Rối nước – sự tồn tại kì diệu của tự nhiên

Chưa kịp hỏi câu nào về cuộc triển lãm “Nhân gian”, thì họa sĩ Phạm Long Quận, một thành viên trong nhóm thực hiện đã “phỏng vấn ngược”: Em định bắt đầu bài viết này như thế nào? Vâng, tôi đã bắt đầu sự thâm nhập của mình vào cõi “Nhân gian” như thế nào? Đó là một buổi sáng mù sương và lạnh giá, trong hơi thở bình yên của thị xã Hà Đông chào đón ngày mới, bên quán nước chè vỉa hè ấm nóng, tôi ngồi tưởng tượng về “Nhân gian” giữa lúc chờ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Lương Tử Đức và họa sĩ Phạm Long Quận cùng đi vào xưởng rối của nghệ sĩ Chu Lượng ở làng La Khê – ngôi làng nổi tiếng một thời vì nghề trồng hoa, dệt vải, giờ càng nổi tiếng bởi Bia Bà “linh thiêng có tiếng” hàng năm lũ lượt người đội lễ đến cầu khấn tình duyên.

Đường vào làng thơm nồng mùi cây cỏ dại và phân trâu ngai ngái, lẫn vôi vữa của những ngôi nhà đang trong giai đoạn bê tông hóa sơn xanh sơn đỏ dở dang. Những dề lục bình ngăn ngắt và đám rau muống dập dềnh mơn mởn trên những mặt ao nối tiếp nhau gợi cảm giác bình yên và tinh khiết, đến nỗi, tôi có cảm giác tựa như mỗi cái ao làng kia là một sân khấu thủy đình ngoài trời nhưng không có mái che, phô diễn sự tự nhiên và nụ cười hồn hậu của những cô tiên, chú Tễu đang đằm mình trong nước.
Câu chuyện của anh Phạm Long Quận trên đường đi làm tôi hơi rờn rợn. Này cây si cổ thụ không biết bao tuổi cạnh miếu lập lòe nhang khói, nơi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng nghe tiếng hát í ơi vào mỗi đêm trăng và nhìn thấy có hai mẹ con người đàn bà áo trắng vắt vẻo cành cao rồi đua nhau nhảy tùm xuống ao, té nước đùa cười khanh khách. Không biết đó có phải là một trong những hình ảnh của câu chuyện “Giấc mộng tôi kể không phải là một giấc mộng” mà anh đã viết hay không, hay đó chỉ là những “chuyện nhát ma”, những huyền thoại, huyễn tích ở bất kì ở làng quê Việt Nam nào cũng có. Những huyền thoại lung linh thắp lửa trong đời sống của chủ nhân văn minh lúa nước. Một câu chuyện cổ. Một nụ cười. Một phút thanh thản ngày nông nhàn rồi lại hối hả cho vụ mùa tới. Những huyền thoại trong khoảnh khắc đã khởi sinh loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc chỉ có ở Việt Nam, chỉ có từ tâm hồn con người thực sự gắn bó với cỏ cây, thiên nhiên, gắn bó với những gì giúp họ tồn sinh, họ cũng làm cho sự tồn sinh ấy thêm đủ đầy ý nghĩa. Nhà thơ, đạo diễn Lương Tử Đức bảo: “Đừng hoài công đi tìm lịch sử của nghệ thuật rối nước. Nó ra đời từ đâu và bắt đầu thế nào, đừng nên băn khoăn. Nghệ thuật chỉ tồn tại khi nó là tự nhiên, nhi nhiên, và khi ấy nó mới là bất tử.”. Sự tự nhiên dường như đã làm nên huyền thoại. Và sự tự nhiên cũng làm cho những huyền thoại hồi sinh, sống động, làm cho sau lần kể là một lần cảm giác rờn rợn, háo hức, tò mò, muốn được nghe tiếp. Nó tái sinh tựa những gương mặt, những động tác, những tiếng cười, những làn điệu mượt mà ới a được thể hiện bằng bàn tay người điều khiển lắm lúc phải giấu mình trong nước, để thổi hồn mình vào cây sào, vào sợi dây mỏng tang đến mức khó bề cảm thấy. Để công chúng được thưởng thức vẻ đẹp lộng lẫy và hồn nhiên như thể vẻ đẹp ấy đang ở ngoài chúng ta. Vâng! Với rối nước, sau mỗi lần xem, bạn lại có cảm giác tò mò háo hức muốn muốn chiêm ngưỡng, muốn được hòa mình như vậy. Mà vẫn chỉ là những vở rối đấy. Những con rối đấy. Những gương mặt đấy. Những bước nhảy và điệu cười, tiếng hát đấy, sao những nhân vật như chúng ta đang thu hình bé xíu trong thế giới của những người tí hon lại quyến rũ thế kia. Quyến rũ tự nhiên như khởi phát từ hơi thở, từ sự tồn tại của đời sống chúng ta – một đời sống về bản chất sâu thẳm và xưa xa là thuần khiết.
