Không thể tiêm dịch vụ khi vaccine còn khan hiếm

Trong bối cảnh thiếu thốn vaccine hiện nay, yêu cầu cấp bách nhất với Chính phủ là phân phối vaccine đến đúng những nhóm cần nhất để giảm tỉ lệ tử vong và bệnh nặng mới không làm tăng gánh nặng hoặc thậm chí sụp đổ hệ thống y tế, không gãy đổ chuỗi cung ứng hàng hóa. Điều đó khiến việc tiêm vaccine trước mắt vẫn phải được coi là một dịch vụ và hàng hóa đặc biệt, không thể theo cung cầu của thị trường.


Tỉ lệ tử vong của người cao tuổi gấp hàng trăm lần so với tuổi 18-29. Trong ảnh: Tại bệnh viện 1000 giường hồi sức chữa COVID-19 lớn nhất TP.HCM. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Vừa qua đã có một số đề xuất về việc tiêm vaccine COVID có thu phí (tạm gọi là vaccine dịch vụ) từ một số đơn vị tư nhân cũng như được bàn luận trên nghị trường Quốc hội. Trên truyền thông, nhiều bệnh viện tư nhân cho biết đã nhận được hàng chục nghìn lượt đăng ký tiêm vaccine chấp nhận trả phí lên tới 1,5 triệu đồng/liều hoặc có hàng nghìn cuộc gọi “lúc nào bệnh viện tiêm vaccine dịch vụ?”.

Đề xuất này được đưa ra với hi vọng sẽ giúp giảm tải cho khu vực y tế công, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine và “cởi trói” giúp nhiều người có nhu cầu nhưng chưa trong diện ưu tiên có thể được tiêm vaccine. Có lẽ không chỉ hàng chục nghìn người đã đăng ký tiêm trả phí, mà còn có rất đông người dân có nguyện vọng này. Vì cuộc khảo sát hồi tháng ba vừa qua của Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) trên cỡ mẫu 4000 người được chọn ngẫu nhiên trong cả nước cho thấy có đến 75% người dân đồng ý trả tiền, theo TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng MDRI. Và mức giá phổ biến người dân chấp nhận trả tiền tiêm là từ 200 đến 300 ngàn đồng trở xuống.

Tuy nhiên, bản chất của việc tiêm vacine dịch vụ là phân phối theo nguyên tắc cung – cầu, tối ưu lợi nhuận của thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của người đủ khả năng chi trả chứ không phải đưa vaccine đến với các nhóm đang cần nhất. Điều này sẽ giúp người có khả năng chi trả được tiêm vaccine, nhưng cũng đồng thời làm giảm nguồn vaccine dành cho những ai không có khả năng chi trả, bao gồm phần lớn những nhóm cần được ưu tiên cấp bách nhất.

Những người thuộc diện cần ưu tiên vaccine bao gồm: tuyến đầu chống dịch; nhóm khi bị lây nhiễm sẽ có tình trạng bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao; nhóm người dễ bị lây nhiễm do tiếp xúc với nhiều người và dễ phát tán virus do tiếp xúc với nhiều người. Vấn đề điển hình nhất là ưu tiên vaccine cho người cao tuổi – nhóm có nguy cơ tăng nặng và tử vong cao gấp hàng trăm lần so với nhóm tuổi thanh thiếu niên nên càng cao tuổi càng cần được ưu tiên tiêm vaccine nhanh chóng. Mặt khác, các nhóm có nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc nhiều hoặc có điều kiện sống tồi tàn dễ bị lây nhiễm nhiều hơn như người nghèo cũng có mặt trong danh sách được ưu tiên tiêm vaccine của Chính phủ. Về phân vùng, vùng nào chịu bùng phát dịch bệnh nặng nề sẽ được phân bổ vaccine và tiêm “cuốn chiếu”.

Khi người cao tuổi và các nhóm cần nhất chưa được tiêm vaccine, thì hệ quả tất yếu là tỉ lệ tử vong ở nhóm này rất cao mà hệ thống y tế khó lòng ứng phó và cứu chữa được hết. Hiện nay chúng ta chưa có các thông tin chi tiết, đầy đủ về đặc điểm nhân khẩu học như độ tuổi, nghề nghiệp để biết được tỉ lệ tử vong chủ yếu rơi vào nhóm nào nhưng tạm dựa vào phân loại của nhóm chuyên gia 5F1 (dựa vào số liệu công bố của Bộ Y tế từ ngày 27/4 đến 7/7) thì có thể thấy ngay tổng tỉ lệ tử vong của nhóm tuổi 70-79 là 11,99% (trên số ca nhiễm theo nhóm tuổi); nhóm 80-90 và 90+ tương ứng là 20,87% và 15,79%; tỉ lệ tử vong của các nhóm 60-69, 40-49 tương ứng 5.6%, và 2.2%, còn tỉ lệ tử vong của nhóm 30-39 và 20-29 chỉ ở mức 0.24% hoặc 0.13%. Một tháng qua dịch bệnh có thể sẽ khác đi ít nhiều nhưng thống kê trong ba tháng trên cũng cho thấy xu hướng tử vong và tăng nặng chủ yếu tập trung vào người cao tuổi. Khi chưa có vaccine, Hoa Kỳ cũng phải gánh chịu điều tương tự, thống kê của CDC Hoa Kỳ cho thấy, so với nhóm 18-29 tuổi thì nhóm từ 85 tuổi có tỷ lệ tử vong cao gấp 600 lần, 75-84 cao gấp 230 lần, 65-74 cao gấp 95 lần, 50-65 cao cấp 35 lần2.

