Lực lưỡng và vạm vỡ

Tin tức mới đây1 cho biết, GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng được Hội đồng giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ đợt 5 đề nghị trao Giải thưởng Nhà nước cho chuyên khảo Khái luận văn tự học chữ Nôm.2 Mọi người không ai lấy làm ngạc nhiên trước thông tin này, thậm chí có người còn than tiếc cho rằng công trình ấy xứng đáng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh. Bởi học giới biết rằng, con người ấy từ lâu đã khẳng định được tầm vóc tri thức và ảnh hưởng học thuật; công trình ấy đã được thừa nhận về tầm lí luận cũng như khả năng xây dựng khung khổ.

1. Nguyễn Quang Hồng: nhân vật học thuật “lực lưỡng”

Dù sinh ra (1939) và làm việc tại Việt Nam, nhưng tác giả Nguyễn Quang Hồng lại có được cơ duyên đào tạo trường kì ở những trung tâm học thuật nước ngoài ngay từ thuở sinh viên. Ông tốt nghiệp Cử nhân Ngữ văn tại Đại học Bắc Kinh (1965), tốt nghiệp Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Ngữ văn tại Đại học Quốc gia Moskva và Viện Đông phương học Liên Xô (1974), sau đó tốt nghiệp Tiến sĩ khoa học Ngữ văn tại Đại học Quốc gia Moskva (1985). Được đào tạo căn bản và thâu thái được cái tinh hoa của hai trung tâm khoa học Ngữ văn Đông và Tây thời danh kể trên, ông đã cho ra đời những công trình nghiên cứu ngữ văn Hán Nôm và ngôn ngữ học không lẫn vào đâu được. Đặc điểm bao trùm của những công trình ấy là tính lí thuyết cao, vấn đề nghiên cứu được triển khai một cách logic và hệ thống, lối hành văn chặt chẽ khoa học, nhưng không cố lên gân lên cốt, mà nhiều lúc hóm hỉnh, hấp dẫn.

Sau nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về ngôn ngữ và văn tự tại nhiều trường đại học và viện nghiên cứu chuyên ngành, ông đã “trình làng” nhiều tác phẩm then chốt: Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (chủ biên, 1992), Âm tiết và loại hình ngôn ngữ (chuyên luận, 1994, 2001, 2012), Di văn chùa Dâu (chủ biên, 1996), Truyền kì mạn lục giải âm (biên khảo, phiên chú, 2001), Tự điển chữ Nôm (chủ biên, 2006), Kho chữ Hán Nôm mã hoá (đồng chủ biên, 2008), Khái luận văn tự học chữ Nôm (chuyên luận, 2008), Tự điển chữ Nôm dẫn giải (2 tập, 2014, gần 2.400 trang, công trình cá nhân). Ông còn là tác giả của hơn 100 bài nghiên cứu công bố trên các ấn phẩm chuyên ngành cả trong và ngoài nước. Ông cũng từng được mời thuyết trình và giao lưu khoa học tại Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore.

Với uy tín của mình, ông được phong Phó Giáo sư (1984), Giáo sư (1991), Nghiên cứu viên cao cấp, và từng nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo học thuật quan trọng trong các lĩnh vực Hán Nôm và ngôn ngữ. Ông cũng đã đào tạo nhiều tiến sĩ cả trong và ngoài nước mà hiện nay họ đều đã thành danh trên lĩnh vực học thuật.

2. Khái luận văn tự học chữ Nôm: tác phẩm học thuật “vạm vỡ”

Đặc trưng căn bản và tiên quyết của cuốn chuyên khảo này chính là tiền đề phương pháp luận lấy văn tự học làm bản vị. Đây là điểm cốt yếu và khác biệt của cuốn sách, bởi các chuyên khảo về chữ Nôm trước đây thường đặt vấn đề ngôn ngữ học lịch sử tiếng Việt lên trên vấn đề văn tự học khi tiếp cận kho tàng văn hiến chữ Nôm. Việc trả lại bản chất văn tự học cho hướng tiếp cận nghiên cứu chữ Nôm còn giúp cho cuốn sách, xét từ khía cạnh lịch sử văn hiến, khắc phục được nhược điểm cố hữu trong việc nghiên cứu chữ Nôm là thường quá chú trọng tới những văn hiến có niên đại sớm, mà xao lãng những văn hiến có niên đại muộn, khoảng từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX.

