Tản mạn về Tết Chăm và người Chăm

Đối sánh với Tết Nguyên đán của người Kinh, chính lễ Rija Nưgar tổ chức vào đầu năm Chăm lịch (tức khoảng đầu tháng Tư dương lịch) mới mang đầy đủ ý nghĩa Tết Chăm.

1. Hai thế kỉ sống xen cư và cộng cư với người Kinh, vào ngày Tết nguyên đán, Chăm không ăn Tết mới lạ.

Tết đến, bà con đội giạ nếp, xách cặp gà qua làng Kinh có quan hệ quen biết hoặc làm ăn buôn bán. Hòa đồng và vui vẻ. Hệt Tết của chính mình vậy. Nhất là sắp trẻ, cũng háo hức đón Tết. Mừng dựng nêu, đốt pháo – xưa; hoặc đạp xe xuống phố, qua khu vui chơi giải trí – nay. Tết như có thêm ngày hội. Còn với người lớn, mùa Tết nhằm ngày vụ vừa xong nên cô bác không tiếc nhau lời chúc, quà tặng.

Nhưng Katê có phải là Tết Chăm như lâu nay báo chí nói thế không? Không hẳn vậy.

Katê có gốc gác từ Chăm Bà-la-môn nhưng qua biến thiên lịch sử, nó đã thành lễ hội chung của cộng đồng Chăm, không phân biệt Bà-la-môn hay Bà-ni (Hồi giáo cũ). Đối sánh với Tết Nguyên đán, chính lễ Rija Nưgar mới mang đầy đủ ý nghĩa Tết: Rija Nưgar tổ chức vào đầu năm Chăm lịch (tức vào khoảng đầu tháng Tư dương lịch, năm nay rơi vào ngày 20), Katê thì mãi đầu tháng Bảy mới diễn ra. Katê tưởng niệm tổ tiên và vua chúa, trong lúc Rija Nưgar mang ý nghĩa tống khứ cái xấu xa ra khỏi làng, khỏi cộng đồng để đón nhận mọi đều tốt lành.

Hôm nay Katê thành lễ hội lớn, đơn giản, bởi lễ được thực hiện trên tháp, lễ dễ biến thành hội. Xã hội ngày nay là xã hội ăn-chơi-du lịch, Katê lôi cuốn giới trẻ Chăm, thu hút du khách thập phương, thế nên Katê trở nên nổi tiếng là điều bình thường.

2. Chăm theo chế độ xã hội mẫu hệ. Chế độ gia đình này có mặt trong cộng đồng dân tộc sử dụng ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Mã Lai – Đa đảo tại Việt Nam như: Êđê, Raglai, Giarai… Quý cậu lớn lên xây dựng gia đình thì phải đi theo về nhà vợ. Nếu rủi ro nửa đường đứt gánh, thì ông trở về nhà cha mẹ tay không, chẳng được mang theo bất kì thứ gì. Huyền sử kể vào thế kỉ XII, một lần cánh đàn ông Chăm toan nổi dậy làm cách mạng lật đổ, nhưng rồi qua cuộc thi đào mương, chuyện đâu vào đấy. Chế độ mẫu hệ tiếp tục tồn tại, ngày càng cố kết bền vững hơn.

Chính chế độ mẫu hệ lưu tồn nếp sống văn hóa, để các nét đặc trưng Chăm được bảo lưu đến ngày nay. Mươi năm trở về trước, xã hội Chăm tuyệt không có hiện tượng đĩ điếm hay ăn xin, là truyền thống tốt đẹp của nó. (Nói mươi năm về trước, vì khi môi trường nông thôn bị phá vỡ, nhiều điều có thể xảy ra). Nếu rủi ro bạn bị neo đơn và mất khả năng kiếm sống, người trong họ sẽ thay nhau đùm bọc bạn. Và khi bạn chết, chính họ góp công, của cho bạn được hưởng các lễ nghi cúng tế tối thiểu để bạn về an cư trong Kut nghĩa trang tộc mẫu. Bạn không được quyền ăn xin. Và cô, không được quyền làm đĩ.

