Tăng trưởng GDP và FDI

Tăng trưởng GDP được hầu hết các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế đề cập và lấy đó như là một niềm vui nỗi buồn, là điểm sáng của nền kinh tế đất nước.


Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Samsung  Electronics Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải.

Có thể thấy trong những năm qua hầu như không năm nào tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu được đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên trong hơn 10 năm qua nhiều người dân dường như cảm thấy việc tăng trưởng GDP không có liên quan gì nhiều đến cuộc sống của mình. Vậy ai được hưởng lợi từ việc tăng trưởng này? Nhìn sâu vào số liệu tăng trưởng GDP theo thành phần kinh tế trong khoảng thời gian 2005 – 2016 có thể thấy khu vực FDI là khu vực “gánh” tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Các thành phần kinh tế trong nước có mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 12 năm thấp hơn mức tăng trưởng GDP bình quân chung khá nhiều, chỉ có khu vực FDI tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung (7,5% so với 6,1% – Hình 1). Như vậy một loạt câu hỏi được đặt ra như tại sao trong năm thành phần kinh tế công bố trong niên giám thống kê gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể và FDI chỉ có khu vực FDI là tăng trưởng tốt; phải chăng khu vực này được hưởng quá nhiều lợi thế so với khu vực kinh tế trong nước, từ được ưu đãi về chính sách thuế, tiếp cận đất đai, chủ động được về vốn? Đất nước này được gì từ tăng trưởng của khu vực này? Để ý rằng trong phần giá trị gia tăng của khu vực FDI bao gồm:

+ Thu nhập của người lao động;

+ Thặng dư sản xuất gộp (bao gồm khấu hao tài sản cố định);

+ Thuế gián thu.

Về thu nhập, người lao động Việt Nam chỉ nhận được một phần từ lao động giá rẻ, các vị trí chủ chốt đều là người nước ngoài (vì thường trú ở Việt Nam trên một năm nên về nguyên tắc vẫn tính vào giá trị gia tăng của nền kinh tế), lương của 8 – 10 người Việt Nam mới bằng lương một người ngoại quốc.


Hình 1. Tăng trưởng bình quân GDP theo các thành phần kinh tế giai đoạn 2005 – 2016 (giá so sánh 2010). Nguồn TCTK.

Về thặng dư thì đấy là thặng dư của họ, họ có thể giữ lại để tái đầu tư mở rộng sản xuất nếu thấy lợi và cũng có thể chuyển về nước nếu thấy không thuận lợi hoặc không còn lời nữa. Hầu hết các doanh nghiệp FDI đều báo cáo lỗ hoặc lãi một chút, như vậy thuế thu nhập doanh nghiệp phía Việt Nam thu được chẳng là bao. Năm 2016 tổng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp khối FDI được miễn giảm và ưu đãi ở mức 35.300 tỷ Việt Nam đồng. Nếu tính toán kỹ nhiều doanh nghiệp FDI thì tổng số thuế được ưu đãi từ khi đi vào hoạt động cũng tương đương số vốn họ bỏ ra đầu tư vào Việt Nam. Chẳng hạn như Samsung electronic nhận được miễn thuế 4 năm đầu, 9 năm tiếp theo được hưởng mức thuế TNDN 5% và 17 năm sau đó ở mức thuế 10%. Doanh nghiệp nội chỉ được ưu đãi gần 21% số thuế phải nộp trong khi doanh nghiệp FDI được hưởng gần 92%. Sự bất bình đẳng này khiến doanh nghiệp nội không thể cạnh tranh với doanh nghiệp FDI.

Về thuế gián thu có hai vấn đề. Thứ nhất thuế gián thu các doanh nghiệp FDI cũng được ưu đãi về chính sách thuế, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều làm gia công rồi xuất khẩu, các doanh nghiệp này do xuất khẩu trực tiếp nên đầu vào nhập khẩu được ưu đãi thuế, trong khi các doanh nghiệp nội không được ưu đãi thuế nếu bán hàng trong nước, có thể thấy việc kêu gọi về sản xuất sản phẩm phụ trợ trong cả chục năm qua chỉ là kêu gọi để đấy, chính sách về thuế xuất nhập khẩu không cho thấy có hành động gì chứng tỏ sự bằng phẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Và thứ hai là thuế này về bản chất là người dân Việt Nam phải trả khi sử dụng sản phẩm của họ. Sử dụng sản phẩm FDI trong trường hợp hầu hết là gia công thực chất là dùng hàng nhập khẩu dưới hình thức khác.

Như vậy, trong giá trị gia tăng của khu vực FDI được tính vào GDP của Việt Nam, phía Việt Nam từ Chính phủ đến người dân chẳng được bao nhiêu và do hầu hết là gia công nên gần như không có sự lan tỏa gì về công nghệ. Trong một nghiên cứu của một nhóm chuyên gia của trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy khu vực FDI thải ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao hơn khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông khá nhiều. Vậy phải chăng Việt Nam cần có một chiến lược về thu hút FDI hiệu quả và hữu ích với đất nước hơn.

Từ khi chuyển từ hệ thống hạch toán sản xuất vật chất (MPS) sang hệ thống tài khoản quốc gia (SNA), một số người đã mặc nhiên xem GDP bình quân đầu người như là thu nhập bình quân đầu người. Khi nói đến GDP bình quân đầu người nhiều người lập tức so sánh đến thu nhập của dân cư. Thực chất về cơ bản GDP được nhìn dưới ba góc độ:
+ Ở giác độ sử dụng cuối cùng: GDP bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, tiêu dùng cuối cùng của nhà nước, tích lũy tài sản gộp và xuất khẩu thuần;
+ Dưới giác độ sản xuất: GDP = tổng giá trị sản xuất theo giá cơ bản – tổng chi phí trung gian
+ thuế sản phẩm
– Trợ giá sản phẩm;
+ Dưới giác độ thu nhập bao gồm mấy nhân tố cơ bản : Thu nhập của người lao động, thặng dư sản xuất, khấu hao tài sản cố định và thuế sản xuất – trợ cấp sản phẩm.
Đối với mỗi Quốc gia thì GDP cũng chỉ là chỉ tiêu sơ khởi vì sau đó còn một số chỉ tiêu khác như GNI (Tổng thu nhập quốc dân), NDI (thu nhập quốc dân khả dụng), và để dành (saving, hay là tích lũy trong nền kinh tế)…
• GNI = GDP + thu nhập từ sở hữu thuần với nước ngoài;
• NDI = GNI + thu nhập từ chuyển nhượng hiện hành thuần với nước ngoài + thuế trực thu (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp);
• Để dành = NDI – tiêu dùng cuối cùng (bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và TDCC của NN).
Theo số liệu của ADB có thể thấy GNI chiếm tỷ trọng ngày càng nhỏ và luồng tiền chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài ngày càng lớn.

Tác giả