Lụa và Gạo xuất khẩu: Hình ảnh của một nền thương mại phụ thuộc

Không quá khi nói rằng lụa và các sản phẩm về lụa là sản phẩm tiêu biểu nhất trong suốt thời kì huy hoàng của thương mại Việt Nam cận đại, còn gạo nổi lên từ khi đồng bằng sông Cửu Long trở thành một phần của Việt Nam và cho đến hiện nay vẫn được coi là một trong những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu quan trọng của nước nhà. Ở thời điểm đó, cả lụa và gạo đều mang hình ảnh của một nền thương mại nhiều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

 



Hội An trong bức họa “Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” thế kỷ 17 của Chaya Shinroku. Nguồn: wiki.



Lụa – sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Đàng Ngoài thế kỷ XVII

 

Một điều không cần bàn cãi là trong “kỷ nguyên thương mại” (age of commerce) của Đông Nam Á, Việt Nam cũng để lại những dấu ấn nhất định với sự trỗi dậy, bùng nổ hoạt động giao thương trong suốt thế kỷ XVII. Hoạt động buôn bán không chỉ diễn ra với người Trung Quốc, Nhật Bản, hay các thương nhân Đông Nam Á mà còn với các thương nhân phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp và Anh. Nhiều sản phẩm được nhắc đến như hồ tiêu, đường, các loại gỗ hay sản vật tự nhiên, nhưng không mặt hàng nào được khao khát như lụa và sản phẩm từ lụa. Người Nhật đến cả Hội An, Phố Hiến, Thăng Long trong suốt thời kỳ “châu Ấn thuyền” với mục đích chính là thu mua lụa và các vật phẩm khác. Thương nhân người Hoa cũng hoạt động không biết mệt mỏi, thậm chí phát triển thành các cộng đồng lớn ở những cảng thị, đô thị trung tâm để thu mua lụa từ chúa Trịnh và thương nhân bản địa Đàng Ngoài. Đầu thế kỷ XVII, người Bồ Đào Nha phát triển tuyến đường buôn bán Macao-Nagasaki-Hội An/Phố Hiến nhằm dùng bạc Nhật Bản để thu mua lụa Việt Nam và bán vũ khí cho chính quyền chúa Nguyễn hoặc chúa Trịnh. Người Hà Lan thậm chí đã phát triển hơn một bước so với người Bồ Đào Nha khi cố gắng xây dựng thương điếm ở Hội An và sau đó là duy trì hoạt động của công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) ở Phố Hiến và Thăng Long hơn nửa thế kỷ (1637-1700) nhằm thu mua lụa Đàng Ngoài đem sang Nhật Bản, hoặc phần nào là Amsterdam trong hệ thống thương mại bạc – lụa. Người Anh đến Việt Nam đầu thế kỷ XVII cũng với mục đích chính là tìm kiếm nguồn lụa để cung cấp cho Nhật Bản. Đến cuối thế kỷ, thương điếm của người Anh ở Đàng Ngoài được lập ra cũng nhằm trao đổi lụa – bạc. Có lẽ, cũng không nhiều người biết hết tên và đặc điểm của các sản phẩm lụa Việt Nam như thương nhân người Anh, William Gyford năm 1672. Ông đã thống kê và báo cáo về London một số sản phẩm lụa nổi tiếng được biết đến bởi cả những thương nhân châu Âu khác như lĩnh, hoàng quyến, the thùa, tơ tằm cùng nhiều sản phẩm khác.1 Do nhu cầu ngày càng lớn của thương nhân quốc tế, việc sản xuất lụa đã trở thành một trong những “ngành công nghiệp” phát triển mạnh mẽ nhất Việt Nam thế kỷ XVII bên cạnh gốm sứ và đường. Theo các tác giả Hoàng Anh Tuấn, Li Tana, hoạt động sản xuất này nhận được sự tham gia của ít nhất là 100.000 lao động ở các vùng khác nhau thuộc đồng bằng sông Hồng.2 Nhu cầu “nóng” của lụa Đàng Ngoài còn dẫn đến việc thúc đẩy sản xuất lụa vụ đông (tháng 11, 12) mặc dù khí hậu miền Bắc lạnh và chất lượng sản phẩm không thể tốt bằng lụa vụ hè (tháng 6, 7 hàng năm). Sự thay đổi cơ cấu lao động, ngành nghề của Việt Nam, sự xuất hiện của cả thương nhân khu vực và châu Âu đã chứng tỏ một điều quan trọng về sức hút của lụa Việt Nam, cụ thể là lụa Đàng Ngoài trong thế kỷ XIX. Biết đến đây, hẳn không ít người tự hào về lụa Việt Nam, một sản phẩm được “săn đón” bởi thương nhân quốc tế trong suốt thế kỷ XVII.

