Trước hết cần tạo được niềm tin của doanh nghiệp

Trong bối cảnh không ít viện trực thuộc các tập đoàn tư nhân đang đưa ra nhiều lời mời hấp dẫn và đã tuyển dụng được nhiều tên tuổi trong giới nghiên cứu trong nước và nước ngoài, vẫn có những nhà khoa học tìm đến Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST). Hai “tân binh” của VKIST đã có cuộc trao đổi với Báo KH&PT về những khó khăn và thuận lợi trong công việc của họ.

TS Phương Thiện Thương (trái) và TS Nguyễn Duy Tài. Ảnh: Bảo Như

Tại sao giữa hàng loạt các viện, trường ở Việt Nam hiện nay các anh lựa chọn VKIST?

TS Phương Thiện Thương: Sau một thời gian học tập và nghiên cứu khoa học ở nước ngoài, tôi về nước cũng đã được hơn 10 năm, nhưng chưa tìm được một đơn vị nào tạo cơ hội cho tôi tiếp tục triển khai một số nghiên cứu ứng dụng mà tôi đã thực hiện tại viện làm về công nghệ sinh học, trực thuộc viện KIST của Hàn Quốc.

Tôi xin về làm việc ở VKIST vì nhận thấy viện có cơ chế hoạt động có thể tạo cơ hội cho tôi tiếp tục hướng nghiên cứu ứng dụng của mình.

TS Nguyễn Duy Tài: Tôi đã nghiên cứu và công tác ở nước ngoài 15 năm, quay trở về và nhận lời làm việc tại VKIST bởi vì nó phù hợp với định hướng nghiên cứu của tôi từ trước tới nay. Ở Bỉ, tôi chuyên thực hiện các nghiên cứu để giải bài toán cho các công ty bằng công nghệ thông tin, như xây dựng lộ trình giao thông, IoT trong thủy sản, tưới tiêu… Tôi không tìm đến các tập đoàn công nghiệp trong khi bởi vì viện nghiên cứu của họ hầu hết chỉ giải bài toán của riêng họ, còn ở VKIST, các nhà nghiên cứu vẫn có thể đưa ra các giải pháp công nghệ thông tin có sức lan tỏa lớn hơn, đặc biệt là có thể hỗ trợ cho các công ty vừa và nhỏ vốn không có ngân sách nghiên cứu.

Các anh nhìn thấy những điểm đáng quan tâm nào ở định hướng phát triển của VKIST và cơ hội phát triển của VKIST?

TS Phương Thiện Thương: Cá nhân tôi thấy định hướng đưa ra các công nghệ dành cho khối công nghiệp của VKIST là rất cần thiết, bởi vì trước đây nghiên cứu ở nước ta thường không gắn với hai thứ, một là đầu ra cụ thể – tức là thị trường có cần hay không, hai là có cơ sở để triển khai – chính doanh nghiệp. Bản thân tôi, trước đây từng thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng chiết xuất hoạt chất từ vỏ của các loài cam quýt để làm thuốc cho Sở KH&CN Hà Nội. Đó là một công nghệ mà rõ ràng là thị trường cần, vì các nhà sản xuất trong nước đang phải nhập nguyên liệu đó về để sản xuất sản phẩm. Tôi cứ nhận đặt hàng làm mà không biết rằng chưa hề có nhà máy chiết xuất ở Việt Nam, dù có đưa ra công nghệ thì cũng không thể được áp dụng. Đấy là một bài học về việc không có cơ sở để triển khai.

TS Nguyễn Duy Tài: Tôi nghĩ rằng những bài toán đặt ra từ phía các doanh nghiệp rất nhiều, rất đa dạng, bởi không một doanh nghiệp nào phát triển mà không cần đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ. Thậm chí, không phải cứ có công nghệ ở nước ngoài tốt, thì đem vào trong nước sử dụng chắc chắn tốt đâu. Ví dụ có thể áp dụng công nghệ thông tin vào để quản lý cả dây chuyền sản xuất, tối ưu hóa nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất gỗ, nhưng công nghệ nước ngoài chưa chắc đã giải được bài toán của Việt Nam. Bởi vì các sản phẩm gỗ ở nước ngoài không tinh vi như ở Việt Nam mà chủ yếu chỉ là đóng bàn, ghế, tủ. Vì vậy, chúng ta buộc phải nghiên cứu với đặc thù riêng ở Việt Nam.

Tôi tin rằng một mình VKIST làm cũng không bao giờ hết việc, mà cần nhiều mô hình giống như VKIST nữa, bởi mỗi viện sẽ có các tập khách hàng khác nhau, là các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tôi quan sát ở nước ngoài và thấy, nhìn chung, nhiều mô hình doanh nghiệp nước họ đã vấp phải nhiều vấn đề đi trước và có cách giải quyết rồi, và chúng tôi đã nắm được điều đó. Tôi tin rằng không vấn đề nào [về công nghệ thông tin] chỉ xuất hiện ở Việt Nam cả, mà thực ra đã đã được xem xét, giải quyết ở đâu đó rồi, vấn đề là mình biết hay chưa thôi. Vì thế, phải tìm hiểu thực tế ở Việt Nam và tìm ra những vấn đề giải quyết. Chẳng hạn, khi còn ở Bỉ, tôi nghiên cứu đưa ra giải pháp phân luồng giao thông cho tất cả các phương tiện, từ tàu, xe tải chở hàng ra vào bến cảng, rõ ràng đấy cũng là công cụ mà Việt Nam đang rất cần.

