Sống như một người Sài Gòn

Có nhà cửa, hộ khẩu ở TP.HCM thì trở thành người Sài Gòn? Chưa chắc. Khi ta nói “người Sài Gòn” là nói tới một hệ thống phẩm chất, một thế sống – theo cách dùng từ của nhà văn Vũ Khắc Khoan – chứ không phải là nói tới cái sự định vị hợp thức về mặt hành chính.


Gần đây, từ Sài Gòn được xài lại nhiều, trên sách báo chính thống có bề tự nhiên hơn trước. Hình như sức nặng văn hóa thuộc nội hàm của một địa danh đã vượt qua những quy ước địa danh hành chính.

Vì sao như vậy?

Thiên hạ phải chăng tất thảy đều mắc chứng hoài cổ thái quá?

Thật khó tin vào giả thiết có một thứ tâm thức hoài cổ tập thể ở một thành phố mà sự thay đổi theo chiều hướng hiện đại và tư duy toàn cầu đang hiện diện trong mọi ngõ ngách đời sống hằng ngày. Càng khó tin rằng ở vào thời buổi thực tại “phân mảnh” này, người ta dễ dàng chìm đắm trong những chiêu trò truyền bá mị dân, dù cho là theo định hướng nào.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, giữa dòng thông tin hỗn loạn, trên các tờ báo mạng, nhật báo vẫn có những hồ sơ dài kỳ về loạt chuyện người Sài Gòn, các huyền thoại phố phường hay du hành về quá khứ truy tìm gốc gác những địa danh, nhân vật, sản vật của thời vang bóng, giải mã những công trình kiến trúc biểu tượng hay lục lọi khám phá một Sài Gòn của năm tháng cũ hòng mong tìm thấy ở đó những giá trị lấp lánh “Sài Gòn đúng nghĩa” từng bị che phủ dưới bụi thời gian. Những quyển sách ghi chép về chuyện đời tư các gia đình Sài Gòn mẫu mực, những lối sống “kiểu Sài Gòn” đến nay còn lưu giữ hay những thú tiêu khiển phong lưu của người Sài Gòn trước đây được khai thác lại, trình hiện lại, mà bán chạy như tôm tươi.

Kệ sách viết về Sài Gòn ngày càng đầy lên. Và dù là khảo cứu, nghiên cứu hay dù là những tiểu tự sự đầy riêng tư, đến mức, có thể viết về Sài Gòn của “giai đoạn thành phố Hồ Chí Minh” thì người ta vẫn cứ phải dán lên bìa sách hai chữ Sài Gòn, mới “ép-phê”.

Sài Gòn, vì sao? Vì đó là một cách gọi đắc địa, hàm chứa bên trong nó là một diễn ngôn cộng đồng về khát khao hướng đến những giá trị lịch sử tích tụ qua ba thế kỷ, những diễn trình phát triển liền mạch, lành lặn, bảo lưu những căn tính văn hóa tốt đẹp, hướng đến những mục tiêu sự phát triển nhân văn, cởi mở, tự do trong hài hòa. Sài Gòn, tên địa danh đi cùng với nội hàm biểu hiện một hệ thống tài nguyên nhân văn được kết tinh, lắng đọng qua quá trình tự nhiên của một đô thị và định hình trong tâm thức của cộng đồng sống giữa lòng nó.

Tên gọi mang trong nó sức rung ngân của những biểu tượng và cũng gói trong nó cảm thức của con người về một cõi miền, ở đó, có sự xác lập một lãnh thổ xã hội nhân văn. Paris, New York, Berlin, Venice… khi những tên gọi cất lên, đều đem đến ngay trong não người tiếp nhận có hiểu biết và trải nghiệm những dữ liệu, hình dung rất rõ ràng. Ta nghe không khí, môi trường một vùng đất, ta thấy thế sống của con người ngay từ khi nghe nhắc địa danh. Nội cảm ta muốn truyền thông tinh thần một xứ sở khi môi miệng nhắc đến một tên xứ sở. Khi nói tới Sài Gòn, hay cụ thể hóa hơn, là Người Sài Gòn, thì cũng thế. Đó là hơn ba trăm năm văn hóa gom lại trong hai từ, dễ gì tan đi trong ngày một ngày hai.

Lịch sử cần được tư duy liên tục. Đó là diễn ngôn chính thoát ra từ những hiện tượng này.
Dưới địa danh là ẩn ngữ văn hóa. Điều không thể chối cãi. Dưới địa danh là suối nguồn tính cách thị dân. Ta gặp ở đó những “yếu tố làm nên Sài Gòn”: là hào phóng, năng động, hào hiệp, lịch lãm, bao dung, bộc trực, chân thành, vị tha, trọng nghĩa khí và yêu tự do… Là những điều mà người ta lo sợ bị “loãng” dần trước xu hướng đơn điệu của đô thị toàn cầu và mai một sau những ghềnh thác lịch sử chính trị tạo ra.

Gọi tên Sài Gòn cũng là một cách nhắc nhở chính những thị dân về nhận thức và trách nhiệm đối với tương lai đô thị mà mình dự phần và với cả lịch sử của đô thị đó. Và khi gọi tên Sài Gòn, cũng là một cách tự vấn về những phẩm giá Sài Gòn bên trong mỗi người sống ở đây. Mình có thực sự là Sài Gòn đúng nghĩa với những thang bậc giá trị thuộc về căn tính Sài Gòn hay chỉ là kẻ trôi dạt vong thân, tuy sống trong một đô thị rộng mở mà lòng đầy vị kỷ với những hành xử hoang dã, phản văn minh, phi “Sài Gòn”.

Và cũng trên trục nghĩ đó, âm vang của cái tên Sài Gòn sẽ rộng hơn, đâu chỉ trên “lãnh thổ địa lý” của một vùng đất một đại đô thị, mà lan tỏa. Rộng vô biên. Mấy mươi năm trước, nhà văn Vũ Bằng, người từng nắn nót những dòng mỹ văn về Hà Nội đã tranh thủ “làm người Sài Gòn” trong quyển văn ẩm thực Món lạ miền Nam: “Muốn sách gì đi nữa, tôi yêu thì tôi cứ bảo là tôi yêu. Yêu Sài Gòn quá, Sài Gòn ơi, bởi vì Sài Gòn là trời hoa, đất rượu”. Trời hoa, đất rượu không nằm nơi món ngon đem lại khoái cảm từ đường miệng, mà là sự đắm say của thứ làm nên tài nguyên nhân văn, cảnh sắc, thế sống của một thành phố.

Ta hiểu rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nơi đâu có hấp lực của sự đắm say, có tình người vị tha, hào sảng, có hòa bình, văn minh và coi trọng tự do thì nơi đó những phẩm giá tốt lành của đô thị được chuyên chở; nơi đó, hiện hữu giá trị Sài Gòn.



Sài Gòn của sự thân thiện và chân thành – Ảnh NVN


Sài Gòn của sự dung dị trong sung túc – Ảnh NVN 

Gánh hàng lưu niệm gốc gác đồng quê trên phố trung tâm Sài Gòn – Ảnh NVN



Bà cháu trên phố đèn lồng Lương Nhữ Học, Quận 5, Sài Gòn – Ảnh NVN

Tác giả