“Quái kiệt” trong nghề phục chế cổ vật

Nhiều người trong nghề sưu tập cổ vật, nhiều tay chơi mà bộ sưu tập của họ trị giá hàng trăm triệu đồng, cũng phải “nhẹ bước chân” đôi phần khi đến nhà anh. Đã đến đây, ắt có việc nhờ vả. Khi thì cái lư đồng sứt quai, lúc là cái đĩa gốm quý giá, nước men ngọc đời Lý, đời Trần..., tinh xảo và “đẳng cấp” nhưng lại bị vỡ đến mức gần như tan tành, hoặc có sứt sẹo, nứt vỡ..., cần một bàn tay tài hoa “gá” lại, xử lý như nguyên vẹn...

Con đường trở thành “quái kiệt”
Cơn mưa tháng tư mới rây bụi nhưng cũng đủ làm ngõ chợ Khâm Thiên vốn chật chội bỗng trở nên lép nhép, ướt át. Họa sĩ Nguyễn Sáng đón tôi từ đầu ngõ, sau mấy phút ì ạch dắt xe và “cúi lom khom” trong lối đi tối, gần như chỉ đủ cho một chiếc xe máy chui lọt, kiểu ngõ rất đặc trưng “Hà  Nội cổ”, thì khoảng sáng trời mới hiện ra. Sân nhà anh, một ngôi nhà nhỏ, “cheo leo” trên chóp cao của khu nhà phố chợ bỗng rạng rỡ hẳn bởi những cành mai trắng đang đơm hoa cuối mùa. Vẻ đẹp muộn màng và tinh khiết ấy, lại rất ăn ý với những bình, lọ, thạp, những con nghê, và một số các bọc, gói chưa được mở (sau này tôi mới biết đó là các cổ vật bị vỡ được gói lại từng mảnh, mang đến chờ anh “lắp ráp”)… nằm ngổn ngang cùng giá vẽ, tranh, màu.
“Tư gia” của một người được xem là sành đồ cổ, lại rất giỏi trong “khoa” phục chế cổ vật lại như thế này ư? Chừng như đoán được ý nghĩ của tôi, họa sĩ Nguyễn Sáng tủm tỉm: “Chẳng đi đâu mà vội, cứ ngồi uống bát nước, ngắm đồ cổ, và phải được sờ tay vào đồ cổ cho thấy kì thích…, rồi ta mới nói chuyện, hẵng!” Nói là làm, khác với nguyên tắc ở bảo tàng “không sờ vào hiện vật”, anh mở tủ kính, các ngăn cửa gỗ, lần lượt mang ra từng món đồ, cho tôi sờ, xoay, ngắm… chán chê. Nhưng hình như những cổ vật này như có sức quyến rũ riêng của nó, đã trót sờ tay lên lớp men mịn nhẵn, trơn mướt hoặc rạn chảy và mát lịm của cái đĩa gốm, cái ấm, cái thạp, cái bình quả dưa, cái ấm hồi, bình rượu…, tôi lại không dứt ra, không biết chán là gì nữa. Mỗi một hiện vật như một triều đại. Và chỉ cần nhắm mắt, là hàng trăm câu chuyện khác nhau hiện ra. Cuộc đời của một nghệ nhân vô danh nào đó, cách đây mấy trăm năm đã làm ra nó. Cuộc đời của những vị vua, chúa, quan lại đã sử dụng phẩm vật cống nạp, triều cống. Và không biết bao nhiêu cuộc đời của những hoa tay, mồ hôi người sở hữu, bao nhiêu lớp trầm tích, hay đợt sóng biển đã bao phủ, bồi đắp, phôi pha trên những lớp “ten” gỉ của niên đại hiển hiện trên những hiện vật được phát hiện nhờ đào hoặc trục vớt này…

Họa sĩ Nguyễn Sáng lại cười: Đấy, cô xem, chỉ một chốc mà cô đã mê, huống gì tôi ba mươi năm ăn cổ vật, ngủ cổ vật, nằm mơ cổ vật… Anh nói đến quãng đời ba mươi năm gắn bó với những cổ vật và quá trình để trở thành người thợ – nghệ sĩ trong nghề phục chế này nhẹ nhàng như nói về một thoáng mây qua.
Xuất thân trong một gia đình mấy đời làm công nhân, bố mẹ kiên quyết ngăn cản con cái học bất kì gì ngoài nghề thợ với cái lí “dòng họ ta truyền đời làm thợ, không có vẽ vời mơ mộng học hỏi gì sất”, Nguyễn Sáng vẫn bí mật vừa làm vừa học và thi ba lần mới đỗ đầu Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. “Ngày đó, muốn học vẽ vì trót quen với một cô sinh viên mỹ thuật. Nhân duyên không thành, nhưng tôi trở thành con nuôi của bố cô, nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu* nổi tiếng nhất làng Bát Tràng một thuở. Và có lẽ vì thế mà cũng mày mò học hỏi được đôi chút về gốm, sứ”.
Nguyên cớ tình yêu đã đưa đẩy khiến anh đến với nghề làm gốm, và trải qua khoảng bốn, năm nghề… chủ yếu là làm họa sĩ thiết kế các sản phẩm nội thất cho Xí nghiệp gỗ, Xí nghiệp nhựa Đại Kim, thêm một thời gian gắn bó với Xưởng phục chế Di tích Trung ương “lê la” cùng kiến trúc chùa Tây Phương, Vô Vi, Kim Liên…, anh đã tích lũy cho mình một vốn quý không học ở đâu mà bằng: sự am hiểu về nghệ thuật các triều đại.

