Trại sáng tác điêu khắc Quốc tế

Ngay từ ngàn xưa, điêu khắc đã gắn bó mật thiết với đời sống con người hay nói một cách khác, điêu khắc đã nảy sinh từ đời sống lao động và văn hóa của con người. Ở Việt Nam cũng vậy, điêu khắc không chỉ là một loại hình nghệ thuật độc lập như cái tên mà người phương Tây đặt cho nó theo lối kinh viện, mà ngay từ thời thượng cổ, điêu khắc đã có mặt, giản dị và gắn bó trong vóc dáng chắc khỏe, tinh tế của trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ, trong vẻ thô ráp của chiếc cối xay đá, một công cụ lao động mà ta có thể bắt gặp ở khắp các vùng nông thôn Bắc Bộ. Ngày nay nó đã được trưng bày trong các nội thất hiện đại như một tác phẩm.

Từ xa xưa con người không chỉ biết chống chọi với thiên nhiên, muông thú để sinh tồn, mà ngay trong đời sống lao động nhọc nhằn con người vẫn luôn hướng tới cái đẹp. Những đồ trang sức đơn sơ của người phụ nữ từ bằng xương, bằng đá rồi bằng đồng, bằng bạc, bằng vàng… tùy theo sự phát triển của xã hội loài người đã chứng minh điều đó.
Ở Việt Nam, nghệ thuật điêu khắc được biểu cảm hồn nhiên trong các con rối nước, các con tò he bằng bột nặn nhiều màu ở các chợ quê đã làm mê hồn du khách nước ngoài.
Điêu khắc bước vào lĩnh vực tâm linh của người Việt, đó là những tượng Phật, tượng La Hán mà “những vị La Hán chùa Tây Phương” đã trở thành những tác phẩm điêu khắc tuyệt vời, tiềm ẩn những triết lý sâu xa về nhân sinh và mang đậm sắc thái dân tộc Việt Nam.
Trên khắp nước ta, đi đến đâu dù thâm sơn cùng cốc, cũng đều thấy sự góp mặt của sản phẩm điêu khắc, nó gần gũi đơn sơ như bát ăn, vại nước, cối đá… khiến ta nhiều lúc chẳng để tâm. Rồi cao hơn là những pho tượng trong đền chùa, con nghê, chó đá, con phượng, con hạc… các tượng nhà mồ Tây Nguyên. Nghệ thuật điêu khắc bộc lộ sức mạnh và được ào ạt thể hiện bằng số lượng đông đảo các tượng lớn nhỏ tập trung ở khu vực miền Trung, nơi có bảo tàng điêu khắc lớn nhất nước.
Sơ qua mấy nét để thấy rằng nước ta có truyền thống nghệ thuật điêu khắc từ lâu đời, nó đi sâu vào đời sống và làm đẹp cho con người cả về thực thể lẫn tinh thần.
Trong xã hội hiện đại, nghệ thuật điêu khắc tỏ rõ ưu thế không nghệ thuật nào sánh nổi, nó không chỉ chiếm lĩnh trong các nội thất, cung điện, khuôn viên, mà đã vươn ra những không gian rộng lớn với những quần thể tượng kích cỡ đồ sộ. Đó là những tượng đài, tượng danh nhân, anh hùng liệt nữ… với đủ mọi chất liệu vĩnh cửu: đồng, đá, sắt, thép… những bức tượng đẹp hài hòa trong cảnh quan môi trường sẽ làm cho vẻ đẹp của đô thị tăng lên bội phần, đó cũng là xu thế của các đô thị trên thế giới.
Chúng ta đã tổ chức nhiều trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại các tỉnh thành khác nhau, kể từ trại sáng tác điêu khắc quốc tế đầu tiên do Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội chủ trì ở vườn Bách Thảo năm 1997, với mục đích giao lưu, học hỏi các nền điêu khắc khác nhau và kết quả là chúng ta có được một số tác phẩm phong cách nghệ thuật đa dạng, góp phần làm thay đổi cách nhìn đối với nghệ thuật điêu khắc hiện đại. Trong giao lưu văn hóa, nghệ thuật, con người thân thiện và hiểu nhau hơn, cùng cảm thông, chia sẻ, đó cũng là một con đường để hội nhập với thế giới.
Năm nay, thị xã Hội An – tỉnh Quảng Nam, là điểm đến tham quan du lịch tìm hiểu di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An nói riêng và miền Trung nói chung. Để quảng bá hình ảnh thị xã Hội An với du khách trong nước và quốc tế, Ủy ban Nhân dân thị xã Hội An đã tổ chức “Trại sáng tác điêu khắc quốc tế – Hội An 2006”, coi như một điểm nhấn của hoạt động năm du lịch. Trại sẽ có sự góp mặt của khoảng 15 nhà điêu khắc nổi tiếng trong nước và quốc tế. Trại được tổ chức tại Công viên cây xanh dọc sông Hoài, bờ bắc An Hội, khu đệm của Khu phố cổ. Các tác phẩm điêu khắc khi hoàn thành sẽ được đặt tại đây, trong một không gian thơ mộng và sẽ là nơi để du khách dừng chân thưởng lãm.

Lê Thiết Cương

Tác giả