Nhưng có phải vì vậy mà cánh chị em giành hết quyền về phần mình không? Câu trả lời là: không! Một câu tục ngữ Chăm nói lên sự phân công hai giới rất rạch ròi:

Likei bơng mưsuh, kamei bơng mưnưk

Đàn ông cho chiến đấu, đàn bà cho sinh nở

Đàn ông lo chuyện xã hội, phụ nữ lo việc gia đình. Từ sinh đẻ đến dưỡng dục, từ cơm ăn nước uống cho chí chuyện cúng tế đều thuộc vùng quản lí của nữ giới. Do đó, chị em phải được quyền giữ của cải. Còn quý ông – đó là tri thức. Và chỉ tri thức thôi. Điều lạ là trong Gia huấn ca (Ariya Patauw Adat Likei) tuyệt không có dòng chữ nào dạy đàn ông Chăm trách nhiệm với gia đình, mà chỉ thuần tri thức và tri thức. Trong gia đình cha mẹ, bạn được trang bị tri thức để lăn xả vào trường chinh chiến ngoài kia; có gia đình riêng, bạn vận dụng tri thức để gầy dựng sự nghiệp, và cho dù gia sản đó do bạn dựng nên, khi rời bỏ, bạn cũng không được quyền mang nó theo mình, mà để lại cho người vợ cũ nuôi nấng con cái. Đi ra, bạn mang theo tri thức, như lúc bạn đi vào – tự tin và hiên ngang. Còn nếu tri thức ấy quá hạn sử dụng, bạn chết đi là vừa. Rất sòng phẳng!

Suốt dòng lịch sử vương quốc Champa, không có vua-đàn bà là vậy.

3. Mãi đến hôm nay, đa số người vẫn còn nghĩ lục bát là thuần Việt, “bản sắc độc đáo riêng của người Việt”. Có riêng một cõi đâu! Ngôn ngữ mỗi dân tộc có cấu trúc mỗi khác (đa âm/ đơn âm tiết) từ đó cô nàng lục bát có lối đi yểu điệu thục nữ mỗi lúc mỗi nơi mỗi khác, thế thôi! Lục bát Chăm với tên gọi ariya cũng vậy.

Hiện chưa có tài liệu nào xác minh thời điểm ra đời của thể thơ ariya Chăm, nhưng ngay từ cuối thế kỉ XVI- đầu thế kỉ XVII, với sự xuất hiện sử thi Akayet Dewa Mưno, thể thơ này đã được ghi nhận. Và trước đó nữa, trong ca dao Chăm, ariya là thể thơ được độc quyền sử dụng, đủ thấy thể thơ này đã có mặt sớm như thế nào rồi. Tiếng Chăm đa âm tiết nên lục bát khi thì gieo vần theo lối đếm âm tiết, khi thì theo dạng nuốt âm – là điều lục bát Việt không có. Còn việc ariya Chăm gieo vần lưng, chữ thứ sáu dòng lục hiệp với chữ thứ tư dòng bát, thì ta đã thấy xuất hiện trong lối gieo vần xưa trong ca dao Việt:

Thei mai mưng deh thei o

Drơh phik kơu lo yaum sa urang

(Ai đến từ đằng kia xa

Giống người yêu ta riêng chỉ một người)

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn hái nụ tầm xuân

Chăm còn gieo cả vần bằng lẫn vần trắc nữa, rất linh hoạt. Hiện tượng này dù hiếm nhưng không phải không từng xuất hiện trong thơ ca dân gian Việt:

Tò vò mà nuôi con nhện

Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi

Ngoài các kiểu ariya kể trên, Chăm còn có thể pauh catwai (biến thể từ ariya) mà mỗi cặp ariya đều đứng biệt lập như một bài thơ hoàn chỉnh với đầy đủ ý nghĩa, được kết nối liên hoàn đến cả mấy trăm câu mà vẫn thống nhất qua giọng điệu.

Ariya Chăm và lục bát Việt, dù chưa thể khẳng định được ai có trước ai có sau, nhưng điều chắc chắn là có sự ảnh hưởng và tác động qua lại. Học tập lẫn nhau. Như giới làm thơ Chăm chục năm qua đã học làm thơ theo thể lục bát thuần Việt: chỉ gieo vần bằng và hiệp vần ở chữ thứ sáu dòng bát. Không hay sao?

4. Đã thấy cấu trúc ngôn ngữ làm thay đổi thể thơ, ta cũng dễ nhận ra lối nghĩ khác nhau giữa hai dân tộc làm thay đổi cách nói.

Nếu người Việt kêu Trời đất quỷ thần ơi, người Chăm là: Lingik tathik yang labang lơy: Trời biển thần “lỗ” ơi!

