Dân tộc học hay nhân học ?

Từ những chuyển động đầu tiên đầy khó khăn ở Khoa Lịch sử, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, giữa những năm 1990, một thập kỷ sau người ta đã thấy cả hệ thống nghiên cứu và đào tạo dân tộc học Việt Nam đang chuyển hướng sang tiếp cận nhân loại học không phải là một ngoại lệ mà nó nằm trong xu thế phổ biến ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, trong quá trình hội nhập quốc tế và hiện đại hóa khoa học.

Dân tộc học hay nhân học văn hóa đã trải qua nhiều thăng trầm với những giai đoạn phát triển khác nhau. Thậm chí, nhiều người vẫn xem sự ra đời và phát triển của dân tộc học gắn liền với quá trình bành trướng của chủ nghĩa thực dân châu Âu. Nói chung, dưới thời thực dân, các nhà nghiên cứu thường bị định kiến bởi quan điểm tiến hóa xã hội (social evolution), nhìn các nền văn hoá ngoài châu Âu bằng con mắt xa lạ, ít biến đổi và thấp kém. Mô tả các nền văn hoá ngoài châu Âu đã là hoạt động chủ đạo của nền dân tộc học thời thực dân. Tuy nhiên, kỷ nguyên thực dân chấm dứt cũng đồng thời kết liễu sứ mạng của nền dân tộc học thực dân. Một mặt, các nước sau độc lập không còn nhu cầu để cho người nước ngoài đến “khám phá” văn hoá bản xứ làm cơ sở cho “sứ mạng khai sáng thực dân” như cũ. Thay vào đó, các nước này đã tự đào tạo các nhà khoa học để nghiên cứu văn hóa của chính mình. Trong hoàn cảnh ấy, các nhà dân tộc học thực dân đã “quay về” ngôi nhà của mình, và họ bắt đầu khám phá ra rằng có một thế giới khác cần nghiên cứu thay vì đi đến các nền văn hoá xa lạ ngoài châu Âu. Có thể nói nửa sau thế kỷ 20 đã chứng kiến một trào lưu nghiên cứu mới trong dân tộc học – nhân học, trong đó các nghiên cứu tập trung vào việc khám phá các xã hội nông dân và đô thị. Văn hóa nông dân, văn hoá thị dân, các trào lưu di dân và đô thị hoá, thế giới đời sống của các nhóm dân cư và giai tầng khác nhau trong xã hội đô thị và công nghiệp, v.v. đã thổi bùng lên niềm đam mê mới. Trong khi khám phá ra cả một chân trời mới để nghiên cứu, các nhà dân tộc học vẫn sử dụng một phương pháp đã trở thành kinh điển của họ là điền dã dân tộc. Họ vẫn bắt đầu công việc của mình bằng cách đi vào các cộng đồng được nghiên cứu (bất kể là nông thôn hay đô thị), ở lại đó trong một khoảng thời gian đủ lâu để hiểu được văn hoá, ngôn ngữ và các kỹ thuật địa phương, quan sát và phân tích chúng. Một mặt, để quên đi cái nhãn hiệu gắn liền với chủ nghĩa thực dân, và mặt khác, để mở rộng hơn nữa các quan tâm khoa học của mình, tên gọi “nhân loại học” giờ đây xem ra có vẻ nhân bản và dễ được chấp nhận hơn. Mặc dù nhiều lĩnh vực nghiên cứu mới được mở ra, và thậm chí là tên gọi mới được ưa thích hơn thì cái cốt lõi của nhân học văn hoá – xã hội hiện đại vẫn là phương pháp nghiên cứu dựa vào điền dã, mô tả và phân tích dân tộc học (fieldwork, ethnography và ethnology) và quan sát tham gia vẫn được sử dụng như một phương pháp điển hình của khoa học này mặc dù ngày nay, những kỹ năng và kỹ thuật thu thập thông tin mới cho các phân tích nhân học đang ngày càng được bổ xung và hoàn thiện hơn1.

Cũng giống như ở Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa trước đây, ở Việt Nam không có ngành khoa học có tên gọi nhân loại học (anthropology) chung2. Thay vào đó, ở Việt Nam cũng có xu hướng phát triển “các khoa học nhân loại học” (anthropological sciences) một cách riêng rẽ. Ngoài những phân ngành như ngôn ngữ học, khảo cổ học, nhân học hình thái người, cổ nhân loại học, nhân học văn hoá – xã hội thì các môn văn hoá học, văn hoá dân gian và tôn giáo học cũng có thể xếp vào ‘các khoa học nhân loại học’. Dân tộc học ở Việt Nam được xem là tương ứng với lĩnh vực nhân loại học văn hoá – xã hội, mặc dù có ý kiến cho rằng dân tộc học chỉ nhằm vào việc mô tả văn hoá các tộc người và do đó, có thể được xem là một giai đoạn thấp của nhân loại học.