Bí quyết duy nhất là… mày mò!

Cái điều giản dị tưởng ai cũng biết, là sự mày mò không ngừng nghỉ  để có được những am hiểu nghệ thuật của mỗi triều đại ấy đã trở thành bí quyết duy nhất giúp anh khi vào nghề phục chế đồ cổ, đụng bất kì “hàng” gì, cũng có thể giải quyết… y như thật.
Muốn phục chế một cái đĩa gốm vẽ hoa văn rồng đời Trần, phải biết, ngoài men, ngoài cốt, ngoài độ lửa nung gốm, người nghệ nhân đời Trần đã tạo ra dấu ấn riêng của văn hóa triều đại mình trên tác phẩm ấy như thế nào. Nó là sự khác biệt về độ nhòe, về nét vẽ, về con rồng có vây hay không vây, dũng mãnh hay uyển chuyển so với con rồng, với nét vẽ của người nghệ nhân trên tác phẩm đời Lý, đời Lê. Không để ý một ly, người trong nghề chơi cổ vật tinh mắt sẽ phát hiện điểm phục chế ngay. Vì vậy, thời gian để thành nghề phục hồi cổ vật của anh Sáng mất khoảng gần mười năm, nhưng khoảng thời gian để anh nắm bắt được nghệ thuật của từng cổ vật thì không sao tính đếm được, có lẽ, nó bằng với sự bạc tóc của người nghệ sĩ trong mỗi phút đam mê.

Sáu năm đổ hết “vốn liếng”, để người vợ vốn tháo vát và khéo tay làm nghề kế toán ở một xí nghiệp nhỏ xoay sở với gia đình cùng đứa con gái duy nhất, họa sĩ Nguyễn Sáng cũng không nhớ hết mình đã đầu tư bao nhiêu tiền để pha chế, mua “đủ các hóa chất linh tinh trên đời” về pha chế, trộn lẫn… và sau đó đổ đi. Mà cũng chỉ nhờ có thế, nên trên những cổ vật phục chế, các niên đại cách đây mấy thế kỉ đã được anh xóa nhòa dấu ấn và khoảng cách. Có những cổ vật lớn và giá trị, như trống đồng Đông Sơn, vỡ tan tành từng mảnh, mặt trống, thân trống, tang trống được tách rời từng gói một, đưa đến tay anh, lại lành nguyên như khi chưa suy suyển. Những thạp hoa nâu đời Lý, chân đèn men lam vẽ hoa cúc dây đời Lê, ấm hồi cánh sen đời Lý… rất tinh xảo nhưng bị mất nắp, sứt quai, nứt vòi…, anh Sáng làm cái mới đậy, đắp vào, không ai phân biệt được cũ – mới.
Có một kỉ niệm mà lần đầu làm nghề khiến họa sĩ Nguyễn Sáng nhớ mãi, ấy là khi anh phục chế một cái ấm mất nắp cho người bạn thân. Với chất liệu composit và hóa chất, cái nắp ấm đã được anh làm y hệt. Đến độ, anh Nguyễn Bá Cường, họa sĩ phục chế tranh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khi đến chơi, nâng cái ấm lên xem, vô tình làm rơi nắp, đã tỏ ra rất ngạc nhiên thốt lên: “Không hiểu sao nó lại không vỡ?”. Đó gần như là lần đầu tiên anh làm toàn hảo một sản phẩm phục chế, để sau đó, là mở ra những cuộc “thử thách” phục chế đồ cho các bảo tàng cũng như các bộ sưu tập.
“Nói như vậy, có nghĩa là anh có thể làm đồ cổ giả, mang ra thị trường bán mà không ai phát hiện?”. Khi nghe tôi hỏi, anh cười. “Xin phân biệt cho, đây là nghề Phục – Chế cổ vật, chứ không phải là Làm – Giả cổ vật. Tôi theo nghề này, vì thấy những tinh hoa văn hóa dân tộc qua các triều đại phần nào đang được gìn giữ bằng sự hiện diện của những cổ vật. Nếu nó bị sứt mẻ, hỏng, mất đi toàn bộ dáng vẻ ban đầu, thì tôi phục hiện lại để người xem, người sưu tập được chiêm ngưỡng, chứ không có ý định làm giả tinh hoa của tiền nhân”. Mà thực sự, có theo nghề, mới biết là dù “siêu” đến mấy, cũng không thể nào làm giả được, trừ phi người ta cố ý đánh lận con đen, cổ vật giả – thật lẫn lộn để bịt mắt những người không sành hàng kiếm lời. Bởi, chất liệu, dáng vẻ có thể bắt được, nhưng không thể bắt chước được toàn vẹn linh hồn của người thợ đã thổi vào tác phẩm. Vì vậy, anh Sáng không nhận những đơn đặt hàng làm giả cổ vật. Anh chỉ “đánh bóng” cho những cổ vật thật, để nó lung linh, toàn bích như vẻ đẹp ban đầu mà thôi. Cũng đã có lúc anh từ chối lời mời sang phục chế cổ vật tại Thái Lan cho những tay buôn đồ cổ. “Thế nên mới nghèo và ít tiền”, anh lại cười, giải thích thêm.
Tôi không cảm nhận được cái “nghèo” của anh, mà ở trong một không gian đắm đuối những dấu ấn văn hóa, với những cổ vật và say sưa cùng câu chuyện phục chế, tôi thấy một sự giàu có tinh thần vô giá đang hiển lộ.
————-
* Nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu là người làm ra tác phẩm Bình gốm Bát Tràng cao 1,2 mét, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Lê Mỹ

Tác giả