Từ tiền đề phương pháp luận trên, cuốn sách đã triển khai nghiên cứu một cách hệ thống và mang đậm tính lí luận. Từ lâu nay, giới nghiên cứu Hán Nôm cũng đã không còn xa lạ với phong cách nghiên cứu ấy của tác giả Nguyễn Quang Hồng qua hàng loạt chuyên luận và bài viết của ông. Trong tình trạng việc nghiên cứu Hán Nôm thường còn dừng lại ở mức độ miêu tả sự kiện, thì những nghiên cứu mang tính lí luận chuyên ngành của Nguyễn Quang Hồng lại hướng tới phân tích, giải thích sự kiện, và đó chính là điểm sáng nổi trội mà một lối tư duy thông thường nào đó hoàn toàn có thể phán rằng “những cái ấy ai chẳng biết!”. Nhưng để khái quát hóa “những cái ai chẳng biết” vốn lẻ tẻ và rời rạc ấy thành một hệ thống mang tính lí luận như những gì mà tác giả đã thực hiện trong các công trình của mình (tất nhiên không loại trừ cuốn sách này) thì lại hoàn toàn không phải là điều dễ dàng mà ai cũng làm được.

Về nội dung, công trình này nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về những vấn đề chủ yếu đặt ra khi đi vào tìm hiểu chữ viết cổ truyền của các dân tộc Việt Nam, mà trọng tâm là chữ Nôm của người Việt. Nội dung chuyên luận trình bày trong sáu chương và một phụ chương. Ba chương đầu giới thiệu các hệ thống văn tự cổ truyền ở Việt Nam, tìm hiểu về nguồn gốc, sự hình thành chữ Nôm và xác định đặc trưng loại hình của nó trong sự đối chiếu với chữ Hán và các văn tự khác có liên quan trong khu vực. Hai chương Bốn và Năm đi sâu xem xét cấu trúc chức năng và cấu trúc hình thể của chữ Nôm Việt cùng những diễn biến của chúng qua thời gian. Chương cuối xem xét các chức năng xã hội và môi trường hành chức của chữ Nôm, vai trò của nó bên cạnh chữ Hán và chữ Quốc ngữ trong xã hội Việt Nam, quá khứ và hiện tại. Ngoài ra còn có một phụ chương để giới thiệu một số ý tưởng của các bậc tiền bối, mong muốn tạo lập các hệ thống chữ Việt bằng nét bút lông, mang dáng dấp của chữ Nôm, nhưng lại là văn tự ghi âm, cho thấy một nét đặc biệt trong tư duy văn tự học của tiền nhân.

Cuốn sách là một thành tựu nghiên cứu có bề dày và chiều sâu, vừa có “diện” vừa có “điểm”, chứa nhiều điều mới mẻ dựa trên cơ sở tích lũy và tổng kết tri thức khắp suốt xưa nay. Chính vì vậy, ngay sau khi vấn thế, cuốn sách đã được sử dụng làm tài liệu dạy học của ngành Hán Nôm nói riêng và ngành ngữ văn học nói chung ở các bậc đại học, Cao học, và Nghiên cứu sinh ở nhiều đơn vị đào tạo.3

3. Những đạo hữu học thuật

Học giới Việt Nam đã thừa nhận vị trí hàng đầu của hai tượng đài ngôn ngữ học: GS Cao Xuân Hạo (1930-2007) và GS Nguyễn Tài Cẩn (1926-2011). Khi hai nhà khoa học trứ danh này lần lượt khuất bóng, đã có nhiều bài viết kỉ niệm về họ, mà hai bài “Hoài niệm…”4 của GS Nguyễn Quang Hồng nằm trong số những bài đáng đọc nhất, vừa tình cảm vừa khoa học, toàn diện mà chi tiết, khúc chiết, mạch lạc và thích đáng trong đánh giá khoa học.