Khoảng từ giữa những năm 1990, Bộ môn Dân tộc học (Khoa Lịch sử, ĐHQG Hà Nội) đã đề xuất một kế hoạch đổi mới nghiên cứu và giảng dạy dân tộc học, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cần thiết phải tách dân tộc học ra khỏi sử học thành một bộ môn khoa học độc lập, đồng thời đổi mới hướng tiếp cận bị giới hạn trong khuôn khổ của văn hoá tộc người sang một tầm nhìn rộng hơn của nhân học văn hoá trong đó nhấn mạnh các quan tâm khoa học vào các cộng đồng nông dân, nông thôn, và đô thị cũng như ứng dụng các kiến thức nhân học vào quá trình phát triển cộng đồng. Đề xuất này đã không được Hội đồng khoa học Khoa Lịch sử chấp nhận do khái niệm nhân học còn quá mới mẻ và lúc ấy nhiều người còn chưa hiểu rõ đối tượng nghiên cứu của khoa nhân học cụ thể là gì. Năm 2000, Quỹ Ford tại Hà Nội bắt đầu tài trợ một loạt dự án với kinh phí lên tới hàng tỷ đồng nhằm trợ giúp Việt Nam đổi mới và nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy dân tộc học ở Viện Dân tộc học, ở các bộ môn dân tộc học thuộc ĐHQG Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, và Hội Dân tộc học. Cũng trong năm 2000, Bộ Giáo dục chính thức cung cấp mã ngành cho Nhân học với mã số 523146. Năm 2003, ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh chính thức thành lập Khoa Nhân học và năm 2004, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đổi tên Bộ môn Dân tộc học thành Bộ môn Dân tộc học và Nhân học, và năm 2015 cho ra mắt Khoa Nhân học. Mặc dù chưa chính thức được chấp thuận nhưng trong các giao dịch quốc tế, Viện Dân tộc đã dùng tên gọi mới Institute of Anthropology thay vì Ethnology như trước đây.

Như vậy là từ những chuyển động đầu tiên đầy khó khăn ở Khoa Sử Đại học Quốc gia Hà Nội, một thập kỷ sau người ta đã thấy cả hệ thống nghiên cứu và đào tạo dân tộc học Việt Nam đang chuyển nhanh hơn về hướng nhân học văn hoá – xã hội, mặc dù chưa thấy có những thảo luận công khai và rộng rãi nhằm thay đổi hay bảo lưu quan niệm, nội dung nghiên cứu và lý luận khoa học. Phản ứng của các nhà nghiên cứu và quản lý khoa học trong nước về những đổi thay này rất khác nhau. Có những ý kiến hoan nghênh việc tách dân tộc học ra khỏi cơ cấu của khoa học lịch sử để tạo điều kiện cho dân tộc học phát triển thành một ngành riêng. Cũng có ý kiến dứt khoát không muốn đổi dân tộc học thành nhân học vì cho rằng đây là hai khoa học khác nhau trong khi có ý kiến lại cho rằng không nên thay đổi ngành học khi mà chưa hiểu kỹ nó là cái gì, nhất là khi sự thay đổi ấy lại nhận được viện trợ của nước ngoài.

Cho đến nay, sau khi nhân học được nhà nước công nhận và đưa vào chương trình đào tạo và nghiên cứu, một số nhà dân tộc học vẫn đang còn băn khoăn về mối quan hệ giữa dân tộc học và nhân học, và chưa thực sự hiểu khái niệm nhân học với tư cách là một khoa học. Điều đáng ngạc nhiên là, ngoài nỗ lực của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu riêng lẻ hoặc quan tâm của cá nhân các nhà khoa học ra, không thấy có sự tham gia của các cơ quan quản lý khoa học tầm quốc gia cũng như các bộ, ngành liên quan. Dường như các cơ quan có trách nhiệm vẫn đang đứng ngoài cuộc, không thấy họ có ý kiến, cũng không đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo thực sự khoa học và dân chủ để tìm hiểu xem thực chất của xu hướng đổi mới này là gì, tại sao phải thay đổi và có cần sự hỗ trợ từ nhà nước hay không. Tác động của những đề xuất thay đổi như vậy rõ ràng chỉ có tính chất cục bộ, cầm chừng, không triệt để và còn đầy e ngại.

