Khoa học và mơ tưởng

Nhà khoa học Hàn Quốc Hwang Woo-suk (Đại học Quốc gia Seoul) không phải là nhà khoa học duy nhất đã phạm cái tội tày trời "xào nấu" kết quả nghiên cứu. Những ai có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học đều biết rằng trong suốt lịch sử tồn tại của nghiên cứu khoa học, người ta đã phát hiện hàng ngàn trường hợp gian lận và lừa gạt. Nhưng trong khoa học cũng có vô số trường hợp nhầm lẫn và nhà khoa học hấp tấp công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san khoa học để rồi sau đó phải rút lại những tuyên bố đó vì sai lầm. Giới khoa học gọi đó là những ý nghĩ mơ tưởng (wishful thinking).


Ảo ảnh của danh vọng
Đối với nhà khoa học tiền bạc không phải là vấn đề lớn. Ít ai làm khoa học để giàu, phần lớn các nhà nghiên cứu dấn thân vào khoa học để phục vụ con người và xã hội. Lý tưởng và động cơ của nhà khoa học là đi tìm những thử thách tri thức, đi tìm sự thật, và chia sẻ tri thức mới với đồng nghiệp trên thế giới. Trong hoạt động khoa học, việc công bố kết quả nghiên cứu qua hình thức một bài báo khoa học không chỉ là một nghĩa vụ mà còn là một cách thức khẳng định tên tuổi của một nhà khoa học trên trường quốc tế. Nhà khoa học làm việc hết mình để trở thành người tiên phong trong một lĩnh vực nghiên cứu nào đó để tạo nên cái dấu ấn trên trường khoa học, hay theo cách nói của cụ Nguyễn Công Trứ, để “có danh gì với núi sông”. Và một cách hữu hiệu để lưu danh với đời là phấn đấu trở thành ngườidẫn đầu trong một lĩnh vực chuyên môn.

 
 Bậc thang danh vọng đôi khi làm người ta lóa mắt và quên đi cả đạo đức. Minh họa: Corbis

Vấn đề nảy sinh là trong thực tế một số nhà khoa học trước những quyến rũ về danh vọng (để nổi tiếng làm người dẫn đầu “first scientist”) có xu hướng hấp tấp tuyên bố kết quả nghiên cứu trước khi họ có thì giờ suy nghĩ kĩ.  Nếu kết quả nghiên cứu không phù hợp hay thiếu tính nhất quán với giả thuyết (hay kỳ vọng) của nhà khoa học, thì việc “xào nấu” kết quả nghiên cứu là một cám dỗ rất lớn. Và nhà khoa học Hàn Quốc, Tiến sĩ Hwang Woo-suk, đã làm cái việc “động trời” đó: “xào nấu” kết quả nghiên cứu cho phù hợp với ý nghĩ của mình. Ông đã phải trả cái giá quá đắt cho hành động điên rồ đó.
Tháng 2 năm 2004, Tiến sĩ Hwang làm cho thế giới nghiên cứu tế bào mầm ngẩn ngơ khi tuyên bố rằng ông đã thành công tạo ra những phôi (embryos) từ các tế bào da của 11 bệnh nhân hiến tặng. Thành công này làm cho thế giới y học kính phục, vì nó có thể dẫn đến phương pháp chữa trị các bệnh ngặt nghèo (như ung thư như não, võng mạc mắt, buồng trứng, ung thư tinh hoàn, ung thư máu; bệnh lu-pút, thấp khớp…) bằng kỹ thuật tạo sinh vô tính (cloning). 
Thế nhưng đến tháng 11 năm 2005 thì một số nhà khoa học Mỹ và đồng nghiệp Hàn Quốc của Tiến sĩ Hwang bắt đầu nghi ngờ kết quả của ông. Họ tố cáo ông đã ngụy tạo kết quả và vi phạm y đức. Trước dự luận công chúng và áp lực quốc tế, một hội đồng khoa học thuộc Đại học Quốc gia Seoul (Seoul National University) được thành lập để điều tra sự việc. Đến cuối năm 2005 và đầu năm 2006, sau 3 tháng điều tra hội đồng đi đến kết luận rằng những kết quả mà tiến sĩ Hwang công bố là giả tạo. Ngoài ra, những trứng mà ông sử dụng cho thí nghiệm được mua từ cộng sự viên nữ và bệnh nhân, chứ chẳng có ai hiến tặng cho công trình nghiên cứu của ông cả. Hội đồng điều tra kết luận rằng việc làm của Tiến sĩ Hwang “chỉ có thể mô tả là một sự lừa bịp”.