 

Tuy nhiên, sức hút đó không đến từ chất lượng của lụa Việt Nam hay nhu cầu tiêu thụ hoặc nhu cầu “thời trang” của người châu Âu. Dù chấp nhận hay không, lụa Việt Nam được tìm kiếm vì là mặt hàng thay thế giá rẻ cho lụa Trung Quốc trong giai đoạn khủng hoảng chính trị, và chính sách đóng cửa của triều Minh, Thanh đã buộc thương nhân quốc tế tìm đến những giải pháp tạm thời, trong đó có lụa Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam chủ yếu sản xuất tơ tằm, lụa trắng trơn hoặc các sản phẩm đơn giản khác trong khi nhu cầu thế giới đa dạng với lụa hoa, nhung, gấm, lụa chất lượng cao. Trình độ sản xuất kém, lạc hậu, đơn giản theo kiểu thủ công gia đình không thể giúp lụa có chất lượng cao. Đã không dưới hai lần người Anh cử chuyên gia về sản xuất, mua bán lụa đến Đàng Ngoài trong các năm 1678, 1681 nhằm tìm cách nâng cao chất lượng hàng hóa Việt Nam nhưng bất thành. Năm 1680, Giám đốc thương điếm Anh ở Phố Hiến đã nhận xét thẳng thắn rằng lụa Việt Nam vừa ít về số lượng, vừa kém về chất lượng so với lụa Trung Quốc.3

Đáng tiếc nhất ở đây chính là việc chính quyền và người dân Đàng Ngoài đã không tận dụng được thời cơ khủng hoảng ở Trung Quốc để thay đổi kĩ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu của thương nhân quốc tế.

Những sản phẩm đáng được tự hào nhất của nền thương mại Việt Nam trong thế kỷ XVII, cuối cùng thực chất là sản phẩm thay thế tạm thời cho hàng hóa Trung Quốc. Hàng Trung Quốc luôn được Nhật Bản ưa chuộng và giá trị của lụa Trung Quốc có thể tăng gấp nhiều lần khi được vận chuyển sang cảng Nagasaki. Tuy nhiên, cuối thế kỷ XVI, để chống lại nạn hải tặc, nhà Minh đã cấm buôn bán trực tiếp với Nhật Bản, thúc đẩy nhu cầu hàng thay thế từ Việt Nam. Nhu cầu đó tiếp tục tăng cao với cuộc chiến giành quyền lực giữa Mãn Thanh và nhà Minh, sau đó là chiến tranh với họ Trịnh ở Đài Loan đến 1683. Những cuộc chiến không ngừng cùng chính sách kiềm tỏa bờ biển của chính phủ đại lục đã khiến thương nhân quốc tế không thể với tới lụa Trung Quốc. Nhu cầu lụa Việt Nam cho Nhật Bản trở thành “tất yếu” để đổi lấy bạc Nhật Bản, giúp thương nhân châu Âu tiếp tục đầu tư cho các hoạt động khác.

 

Như vậy, nhìn một cách tích cực, lụa Việt Nam, cũng như gốm sứ được biết đến rộng khắp trong khu vực và bởi các thương nhân quốc tế chính là việc “hưởng lợi” từ những vấn đề chính trị ở Trung Quốc và khu vực. Nhìn theo góc độ khác, rõ ràng lụa và hàng hóa Việt Nam đang bị “lệ thuộc” vào tình hình “sức khỏe” của nền chính trị, thương mại của người láng giềng hùng mạnh. Sự lệ thuộc đó được thể hiện rõ nét nhất sau năm 1684 khi Trung Quốc thống nhất cả Đài Loan, mở cửa biên giới cho thương nhân quốc tế trực tiếp buôn bán khiến lụa Đàng Ngoài không được “đoái hoài”. Vai trò của lụa, và lớn hơn của nền thương mại Việt Nam trong hệ thống thương mại khu vực thay đổi, suy yếu rõ rệt. Điều đáng tiếc nhất ở đây chính là việc chính quyền và người dân Đàng Ngoài đã không tận dụng được thời cơ khủng hoảng ở Trung Quốc để thay đổi kĩ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu của thương nhân quốc tế mà vẫn tiếp tục duy trì thói quen sản xuất manh mún, lạc hậu truyền thống hộ gia đình. Tất yếu, lụa Việt Nam bị loại khỏi thị trường thương mại quốc tế cuối thế kỷ XVII, trong khi lụa Bengal (Ấn Độ) dù ban đầu có chất lượng tương đương hàng Việt Nam đã vươn lên trở thành điểm cung cấp hàng đầu vì đã biết cải tạo kĩ thuật sản xuất và đáp ứng được thị hiếu của châu Âu.