Tôi không phải là một cô gái có gương mặt búp sen và thắt lưng ong đặc trưng của người phụ nữ  Bắc bộ, ấy thế mà những điệu chèo, màu ao làng và lũy tre ngăn ngắt mà chỉ miền Bắc mới có, những triền đê lặn vào chân trời ngời lên khát vọng giao hòa và chế ngự thiên nhiên của con người nơi đây lại quyến rũ tôi tự lúc nào. Bạn sẽ bảo rằng con người nơi đâu chẳng ao ước giao hòa và chế ngự thiên nhiên. Nhưng, bạn có biết không, một minh chứng sống động cho khát vọng tự nhiên về thanh bình, no ấm và yên vui của người xứ Bắc, là sự ra đời của rối nước. Nơi nào có một chú Tễu cười he he mà làm cả lòng người xao động. Nơi nào có sân khấu thủy đình mà những làn điệu của chiếng chèo Đoài nổi tiếng lại ăn “ngọt” vào đời sống, thân phận của các nhân vật rối đến vậy. Phải vì thế mà cậu bé Chu Lượng vốn sinh ra trong một gia đình theo nghiệp vẽ từ đời ông đến đời cha, đã chọn và gắn bó cuộc đời mình với rối nước, để bây giờ, hàng đêm, “chơi rối” dăm ba suất diễn vẫn chưa thấy “đã”, vẫn đau đáu mong muốn được tôn vinh nghệ thuật dân gian này ở tầm mức đỉnh cao của nó, và, dám bỏ mấy mươi nghìn USD để đầu tư hơn 1000 con rối cho cuộc triển lãm “Nhân gian”. Vì thế mà đạo diễn, nhà thơ Lương Tử Đức, vốn mê đắm chèo vẫn phải thường xuyên “sang chơi nhà bạn”, sang chơi cái sân khấu thủy đình bé cỏn con trong tâm thức của anh đến mở rộng những sân khấu lớn hơn trong tâm tưởng các thế hệ học trò của thầy Chu Lượng, nhận những buổi “ngoại đạo” miễn phí cho các học trò theo bộ môn rối nước với một khăng khăng như nhất “rối nước và chèo là từ một bà mẹ sinh ra”. Và có phải vì thế mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, “gặt” đủ đầy vinh danh với thi ca, vẫn muốn được “nhảy” vào sân rối góp một tay, suy nghĩ cho tứ “Nhân gian” ra đời. Còn họa sĩ Phạm Long Quận, mười mấy năm chay trường Thiền tự cũng phải trầm ngâm một câu: tự nhiên, nhi nhiên, thuần khiết, không tục lụy và cũng không dùng tục lụy để ràng buộc được, chính là nghệ thuật rối…


Trò chuyện của thiên đường và hạ giới

Nghệ sĩ Chu Lượng nói, sở dĩ rối nước thuần khiết, bởi nó không bao giờ lệ thuộc vào bất kì một hệ tư tưởng nào, không có thế lực nào lợi dụng được những nhân vật rối để truyền bá tư tưởng của mình. Nếu bây giờ trích đoạn một vở rối nước, trong đó nhân vật Yết Kiêu anh hùng với tài ngụp lặn phá thuyền quân địch mà cứ ngụp lên lặn xuống dưới nước… thì buồn cười lắm. Chưa kể, khi Yết Kiêu bị quân địch giăng lưới bắt, khán giả vỗ tay rần lên vì người nghệ sĩ biểu diễn những nhân vật rối quá linh động, quá dẻo, lúc đó hình tượng của vở diễn đã thành “rối” thật rồi. Vì vậy mà rối nước cứ đẹp mãi trong tâm trí người xem, không chỉ ở những tâm hồn trẻ thơ mà còn cả người lớn. Cho nên, nếu rối nước có một hệ tư tưởng nào đó, thì hệ tư tưởng duy nhất ấy chính là cái đẹp tự nhiên vậy.
