Trí nhớ tập thể và danh tính dân tộc

Trong một thế giới đầy biến động và phân cực mà nổi lên là hiện tượng những đám đông bị lôi kéo theo các định kiến thiên lệch, hẹp hòi, bài viết của GS Darriulat cảnh tỉnh chúng ta hãy nhận thức đầy đủ về trí nhớ tập thể. Đây là điều rất cần thiết trên con đường phát triển trưởng thành và chung sống một cách văn minh, hòa hợp giữa các dân tộc.


Tranh Bà Triệu của Xuân Lam, phỏng dựng lại từ tranh dân gian Đông Hồ.

Nếu biết học hỏi từ quá khứ thì chúng ta hẳn đã tôn trọng thay vì gây chiến tranh với đồng loại; ta sẽ yêu đất nước mình mà không tuyên bố rằng nó tốt đẹp hơn những đất nước khác, yêu nước cả những khi thành công và thất bại, giống như yêu thương con mình; ta sẽ tò mò về văn hóa các nước láng giềng, ham học hỏi và chia sẻ cho nhau những nét riêng tốt đẹp nhất; ta sẽ biết phân biệt ai là người đang phụng sự lẽ phải tự nhiên, ai là kẻ muốn áp đặt bá quyền; ta cũng có thể sẽ học được cách chung sống yên bình và hài hòa. Để thực hiện ước muốn đó, cũng giống như các nước láng giềng, chúng ta cùng phải học về lịch sử. Tuy nhiên, thói thường khiến người ta học lịch sử một cách không đầy đủ và khách quan: chỉ học từ những gì được giữ lại trong trí nhớ tập thể.

Để củng cố khối đoàn kết quốc gia, chúng ta cần những biểu tượng định danh: quốc kỳ, quốc ca, tiêu ngữ. Độc lập – tự do – hạnh phúc là một tiêu ngữ hay và đáng tự hào của Việt Nam. Tiêu ngữ của nước Pháp không có độc lậphạnh phúc, nhưng có bình đẳngbác ái, cũng là tiêu ngữ hay. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần những hình ảnh biểu trưng và người hùng dân tộc, đại diện cho những giá trị mà chúng ta tin tưởng, là nền tảng để dựng nên cơ đồ. Người Việt coi mình cùng từ một bọc trứng, nên gọi nhau là đồng bào và con Lạc cháu Hồng. Những người anh hùng của Việt Nam đầy vinh quang, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, và gần gũi với chúng ta là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Lời Bà Triệu về quyền tự do còn vang mãi: Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người? Chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị thà trẫm mình xuống sông thay vì đầu hàng giặc Hán; những anh hùng hi sinh trong lớp thanh niên Việt vì độc lập dân tộc đánh đuổi thực dân Pháp: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Quang Thái, Lý Tự Trọng. Nguyễn Văn Trỗi trước những họng súng của đội xử bắn chính quyền Việt Nam Cộng hòa đưa ra lời nói sau cùng cũng còn ghi lại trong trí nhớ tập thể của người Việt: chính người Mỹ đã xâm lược đất nước ta, chính họ giết nhân dân ta bằng máy bay và bom đạn… Tôi chưa bao giờ đi ngược lại ý chí nhân dân tôi. Tôi hành động để chống Mỹ.

Dân tộc Pháp cũng có những người anh hùng như vậy. Jeanne d’Arc, một thiếu nữ chăn cừu nghe thấy lời ba vị thánh cho biết Chúa đã chọn cô là người giải phóng đất nước đang bị người Anh xâm lược một phần. Giống như Bà Triệu, Bà Trưng, cô tập hợp quân đội đánh đuổi quân Anh khỏi bờ cõi Pháp. Cô bị người Burgundy, đồng minh của người Anh, bắt giữ và thiêu trên cọc khi mới mười chín tuổi.

Tất cả những người anh hùng ấy đều cùng chia sẻ những giá trị bất diệt làm nên phẩm giá con người: trong sáng, chính trực, dũng cảm, nhân ái, tận hiến cho lẽ phải. Tất cả họ cũng đứng cùng về một phía: những người phục thù, chống lại điều sai trái, phục hồi công lý cho tổ quốc bị xâm lược tàn nhẫn và bất công bởi ngoại bang. Đối lập với họ là những kẻ thù xấu xa. Jeanne d’Arc bị tuyên án bởi Cauchon, vị linh mục đáng khinh theo đuổi không gì khác ngoài quyền lực, phản bội và bán rẻ tổ quốc cho người Anh. Nguyễn Văn Trỗi chết dưới tay các đao phủ của Nguyễn Khánh và Dương Văn Minh, những đầy tớ của người Mỹ. Kẻ thù của Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Quang Thái là thực dân Pháp ngạo mạn đáng xấu hổ, những cai ngục Côn Đảo cùng chuồng cọp của chúng.   