 



Tranh dân gian Đông Hồ về nghề trồng lúa. 



Xuất khẩu gạo cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và vấn đề tái cơ cấu thị trường

 

Nếu như Lụa Việt Nam mãi vẫn không thoát khỏi mác “hàng thay thế chất lượng thấp” cho lụa Trung Quốc để đi vào thị trường châu Âu hay Nhật và để rồi bị loại khỏi thị trường thương mại quốc tế, thì câu chuyện xuất khẩu lúa gạo cho thấy hầu như Việt Nam không có điểm đến nào khác ngoài Trung Quốc cho tới đầu thế kỷ XX. Nhưng ngay cả khi muốn mở cửa thị trường khó tính hơn như châu Âu thì cũng rất chật vật, vấn đề chính vẫn là do chất lượng.

 

Triều Nguyễn coi gạo là sản phẩm độc quyền của thương mại nhà nước, ngăn cấm mọi hoạt động buôn bán tư nhân sản phẩm quan trọng này nhằm đảm bảo an ninh lương thực và sự cân bằng vùng miền. Tuy vậy, ghi chép của các phái đoàn Anh, Mỹ ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XIX đều cho thấy việc buôn bán gạo vẫn diễn ra, thậm chí ở mức độ cao, với vai trò quan trọng của thương nhân người Hoa. Cùng với Miến Điện và Xiêm, Việt Nam trở thành một trong những nguồn cung cấp gạo lớn nhất thế giới lúc đó.

 

Gạo Việt Nam xuất khẩu cũng khá đa dạng với thóc, gạo trắng và gạo đỏ. Từ khi Pháp hoàn thành xâm lược và tiến hành khai thác thuộc địa toàn Việt Nam, gạo đã trở thành sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất của chính quyền thuộc địa. Năm 1884, xuất khẩu gạo của riêng Nam Kỳ là 600.000 tấn, nhưng đến năm 1914 đã lên đến 1,3 triệu tấn, gấp đôi số lượng. Với sự tăng trưởng đó, không ngạc nhiên khi gạo đóng góp nguồn thu lớn nhất cho ngoại thương Nam Kỳ và thậm chí cả Việt Nam. Ví dụ, năm 1901 và 1902, gạo lần lượt chiếm 90,4 và 90,9% khối lượng hàng xuất khẩu của Nam Kỳ. Năm 1904, giá trị xuất khẩu gạo đạt 98,2 triệu francs, chiếm 70,4% tổng giá trị hàng xuất khẩu Nam Kỳ; năm 1905 là 98,2 triệu francs (tiền Pháp) và 70,4%; năm 1907 là 63,9 triệu francs và 60,2%.4 Năm 1908, giá trị xuất khẩu gạo đạt khoảng 4,3 triệu sterling (bảng Anh), tức 108,9 triệu francs, chiếm 79,7 % (tổng giá trị xuất khẩu là 136,6 triệu francs).5 Trên toàn Đông Dương, gạo luôn chiếm khoảng 50% đến 65% giá trị xuất khẩu, và phần còn lại thuộc về toàn bộ các mặt hàng khác như dầu dừa, hồ tiêu, thuộc da, xi măng, các sản phẩm liên quan đến cá, ngô, xi măng, than đá. Như vậy, có thể thấy, giống như lụa ở thế kỷ XVII, gạo ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là sản phẩm chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam.

