Sòng phẳng với Bob Kerrey

Thời gian gần đây, dư luận chia rẽ mạnh mẽ về việc Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) bổ nhiệm ông Bob Kerrey vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Fulbright (HĐQT FUV). Lý do là năm 1969, ông đã tham gia vụ thảm sát ở Thạnh Phong, giết hại 21 dân thường, trong đó có nhiều người già, phụ nữ và trẻ em.


TS. Giáp Văn Dương

Nhìn lại dư luận phản đối ông Bob Kerrey nhận chức Chủ tịch HĐQT FUV cho đến nay thì thấy luận điểm cơ bản của các phản đối này là: Người có quá khứ như vậy không xứng đáng làm chủ tịch trường FUV để dạy cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Đây là kỳ vọng thân giáo, khi cho rằng nhà giáo phải dạy không chỉ bằng kiến thức, mà còn bằng cả đời sống của chính mình. Nếu đời sống của mình có vấn đề, bất kể là trong quá khứ hay hiện tại, thì anh không xứng để bước vào ngôi đền thiêng giáo dục để dạy người khác.

Tuy nhiên, nhớ lại, trước khi nhận lời làm Chủ tịch HĐQT Đại học FUV, ông Bob Kerrey cũng đã làm Chủ tịch của Đại học New School ở Mỹ từ 2001-2010 và thành viên chủ chốt của Đại học Minerva School, cũng ở Mỹ. Trong thời gian đó, thông tin về vụ Thạnh Phong đã được báo chí Mỹ loan tải rộng rãi và ông Kerrey đã thừa nhận. Tuy nhiên, ông vẫn là Chủ tịch của New School và là thành viên trụ cột của Minerva School. Điều đó cho thấy kỳ vọng thân giáo ở Mỹ khác với ở Việt Nam. Và đối với dư luận Việt Nam, giả sử vụ Thạnh Phong không xảy ra ở Việt Nam mà ở một nơi nào khác, thì hẳn sẽ không có sự phản đối mạnh mẽ như đang thấy.

Như vậy, kỳ vọng thân giáo chỉ có tính tương đối, phụ thuộc vào bối cảnh và văn hóa và không phải là lý do duy nhất để dư luận phản đối ông Bob Kerrey. Ẩn dấu phía sau kỳ vọng thân giáo này là tổn thương của cuộc chiến vẫn còn hiển hiện trên mảnh đất này, chỉ chờ có lý do là bị thổi bùng lên. Vậy nên, vấn đề cần phải xử lý phải là những tổn thương này, chứ không chỉ là một ông Bob Kerrey cụ thể nào đó.

Nếu xét về bản dạng sinh học thì chỉ có một Bob Kerrey. Điều này không thể phủ nhận. Ông Bob Kerrey ở Thạnh Phong năm nào cũng chính là ông Bob Kerrey ở FUV hôm nay.

Nhưng nếu xét về bản dạng văn hóa-xã hội thì có ít nhất hai ông Bob Kerrey khác nhau: Bob Kerrey của năm 1969 ở Thạnh Phong và Bob Kerrey ở FUV hôm nay.

Hai ông Bob Kerrey này tuy một mà hai, tuy hai nhưng lại là một. Khi nhìn ông Bob Kerrey ở FUV, chúng ta thấy ông Bob Kerrey ở Thạnh Phong, vì thế chúng ta phản đối. Còn nếu khi nhìn ông Bob Kerrey ở FUV đúng như ông Bob Kerrey  ở FUV hôm nay thì sự phản đối chắc hẳn không mạnh mẽ như vậy.

Đó là hai con người khác nhau, nhưng không tách rời nhau được. Và đó chính là nguyên do của mọi chia rẽ. Dư luận cũng đang ở vị trí tương tự, mắc kẹt vào vòng luẩn quẩn của hai Bob Kerrey này và không biết phải lựa chọn sao cho đúng.

