Vai trò bắt buộc của chính phủ

Khủng hoảng tâm lý là một trong những bệnh phổ biến nhất ở Anh và mặc dù càng ngày có nhiều tổ chức dân sự của Anh tham gia vào việc tư vấn tâm lý học đường nhưng vẫn cần một chiến lược xuyên suốt, rõ ràng và đầu tư đều đặn của chính phủ.


                                      Một bức tranh của các bé vẽ về dự án Place2B

 

Đầu năm nay, Natasha Devon, một nhà báo và nhà vận động xã hội về tâm lý học đường trong suốt 10 năm, được Bộ Giáo dục nước Anh vinh danh là đại sứ tâm lý học đường đầu tiên của nước này. Nhưng chưa đầy nửa năm, cô bị cách chức vì chỉ trích công khai hệ thống giáo dục nặng về thi cử của Anh đã gây áp lực lên trẻ em và việc chính phủ cắt giảm viện trợ cho CAMHS (Chương trình hỗ trợ trẻ em và thanh niên về vấn đề tâm lý). Câu chuyện này ngay lập tức đã trở thành tâm điểm của báo chí Anh vì họ thấy chính phủ đang ngập ngừng trước vấn đề tâm lý học đường ngày một báo động.
Các chuyên gia tâm lý học đường của Anh cho rằng khủng hoảng tâm lý ở trẻ em đang bùng phát ở nước này, tới mức việc một đứa trẻ chín tuổi tự cắt tay đã trở thành “chuyện bình thường”. Theo thống kê của YoungMinds (tổ chức từ thiện chuyên vận động trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần của trẻ em), trung bình ở Anh, mỗi lớp học có ba trẻ em được chẩn đoán mắc các chứng bệnh về tâm lý. Cứ 10 học sinh thì có một em bị rối loạn ăn uống trước 25 tuổi. Trong ba năm qua, số ca nhập viện vì tự ngược đãi bản thân và rối loạn ăn uống đã tăng lên gấp ba lần và ở một vài vùng tại Anh, tỉ lệ trầm cảm, bất ổn về tâm lý, tự ngược đãi bản thân và rối loạn ăn uống ở tuổi niên thiếu đã tăng lên sáu lần. Trong những năm 1960, độ tuổi trung bình của người bị trầm cảm ở Anh là 45 thì hiện giờ con số đó là 14. Áp lực điểm số và thi cử là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến khủng hoảng tâm lý ở trẻ em, bên cạnh đó là các nguyên nhân như nghèo đói, ít thời gian trò chuyện với gia đình và tác động của mạng xã hội. “Những gì trẻ em tiếp xúc khi còn quá nhỏ, khi chưa có khả năng phản biện để giải mã những gì các em nhìn thấy, thực sự khủng khiếp [đối với các em]” – Natasha Devon trả lời phỏng vấn tờ The Guardian.

Chính phủ và xã hội Anh cũng nhận thức được điều này. Một bài viết trên tờ The Telegraph của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Giám đốc dự án Place2Be (một dự án tư vấn tâm lý học đường di động) cho biết chính phủ và khối tư nhân của Anh đang bắt tay hỗ trợ các trường học trong việc tư vấn tâm lý cho trẻ em. Bộ Giáo dục nước này đã công bố Sổ tay về ứng xử giúp các giáo viên có thể phân biệt được sự khác biệt giữa những cư xử sai và những cư xử nảy sinh từ những vấn đề về tâm lý, để họ không vội vàng quy kết các em là những học sinh cá biệt mà đưa ra những tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Hiệp hội giáo dục về cá nhân, xã hội, sức khỏe và kinh tế (PSHE) tư vấn cho các trường học trên cả nước trong việc giảng dạy học sinh về sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó là một loạt các tổ chức nghiên cứu và vận động thay đổi nhận thức xã hội về vấn đề này.

Ngoài các chương trình giáo dục và vận động như trên, còn có hai chương trình cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí. Hiện nay, chương trình đáng chú ý nhất xuất phát từ tư nhân ở Anh là Place2Be, họ cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý tại trường cho 90.000 trẻ em ở 230 trường tiểu học và trung học cơ sở tại Anh, Scotland và Xứ Wales. Theo đó, nếu ban giám hiệu tại các trường thấy học sinh của mình gặp vấn đề về tâm lý, họ có thể gọi tới và tìm kiếm sự trợ giúp từ tổ chức này. Tùy từng trường hợp, đội ngũ Place2Be sẽ đưa ra những chỉ dẫn đơn giản cho giáo viên và phụ huynh qua điện thoại hoặc tới trường và thực hiện các buổi trị liệu một kèm một với học sinh. Chính phủ Anh cũng có một chương trình khác tương tự – CAMHS (Dịch vụ tư vấn các vấn đề tâm thần cho trẻ em và vị thành viên) trên toàn quốc và dịch vụ ở đâu thì được tài trợ bởi ngân sách của khu vực đó. Cá nhân học sinh hoặc phụ huynh có thể đặt lịch hẹn để được tư vấn từ các bác sĩ tâm lý lâm sàng.