Tôi được biết trong “Nhân gian” – cuộc triển lãm lớn nhất, có quy mô nhất về rối nước từ trước đến nay mà nhóm các nghệ sĩ, do nghệ sĩ Chu Lượng đảm trách còn có sự tham gia của họa sĩ Lê Thiết Cương, người nổi danh đam mê và dám “chơi sang” với tất cả những bộ môn nghệ thuật dân gian, cùng với hoạ sỹ Nguyễn Sáng, giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, một người sành cổ vật nhất nhì xứ Bắc, rồi lại có sự cố vấn về kiến trúc của kiến trúc sư Lê Trương. Mọi sự chuẩn bị về tổng thể và chi tiết đều được chuẩn bị đầy đủ, tuồng như cuộc triển lãm này đã được bày đặt từ lâu lắm, trong tâm trí của mỗi người. Họ chỉ việc tập hợp lại đây, trong khu vườn nức hương khế chín, mỗi người một ý say sưa về cõi “Nhân gian”. Trông họ như những người nông dân chăm chỉ và khó tính đang phê bình, xét đoán những con rối chất chồng trong xưởng rối. Có đám rối còn nguyên hình mộc mới đẽo gọt thô từ những thớ gỗ sung chịu nước. Có đám rối đã được phết sơn then nhanh nhánh nhưng tay chân thì vẫn còn chưa lắp ráp, chờ sơn khô, đánh bóng, bó hom, phải qua đầy đủ 7 công đoạn của nghệ thuật sơn mài, từ vóc đến thếp quỳ vàng, quỳ bạc, khảm trứng, đánh bóng, mài sơn… mới có được một hình hài mới, tâm thế và biểu cảm mới, mới phả ra được cái hồn mặn mà của phù sa châu thổ mênh mông. Họ cũng giống như những chú bé dường như chưa bao giờ rời xa mảnh đất làng, chưa bao giờ rời xa cái thúng hàng xén buổi chợ trưa của mẹ, khao khát được sống lại một lần nữa cảm giác ấy với những nhân vật rối chen chúc trong cái thúng khổng lồ của nhân vật mẹ rối gánh gồng, quày quả trước sân. Có những chú rối truyền thống. Có những chú Tễu, những cô tiên, quan trạng, cô nàng áo mớ bảy mớ ba xúng xính lên chùa, anh nông dân gắn bó một đời với cái đuôi trâu ngoe nguẩy… Có cả những nhân vật rối trông thật lạ. Đường nét, khuôn mặt, ánh mắt, sự biểu cảm vượt ra ngoài khuôn mẫu thông thường. Một cái gắn tay bằng đinh nghẹo lên hay bẻ xuống thôi, đã ẩn chứa cái nhìn mới của người nghệ sĩ. Đó là rối “cách tân” của Chu Lượng. Như anh đã từng sáng tạo những mẫu rối Su – mô cho khán giả Nhật Bản xem.  “Nhân gian” xa xưa và đương đại hiện hình trong muôn vẻ của các nhân vật rối, nhưng không đánh mất hồn và tinh túy – sự trong sáng, thuần khiết – của nghệ thuật này. Bởi, riêng cái ý tưởng tôn vinh nghệ thuật rối, không một chút vụ lợi, đã là điều thuần khiết nhất trong tâm trí nghệ sĩ rồi.
