Chuyện những khoa học… chân đất

Nói về những sáng tạo, cải tiến kỹ thuật của các nhà nông dân, có nhà khoa học thực thụ với học hàm, học vị đầy đủ đã lắc đầu quầy quậy: “Cái đó đâu phải là làm khoa học”. Có lẽ nhà khoa học ấy nói đúng. Những sáng tạo kỹ thuật của người nông dân có thể chưa phải là “làm khoa học” nhưng các ý tưởng sáng tạo hay chỉ đơn thuần là các cải tiến của người nông dân đem lại lợi ích thật sự, đo đếm được bằng số lượng sản phẩm bán ra, bằng năng suất được cải thiện

   Vớt tiền tỷ từ bùn rác

   Đến tìm anh Nguyễn Phi Sinh ở thôn 4, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, tôi mới hay giải 3 “Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật của nhà nông” mà Hội Nông dân Việt Nam trao cho anh không phải là giải thưởng duy nhất. Hồi đầu tháng 10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã trao giải nhì cho dự án “Sản xuất phân bón hữu cơ tổng hợp” trong cuộc thi ý tưởng kinh doanh (Nhật Bản tài trợ). Trước đó, trong tháng 6, cuộc thi Ngày sang tạo Việt Nam vì môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức cũng trao giải cho dự án của anh Sinh với giải thưởng cao nhất là 10.000 USD.

   Nói về dự án của mình, anh Sinh thật thà: “Thực ra, cũng chẳng có gì là khoa học kỹ thuật ghê gớm cả. Tôi chỉ tận dụng rác thải của làng nghề chế thành phân bón thôi”. Ngoài hai vụ lúa, làng quê nơi anh sinh ra còn có nghề làm tinh bột (sắn, dong) và miến dong để có thêm thu nhập lúc nông nhàn. Rác thải làng nghề ngày một nhiều. Đến nay, mỗi năm làng thải ra 600 nghìn tấn rác. Dân làng không biết vứt đi đâu, cũng chẳng có cơ quan nào giải quyết nên người ta bạ đâu đổ đấy. Rác đổ đầy hai bên cống rãnh, lấn chiếm mặt nước ao hồ, ra cả bờ ruộng, ngập cả đường đi. Cứ thế rác chất chồng theo năm tháng, thối rữa, bốc mùi, giết chết cây cối xung quanh các ao hồ vì nồng độ axít và nitơ quá cao. Khi mưa xuống, nước loãng ra, chảy vào đồng ruộng thì lúa lại bị “lốp” (lá tốt mà không có hạt). Nhưng người làng chẳng biết mang rác đổ đi đâu nên đành kệ. Ngay cả chính quyền xã cũng “bó tay”.

   Thứ rác thải vứt đi không ai thèm ấy, anh Sinh lại thấy… tiếc. Anh bảo: “Vì làng tôi làm tinh bột và miến dong nên không có rác thải vô cơ. Chất thải đổ ra, ủ thối, chảy ra đồng, lúa tốt quá đến độ chỉ lên lá ma không ra hạt. Nếu biến được no thành phân bón thì có phải tốt không? Vừa có thu nhập, vừa giải quyết được chỗ rác thải ghê gớm ấy”.

   “Nhìn thấy tiền tỷ trôi ra ao hồ, cống rãnh thì xót vậy thôi, chứ làm thế nào để vét lên làm phân bón là một câu đố khó lắm vì tôi chỉ là anh bộ đội phục viên về làng, trình độ mới học hết lớp 7” – anh Sinh kể. Thấy anh Sinh đem xe bò chở rác về nhà, làng xóm ai cũng bàn tán, người động viên thì ít, kẻ bảo rỗi hơi thì nhiều. Bỏ ngoài tai những lời khen chê, anh Sinh cặm cụi chở rác về, đóng vào bao tải rồi lấy kích ô tô ép cho hết nước, đổ ra phơi cho khô, nghiền nhỏ, trộn thêm vôi bột (khử chua), than bùn, ủ thêm chế phẩm sinh học EM để khử mùi và tạo ra vi sinh vật cho đất. Tháng 2 năm 1996, anh Sinh mang sản phẩm đi kiểm nghiệm chất lượng ở Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng. Sản phẩm được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng. Anh về làm dự án rồi xin vay vốn, 60 triệu vay Ngân hàng và 60 triệu vay Kho bạc. Sản phẩm mới của một cơ sở sản xuất nhỏ, các đại lý không lấy gì làm hồ hởi đón nhận. Để chen chân được vào thị trường, anh Sinh chấp nhận vừa bán vừa… cho, giao hàng không… lấy tiền và hẹn các đại lý “cứ dùng thử, bao giờ thấy sản phẩm tốt thì mới lấy tiền”.

