thể khẳng định rằng tuổi già không phải luôn yên bình và hạnh phúc. Chương nhạc có lẽ thể hiện cuộc đấu tranh chống lại những lực lượng siêu nhiên kì bí vẫn đang diễn ra trong đời. Ý niệm này có vẻ lạ lẫm nhưng âm nhạc dường như nêu lên tín ngưỡng về điều này. Tiếp theo “Mộc tinh” là “Thiên Vương tinh, Vị pháp sư”, một khúc skezzo lắt léo thể hiện một cao trào âm nhạc mạnh mẽ trước vẻ thanh bình của đoạn hợp xướng nữ trong “Hải Vương tinh” khiến khán thính giả mê say.
Tác phẩm cho thấy Holst có liên hệ với các nhà soạn nhạc cũng thời mình. Có những ý tưởng rõ ràng được vay mượn từ Schoenberg, Stravinsky và Debussy (“Hải Vương tinh” có tính chất tương đồng với những tác phẩm viết cho piano thời kỳ đầu của Debussy). Holst không viết được tác phẩm nào giống như Những hành tinh nữa. Thậm chí ông còn ghét sự nổi tiếng của nó. Khi người ta hỏi xin bút tích của ông, ông đưa cho họ một tờ đánh máy khẳng định rằng ông không phân phát chữ ký. Công chúng dường như mong muốn ông viết thêm những tác phẩm như Những hành tinh nhưng âm nhạc của ông về sau làm họ thất vọng. Thực thế là sau khi viết tác phẩm này, ông đã thề bỏ niềm tin vào chiêm tinh học, mặc dù đến tận cuối đời ông vẫn tính số tử vi cho bạn bè. Thật trớ trêu khi tác phẩm khiến ông nổi danh thế giới cuối cùng lại đem lại cho ông ít niềm vui nhất.
 
Những hành tinh được Faber xuất bản và được trình diễn lần đầu tại một buổi hòa nhạc tư nhân năm 1918 dưới sự chỉ huy của Adrian Boult như một món quà từ Henry Balfour Gardiner, cũng là người chịu trách nhiệm công diễn lần đầu các tác phẩm Hai bức tranh phương Đông và Đám mây sứ giả của Holst. Tuy nhiên buổi trình diễn lần đầu toàn bộ tổ khúc diễn ra tại Sảnh lớn của Nữ hoàng dưới sự chỉ huy của Albert Coates vào năm 1920.
Diêm Vương tinh được phát hiện ra vào năm 1930 (4 năm trước khi Holst mất) và các nhà thiên văn học chào đón nó như một hành tinh mới. Song Holst không quan tâm đến việc viết thêm một chương nữa mang tên “Diêm Vương tinh”. Đến thời gian này ông đã vỡ mộng bởi sự nổi tiếng của tổ khúc Những hành tinh, ông cho rằng người ta vì quá chú ý đến nó nên quên mất những tác phẩm khác của mình. Tuy nhiên nhiều nhà soạn nhạc khác đã viết tiếp chương “Diêm Vương tinh”. Năm 2000, Dàn nhạc Hallé đã hợp đồng với nhà soạn nhạc Colin Mathews, một chuyên gia về Holst, để viết chương thứ 8. Mathews đặt tên chương nhạc là “Diêm Vương tinh, Người phục sinh” và đề tặng Imogen Holst, con gái của Holst.
 Tháng 8 năm 2006, Liên đoàn thiên văn học quốc tế (IAU) đã định nghĩa lại thuật ngữ “hành tinh” dẫn đến việc Diêm Vương tinh (Pluto) bị chuyển từ “hành tinh” sang “hành tinh lùn”. Vì thế tác phẩm 7 chương ban đầu của Holst lại một lần nữa có sự hiện diện trọn vẹn của mọi hành tinh trong hệ mặt trời (trừ trái đất).

Ngọc Anh (nhaccodien.info)

Tác giả