Khám phá thành phố Maya cổ dưới tán rừng Guatemala

Việc lập bản đồ laser trên không đã giúp phát hiện hàng ngàn cấu trúc ẩn trong khu vực Peten, cho thấy dân số nơi đây lên tới hàng triệu người, nhiều hơn so với những gì người ta từng biết.

Một nhóm các nhà khảo cổ Mỹ, châu Âu và Guatemala kết hợp với Quỹ Di sản Maya (Guatemala) đã phát hiện ra hàng chục nghìn ngôi nhà, tòa tháp, kim tự tháp, công trình quân sự, các cánh đồng nông nghiệp và kênh tưới tiêu trên quy mô lớn của người Maya ở khu rừng Petrana của Guatemala. Điều đó cho thấy, có khoảng 10 triệu người có thể sống ở Vùng đất thấp Maya này.

Những khám phá trên vừa được công bố vào ngày 31/1/2018.

Marcello A Canuto – giáo sư nhân chủng học ở ĐH Tulane, bình luận về dân số Vùng đất thấp Maya, “phải gấp đến 2 hoặc 3 lần so với những gì người ta nói trước đây.”

Để phát hiện ra những công trình kiến trúc này, các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật lập bản đồ trên không bằng tia laser công nghệ cao để gọi là Lidar cho phép họ phát hiện vật thể và xác định khoảng cách với vật thể. Khi dò được vật thể lạ trên mặt đất, tia laser sẽ bật lại và tiết lộ các đường nét bị che phủ bởi những tán cây.

Những hình ảnh hé lộ rằng người Maya đã làm cảnh quan khu vực họ ở thay đổi và mở rộng nó hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ trước đây, ví dụ ở một số vùng, họ đã canh tác tới 95% diện tích đất có sẵn.

Phó giáo sư Francisco Estrada-Belli tại ĐH Tulane cho biết: “Họ đã trồng trọt trên từng inch đất. Do phát triển theo hướng thâm canh, vì thế nền nông nghiệp của họ bền vững hơn chúng ta nghĩ.” Ông cũng lưu ý rằng, khu vực đầm lầy trên vùng Maya cổ đã khô ráo và bắt đầu có giá trị canh tác.

Mặt khác, một số công trình khác như các hàng rào phòng thủ trải rộng, hệ thống mương máng và kênh đào tưới nước cho thấy lực lượng lao động của họ mang tính tổ chức cao.

Thomas Garrison, phó giáo sư nhân học tại Ithaca College (New York), nói: “Có bàn tay điều tiết của nhà nước ở đây, bởi chúng ta thấy nhưng con kênh lớn đang được khai quật đã tái định hướng các dòng chảy tự nhiên.”

Trên diện tích 810 dặm vuông (2.100 km vuông) của bản đồ mở rộng khu vực của người Maya, nền văn hóa phát triển mạnh mẽ trong khoảng từ 1000 năm trước Công nguyên và 900 năm sau Công nguyên. Con cháu của họ giờ vẫn sống trong khu vực này.

Việc lập bản đồ đã phát hiện ra khoảng 60.000 kiến trúc riêng biệt, bao gồm 4 trung tâm nghi lễ lớn của người Maya với các đại sảnh và kim tự tháp.

Garrison cho biết trong năm nay ông bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực này với những dữ liệu Lidar, qua đó phát hiện một trong số các con đường – “Tôi đã tìm ra nó, nhưng nếu không có Lidar và biết nó là cái gì, tôi sẽ bỏ qua nó vì rừng rậm rạp quá.”

Ông cũng lưu ý rằng không giống như với một số nền văn hóa cổ xưa khác – những cánh đồng, đường xá và vật dụng đã bị phá hủy bởi sự canh tác của các thế hệ sau, việc rừng rậm phát triển trên các cánh đồng và các công trình kiến trúc bị bỏ hoang của người Maya đã giấu kín và bảo vệ những công trình cổ.

Garrison – thành viên tham gia dự án và là chuyên gia  trong thành phố ở El Zotz, gần Tikal, nhận xét về may mắn này: “Trong một thời gian dài, rừng rậm đã cản trở những nỗ lực khám phá của chúng ta nhưng thực sự nó đã trở thành công cụ bảo vệ tuyệt vời cho các di sản Maya”.

Trước đó, Lidar đã giúp các nhà nghiên cứu phát hiện ra một công trình nằm giữa El Zotz và Tikal, công trình mà theo Garrison “không thể gọi gì khác hơn là pháo đài Maya”. “Đó là thành trì trên đỉnh đồi với có những hệ thống mương máng… khi tôi đến đó, một trong số những kiến trúc của thành trì cao tới 9 mét”, ông lưu ý.

Trong một chừng mực nào đó, các công trình này đã ẩn ngay trước mắt chúng ta. Canuto nói về những hình ảnh của Lidar: “Ngay khi chứng kiến phát hiện này, tất cả chúng tôi đều cảm thấy ngượng ngùng bởi chúng tôi thường xuyên đi qua những công trình đó mà không biết đến sự tồn tại của chúng”.  

Thanh Trúc dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2018/feb/03/scientists-discover-ancient-mayan-city-hidden-under-guatemalan-jungle

 

Tác giả