Trí nhớ tập thể của một dân tộc, những huyền thoại và nghi lễ, cho chúng ta những người anh hùng để kính ngưỡng, những phẩm cách để tôn vinh, những tấm gương để học hỏi. Trí nhớ tập thể cũng chỉ ra những kẻ xấu đáng lên án: sự tàn ác, hèn hạ, hủ bại, ích kỷ, thối nát, phản trắc. Đấy là mặt tích cực, nhưng ngược lại trí nhớ tập thể cũng có lúc coi cả một dân tộc nào đấy là kẻ thù, một điều hoàn toàn sai.

Khi tôi còn là một đứa trẻ, trong Thế chiến thứ II, nước Pháp bị quân Đức xâm chiếm, thế hệ cha mẹ tôi đã nuôi dưỡng lòng căm ghét và khinh rẻ họ. Trong trí tưởng tượng của tôi, họ là những quái vật đáng sợ. Một ngày nọ, trên đường về từ trường mẫu giáo, tôi gặp một người lính Đức. Tôi còn nhớ rõ, khi ấy mình chỉ hơn năm tuổi, sợ chết khiếp, nhưng người lính Đức chỉ đơn giản là hỏi tôi đường đến bưu điện, rất dịu dàng bằng tiếng Pháp. Tôi chỉ cho anh ta rằng nó ở khá gần, rồi chạy thục mạng về nhà, ngạc nhiên vì mình vẫn còn sống và tự do. Từ đó, tôi hình dung về những người Đức một cách ít đáng sợ hơn. Ít năm sau, chiến tranh kết thúc, tôi mười một tuổi, sống ở Paris; tôi còn nhớ về Liên Hiệp Quốc và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, họ họp ở cung Palais de Chaillot, trên bãi cỏ phía trước dựng lên các trạm gác lắp ghép, nhìn đối diện Tháp Eiffel; những tấm poster in hình chim bồ câu hòa bình của Picasso với nhành ô liu trên mỏ, rồi hình bé gái với Kháng cáo Stockholm bị đe dọa bởi những trái bom hạt nhân lơ lửng bên trên. Cùng khi đó, Robert Schuman ký bản Tuyên ngôn khiến Pháp và Đức gắn kết trong một thỏa thuận hợp tác sản xuất than đá và thép, hạt mầm cho Liên minh châu Âu sau này: Sự liên kết trong sản xuất được thiết lập sẽ khiến hiển nhiên mọi cuộc chiến giữa Pháp và Đức không những không thể chấp nhận được mà thực chất là không thể nào triển khai được. Sau này, tôi dành một phần ba thế kỷ 20 của mình trong vai trò là một nhà vật lý làm việc tại một phòng thí nghiệm quốc tế; nhiều trong số những người bạn tốt nhất của tôi là người Đức.

Vị đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam non trẻ tại Pháp là Võ Văn Sung. Năm 1975 khi đất nước thống nhất, đã có sự chia rẽ trong cộng đồng người Việt ở Pháp, giữa những người ủng hộ phía Bắc và phía Nam. Những vết thương sâu cần được hàn gắn. Đây là thông điệp về hòa bình và tình yêu mà ông Sung gửi lại cho chúng ta ba thập kỷ sau đó: “Riêng ở Pháp, ông viết trong hồi ký, tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều đồng bào thuộc các hoàn cảnh gia đình và xã hội khác nhau, kể cả những người vì lẽ này hay lẽ khác đã đứng ngoài hai cuộc kháng chiến cứu nước của Dân tộc, thậm chí, có người đã có lúc ở bên kia trận tuyến; những đồng bào ấy sau ba mươi năm nước nhà hòa bình và thống nhất đều để lại trong ký ức tôi nhiều điều đáng nhớ và nhiều tình cảm đáng trân trọng. […] Tình yêu là nền tảng, tình yêu kết nối trẻ thơ Việt Nam với đất mẹ, tình yêu mà những người ở nước ngoài hướng về những người ở trong nước”.        

