Các nhà khoa học Trung Quốc ở MIT phản đối sự kì thị của Mỹ

Với sự ủng hộ của MIT, các nhà nghiên cứu bắt đầu lên tiếng về chính sách hạn sự chế ảnh hưởng từ nước ngoài của chính phủ Mỹ.

Shuquang Zhang, một nhà hóa sinh về protein ở MIT đã lên tiếng về mối lo ngại cho các nhà khoa học gốc Trung Quốc.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều các tuyên bố cho rằng chinh sách này của  chính phủ Mỹ đang nhắm đến các nhà khoa học gốc Hoa làm việc ở các tổ chức của Mỹ một cách bất công, MIT đã cùng với các trường đại học nổi tiếng khác lên tiếng ủng hộ các nhà khoa học Trung Quốc. “Chúng ta phải hết sức thận trọng để không tạo ra môi trường làm việc đầy rẫy nghi ngờ và sợ hãi vô căn cứ”, Rafael Reif, Chủ tịch MIT đã bày tỏ qua một lá thư ngỏ vào ngày 25/6. “Các giảng viên, postdoc, nhà nghiên cứu và sinh viên nói với tôi rằng khi làm việc với các cơ quan chính quyền đều cảm thấy bị xoi mói và kì thị chỉ vì là người Trung Quốc”.

Bức thư phản ánh sự căng thẳng ngày càng gia tăng ở MIT. Các nhà khoa học gốc Hoa ở đây nói với Nature ba vấn đề: quá trình xin visa chậm trễ bất thường; hải quan tra hỏi khắt khe khi nhập cảnh vào Mỹ; các cơ quan hành pháp bất ngờ tới trường đại học.

Bác bỏ cáo buộc, các cơ quan chính phủ nhấn mạnh đến việc phải ngăn chặn những ảnh hưởng từ nước ngoài không đáng có ở các trường đại học nhưng vẫn đảm bảo sự công bằng trong khoa học và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều cơ quan trong Chính phủ Mỹ đã gia tăng áp lực lên các viện nghiên cứu như Viện Y tế quốc gia (NIH) nhằm ngăn chặn nguy cơ bị quốc gia khác đánh cắp những tài sản trí tuệ có giá trị. 

Các nhà khoa học gốc Hoa bao gồm cả công dân Mỹ và thường trú nhân, thường là đối tượng chính trong các cuộc điều tra của chính phủ. Chẳng hạn, các viện nghiên cứu ở Mỹ đã sa thải ít nhất 5 nhà nghiên cứu Trung Quốc do NIH tài trợ sau khi nhận được thông báo từ cơ quan này – một phần của sáng kiến “dọn dẹp” bắt đầu từ tháng 8/2018. Họ bị cáo buộc không báo cáo về các khoản tài trợ của Trung Quốc hoặc vi phạm các quy tắc bảo mật liên quan đến các dự án do chính phủ tài trợ. 

NIH đã bác bỏ cáo buộc thiên kiến chủng tộc trong các cuộc điều tra. “Chúng tôi không nhắm vào đối tượng cụ thể nào cả mà chỉ tập trung vào hành vi”, Michael Lauer, Phó giám đốc quản lý nghiên cứu ngoài NIH cho biết, đặc biệt là hành vi không giải trình nguồn gốc tài trợ hoặc thỏa thuận làm việc với các tổ chức nước ngoài. “Trong số quy định này chẳng có gì liên quan đến nguồn gốc chủng tộc”, ông khẳng định. “Tất cả đều là những hành vi cụ thể có ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đưa ra các quyết định tài trợ công bằng của NIH”.

Trả lời Nature, Lauer cho biết, các trường đại học đã âm thầm sa thải nhiều nhà khoa học hơn sau vụ xử phạt của NIH. Từ tháng 8, NIH đã gửi hơn 100 lá thư tới 61 viện nghiên cứu về lỗi không giải trình tài trợ nước ngoài, và phần lớn sai phạm từ các nhà nghiên cứu người Trung Quốc.

Phát ngôn viên của FBI từ chối bình luận về lá thư của MIT, chỉ nhấn mạnh rằng họ không thể tiến hành cuộc điều tra chỉ dựa trên nguồn gốc cá nhân, chủng tộc hay quốc tịch. Tuy nhiên FBI đã công khai tuyên bố “Kế hoạch ngàn nhân tài” là cách thức đánh cắp thông tin độc quyền và bí quyết từ nước ngoài. Vào tháng trước, Bộ Năng lượng (DOE) đã cấm nhân viên tham gia các chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nga và Iran. “Chúng tôi nhắm đến chương trình đó chứ không phải là người dân hay quốc tịch của họ”, Kelly Love, phát ngôn viên của DOE cho biết.

Bức thư ngỏ của MIT tiếp nối các tuyên bố tương tự của ít nhất 10 tổ chức khác, bao gồm Đại học Yale ở New Haven, Connecticut và Đại học Stanford ở California. Shuquang Zhang, nhà hóa sinh protein ở Media Lab của MIT đã nhập quốc tịch Mỹ khoảng hơn 30 năm nay, đã liên hệ với những người điều hành của hơn chục trường đại học và các tổ chức xã hội ở Mỹ và trên toàn thế giới, với hi vọng tạo ra một lập trường thống nhất chống lại sự đối xử bất công với các nhà khoa học Trung Quốc hiện nay.

Thanh An lược dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-019-02063-z

 

Tác giả