Như vậy rõ ràng ưu tiên tiêm vaccine cho người cao tuổi như cách mà nhiều nước đã chọn sẽ giúp chúng ta giảm số ca tử vong, giảm số bệnh nhân tăng nặng, giảm nguy cơ đổ vỡ y tế và khủng hoảng nhân đạo. Với số lượng người trên 60 tuổi chiếm gần 14% dân số, tương đương khoảng 14 triệu người, Việt Nam sẽ cần ưu tiên khoảng gần 28 triệu liều vaccine. Đó là chưa kể chúng ta đang phải ưu tiên phân bổ vaccine cho TP. HCM và các tỉnh thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai (tổng số cả ba tỉnh/ thành có khoảng trên 15 triệu người), vừa bùng phát dịch bệnh nặng nề vừa có nguy cơ suy sụp về kinh tế. Đồng thời, chúng ta đang rất cần vaccine cho những nhóm đang là xương sống của chuỗi cung ứng hàng hóa như những người lái xe, vận chuyển hàng hóa, nhân viên bán lẻ để tránh gãy chuỗi cung ứng và giảm nguy cơ phát tán virus.

Và hệ lụy đương nhiên của việc tiêm vaccine dịch vụ trong tình trạng khan hiếm là càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt vaccine. Ngay cả khi Chính phủ đứng ra điều tiết và giao hạn mức nhất định cho các đơn vị tư nhân có thể tiêm thu phí, thì những giọt vaccine có thể cứu mạng sống của người già, người trong vùng dịch, giúp shipper tránh lây nhiễm lại có thể được phân bổ đến cho người chưa cần gấp và có tiền chi trả, như thế chúng ta không thể dẹp được dịch nhanh và đúng thời gian. “Chính vì vậy, loại hàng hóa khẩn cấp này chưa thể mua bán theo thị trường mà chỉ có Chính phủ mới có quyền phân bổ. Dẹp dịch không thể theo cơ chế thị trường, muốn dẹp dịch phải dựa trên nguyên tắc đúng đối tượng và các khu vực cần”, TS. Phùng Đức Tùng nói. Anh cũng cho biết thêm, việc ưu tiên vaccine cho các nhóm người cao tuổi hoặc tuyến đầu chống dịch nhận được sự đồng thuận những người tham gia cuộc khảo sát của MDRI hồi tháng ba.

Phân bổ vaccine sao cho đảm bảo lợi ích tối đa cho cộng đồng, giảm thiểu nhanh nhất sự lan truyền dịch bệnh, giảm số ca nặng phải điều trị ở bệnh viện, giảm tỷ lệ tử vong cũng là điều mà các nhà dịch tễ học như TS. Nguyễn Thu Anh, Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock nhiều lần lên tiếng. Vì thế, “quan điểm của tôi trước sau như một, là thời điểm này không tiêm dịch vụ. Sau này phủ xong vaccine mới tiêm dịch vụ”, TS. Nguyễn Thu Anh cho biết.

Trước lo ngại Chính phủ thiếu nhân lực trong khu vực công để tiến hành tiêm thật nhanh chóng thì cả hai chuyên gia đều cho rằng Chính phủ có thể sử dụng các nguồn quỹ như Quỹ vaccine để chi trả tiền công cho các đơn vị tư nhân để họ tham gia tiêm chủng theo đúng kế hoạch tiêm chủng của Chính phủ.

Ngoài ra, các nhóm càng có khả năng chi trả cho vaccine dịch vụ ở mức cao cũng là những nhóm có rủi ro ít nhất vì đã có điều kiện sống tốt hơn các nhóm yếu thế, có khả năng làm việc tại nhà, ít tiếp xúc, có khả năng giãn cách xã hội tốt hơn (so với nhiều nhóm công nhân là người di cư hầu như không có khái niệm giãn cách – khi chỉ có diện tích ở3 bình quân dưới 4m2 đến dưới 10m2). Các trận đại dịch trong quá khứ cho đến hiện nay đều tấn công chủ yếu vào các nhóm nghèo, sống trong điều kiện chật chội dễ bùng phát lây nhiễm. Thống kê ở Anh cho thấy, vào tháng 12/2020, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở vùng kém phát triển nhất là 391,6 ca tử vong/100.000 người, cao gấp 2,5 lần so với con số này ở vùng phát triển nhất. Bài học từ Đại dịch cúm Tây Ban Nha cho thấy, cứ tăng 10% thu nhập thì tỷ lệ tử vong giảm 9-10%4. Việc tập trung bao phủ vaccine vào các nhóm này cũng sẽ giúp kiềm chế được dịch bệnh nhanh chóng hơn.□

Chú thích

1 https://datastudio.google.com/u/0/reporting/1cc8d45e-2c74-4084-af70-cbbe60f1660e/page/30RVC

2 https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/covid-data/investigations-discovery/hospitalization-death-by-age.html

3 Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Điều tra di cư nội địa quốc gia 2015: Các kết quả chủ yếu, Nxb Thông tấn, 2016.

4 http://tiasang.com.vn/-dien-dan/He-qua-xa-hoi-cua-dai-dich-COVID19-28286

Tác giả