Dường như từ trước tới nay, văn hóa gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu còn… chưa nhiều, chưa kể nhiều công ty có nhu cầu công nghệ nhưng chính họ cũng không thể nói ra chính xác nhu cầu hoặc vướng mắc của mình ở khâu nào. Vậy VKIST sẽ làm như thế nào để nắm bắt và trả lời được bài toán của doanh nghiệp?

TS Phương Thiện Thương: Các nhà khoa học ở VKIST sẽ phải chủ động liên hệ, cùng xắn tay với các doanh nghiệp để tìm hiểu những khó khăn, nhu cầu đổi mới khoa học công nghệ của họ để giúp cho họ hoạt động hiệu quả hơn. Thời gian đầu chúng tôi không thể đi hết được, mà chỉ đi một số doanh nghiệp để giải quyết một số bài toán tiêu biểu. Chẳng hạn như một trong những hợp đồng đầu tiên của VKIST mà tôi tham gia làm là giúp nâng cao hiệu quả sản phẩm từ dược liệu cho Traphaco – một trong những lĩnh vực kinh tế có thế mạnh mà chúng ta chưa tận dụng được hết.

TS Nguyễn Duy Tài: Làm thế nào để cả doanh nghiệp và viện cùng tin nhau, thuyết phục nhau đi chung một chặng đường mà có thể có thất bại? Tất cả nằm ở sự minh bạch, thái độ làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc. VKIST còn mới bắt đầu, chưa chứng minh được khả năng của mình thì bước đầu sẽ khó liên kết, nhưng khi chứng minh được khả năng của mình, bằng một số dự án sản phẩm cụ thể rồi thì các doanh nghiệp sẽ tìm tới thôi.

Thời gian đầu, do Viện đang xây dựng trụ sở thì các anh sẽ làm việc tại đâu?

TS Phương Thiện Thương: VKIST sẽ mở một phòng thí nghiệm tại Hàn Quốc và tôi sẽ sang đó làm, còn anh Tài sẽ sử dụng các phòng Lab hiện có tại Hòa Lạc.

Ở trong nước, việc phát triển một viện nghiên cứu theo hợp đồng với khối công nghiệp vẫn còn hết sức mới mẻ, theo các anh dự liệu, sẽ có những khó khăn và thuận lợi gì?

TS Phương Thiện Thương: Về mặt thuận lợi, VKIST được Lãnh đạo Chính phủ và Bộ KH&CN rất quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi về mặt cơ chế chính sách, các điều kiện, kinh phí hoạt động thời gian đầu. VKIST cũng có được sự giúp đỡ về kinh phí từ phía Hàn Quốc, về KH&CN và kinh nghiệm của Viện KIST (Hàn Quốc), được đánh giá đứng thứ 6 trong các viện nghiên cứu có đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới trong vài năm gần đây. Họ giúp đỡ nhiều cho VKIST trong quãng thời gian mà chúng ta chưa có được cơ sở đầy đủ vật chất, nhân lực.

Còn về khó khăn, tôi nghĩ vấn đề đầu tiên là chưa nhiều doanh nghiệp trong nước thực sự có nhu cầu về KH&CN và coi đó là mấu chốt quyết định đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Mới có rất ít các doanh nghiệp trong nước tự đầu tư kinh phí để tìm giải pháp công nghệ cho sự phát triển thông qua nghiên cứu trong nước. Khó khăn thứ hai, VKIST là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Mà kiểu gì cũng có thất bại và phải xây dựng văn hóa chấp nhận thất bại, và phải “dò đá qua sông” thì mới thành công được.

TS Nguyễn Duy Tài: Tôi chỉ bổ sung thêm một chút, tôi nghĩ là về cơ hội và nguồn lực con người, thì VKIST có thể cung cấp thông tin, tiếp xúc và thu hút những anh chị em nghiên cứu khoa học là Việt kiều muốn hồi hương.

Cảm ơn các anh và hy vọng rằng VKIST sẽ có những đóng góp quan trọng cho Việt Nam!

TS Phương Thiện Thương, Trưởng phòng Công nghệ sinh học VKIST: Từng làm việc tại trường Đại học Chosun, Hàn Quốc, Đại học Setsunan, Nhật Bản và Viện Dược liệu (Bộ Y tế), có 15 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm (thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm), có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong nghiên cứu các lĩnh vực Dược liệu học, Hóa học các hợp chất tự nhiên, Y học dân gian, Tác dụng dược lý của cây thuốc dân gian, Nghiên cứu và phát triển thuốc – sản phẩm từ dược liệu.
TS Nguyễn Duy Tài, Trưởng phòng CNTT VKIST: Là Kiến trúc sư phần mềm tại Trasys International – NRB Group ở Bỉ, từng là Trưởng nhóm tư vấn tại Ủy ban châu Âu EC – Tổng cục Tin học DIGIT. Anh có kinh nghiệm xây dựng các dự án như mua sắm công điện tử, nhằm số hóa chu trình mua sắm công của EC, để đơn giản hóa các tương tác thủ công, tiết kiệm thời gian và khuyến khích các doanh nghiệp từ khắp châu Âu tham gia đấu thầu công cho Cộng đồng chung châu Âu EU, xây dựng giải pháp giúp các ngân hàng giải quyết các giao dịch có tranh chấp cho cả hai phía người mua và người bán.

Theo khoahocphattrien.vn 

Tác giả