 

Dù gạo là sản phẩm tiêu biểu, quan trọng hàng đầu của kinh tế Việt Nam đến trước năm 1914, sự phụ thuộc vào Trung Quốc hay thương nhân người Hoa được thể hiện khá rõ. Trước hết, đó là sự kiểm soát của thương nhân người Hoa trong hoạt động sản xuất, cụ thể là mở rộng đồn điền trồng lúa và xay xát gạo theo công nghệ mới. Pháp chỉ có thể hạn chế việc người Hoa mở rộng diện tích canh tác nhưng không hạn chế được vai trò của họ trong việc thu mua, vận chuyển từ các vùng trồng lúa đến Sài Gòn. Giai đoạn 1869-1870, những nhà máy xát gạo chạy bằng hơi nước đầu tiên ra đời ở Sài Gòn và thuộc sở hữu của người châu Âu nhưng đến năm 1878 người Hoa đã bắt đầu xây dựng nhà máy xay xát. Năm 1907, Sài Gòn có 9 nhà máy xát gạo, công suất từ 450 đến 900 tấn/ ngày và người Hoa sở hữu 6 nhà máy, thuê lại của người Đức 2 nhà máy, tức là họ gần như độc quyền xay xát. Đến năm 1910, họ sở hữu 9 nhà máy có công suất trên 500 tấn thóc/ngày và đến năm 1914, khi Pháp tập trung cho chiến tranh thì họ sở hữu tất cả các nhà máy có công suất trên 300 tấn/ ngày ở Nam Kỳ. Nhìn vào những chỉ số trên, không quá khó khăn để thấy tầm ảnh hưởng của thương nhân người Hoa cũng như khả năng họ hoàn toàn khống chế, độc quyền toàn bộ nền thương mại lúa gạo Nam Kỳ. Rõ ràng, sản xuất lúa gạo của Việt Nam không nằm trong tay người bản địa hay châu Âu mà nằm trong tay thương nhân láng giềng.



Nguồn: Diplomatic and Consular Reports. 1906. Report for the year 1904 on the Trade, Commerce and Navigation of Cochin-China. No. 3628, pp. 582-583.

 

Thứ hai, trước năm 1884, Trung Quốc tuy là thị trường lớn nhất của lúa gạo Nam Kỳ, nhưng lại chủ yếu nhập khẩu thóc. Điều đó có nghĩa là, nền nông nghiệp Việt Nam chỉ là nơi xuất khẩu “thô” và Trung Quốc nắm quyền điều tiết sản phẩm, chủng loại nhập khẩu, dẫn đến giá trị xuất khẩu khá thấp. Sự khống chế này chỉ hạn chế phần nào khi Pháp tăng thuế xuất khẩu thóc, nhưng Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) là thị trường quan trọng nhất của Nam Kỳ đến trước năm 1899. Cụ thể, giai đoạn 1872-1881, Trung Quốc chiếm 63% gạo xuất khẩu của Nam Kỳ. Năm 1886, 7,4 triệu piculs gạo (khoảng 440.476 tấn – hơn 80% tổng xuất khẩu) và năm 1887 là 6,2 triệu piculs (369.047 tấn – hơn 70%) được đem sang Trung Quốc. Sang đầu thế kỷ XX, sự trỗi dậy của các thị trường khác như Nhật Bản, Philippines, Singapore và châu Âu là rất đáng chú ý, dẫn đến giảm dần tỉ trọng xuất khẩu gạo của Nam Kỳ tới Trung Quốc – nhưng đây vẫn là thị trường lớn và quan trọng nhất, không thể thay thế trong thời gian ngắn. Như vậy, dù cho Pháp tìm cách can thiệp, các thị trường khác được mở ra, gạo Việt Nam vẫn rất “trung thành” với bạn hàng láng giềng. Điều đó gây ra hệ lụy không hề nhỏ khi thị trường này gặp bất cứ vấn đề gì và thóc gạo Việt Nam sẽ kẹt trong mâu thuẫn cung – cầu.

 

Như biểu đồ trên đã chỉ ra, tuy xu hướng xuất khẩu gạo đến Trung Quốc giảm, nhưng vẫn không thể phủ nhận được vai trò hàng đầu của quốc gia này trong so sánh với từng quốc gia hoặc khu vực trong việc tiêu thụ hàng Việt Nam. Câu chuyện của gạo không chỉ đơn thuần là câu chuyện của một mặt hàng mà là câu chuyện của cả nền kinh tế. Khi công nghiệp chưa phát triển, nông nghiệp với đặc thù là sản xuất giản đơn, trình độ kĩ thuật lạc hậu, việc xuất khẩu khó tìm được lối thoát rõ ràng ngoài việc tiếp tục nhìn về thị trường Trung Quốc. Dẫu vậy, biểu đồ trên cũng chỉ ra rằng thương mại Việt Nam đã dần được đa dạng hóa dưới vai trò của Pháp và Trung Quốc từng bước không còn là số một, duy nhất có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam hay theo cách khác, cơ cấu thị trường của Việt Nam đang được tái cấu trúc.