Cơn bão đạo đức trong khoa học
Cũng như lúc công bố kết quả nghiên cứu gần 2 năm về trước, Tiến sĩ Hwang đã làm cho thế giới khoa học chấn động, kết luận của hội đồng khoa học trường Đại học Quốc gia Seoul đã làm cho cả thế giới rúng động. Qua điều tra, người ta mới biết những việc làm phản khoa học và phi đạo đức khoa học đã tích lũy khá lâu, làm cho người ta nghĩ một cơn bão đạo đức khoa học trong thế giới nghiên cứu tế bào mầm. Người ta bắt đầu hỏi tại sao trong khoa học lại có những trò gian lận lớn như thế. Tại sao và do động cơ nào mà Tiến sĩ Hwang – một người rất có tài và trước đó được cả nước Hàn Quốc xem là anh hùng khoa học, niềm tự hào của nền khoa học Hàn Quốc – lại lừa dối thế giới khoa học?
Francis Bacon, một nhà khoa học người Anh rất nổi tiếng trong thế kỉ 17, đề nghị phân biệt hai loại khoa học: khoa học nghiêm túc dựa vào thực tiễn và bằng chứng càng ngày càng thuyết phục theo thời gian; khoa học mơ tưởng – wishful science – chỉ nở rộ khi tác giả của nó đang còn nổi tiếng, nhưng sẽ chìm vào quên lãng khi có bằng chứng rằng nó sai. Nghiên cứu của Tiến sĩ Hwang thuộc vào loại khoa học mơ tưởng.
Một trong những trường hợp nổi tiếng là Stephen J. Breuning, người bị tòa án Mỹ kết tội là đã ngụy tạo số liệu để gây ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân tâm thần. Dựa vào công trình nghiên cứu này của Breuning, các phương pháp chữa bệnh tâm thần sẽ gây biết bao tác hại cho bệnh nhân. Gần đây, hai nhà sinh học phân tử người Đức, Fridhelm Herrmann và Marion Brach, bị tố cáo ngụy tạo số liệu trong 47 bài báo mà họ công bố trên các tập san danh tiếng trong ngành như Blood và Journal of Experimental Medicine. Tuy giáo sư Brach thú nhận rằng bà là thủ phạm, nhưng giáo sư Herrmann thì từ chối không hợp tác với ủy ban điều tra vấn đề ngụy tạo số liệu.

 Sân chơi khoa học là một sân chơi dân chủ. Trong một môi trường tri thức lành mạnh, tất cả những giả tạo và lừa gạt thường bị lật tẩy và sửa đổi. Ngược lại, những nghiên cứu lương thiện và chân thật thường tồn tại lâu dài với thời gian như là những chân lí khoa học. Nhưng đạo đức khoa học chỉ vận hành tốt trong một môi trường tri thức lành mạnh.

