Richard Wagner – một quyền lực lớn trong âm nhạc thế kỷ 19

Richard Wagner không chỉ biết đến với tư cách là một nhà soạn nhạc với 13 vở opera nổi tiếng, có ảnh hưởng sâu sắc đối với âm nhạc hiện đại mà còn là một nhân vật lớn của văn hóa và lịch sử Đức thế kỷ 19 và 20.

Wilhelm Richard Wagner sinh ngày 22-5-1813 tại Leipzig. Cha trên danh nghĩa của Richard Wagner là viên thư lại Carl Friedrich Wagner chết vì bệnh thương hàn ngày 23-11-1813. Còn người cha đích thực của Wagner là Ludwig Geyer, một hoạ sỹ, ca sỹ và nhà thơ tài năng. Mẹ của Wagner, bà Johanna Rosine đã kết hôn với Ludwig Geyer vào tháng 8-1814, chưa đầy 1 năm sau cái chết của người chồng. Từ rất nhỏ, Wagner đã quan tâm đến nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu. Ông đã tham gia những khóa học đối âm và hòa âm với một nhạc trưởng ở Leipzig là Christian Gottlieb Muller. Những buổi trình diễn nhạc cổ điển, các tác phẩm “Der Freischutz” của Carl Maria von Weber và “Fidelio” của Beethoven đã trở thành nỗi ám ảnh suốt cuộc đời ông.
Năm 1829, Wagner bắt đầu sáng tác những tác phẩm âm nhạc đầu tiên, 2 sonata piano, 1 tứ tấu đàn dây. Bản sonata piano cung Si trưởng đã gây ấn tượng sâu sắc đến nỗi Weinlig, người dạy Wagner môn đối âm, quyết định không lấy tiền học của Wagner và đã tổ chức buổi công diễn tác phẩm đó. Tháng 3 năm đó, Wagner đã chỉ huy bản giao hưởng cung Đô trưởng viết theo phong cách Beethoven tại nhà hát ở Leipzig và Prague. Wagner cũng viết vở opera “Die Hochzeit” nhưng không bao giờ được hoàn thành và thay vào đó là viết nốt bản sonata piano cung La trưởng.
Giữa những năm 1833 và 1836, Wagner sáng tác 2 vở opera, bắt đầu hình thành thời kỳ mang dấu ấn của mình. Vở đầu tiên là “Die Feen”, hoàn thành năm 1833, trên cơ sở là tác phẩm của nhà viết kịch Carlo Gozzi. Tuy nhiên “Die Feen” chỉ được trình diễn 5 năm sau cái chết của nhà soạn nhạc. Vở opera thứ hai, “Das Liebesverbot”, sáng tác dựa trên vở kịch của William Shakespeare “Measure for Measure” (Ăn miếng, trả miếng) đã được ra mắt vào năm 1836. Năm 1834, Wagner công bố “Die Deutsche Oper”, một tiểu luận bắt đầu cho cả cuộc đời nghiên cứu lý thuyết mỹ học trong âm nhạc. Quan  điểm của Wagner ở bài tiểu luận này là Đức có thể học hỏi được ở Italia một kiểu mẫu trong nghệ thuật sáng tác opera. Với ý tưởng này, vài tháng sau, Wagner bắt đầu viết “Das Liebesverbot”.
Năm 1834, Wagner hoàn thành vở “Die Feen”, và cũng để hết tâm trí vào “Das Liebesverbot”. Trong thời gian đó, Wagner gặp nữ nghệ sỹ trẻ Christine Wilhelmine “Minna” Planer, đồng thời được mời làm Giám đốc âm nhạc của nhà hát của Heinrich Bethmann đặt tại Magdeburg. Hai năm sau, vào ngày 19-3-1836, Wagner chỉ huy “Das Liebesverbot” tại Magdeburg, vở opera đầu tiên của ông được dàn dựng. Ngày 24-11 năm đó, Wagner kết hôn Minna và vài tháng sau được mời làm giám đốc âm nhạc tại Konigsberg. Cuộc hôn nhân đã sóng gió ngay từ khi bắt đầu nhưng họ vẫn duy trì nó cho đến 20 năm sau.