Thực ra, xu thế và yêu cầu đổi mới trong nghiên cứu và đào tạo dân tộc học ở Việt Nam những năm qua sang hướng tiếp cận nhân loại học không phải là một ngoại lệ mà nó nằm trong một xu thế phổ biến ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa cũ bao gồm Nga và các nước Đông Âu. Đặc biệt, từ khi Trung Quốc bước vào thời kỳ cải cách xã hội cuối những năm 1970, người ta thấy nhiều trường đại học ở Nam Trung Quốc đã đi tiên phong trong việc đổi mới dân tộc học sang hướng tiếp cận nhân loại học.3

Cũng giống như Việt Nam, trước khi giành được độc lập dân tộc, nhiều trường đại học ở Trung Quốc như Nakai University of Tianjin hay Academia Sinica Bắc Kinh đã có bộ môn nhân học theo mô hình phương Tây. Khi Trung Quốc bắt đầu đổi mới nền kinh tế 1978, người ta thấy các bộ môn nhân loại học (releixue) lần lượt ra đời ở các trường đại học lớn như Trung Sơn (Zhongshan) ở Quảng Châu năm 1980, Đại học Hạ Môn (Xiamen) ở Phúc Kiến năm 1984, và Đại học Vân Nam (Yunnan) năm 1994. Đáng lưu ý là những trường đại học đi tiên phong trong việc xây dựng ngành nhân loại học theo mô hình Âu – Mỹ chủ yếu bắt đầu từ miền Nam Trung Quốc, nơi những năng động kinh tế – xã hội đang thổi bùng lên ngọn lửa cải cách kinh tế và xã hội ở Trung Quốc đại lục. Tại các trường đại học trên, chương trình giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành nhân loại học hoàn toàn tương đương như ở các bộ môn nhân loại học Mỹ và phương Tây với bốn lĩnh vực là nhân học ngôn ngữ, nhân học văn hoá, nhân học hình thái người và khảo cổ học. Gần đây, bộ môn nhân học ứng dụng bắt đầu được giảng dạy trong đó tập trung vào tình trạng đói nghèo ở khu vực nông thôn và thành thị. Năm 1986, Đại học Trung Sơn đã lần đầu tiên cấp bằng tiến sỹ nhân học theo mô hình đào tạo mới. Cho đến nay, ngoài các trường đại học nói trên, các viện nghiên cứu ở Trung Quốc cũng có xu hướng đổi sang nhân học văn hoá như Viện Xã hội học và Nhân học (Institute of Sociology & Anthropology (2000) ở Đại học Bắc Kinh; Viện Dân tộc học và Nhân học (Institute of Ethnology & Anthropology (2002) thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), Bắc Kinh; Trung tâm Nghiên cứu Nhân học Văn hoá – Xã hội (Research Centre for Socio-Cultural Anthropology (1994) thuộc Học viện Dân tộc Trung ương Bắc Kinh; Viện Nhân học Văn hoá (Institute of Cultural Anthropology (1999) thuộc Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, v.v.

Lý giải nguyên nhân về sự cần thiết phải đổi mới nghiên cứu dân tộc học và xác lập tiếp cận nhân học ở Trung Quốc, GS Liang Zhaotao ở ĐH Trung Sơn, Quảng Châu, người đã phát động cuộc đấu tranh để xác lập ngành nhân học ở Trung Quốc từ năm 1978 đến nay đã chỉ rõ: “Tất cả các nước trên thế giới đều có môn khoa học này (releixue), tại sao chúng ta lại không có? Chúng ta có một nền văn hoá sáng lạn, và một dân số lớn. Hãy để cho khoa nhân loại học đóng góp vào công cuộc bốn hiện đại hoá của chúng ta” (Guldin 1994:12).

Do nhận thức được tầm quan trọng và vai trò to lớn của nhân học văn hoá xã hội, Chính phủ Trung Quốc đã chính thức hậu thuẫn sự khôi phục và phát triển của ngành học này bằng cách cho dịch, xuất bản và lưu hành các tài liệu nhân học văn hoá xã hội kinh điển của phương Tây làm tài liệu tham khảo. Chính phủ Trung Quốc cũng thành lập Uỷ ban Quốc gia để xin chính thức đăng cai Đại hội Quốc tế lần thứ 16 của Liên hiệp hội các Khoa học Dân tộc học và Nhân học quốc tế tại Vân Nam vào năm 2009. Đại hội này đã đánh dấu một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hội nhập khoa học của nhân học văn hoá – xã hội Trung Quốc vào dòng chảy chung của các khoa học nhân học thế giới.