   Trồng cây chưa đến ngày hái qua thì Ngân hàng và Kho bạc thúc nợ. Thời hạn 24 tháng đã hết, khoản vay 120 triệu mới trả được 20 triệu. Ngôi nhà hai tầng hai vợ chồng lăn lộn gần hai chục năm mới xây được, giờ bị niêm phong. Cả gia đình 6 người đành xuống bếp ở. “Giường chiếu chả có, nhà tôi kê gỗ trên nền đất mà ngủ. Một nửa nhà bếp là đê phân bón, nửa còn lại là chỗ cả gia đình sinh hoạt – chị Trâm, vợ anh Sinh kể – Cảnh vỡ nợ khổ lắm, hàng xóm chả ai muốn dây vào mình, co sang chơi không người ta cũng không thích, sợ mình nhờ vả”.

   “Chỉ còn cách đòi tiền các đại lý. Nhưng tiền đại lý nợ cũng chẳng bao nhiêu mà lại mất mối làm ăn” – nghĩ thế nên anh Sinh động viên vơ con gắng chịu. Cả gia đình cắn răng, nai lưng ra làm, anh Sinh thì vừa xúc vừa gánh đổ rác lên xe bò, mấy đứa con thì phụ đẩy xe.

   Nhưng rồi hết cơn bĩ tới hồi thái lai. Một năm sau, sản phẩm của anh đã có chỗ đứng trong thị trường nhờ bốn tiêu chí “tốt, rẻ, đẹp và tiện”. Sản phẩm tốt, bà con truyền tai nhau, phải đúng phân bón Trường Sinh mới chịu mua. Chẳng mấy chốc anh trả hết nợ nần. Chỗ nền bếp trước kia giờ là căn nhà 4 tầng khang trang đẹp đẽ.

    Đơn đặt hàng ngày càng nhiều nhưng mặt bằng sản xuất không có, anh Sinh dự định tổ chức thu gom rác ngay tại các hộ gia đình và sẵn sàng trả tiền mua… rác. Điều anh mong muốn nhất là thu hút các hộ gia đình khác cùng làm, như thế vừa tăng thêm thu nhập, vừa giải quyết đống rác khổng lồ thải ra hàng năm.

   Ngoài ra, anh Sinh cũng ấp ủ đưa vào sản xuất một loại phân bón mới – phân bón hỗn hợp – có tác dụng giữ ẩm, dùng cho các vùng cát sỏi, khô cằn. Loại phân bón do anh Sinh sản xuất giá chỉ 20.000đ/ kg, bằng 1/3 so với hàng ngoại nhập. Về phương pháp chế tạo, anh Sinh không tiết lộ nhưng theo anh, cũng không có gì đặc biệt lắm, chủ yếu là nhờ kinh nghiệm của nhà nông. Tuy nhiên, cũng phải mất hai năm, sản phẩm mới hình thành. Hiện, sản phẩm này đang chờ kiểm nghiệm nhưng nhiều người dùng thử đánh giá rất tốt.

   Chưa hết, anh Sinh tự tin rằng mình có biện pháp để xử lý nước thối ở ao hồ thành nước sạch có thể tưới ruộng và cho trâu bò uống nhờ vào các loại thảo mộc, thảo dược. Trong tình trạng các ao hồ bị rác thải lấp gần hết, nước ao trở thành nước thối, bốc mùi hôi tanh nồng nặc thì biện pháp của anh Sinh, nếu trở thành hiện thực, sẽ đóng góp rất lớn trong việc giải quyết rác thải – vấn nạn các làng nghề, các thành phố loay hoay nhiều năm nay vẫn chưa xử lý rốt ráo được.

   Cây dứa Queen trái vụ

   Mấy năm trước, người nông dân trong vùng quy hoạch nguyên liệu của Nhà máy Chế biến nông sản Bắc Giang còn khóc dở mếu dở vì dứa. Những tưởng sau đó, các đồi dứa sẽ được dọn sạch để thay vào đó là cây vải, thứ cây độc tôn ở vùng Lục Nam, Lục Ngạn (Bắc Giang) này. Vậy mà năm nay trở lại đất vải, chúng tôi ngạc nhiên trước những đồi dứa nối tiếp nhau chạy dài. Ông Nguyễn Văn Toàn, một hộ trồng nhiều dứa nhất ở thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) bảo: “Sau vụ dứa năm 2000, chúng tôi hãi cây dứa lắm nhưng bây giờ lại sống nhờ nó – nhờ cây dứa của ông Trường khuyến nông đấy”. Ông Trường khuyến nông chính là anh Nguyễn Xuân Trường, thôn Hồ Sơn 1, xã Bảo Sơn. Còn cây dứa đặc biệt ấy chính là cây dứa Queen nhưng trồng trái vụ. Quy trình kỹ thuật trồng dứa Queen trái vụ do anh đưa ra được trao giải nhì trong cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông” do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

   Xã Bảo Sơn có 300 ha cây ăn quả chủ yếu là vải, hồng, xoài. Cây dứa chỉ là loại cây trồng xen, tận dụng đất trống với diện tích không đáng kể. Khi Nhà máy Chế biến nông sản Bắc Giang được xây dựng, bà con trong vùng quy hoạch uyên liệu của nhà máy đã hồ hởi chuyển sang trồng dứa với hy vọng cải thiện nguồn thu nhập ít ỏi. Nhưng vụ dứa đầu tiên (năm 2000) đã không cho kết quả như mong đợi. Thời điểm thu hoạch vào tháng 6-7, nắng nóng làm 30% dứa bị rám nắng, chín nhanh. Nhà máy không mua vì trái dứa không đạt tiêu chuẩn (chỉ được chín 1/3 quả, không thu mua những trái chín hết) và vì mùa vải bắt đầu, nhà máy còn… bận làm vải. Giá thị trường tụt xuống chỉ còn 300đ/kg. “Như vậy, tính ra vất vả suốt 18 tháng, bà con chỉ thu được từ 3-5đ/ 1kg dứa quả” – anh Trường bảo.