Năm 1988, hai nhà vật lí học lừng danh của Đại học Utah (Mỹ) tuyên bố rằng họ thành công trong việc tạo ra năng lượng nhiệt hạch (thermonuclear energy), còn gọi là “cold fusion”. Cần nói rằng trong hơn 50 năm trước đó, nhiều nhà khoa học đã từng mơ ước xây dựng một lò phản ứng hạt nhân để sản xuất điện vô giới hạn bằng kĩ thuật “cold fusion”, nhưng họ không thành công. Ấy thế mà hai nhà vật lí Đại học Utah tuyên bố đã thành công chỉ với một phương pháp đơn giản: chạy một dòng điện qua nước và palladium trong một cái vại!  Trước đó, chính phủ Mỹ tiêu ra hàng trăm triệu đôla cho nghiên cứu “cold fusion”. Thế nhưng sau hơn 2 năm theo đuổi công trình này, các nhà khoa học mới chứng minh được rằng kết quả của hai nhà vật lí Utah là giả tạo, viễn vông!
Cũng trong thập niên 1980 đã diễn ra một cuộc tranh chấp gay gắt diễn ra giữa hai nhóm khoa học Pháp và Mỹ, và câu chuyện chỉ có thể giải quyết qua đường ngoại giao. Các nhà khoa học Viện Pasteur của Pháp tố cáo các nhà khoa học thuộc Viện Y tế của Mỹ đã ăn cắp mẫu máu từ Viện Pasteur để khám phá ra vi khuẩn HIV. Các nhà khoa học Mỹ phản công hơi yếu ớt, cho rằng các nhà khoa học Pháp… ganh tị. Không ai chịu nhường ai và cuối cùng các chính khách ngoại giao phải nhảy vào can thiệp. Qua cuộc tranh chấp này, người ta mới thấy qui trình làm việc trong các phòng thí nghiệm của Mỹ có vấn đề. 

 
 Lý tưởng và động cơ của nhà khoa học là đi tìm những thử thách tri thức, đi tìm sự thật, và chia sẻ tri thức mới với đồng nghiệp trên thế giới. Minh họa: Corbis


 Năm 1999, một nhà hóa học nổi tiếng người Mỹ tuyên bố rầm rộ rằng ông đã khám phá ra hai nguyên tố mới có thời gian tồn tại trong vòng vài giây, và đề nghị mở rộng bảng tuần hoàn nguyên tố (tức Periodic Table) từ 116 nguyên tố thành 118 nguyên tố. Đồng nghiệp khắp thế giới thoạt đầu khâm phục khám phá này, nhưng mãi đến năm 2002 người ta mới biết đó là những khám phá “dỏm”, chủ yếu là kết quả của một sự “nấu nướng” dữ kiện!
Danh sách các trường hợp lường gạt khoa học còn kéo dài và đã được đúc kết thành ít nhất là 10 quyển sách.
Trong lịch sử khoa học, có khá nhiều nghiên cứu đã làm tốn công sức và tiền bạc cho cả một thế hệ nghiên cứu. Nhà tâm lí học người Anh, Cyril Burt, có lần “chứng minh” hùng hồn rằng hệ số thông minh (IQ) là do các yếu tố di truyền quyết định. “Phát hiện” này đã làm thiên lệch một quan điểm khoa học hơn 20 năm sau đó trước khi được chứng minh là sai lầm. Nhà sinh học người Nga, Trofim Lysenko cũng từng chi phối nền nông nghiệp Xô-viết trong suốt 25 năm với những quan điểm và tuyên bố mà sau này được xem là phản khoa học, phi lí và lố bịch. Năm 1971, một chuyên gia thuộc chính phủ Phi Luật Tân long trọng tuyên bố với thế giới rằng ông mới phát hiện một bộ lạc có tên là Tasaday thuộc thời đại Đồ Đá vẫn duy trì tập tục cũ mà không hề chịu ảnh hưởng của nền văn minh hiện đại. Chính phủ Phi Luật Tân và một số nước Tây phương đổ biết bao tiền bạc để bảo vệ bộ lạc từ ảnh hưởng của văn minh hiện đại, một bộ lạc mà mà họ cho là biểu tượng của sự “trinh nguyên”. Thế nhưng sau gần 10 năm, người ta mới biết đó là một trò lừa độc đáo và tinh vi. 