Họa sĩ Phạm Long Quận say sưa về những thửa mạ xanh ngắt, những con đường đầy ắp ngũ cốc trải dài dưới chân rối, hàng nghìn ống sáo bất tận sẽ đổ xuống mặt đất bên cạnh chú rối cưỡi trâu thổi sáo tựa mục đồng trong tranh cổ, và bất tận là những dãy bát trắng phau phau, những bó đũa mộc miên man trước mặt một bà mẹ rối mà đâu đó sẽ chỉ có một chiếc bát là dẻo thơm cơm trắng. Một sân khấu thủy đình di động lung linh đèn nước sẽ được dựng lên ngay trong sân Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Những âm thanh tinh khiết của tiếng sáo cất lên từ đôi môi một chú bé tật nguyền, tiếng người, tiếng xe, tiếng chim kêu khắc khoải, tiếng đôi tình nhân hò hẹn, bước chân người thôn nữ khỏa nước cầu ao…sẽ vang lên, chứ không chỉ có những làn điệu chèo rộn ràng đúng “môtýp” cũ nữa. Và…
 Suỵt suỵt suỵt… Nghệ sĩ Chu Lượng, nhà thơ Lương Tử Đức nghiêm trang: Không tiết lộ gì. Không nói trước gì. Cuộc triển lãm “Nhân gian” lần này chỉ đơn thuần là một cuộc triển lãm của hơn nghìn chú rối. Ai muốn đến xem, thì sẽ biết! Ai muốn biết về “Nhân gian”, thì đến xem! Lúc này, trông họ lại hoàn toàn trở về ấu thơ, những chú bé đang ra sức giấu kín bí mật của mình. Nhưng, cái bí mật ấy, nó đáng yêu đến mức đang hiển lộ trên hàng trăm con rối nằm nghiêng, xếp dọc, chồng chất trong cái xưởng rối ở làng La Khê, bên những mặt ao phẳng lặng như nín thở chờ đợi những nhân vật sẽ tái sinh và xuất hiện vào mùa hè tới, khi cuộc hội ngộ Quốc tế về Rối sẽ diễn ra tại Hà Nội.
Trước sân nhà của nghệ sĩ Chu Lượng, trong khi các học trò của anh ríu rít kết thúc buổi ngoại khóa bằng cách quây quanh bể nước, “cái sân khấu thủy đình” bé xíu mà nghệ sĩ đã xây cho những buổi tập dượt của các nhân vật rối trước khi bước ra sân khấu thật, biểu diễn trước muôn người, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bất chợt chỉ cho tôi chùm ổi chín vàng hươm bên hiên nhà hàng xóm. Nơi đó, những ánh nắng hiếm hoi của một ngày đông giá vừa lóe lên, phủ kín sắc vàng của quả. Thốt nhiên, tôi thèm được vươn mình qua những hàng rào kẽm gai, níu lấy cành lá ấy. Nhưng, lại cũng sợ nếu chạm vào, ánh nắng sẽ tan biến đi. Vẻ đẹp của tự nhiên, đất trời, cũng như rối nước, không ai bảo nó là vô dụng, vì đó là vẻ đẹp kì diệu đã được được tạo dựng và được nuôi dưỡng sức sống bền bỉ bởi tâm hồn con người, nhưng không ai sở hữu được nó, nếu muốn sử dụng, muốn lợi dụng nó, sự trong sáng thuần khiết sẽ biến tan đi. Mà, cũng thật oái ăm thay, chẳng biết đến bao giờ chúng ta mới thôi muốn sở hữu những gì đẹp đẽ, mới trả lại cho tự nhiên, cho chính bản thân ta những tự tính lành hiền của bản thể Nhân Gian?

Lê Mỹ Ý

Tác giả