Tôi không tìm cách biện minh cho những tội ác và sự bóc lột từng diễn ra trong lịch sử. Điều ấy không phải bàn cãi. Vấn đề ở đây là cần ý thức rằng khi một cộng đồng bị đặt trong một tình huống nào đó, người ta sẽ dễ bị dẫn dắt theo số đông. Những người anh hùng là ngoại lệ, những kẻ xấu cũng thuộc về số ít, nhưng đa số mọi người dễ bị cuốn theo đám đông. Chúng ta cần khiêm nhường, nhận ra không khó để cả một cộng đồng trở nên hèn nhát, và cũng dễ để giấu tội ác dưới danh nghĩa yêu nước. Thật đơn giản nếu chúng ta lý giải sự lên ngôi của Đức Quốc xã là do người Đức ngu xuẩn. Họ không ngu xuẩn, ít nhất là không hơn chúng ta. Chúng ta không nên tự phỉnh phờ rằng mình khác biệt và miễn nhiễm với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nhân loại không khác biệt, và cách nhanh nhất để bị nhiễm độc chính là cho rằng dân tộc mình khác biệt. Để tự bảo vệ mình khỏi những con virus ấy chúng ta cần tỉnh táo trước nguy cơ bị chi phối, cần tạo ra những liều kháng sinh mạnh bằng cách đấu tranh không ngừng chống lại sự dốt nát, xây dựng sự quan tâm trong cộng đồng.

Trí nhớ tập thể là thứ không thể xuất khẩu. Với Thế chiến thứ II, người Mỹ thường chỉ nhớ Trân Châu Cảng và Ngày D, người Nga thường nhớ Stalingrad, người Nhật thường nhớ Hiroshima và Nagasaki. Người anh hùng của dân tộc này có thể là kẻ thù của dân tộc khác, chiến thắng và vinh quang của người này cũng có thể là bại trận và đau thương của người khác. Quốc ca Pháp là một bài hát chiến tranh viết trong Cách mạng Pháp. Chỉ khi tới Việt Nam, tôi mới nhận ra nó có thể gây xúc phạm thế nào khi xướng lên ở một quốc gia khác. Khổ đầu bài hát: Bạn có nghe, trong các làng ta, tiếng gào thét của những tên lính hung ác? Chúng vào từng nhà tàn sát vợ con ta. Nhưng chính người Pháp đã làm như vậy trên đất Việt cơ mà. Tôi nhớ từng khẽ tâm sự về điều này cùng cảm giác xấu hổ của mình với một người láng giềng khi ở tòa sứ quán Pháp lúc bài quốc ca xướng lên nhân dịp kỷ niệm ngày cướp ngục Bastille; ông ấy đáp lại: thưa ngài, khi quốc ca được xướng lên ta nên lắng nghe và im lặng.    

Lịch sử được tạo nên từ những trang vinh quang và cả những trang tối tăm. Trí nhớ tập thể thường nhớ cái trước mà quên cái sau. Chúng ta khó thay đổi quy luật ấy. Sự quên lãng tập thể gần đây đã thu hút mối quan tâm của các nhà khoa học xã hội, bạn có thể đọc trên internet nhiều nghiên cứu về điều này; các dân tộc đã nhớ và quên các chương đau đớn trong lịch sử như thế nào: việc tàn sát người Do Thái đối với người Đức, người Mỹ đối với việc tàn sát tập thể người da đỏ và ách nô lệ đặt lên người da đen, người Anh, Pháp đối với thời kỳ thực dân, v.v. Lịch sử cũng cho thấy chúng ta dễ biến tình yêu nước thành thù hận với dân tộc khác như thế nào. Bốn năm qua trên nước Mỹ cho thấy chủ nghĩa dân tộc dễ dàng đe dọa một nền dân chủ, dựng lên những bức tường sắt trên biên giới, đánh thức nạn phân biệt chủng tộc và khiến đám đông tin vào những lời dối trá. Bốn năm qua cũng cho thấy những cuộc cách mạng và xu hướng toàn cầu hóa các phương tiện truyền thông, các mạng xã hội, với Twitter, Instagram và những nền tảng khác, đã giúp truyền bá tin giả nhiều hơn là chống lại sự dốt nát. Nhớ lại giữa thế kỷ 19, Marx và Engels ước muốn giải phóng nhân loại khỏi sự thống trị của tiền tài, chấm dứt sự bóc lột giữa người với người, với khẩu hiệu: vô sản trên mọi quốc gia đoàn kết lại! Bạn không có gì để mất ngoài xiềng xích. Nhưng một thế kỷ sau, toàn thế giới rơi vào hai cuộc chiến tàn khốc với khoảng tám mươi triệu người chết mà nạn nhân đa số là những người vô sản.

Chuyện ấy chẳng bao giờ lặp lại ư! Thế giới sẽ còn ghi nhớ được bao lâu? □

 

Thanh Xuân dịch

Tác giả