Tại sao Tiến sĩ Hwang lừa gạt thế giới? 

 
 Ngụy tạo số liệu là điều không thể chấp nhận được trong khoa học và càng không thể che dấu sau khi công bố trên các tập san có uy tín của thế giới. Minh họa: Corbis

Có người cho rằng chính cái văn hóa làm nhanh, hấp tấp của Hàn Quốc đã đẩy ông vào cạm bẫy. Hàn Quốc muốn trở thành một nước kĩ nghệ sánh vai cùng các nước Tây phương, người Hàn Quốc muốn dẫn đầu thế giới về công nghệ sinh học, và muốn làm một việc mà ta hay gọi là “đi tắt đón đầu”. Do đó, một áp lực quốc gia rất lớn đã đè lên Hwang để ông phải cho ra kết quả. Trước đây, ông Hwang dù rất nổi tiếng ở Hàn Quốc nhưng lí lịch khoa học của ông rất khiêm tốn. Ông chưa từng có một bài báo nào trên một tập san khoa học lớn cả. Do đó, ông phải tìm mọi cách để có tên tuổi trên các tập san danh tiếng như Science và Nature. Để có bài báo trên các tập san này, ông phải có những kết quả mới làm chấn động thế giới, và có thể đó chính là nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh như hiện nay. 
Cần nói thêm rằng cho đến nay, Tiến sĩ Hwang vẫn không nhận rằng ông đã lường gạt ai, mà chỉ đổ lỗi cho cộng sự viên. Cũng có thể ông, một nhà khoa học tài ba và có uy tín, không lường gạt ai, nhưng là người đứng đầu trong công trình nghiên cứu, ông phải (và đã) nhận lãnh trách nhiệm. Ông từ chức giáo sư và giám đốc Trung tâm nghiên cứu tế bào mầm Hàn Quốc.
Qua sự cố này, chúng ta thấy việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san khoa học quốc tế là một hình thức duy trì chất lượng nghiên cứu khoa học và đảm bảo tính minh bạch trong nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học mang tính quốc tế và phi biên giới. Một công trình nghiên cứu khi đã qua bình duyệt từ đồng nghiệp trong ngành và xuất hiện trên một tập san khoa học là một hình thức chia sẻ thông tin và một cách thông báo cho thế giới về phát hiện của mình. Phát hiện này, nếu sau khi qua thử thách

của những rà soát, kiểm tra, phê bình từ đồng nghiệp trên khắp thế giới mà vẫn đứng vững thì đó là một minh chứng cho chất lượng của công trình nghiên cứu và đem lại uy danh cho tác giả. Nếu một công trình nghiên cứu đã xong mà kết quả không được công bố trên các tập san khoa học quốc tế, thì công trình đó chưa thể nói là đã hoàn tất. Cũng không thể đánh giá đúng mức chất lượng của những công trình như thế vì chưa qua “thử lửa” với thế giới. (Bài báo của Tiến sĩ Hwang đã và đang được “thử lửa”, và kết quả có lẽ không như ông mong muốn, nhưng lại là một chiến thắng của khoa học). Chính vì thế mà tại hầu hết các trường đại học ở Anh, Canada, và Úc, nghiên cứu sinh sẽ không được viết luận án nếu chưa có ít nhất là hai bài báo công bố trên các tập san khoa học quốc tế.

Sân chơi khoa học là một sân chơi dân chủ. Trong một môi trường tri thức lành mạnh, tất cả những giả tạo và lừa gạt thường bị lật tẩy và sửa đổi. Ngược lại, những nghiên cứu lương thiện và chân thật thường tồn tại lâu dài với thời gian như là những chân lí khoa học. Nhưng đạo đức khoa học chỉ vận hành tốt trong một môi trường tri thức lành mạnh.

Nguyễn Văn Tuấn

Tác giả