Nguyên nhân để hai bài “Hoài niệm…” ấy thành công, ngoài vốn tri thức chắc nịch và tình cảm sâu nặng của người viết đối với các đạo hữu, theo tôi, còn do sự tương đồng về quan điểm tiếp cận khi nghiên cứu ngôn ngữ văn tự học giữa ba nhà khoa học. Họ nằm trong số không nhiều người cùng sớm nhận ra sai lầm của tư tưởng “Âu tâm luận” (Eurocentrism) từng khá phổ biến trong nghiên cứu ngôn ngữ học nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung ở Việt Nam. Có lẽ chính vì vậy mà, trong danh tác Âm vị học và tuyến tính (bản tiếng Pháp năm 1985), GS Cao Xuân Hạo đã nhận xét về một công trình năm 1974 của GS Nguyễn Quang Hồng bằng những dòng rất trân trọng, mang tính nhận đồng trong tư tưởng phủ định “chiết đoạn luận” kiểu châu Âu, tức là phê phán việc sử dụng lí thuyết âm vị học châu Âu vốn chỉ phù hợp với các ngôn ngữ khuất chiết** vào phân tích các ngôn ngữ đơn lập và chắp dính ở phương Đông như tiếng Trung, Việt, Nhật.5

Đọc hai bài “Hoài niệm…” này, tôi thấy tâm đắc với hai từ láy mà GS Nguyễn Quang Hồng sử dụng. Ông phẩm bình hai cuốn chuyên luận về ngữ âm và ngữ pháp của GS Cao Xuân Hạo là “vạm vỡ”, ông lại đánh giá các chuyên luận của GS Nguyễn Tài Cẩn là “lực lưỡng”. Ngẫm lại, cả ba nhà khoa học ấy dù có vóc dáng nhỏ gầy, nhưng đều “vạm vỡ” và “lực lưỡng” trong khoa học. Đó mới là điều khó đạt tới. Thiết nghĩ, cuốn Khái luận văn tự học chữ Nôm của GS Nguyễn Quang Hồng cũng đã đạt tới độ “vạm vỡ” và “lực lưỡng” như vậy, nên tôi xin phép mượn dùng hai từ láy trên để mô tả chính người đã từng sử dụng chúng một cách đắc địa. Giải thưởng Nhà nước này là sự khẳng định giá trị của cuốn sách và tầm vóc của nhà khoa học từ phía giới quản lí khoa học và công nghệ quốc gia, sau khi giới học thuật đã khẳng định từ trước.

———–
Chú thích:
*Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
** Trong bản in bị sai là khúc chiết
1 Xem: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/845236/195-nha-khoa-hoc-nhan-giai-thuong-ho-chi-minh-va-giai-thuong-nha-nuoc-ve-khoa-hoc—-cong-nghe-.
2 Nguyễn Quang Hồng, Khái luận văn tự học chữ Nôm, NXB Giáo dục, 2008, 538 trang, khổ 16×24 cm.
3 Xem thêm 3 bài điểm sách đã công bố: (1) Nguyễn Tuấn Cường, “Đọc sách Khái luận văn tự học chữ Nôm” của GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng”, Tạp chí Hán Nôm, số 4/2009, tr. 74-78. (2) Đinh Khắc Thuân, “Đọc sách Khái luận văn tự học chữ Nôm”, Ngôn ngữ và Đời sống, số 5/2009, tr. 44-45. (3) Trần Đình Sử, “Một đóng góp mới về nghiên cứu chữ Nôm”, Văn Nghệ, số 27 (2579), thứ Bảy ngày 4/9/2009.
4 Xem: (1) Nguyễn Quang Hồng, “Hoài niệm về anh Cao Xuân Hạo”, Ngôn ngữ và Đời sống, số 11/2007, tr. 38-39 (bản điện tử: http://ngonngu.net/?m=print&p=354). (2) Nguyễn Quang Hồng, “Hoài niệm về Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn”, Từ điển học và Bách khoa thư, số 2/2011, tr. 78-84 (bản điện tử: http://khoavanhoc.edu.vn/tintuc-sukien/878-gstskh-nguyn-quang-hng).
5 Cao Xuân Hạo, Âm vị học và tuyến tính: Suy nghĩ về những định đề của âm vị học đương đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2001, tr. 303-306.

Tác giả