Tiền bạc là căn bệnh truyền nhiễm bám riết lấy Wagner trong suốt cuộc đời. Nhà hát tại Konigsberg bị vỡ nợ, năm 1837 Wagner tới Riga làm Giám đốc âm nhạc nhờ sự giới thiệu của bạn bè. Bị cuốn hút bởi phong cách của grand opera Pháp, Wagner đã viết tác phẩm đồ sộ “Rienzi, der Letzte der Tribunen”, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Anh Edward Bulwer-Litton. Tuy nhiên, thói tiêu hoang vô độ của cặp vợ chồng trẻ đã khiến họ phải chạy trốn các chủ nợ trong một đêm xấu trời với tập bản thảo “Rienzi” còn dang dở. Hai vợ chồng tới Paris trên con tàu mang tên một nữ thần Hy Lạp, Thetis. Và như một Odyssey, họ đi tới Sandwiken, Na Uy rồi trở lại London. Trên boong tàu lộng gió, Minna đã chịu phải một bất hạnh là bị sẩy thai. Tháng 9-1839, vợ chồng Wagner tới Paris tràn đầy niềm hy vọng sẽ ghi điểm trước công chúng Paris bằng những tác phẩm âm nhạc mới và những ý tưởng sâu sắc. Nhưng không may, ông chỉ thấy những cánh cửa đóng im ỉm, sự thờ ơ lạnh nhạt và không có lấy một sự quan tâm chân thành nào. Hoàn thành “Rienzi” vào tháng 11-1840, Wagner gửi bản thảo tới Giám đốc nhà hát Paris Opera, Leon Pillet, nhưng Pillet đã không thèm để ý đến tác phẩm này. Bất chấp sự thờ ơ của giới âm nhạc Paris, Wagner tiếp tục lao vào sáng tác nhiều ca khúc trên phần lời tiếng Pháp cho các ca sỹ nổi tiếng. Năm 1840, Wagner sáng tác một vở opera mới, nảy sinh từ chuyến đi bão táp trên tàu “Thetis”. Sự kết hợp của chủ nghĩa Lãng mạn Đức và trải nghiệm về những giông bão trên biển cả của Wagner đã đem đến phiên bản của “Der Fliegende Hollader” mà chúng ta biết ngày nay. Cuối năm đó Wagner trở về Đức khẩn cầu đức vua của vùng Saxony dàn dựng “Rienzi” tại nhà hát Dresden Court Theater. Và vào tháng 6-1941, ánh sáng may mắn đã đến với Wagner khi “Rienzi” được chấp nhận trình diễn ở Dresden. Buổi ra mắt “Rienzi” ngày 20-10-1842 tại Dresden đã được đón nhận nồng nhiệt ngay từ buổi trình diễn đầu tiên kéo dài 5 giờ đồng hồ.

Năm 1843 cũng là năm của Richard Wagner. Đầu năm, ông dàn dựng “Der Fligende Hollander”, yết kiến Hofkapellmeister, người đứng đầu vùng Saxony, và được cho vay tiền để trả những món nợ cho những ngày còn ở Magdeburg. Ngày 2-1, “Der Fligende Hollander” ra mắt khán giả lần đầu tiên tại chính Dresden Court Theater và chinh phục được cả khán giả lẫn giới phê bình. Không cảm thấy thỏa mãn với tác phẩm này Wagner đã tiếp tục cho những dự án tiếp theo, trong đó là việc suy nghĩ về diện mạo của grand opera.
Là Giám đốc âm nhạc của cung đình Dresden, cuộc đời của Wagner bắt đầu bước vào thời kỳ ổn định về tài chính. Ngày 13-4-1845, Wagner hoàn thành “Tannhauser” và được trình diễn vào ngày 19-10 năm đó, tại Hoftheather. Cùng năm, Vua Ludwig đệ nhị của xứ Bavaria ra đời, đây là con người nhiều năm sau sẽ làm thay đổi cuộc đời Richard Wagner.
Năm 1845, Wagner bị cuốn hút bởi Thần thoại Đức của Jacob Grimm và nghiên cứu những thiên sử thi Đức, văn thơ cổ vùng Scandinavi và nhiều bộ thần thoại Bắc Âu. Dựa vào bài thơ “Parzival” của nhà thơ Trung cổ Wolfram von Eschenbach, Wagner đã viết bản phác thảo “Lohehgrin” và “Parsifal”. Ông lại tiếp tục lao vào viết tác phẩm “Siefried Tod” (Cái chết của Siefried) và sau đó được gọi là “Gotterdammerrung” (Hoàng hôn của các vị thần).
Năm 1848, cuộc khởi nghĩa của nhân dân hai nước Đức và Áo nhằm chống lại thế lực chuyên chế hoàng gia bùng phát. Ủng hộ cuộc khởi nghĩa, ông đã viết những bài báo nặc danh trình bày những điều ông hình dung về sự suy tàn của giai cấp quý tộc, khiến ông trở thành đối tượng truy nã. Với sự hỗ trợ của người bạn và sau này trở thành bố vợ ông, nhà soạn nhạc Franz Liszt, Wagner đã trốn khỏi Dresden để rồi sang Thụy Sỹ và Paris.