Yang labang. Thần và lỗ. Tại sao không là thần và quỷ hay thần và  ma? Có phải chỉ để hiệp vần thôi không? Lingik tathik/trắc trắc và có vần, yang labang/bằng bằng và cũng hiệp vần. Trong lúc đó Trời đất quỷ thần chỉ có đối thanh của cặp từ ghép, ngoài ra không gì khác. Nếu vậy thì Chăm yếu quá, chuộng hình thức mà bỏ nội dung sao? Không, ông bà ta đâu đơn giản thế chứ. Labang (hang, lỗ) là nơi cư trú của ma: Bhut di labang, yang di kalan Ma ở trong hang (lỗ), thần ngự trên tháp. Chăm chết, khi chưa qua đám thiêu thì còn là ma, ma này ở trong hang hay lỗ, chứ không phải trong mộ. Chăm không gọi nơi chôn người chết là mộ (có ụ đất nhô khỏi mặt đất) mà là  labang. Dùng từ labang vừa hiệp vần vừa tránh dùng từ húy kị là  bhut ma hay ajin quỷ. Cầu thần phù trợ ta, cạnh đó ông bà còn viện đến ma quỷ là để tránh cho chúng hại người nữa.

Nhưng tại sao lại lingik tathik trời biển? Người Kinh nhìn lên thấy trời, cúi xuống thấy đất; Chăm thì ngược lại, dưới chân họ là mênh mông biển nước. Chăm có làm ruộng (đất), nhưng đó là cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp bốn mùa hanh gió. Tổ tiên Chăm xưa sống bằng nghề biển, nhờ biển và với biển.

5. Hơn nửa thế kỉ trước, một học giả uy tín người Pháp Paul Mus nói như đinh đóng rằng văn học Chăm có thể chỉ tóm gọn trong vài mươi trang sách. Nghĩa là chẳng có gì đáng nói cả! Có thật thế không? Một dân tộc có chữ viết ngay từ thế kỉ thứ IV, sớm nhất Đông Nam Á mà văn học chỉ có thế thì thật khó tin. Trong khi không ít gia đình người Chăm đều có ciet giỏ sách, nơi người ta tìm thấy không ít tác phẩm văn chương.

Văn chương không chủ ở số lượng. Nếu bạn góp thêm một sử thi Dewa Mưno hay trường ca Glơng Anak mới vào thì văn chương Chăm chẳng vì thế mà mập lên. Và Chăm, nếu dân tộc này có thêm một Truyện Kiều hay một Hồ Xuân Hương mới, nó chẳng có tác động tích cực nào đến phát triển văn học Việt Nam cả! Vấn đề là cái khác. Vậy Chăm có cái gì khác?

Không kể thể loại truyện cổ hay truyền thuyết, ca dao hay tục ngữ, Chăm có các trường ca triết lí như Ariya Nau Ikak (Thơ đi buôn) hay thế sự như Ariya Ppo Parơng đặc sắc. Hơn 250 minh văn Champa được sáng tác từ thế kỉ III đến thế kỉ thứ XV bằng cả tiếng Phạn lẫn tiếng Chăm cổ là rất đáng kể. Là điều văn học sử Việt Nam chưa hề có. Năm Sử thi – Akayet được viết vào thế kỉ XVI – XVIII, là sáng tác thành văn đặc trưng Chăm. Khác với các dân tộc anh em ở Tây Nguyên như Êđê hay Bana…, sử thi Chăm đã được văn bản hóa từ thế kỉ XVI. Ba Trường ca – Ariya trữ tình nổi tiếng mà nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa Hồi giáo và Bà-la-môn giáo dẫn đến đổ vỡ và cái chết, cũng là một dị biệt khác v.v…   

Người Chăm có truyền thống quý chữ viết và yêu văn chương. Truyền thống hình thành từ hai ngàn năm trước kéo dài tận hôm nay. Thế hệ giữa thế kỉ XX trở về trước, không thể tìm thấy đàn ông Chăm nào mù chữ mẹ đẻ dù truyền thống Chăm dạy cho nhau theo nhóm nhỏ, hay chỉ truyền dạy theo phương thức một thầy một trò. Vậy mà không một sinh linh [đàn ông] Chăm nào mù chữ. Như thể một thiên chức bắt buộc.

Thei thuw akhar bbơng ngauk dauk dahluw: Ai biết chữ ăn trên ngồi trước. Trên và trước là dành cho người “biết chữ”, chứ không phải cho kẻ có tiền bạc hay quyền chức. Vậy mà cộng đồng vẫn chưa yên tâm. Trong đám tang, ở một nghi lễ quan trọng, thầy Paxeh làm nghi thức đọc vào tai ông (jot akhar) từng chữ cái một: đọc ngược và đọc xuôi, ba lượt như thế. Để đảm bảo ông “không” mù chữ khi về với ông bà.

Không tuyệt sao!

Tác giả