Khảo sát các bộ môn nhân học văn hoá và xã hội ở các trường đại học tại các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ, chúng ta cũng thấy rằng hầu hết các bộ môn hay viện nghiên cứu có tên gọi “cultural/social anthropology” đều mới được lập ra sau năm 1990. Thực ra, thuật ngữ social and cultural anthropology đã được sử dụng rộng rãi ở các nước Trung và Đông Âu từ trước 1990. Tuy nhiên, nhân học văn hoá xã hội cho đến những năm 1990 chỉ được xem là các bài giảng ngoại khoá trong bộ môn dân tộc học mà thôi. Từ sau năm 1990, các nhà dân tộc học đã tự xem mình là các nhà nhân học văn hoá xã hội, trong khi các bộ môn dân tộc học hoặc giải thể để lập ra các bộ môn nhân học văn hoá xã hội hoặc thêm vào tên gọi dân tộc học một thuật ngữ đi kèm là nhân học. Vesna Godina ở trường Đại học Ljublian (Slovenia) đã khảo sát quá trình thể chế hoá các cơ quan nghiên cứu và đào tạo nhân học văn hoá – xã hội ở các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa cũ và cho rằng quá trình xuất hiện của ngành nhân học văn hoá – xã hội ở các nước Liên Xô cũ và Đông Âu chỉ rộ lên từ sau 1990, và theo ba phương thức chủ yếu như sau: 1) Thành lập mới các bộ môn hay viện nghiên cứu về nhân học văn hoá – xã hội; 2) Chuyển hoá các bộ môn hoặc viện dân tộc học thành bộ môn nhân loại học văn hoá xã hội; 3) Vẫn duy trì tên gọi dân tộc học (ethnology) nhưng thêm vào sau đó thuật ngữ nhân học (anthropology).

Vấn đề được đặt ra là tại sao ở các nước nói trên lại hình thành một trào lưu đổi mới dân tộc học hoặc chuyển đổi từ dân tộc học sang nhân học? Rõ ràng những thay đổi về thể chế và những cải cách kinh tế – xã hội ở các nước này thời kỳ hậu chủ nghĩa xã hội đã đặt các khoa học xã hội và nhân văn trước sự lựa chọn sống còn: Đổi mới để phát triển hay duy trì như cũ và mai một. Quá trình hội nhập quốc tế và hiện đại hoá khoa học cũng trở thành một yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, ngoài các lý do đó ra, cũng có khuynh hướng cho rằng thuật ngữ ethnography, về cơ bản vẫn chỉ có ý nghĩa là một khoa học mô tả văn hoá tộc người mà thôi, tức là ở giai đoạn thấp hơn của nghiên cứu nhân học. Mặt khác, tên gọi dân tộc học thường gợi lại không chỉ mối liên hệ của nó với chủ nghĩa thực dân mà còn với cả truyền thống xã hội chủ nghĩa cũ. Thay đổi khái niệm dân tộc học sang nhân học văn hoá-xã hội cũng có ngụ ý bày tỏ mong muốn đoạn tuyệt với các truyền thống cũ. Thay đổi từ dân tộc học sang nhân học do đó được xem là một giải pháp khả dĩ đáp ứng cả yêu cầu đổi mới khoa học, hội nhập quốc tế, và những thay đổi chính trị trong khoa học.
——-
*PGS. TS, Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học phát triển, Khoa Nhân học, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia HN.
1 Đây là cơ sở để Từ điển về các khoa học nhân văn định nghĩa rằng “nhân loại học là môn học sử dụng tư liệu dân tộc học để khám phá các nguyên tắc của tổ chức xã hội, của chính chúng ta, cũng như của các xã hội truyền thống và cổ xưa” (Sylvie Mesure & Patrick Savidan, 2006) .   
2 Quan niệm phổ biến hiện nay cho rằng nhân loại học là một khoa học rất rộng, bao gồm nhiều phân ngành nghiên cứu về con người và văn hoá nói chung, trong đó có các lĩnh vực ngôn ngữ học, khảo cổ học, nhân loại học hình thể người, nhân loại học văn hoá-xã hội và nhân loại học ứng dụng.
3 Thông tin về tình hình dân tộc học – nhân học ở Trung Quốc được trình bày chi tiết trong các nghiên cứu của  G.E. Guldin (ed.), Anthropology in China. Armond: M.E Sharpe, Inc., 1992; và The Saga of Anthropology in China. From Malinowski to Moscow to Mao.  Armond: M.E. Sharpe, Inc., 1994); J. Smart (2005). Insearch of Anthropology in China: A Discpline Caught in the web of Nation Building Agenda, Socialist Capitalism, and Globalisation. From: Wane – Journal news; http://www.ram-wan.org/html/documents.htm

Tác giả