Sống tha hương, Wagner đã cố gắng kiếm sống như một nhà văn. Trong thời gian đó, ông đã viết những tác phẩm lý luận về âm nhạc và sân khấu quan trọng nhất của mình. “Nghệ thuật và cách mạng”, “Lao động nghệ thuật của tương lai”, “Opera và tính kịch”. Những tác phẩm này đã là nền tảng cho các vở kịch âm nhạc của Wagner thời kỳ cuối. Tháng 4-1848, “Lohehgrin” hoàn thành cùng với những ý tưởng của “Ring of Nibelung” bắt đầu xuất hiện. Ngày 28-8-1850, “Lohengrin” được trình diễn tại Weimar Court Theater dưới sự dàn dựng của người bạn thân thiết Franz Liszt. Thái tử Ludwig của xứ Bavaria đã tới dự buổi ra mắt của vở “Lohengin” khi 15 tuổi và đã rơi lệ vì hạnh phúc. Khi lên ngôi xứ Bavaria, một trong những hành động đầu tiên đấng quân vương thực hiện là truy tìm tung tích Wagner và đưa đến yết kiến ông.
Ngày 4-5-1864, đức vua 18 tuổi và nhà soạn nhạc 51 tuổi gặp nhau lần đầu tiên. Đó là cuộc gặp gỡ của hai thế giới. Một bên là đức vua trẻ tuổi đầy mơ mộng, bên kia là một nhà soạn nhạc trung niên đầy giông bão, người đã quá mệt mỏi vì cuộc sống nợ nần nhưng tài năng nghệ thuật độc đáo. “Tristan và Isolde” là cuộc cộng tác đầu tiên của họ. Nhiều bức thư trao đổi còn lưu lại đến ngày nay, thể hiện sự sùng bái của đức vua với nhà soạn nhạc. Trong khi vở opera đang diễn tập, Vua Ludwig đã viết cho Wagner: “Trái tim tôi đã khiến cho tôi không được yên ổn… gần và gần đến ngày hạnh phúc – Tristan sẽ tỏa sáng! Người yêu quý của tôi, tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi người! Ôi Tristan, Tristan sẽ đến với tôi! Giấc mơ thời thơ ấu và trai trẻ của tôi sẽ được sáng tạo thực sự…”. “Tristan và Isolde” là một vở opera phức tạp bậc nhất của thời đại ấy. Được sinh ra từ một lý thuyết mới về sáng tác, vở opera được truyền thêm cảm hứng từ tình yêu của Wagner với Mathilde von Wesendonck, người vợ xinh đẹp của một thương gia giàu có ở Zurich, và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng bi quan, yếm thế và u uất từ nhà triết học Arthur Schophenhauer. Buổi trình diễn đầu tiên của “Tristan và Isolde” do Hans von Bulow, một học trò xuất sắc của nhà soạn nhạc Franz Liszt, chỉ huy.
Năm 1862, Wagner và vợ ông là Minna đã li dị, và bà Minna chết một năm sau buổi trình diễn đầu tiên của “Tristan và Isolde”. Wagner không cô đơn, ông có nhân tình là bà Mathilde von Wesendonck (vốn là nguồn cảm hứng cho “Tristan và Isolde” cũng như lieder Wasendonck) nhưng sau đó đã bị cuốn hút một cách say đắm bởi Cosima, vợ của Bulow, con gái của nhà soạn nhạc F.Liszt và trẻ hơn ông 24 tuổi. Cuộc tình tai tiếng giữa Wagner và Cosima khiến cho nhạc trưởng rủi ro Bulow hết sức đau khổ nhưng cuối cùng cũng tha thứ cho họ. Khi Cosima chia tay Hans von Bulow và cưới Wagner, bà đã viết trong nhật ký những dòng chữ mà người ta có thể dễ dàng nhận ra hơi hướng của phần libretto “Tristan và Isolde”: “Tình yêu  của tôi đã khiến tôi được tái sinh, một sự giải thoát, một sự giải tỏa khỏi tất cả những gì tầm thường và xấu xa trong tôi, và tôi thề rằng sẽ sẵn sàng đi qua cả cái chết, đi qua nó… để hoàn toàn hiến dâng”.
Những năm cuối đời của Wagner diễn ra trong sự vinh quang tột đỉnh. Với sự tài trợ của Vua Ludwig xứ Bavaria, một nhà hát tại Bayreuth đã được xây dựng do chính Wagner thiết kế chuyên để trình diễn các tác phẩm của Wagner. Festival Bayreuth lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1876 hết sức thành công nhưng lại bị thua lỗ về tài chính. Vì vậy năm 1877, Wagner tới London với hy vọng thu tiền từ những buổi trình diễn tại đây để bù đắp vào những thiếu hụt tài chính ở festival Bayreuth. Cuối năm đó, ông bắt đầu viết vở opera mới “Parsifal”, tác phẩm được trình diễn tại Festival Bayreuth năm 1882.
Mùa đông năm 1882, Wagner cùng gia đình tới Venice và bất ngờ qua đời vào tháng 2-1983 sau một cơn đau tim. Thi hài của ông đã được đưa về an táng tại chính Bayreuth, nơi sau này vẫn tiếp tục tổ chức các buổi trình diễn tác phẩm của ông.

Tác giả