Tuy nhiên những điều trên vẫn không đủ vì các chương trình hỗ trợ chủ yếu vẫn đến từ các tổ chức dân sự. Joan Cunningham, Hiệu trưởng một trường tiểu học ở phía Tây nước Anh trả lời tờ The Guardian rằng tất cả mọi sự giúp đỡ đều đáng quý nhưng cô nhấn mạnh: “Sẽ chẳng có gì hiệu quả đối với các trường học và trẻ em nếu không có một chương trình rõ ràng, xuyên suốt và được hỗ trợ kinh phí dài hạn”. Các chương trình tư nhân dĩ nhiên không thể đáp ứng điều trên bởi nhân lực và vật lực của họ rất giới hạn (chẳng hạn con số mà Place2Be hỗ trợ chỉ chiếm chưa đầy 1%  số lượng các trường tiểu học và trung học ở Anh). Hơn nữa, đa số các chương trình này chỉ tập trung vào việc thay đổi nhận thức của giáo viên và cung cấp cho các thầy cô những kỹ năng sơ đẳng để hỗ trợ bước đầu cho các em học sinh. Nếu không có cán bộ tư vấn tâm lý thường trực tại trường, gánh nặng sẽ đè lên vai giáo viên, những người vốn đã quá bận bịu với sáu tiếng trên lớp và thậm chí cũng bị khủng hoảng tâm lý vì áp lực xã hội (khi phải là chuẩn mực cho các em) và những đợt kiểm tra kĩ năng liên tục. Ngoài ra, mặc dù đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện những vấn đề của học sinh nhưng họ không được đào tạo về chuyên môn trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần nên không thể thay thế được vị trí của các bác sĩ.

CAMHS được chính phủ lập ra để giảm bớt gánh nặng cho các trường học nhưng bị chỉ trích nặng nề bởi mới giải quyết được vấn đề cho thiểu số ít ỏi. Chương trình này chỉ cung cấp dịch vụ cho những học sinh gặp những vấn đề “nghiêm trọng” về tâm lý. Vì vậy, rất nhiều học sinh đặt lịch hẹn bị từ chối vì vấn đề các em mắc phải chưa đủ nghiêm trọng. Hơn nữa, ngày càng nhiều học sinh gặp vấn đề về tâm lý, nên các trung tâm của chương trình này cũng bị quá tải, danh sách chờ đợi tư vấn ngày càng dài và có em chờ hàng tháng trời mới đến lượt. Điều gây phản đối dữ dội nhất đó là trong ba năm qua, có hơn 2/3 địa phương giảm ngân sách cho CAMHS với tổng số tiền bị cắt giảm là 85 triệu bảng Anh và riêng năm 2016 là 35 triệu bảng Anh. 

Cựu thủ tướng Anh David Cameron là Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước này nhắc đến sức khỏe tâm thần trong bài phát biểu trước công chúng và hứa rằng sẽ cấp 1 tỷ bảng Anh từ ngân sách để nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn tâm lý của Anh. Nhưng ngay lập tức, ông bị phê phán vì số tiền đó quá nhỏ để giải quyết một trong những vấn đề y tế lớn nhất nước này. Tờ The Independent cho rằng ít nhất số tiền đó phải gấp 10 lần như vậy.

Mặc dù đã nhận thức được vấn đề nhưng tại sao Chính phủ Anh vẫn ngập ngừng? Có lẽ vì vẫn tồn tại quan niệm cố hữu trong xã hội cho rằng căng thẳng là một phần của cuộc sống và dù thế nào, một cá nhân phải học cách tự giải quyết điều đó. Natasha Devon cho rằng, quan niệm như vậy thực sự là rào cản lớn nhất trong việc đưa chương trình tư vấn tâm lý vào các trường học: “Mọi người cứ nói về việc phải nâng cao sức chịu đựng ở trẻ em vì cuộc sống đầy những khó khăn, gian khổ. Có thể, một chút căng thẳng trong cuộc đời là cần thiết nhưng không thể liên tục dùng nó như một cái cớ để đặt ngày càng nhiều áp lực lên trẻ em được”.  

Hảo Linh tổng hợp

Tác giả