Bản thân ông Bob Kerrey cũng luôn dằn vặt và mắc kẹt vào hai con người này: Bob Kerrey  ở Thạnh Phong thời chiến và Bob Kerrey thời hậu chiến, nên luôn bị ám ảnh bởi những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Nhiều người có thể đã chọn một số phận lụi tàn trong sự giam hãm của quá khứ như vậy, nhưng Bob Kerrey hậu chiến đã chọn cách vượt qua Bob Kerrey Thạnh Phong để chuyển hóa thành một Bob Kerrey mới. Thời kỳ hậu chiến, đặc biệt là từ những năm 1990, ông đã tham gia nhiều hoạt động để góp phần bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ, trong đó có Quỹ giáo dục Việt Nam, như một sự sám hối.

Câu hỏi đặt ra: Vậy người Việt Nam nên làm gì với hai ông Bob Kerrey này?

Việc đầu tiên cần làm là tách biệt hai ông này ra khỏi nhau. Ông Bob Kerrey ở Thạnh Phong và ông Bob Kerrey ở FUV.

Đối với ông Bob Kerrey Thạnh Phong, người ta có quyền khởi kiện và buộc ông ta đối mặt và trả giá bằng một phán quyết của tòa án cho những gì đã gây ra, ngoài việc ông ta sẽ vẫn phải tiếp tục chịu phán quyết từ chính lương tâm mình.

Còn đối với ông Bob Kerrey ở FUV, chúng ta nên tôn trọng quyết định bổ nhiệm ông ta của TUIV. Việc bổ nhiệm hay bãi nhiệm ông Bob Kerrey FUV hoàn toàn do TUIV quyết định, và tất nhiên phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Chỉ khi làm được như thế, chúng ta mới thực sự sòng phẳng với cả hai Bob Kerrey, với lịch sử và với chính mình.

Những sinh viên của FUV khi đó sẽ có cơ hội học được những bài học vô giá mà không phải trường nào cũng có, đó là trực tiếp đối mặt với những vấn đề rất cơ bản của cuộc đời mà bất cứ một người trưởng thành nào cũng phải đối mặt, như: Ứng xử ra sao với quá khứ đã qua, làm gì với tương lai đang đến, sám hối thế nào với sai lầm đã xảy ra, làm sao để vơi bớt thù hận còn nén chặt trong lòng, làm gì để gây dựng lòng bao dung, giá trị ta đang theo đuổi là gì, giáo dục mà ta đang tham dự có ý nghĩa gì và được xây dựng trên những giá trị nào… Bất luận bạn lựa chọn ra sao thì đó cũng là những cơ hội vô giá để phản tư và trưởng thành mà không phải sinh viên trường nào cũng có được.

Trong bài phát biểu của Tổng thống Obama ngày 23/5/2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, có một câu đáng chú ý: “Tôi đến đây trong tỉnh giác về quá khứ, trong tỉnh giác về lịch sử khó khăn của chúng ta, nhưng tập trung vào tương lai, đó là an ninh, thịnh vượng và nhân phẩm mà chúng ta cùng hướng tới.”

Như thế, chúng ta cần thấu hiểu và ý thức được tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ để không mắc phải những sai lầm của quá khứ và sống tốt hơn, nhưng chúng ta không để quá khứ giam hãm trên những bước đường hướng đến tương lai. Tôi cho rằng, quan điểm của Tổng thống Obama trong lời phát biểu trên không chỉ là lời giải cho các vấn đề chính trị vĩ mô, mà còn là lời giải cho các tình huống thực chúng ta đang đối mặt như vấn đề của Đại học FUV và Bob Kerrey.

Lời tòa soạn

Tác giả bài viết đã có những nhận định sắc sảo hướng đến một cách tiếp cận “sòng phẳng” đối với việc ông Bob Kerrey được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Fulbright. Tuy nhiên, nếu coi Trường Đại học Fulbright là một trong những biểu tượng của quá trình hòa giải và hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, thì việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐGT của ngôi trường này cần được cân nhắc không chỉ dưới góc độ sòng phẳng với một cá nhân cụ thể, mà còn cần được suy xét về sự phù hợp của tính biểu tượng mà việc bổ nhiệm ấy mang lại. Trong bài viết, tác giả Giáp Văn Dương nhấn mạnh về việc cần phân biệt giữa con người Bob Kerrey mang tỳ vết trong quá khứ, và con người Bob Kerrey của hiện tại, nhưng tính đa nghĩa trong mỗi biểu tượng là điều không thể tránh khỏi nếu người ta không làm rõ.

Tác giả