Ngôn ngữ xuất hiện như thế nào?

Việc các ngôn ngữ trên thế giới xuất hiện như thế nào phần lớn đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Người ta mới dự đoán là quá trình này có thể mất đến hàng ngàn năm. Nhưng một điều thú vị là người điếc cũng có thể dễ dàng tạo ra những ngôn ngữ kí hiệu mới. Quan sát cho thấy khi đưa những người điếc không quen biết nhau vào cùng một cộng đồng, họ nhanh chóng tạo ra ngôn ngữ kí hiệu riêng trong một khoảng thời gian khá ngắn, nổi tiếng nhất là Ngôn ngữ kí hiệu Nicaragua xuất hiện vào những năm 1980.

Một điều thú vị là những đứa trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngôn ngữ mới. Tuy nhiên, không có tài liệu nào ghi lại chính xác điều này đã xảy ra như thế nào. Các nhà nghiên cứu Manuel Bohn, Gregor Kachel và Michael Tomasello ở Trung tâm nghiên cứu phát triển tuổi thơ Leipzig và Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck của Đức đã tiến hành một loạt nghiên cứu nhằm cố gắng tái tạo chính xác quá trình tương tác xã hội biến đổi thành ngôn ngữ.

Họ đưa những đứa trẻ vào hai căn phòng khác nhau và giao tiếp qua Skype. Sau một một thời gian làm quen, họ bí mật tắt âm thanh và quan sát bọn trẻ tìm các cách giao tiếp mới không cần sử dụng ngôn ngữ nói. Nhiệm vụ của những đứa trẻ là mô tả hình ảnh với những nội dung khác nhau trong trò chơi phối hợp. Với những thứ cụ thể, chẳng hạn như cái búa hoặc cái nĩa, những đứa trẻ nhanh chóng tìm ra giải pháp bắt chước hành động tương ứng như ăn uống. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu liên tục đưa ra những thử thách mới với nhiều hình ảnh trừu tượng hơn, ví dụ họ đưa ra một tờ giấy trắng coi như một bức tranh để mô tả khái niệm rất khó mô phỏng là “hư không” (nothing).

Kachel kể về việc hai đứa trẻ hoàn thành nhiệm vụ: “Ban đầu, cô bé gửi tin đã thử mọi động tác khác nhau nhưng người nhận tin không hiểu gì cả. Bỗng dưng cô bé kéo chiếc áo phông sang một bên và chỉ vào một chấm trắng trong chiếc áo nhiều màu. Cả hai đã thực sự có một bước đột phá: dĩ nhiên! Màu trắng! Sau đó, cả hai đổi vai cho nhau, cô bé nhận thông tin không có đốm trắng nào trên áo, tuy nhiên vẫn dùng cách tương tự: kéo áo phông sang một bên và chỉ vào nó. Phía bên kia ngay lập tức hiểu ra”. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, cả hai đã thiết lập được một dấu hiệu tương ứng với một khái niệm trừu tượng. Theo tiến trình nghiên cứu, hình ảnh được miêu tả dần trở nên phức tạp hơn, chẳng hạn để truyền đạt về một tương tác giữa hai con vật, những đứa trẻ đã tạo ra những cử chỉ riêng cho con vật và hành động của chúng, sau đó kết hợp lại với nhau – tạo ra một loại ngữ pháp riêng ở cấp độ thấp.

Vậy ngôn ngữ xuất hiện như thế nào? Dựa trên nghiên cứu này, các tác giả đã đưa ra các bước sau: đầu tiên, chúng ta tạo ra các kí hiệu để chỉ từng hành động và sự vật giống với những thứ đó, điều kiện tiên quyết ở đây là những người tương tác phải có chung nền tảng trải nghiệm. Các bên cũng phối hợp bằng cách bắt chước lẫn nhau sao cho họ sử dụng cùng các dấu hiệu cho cùng một sự vật. Do đó những dấu hiệu này sẽ có cùng ý nghĩa giữa các cá nhân và cuối cùng là ý nghĩa chung. Theo thời gian, mối quan hệ giữa các dấu hiệu và sự vật trở nên trừu tượng hơn và ý nghĩa của các dấu hiệu cá nhân dần trở nên cụ thể hơn. Những cấu trúc ngữ pháp dần xuất hiện khi nhu cầu giao tiếp trở nên phức tạp hơn. Điều đáng chú ý nhất của nghiên cứu là các nhà khoa học có thể quan sát quá trình này diễn ra chỉ trong vòng 30 phút dưới điều kiện có kiểm soát.

Nghiên cứu cho thấy việc giao tiếp không nhất thiết chỉ dùng từ ngữ, khi không có cách nào sử dụng ngôn ngữ nói thông thường, con người sẽ tìm những cách khác để truyền tải thông điệp của mình. Hiện tượng này là cơ sở để phát triển những ngôn ngữ mới. Tuy nhiên, theo Bohn, có rất nhiều câu hỏi mới đặt ra: “Việc tìm hiểu hệ thống giao tiếp mới xuất hiện được thay đổi như thế nào theo thời gian cũng rất thú vị, chẳng hạn khi chúng truyền lại cho những “thế hệ” người dùng mới. Đã có những bằng chứng cho thấy ngôn ngữ trở nên có hệ thống hơn khi được truyền thụ lại”.

Thanh An dịch    

Nguồn: https://phys.org/news/2019-12-language-emerge.html

 

 

Tác giả