   Cả năm đó, Bắc Giang nóng vì dứa. Là cán bộ khuyến nông, anh Trường là người bị nghe bà con ca thán nhiều nhất dù anh chẳng có lỗi gì và gia đình anh cũng lâm vào tình cảnh bi đát như nhiều hộ dân khác.

   Sau nhiều ngày đau đáu vì ường với trái dứa, anh Trường chợt nhớ a Queen tới một dòng ngắn ngủi nhưng trái vụ.hết sức quan trọng trong tài liệu tập huấn của Trung tâm khuyến nông “có thể cho cây dứa ra quả lúc nào cũng được”. Vậy tại sao ta không cho dứa ra trái vào vụ khác, tránh vụ vải, như thế có phải hiệu quả cao hơn không? Vào khoảng tháng 3-4 hàng năm, thị trường hoa quả ở Bắc Giang rất khan hiếm, chỉ có cam Trung Quốc và xoài Sài Gòn với giá rất đắt: 8000đ/kg. Nếu cho dứa ra trái vào vụ này, chắc chắn là thu hoạch tốt.

   Nghĩ là làm, thay vì trồng trồi giống nhỏ (200-300gr) theo quy trình kỹ thuật cũ, anh Trường trồng 1000 cây trồi giống to hơn (700gr – 1kg) vào khoảng tháng 3. Nhờ đó, rút ngắn số lần bón thúc từ 3 xuống còn 1 lần, công làm cỏ từ 5 lần chỉ còn 2 lần, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch từ 18 tháng xuống còn 12 tháng. Theo quy trình kỹ thuật cũ, khi muốn cây dứa ra quả, bà con lấy một hạt đất đèn nhỏ bằng hạt đậu cho vào nõn cây dứa để cây ngừng lớn và phân hóa mầm hoa. Tuy nhiên, cách làm này rất mất công và hiệu quả không cao. Trong một lần tình cờ, anh Trường phát hiện ra thuốc dấm hoa quả cũng có tác dụng tốt đối với việc xử lý ra hoa. Chỉ cần pha loãng thuốc dấm hoa quả với đạm rồi tưới cho các đồi dứa vào tháng 9, thế là đảm bảo cây dứa ra trái đúng vào tháng 3. Cách làm này vừa đơn giản, hiệu quả và chi phí rất thấp. Không những thế, thu hoạch dứa vào tháng 3 còn tăng thêm được 30% năng suất do tránh được tình trạng rám nắng, giá bán cũng tăng lên 3 lần (1700 – 2000đ/ kg dứa).

    Đến giờ, toàn xã Bảo Sơn đều trồng dứa trái vụ theo quy trình kỹ thuật do anh Trường “tìm ra”. Diện tích dứa lên tới 50 ha với gần 300 hộ trồng dứa. Có gia đình chỉ riêng cây dứa đã cho thu nhập 50 triệu mỗi năm. Ông Vi Văn Toàn ở thôn Hồ Sơn 1, xã Bảo Sơn nói: “Cả sáu khẩu nhà tôi giờ đều trông vào cây dứa. Tôi cũng muốn mở rộng diện tích trồng dứa nhưng khó quá. Đất rừng chủ yếu trồng vải và cây lấy gỗ. Cây lấy gỗ thì lâm trường họ quản lý, cây vải thì đang thu hoạch không lẽ lại phá đi”. Đấy cũng là lý do mà diện tích dứa trái vụ khó nhân rộng hơn ở xã Bảo Sơn.

   Những người như anh Trường, anh Sinh không phải là duy nhất, còn rất nhiều người nông dân với bàn tay, khối óc đã có những giải pháp làm lợi cho bản thân và xã hội. Đấy là anh Huỳnh Thái Dương ở thôn 1, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận (Bình Thuận) với chiếc máy tẽ bắp có thể tẽ được từ năm đến sáu tấn hạt/giờ, tỷ lệ thất thoát không tới 3 kg/ 1 tấn ngô hạt. Đến nay anh Dương đã chuyển giao 500 máy tẽ bắp cho bà con nông dân các địa phương. Anh Đào Kim Tường, thôn Phước Thọ, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ (Bình Định) kỳ cạch chế ra chiếc máy bóc vỏ đậu phộng hay anh Nguyễn Tất Hải, xóm Bãi Kè, xã Đông Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) nghĩ ra chiếc máy bơm nước đạp chân. Người nông dân yêu quý gọi đó là những nhà khoa học… chân đất.

Bùi Thu Trang

Tác giả