 

Tuy nhiên, một lần nữa bài toán về chất lượng sản phẩm, về tính thích nghi và sự phụ thuộc được đặt ra với gạo. Người Anh đã nhận xét rằng gạo Nam Kỳ (trung tâm sản xuất gạo hàng đầu Việt Nam) có kích thước nhỏ hơn thông thường, văn hóa trồng lúa có nhiều khiếm khuyết cần phải thay đổi. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến việc gạo Việt Nam bị hạn chế xuất khẩu sang châu Âu bởi những hạt gạo nhỏ đó không phục vụ được nhu cầu thực phẩm trong khi sản phẩm từ Miến Điện, Ấn Độ và Xiêm lại được ưa chuộng. Các báo cáo chỉ ra rằng, gạo Việt Nam được Pháp nhập sang châu Âu cho hai mục đích: chăn nuôi và tái xuất khẩu sang các thuộc địa của Pháp. Như vậy, giống như lụa không phù hợp với thị hiếu thời trang châu Âu, gạo Việt Nam không đảm bảo chất lượng phục vụ nền ẩm thực của họ và chỉ được nhập cho những mục đích thứ cấp hơn. Điều đó một lần nữa gián tiếp tạo ra sự phụ thuộc và thị trường Trung Quốc.





Nhà máy xay xát gạo ở Chợ Lớn đầu thế kỷ XX. Nguồn ảnh: historicvietnam.com. 

 

Phụ thuộc – bài toán lâu dài của nền thương mại Việt Nam

 

Từ lụa ở thế kỷ XVII đến gạo cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và hiện nay là nông sản cùng nhiều loại hàng hóa công-nông nghiệp khác, chúng ta đều dễ dàng nhìn thấy một mẫu số chung về tính phụ thuộc vào nhân tố Trung Quốc. Đó có thể là sự phụ thuộc vào điều kiện buôn bán, hoặc trực tiếp là phụ thuộc về mặt thị trường mặc dù các sản phẩm của Việt Nam đều được coi là nổi tiếng, có giá trị nhất định. Tuy nhiên, khi đặt lên bàn cân thực tế, chúng ta không khỏi giật mình bởi dù là sản phẩm quan trọng của nước nhà, được thế giới biết đến nhưng vẫn chịu những tác động lớn từ tình hình thương mại của Trung Quốc. Xét một cách khái quát, vấn đề này rõ ràng là khó tránh khỏi khi Trung Quốc luôn là thị trường lớn hàng đầu thế giới trong mọi giai đoạn và do đó luôn có tác động nhất định đến thị trường lân cận. Nhưng điều đáng bàn ở đây là việc lụa hay gạo, người sản xuất, nhà quản lý đã thích ứng như thế nào với tác động và tính phụ thuộc đó. Trong khi lụa bị chìm vào quên lãng cuối thế kỷ XVII, gạo mở rộng thị trường đến Singapore, Philippines, các nước châu Âu đầu thế kỷ XX và dần dần được san sẻ vai trò bởi các mặt hàng khác. Phụ thuộc hay không phụ thuộc, cuối cùng vẫn là dựa vào khả năng quản lý và thích nghi của người sản xuất. □

 

—-

*TS Trần Ngọc Dũng, Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Tài liệu tham khảo 

 

IOR/G/12/17/1, Tonkin to London, 7 December 1672, pp. 45b-46a.

Hoàng Anh Tuấn, Silk for Silver, Dutch- Vietnamese relations 1637-1700 (Leiden, 2007), pp. 181-182; Li Tana, “Tongking in the age of commerce” in G. Wade & T. Li (eds.), Anthony Reid and the study of the Southeast Asian past (Singapore, 2012), pp. 246-270, p. 251.

IOR/G/21/7A, Letter from Thomas James and Council in Tonkin, 1 November 1680, pp. 38-43, p. 39.

4DCR. 1906-1908. Report for the year1905-1907 on the Trade, Commerce and Navigation of Cochin-China. No.3628: 582; No.4028: 513.

5 Số liệu được tổng hợp từ các báo cáo của Bộ ngoại giao Anh về kinh tế Nam Kỳ thuộc Pháp trong giai đoạn trước 1914.

Tác giả