VEDAN: Một năm nhìn lại

Danh sách các công ty gây ô nhiễm đã bị phát hiện và xử lý ngày càng kéo dài, từ Tung Kuang (Hải Dương), Thái Tuấn (TP. HCM) cho tới Vedan và mới đây là Sonadezi (Đồng Nai). Vì vậy cần rút ra vài bài học từ việc xử lý hành vi gây ô nhiễm sông Thị Vải của Công ty Vedan để kết hợp sức mạnh toàn xã hội trong việc chống suy thoái và ô nhiễm môi trường; đồng thời đề ra những chính sách và thể chế phù hợp, xung đột về môi trường sống có thể gây nên những bất ổn định xã hội nghiêm trọng.

Vedan là một DN 100% vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) có cơ sở kinh doanh đặt tại Đồng Nai, tiêu thụ nguyên liệu tại địa phương, tạo ra khoảng 2.000 việc làm với thu nhập bình quân trên 2.1 triệu VNĐ/tháng. Sau khi bắt đầu hoạt động, nguồn nước thải của Vedan làm ô nhiễm sông Thị Vải, từ năm 1994 các hộ dân đã khiếu nại, nhiều hộ ngừng kinh doanh. Năm 1995, Vedan đã chi 15 tỷ VNĐ hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp. Mặc dù vậy, Vedan tiếp tục gây ô nhiễm sông Thị Vải thêm 14 năm nữa mới bị phát hiện. Tháng 9/2008 Vedan bị bắt quả tang thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải qua hệ thống những đường hầm bí mật.

Sau khi vụ việc được phát hiện, những vướng mắc trong xử lý hành vi phạm pháp của Vedan bộc lộ dần. Luật ta trói ta, các cơ quan hành pháp chưa có đủ thẩm quyền rạch ròi để thực thi pháp luật. Về xử lý hành chính, Bộ TN&MT đã xử phạt và truy thu phí môi trường của Vedan, song đùn đẩy trách nhiệm đình chỉ hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh của Vedan xuống cho chính quyền tỉnh Đồng Nai. Về xử lý hình sự, cơ quan điều tra không thể khởi tố hình sự vụ án này vì luật pháp VN chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân công ty Vedan và chỉ truy cứu trách nhiệm cá nhân các lãnh đạo Vedan nếu họ đã bị xử lý hành chính. Về khía cạnh bảo vệ lợi ích công cộng, cho đến nay chưa có cơ quan Nhà nước nào được chỉ định buộc Vedan khôi phục lại môi trường sinh thái cho dòng sông Thị Vải.

Ngoài lợi ích công cộng, gây hại cho cộng đồng nói chung cho đến nay vẫn chưa được cơ quan nào khởi kiện Vedan đòi bồi hoàn, sông Thị Vải chết gây hại cụ thể cho 7.000 hộ nông dân của ba tỉnh Đồng Nai, BR-VT và TP.HCM. Sau khi Vedan bị bắt quả tang, nông dân bắt đầu đòi Vedan bồi thường, yêu cầu của họ được dư luận xã hội ủng hộ trong suốt các năm 2008-2010. Các tờ báo lớn ở VN liên tục đưa tin, tổ chức hội thảo, kêu gọi hỗ trợ nông dân. Các đoàn đại biểu Quốc hội chất vấn trách nhiệm của Bộ TN&MT. Ngoài ra, các siêu thị cũng góp sức hỗ trợ nông dân. Vì bị người tiêu dùng tẩy chay, từ tháng 10/2008 nhiều siêu thị Big C, Maximark, Coopmart, Metro đã ngừng kinh doanh sản phẩm của Vedan. Dư luận như bị đổ thêm dầu vào lửa khi 3 sản phẩm của Vedan trớ trêu lại được Cục VSATTP Bộ Y tế tặng bằng khen vì sự an toàn sức khỏe cộng đồng năm 2009. Đến cuối tháng 07 đầu tháng 8/2010, tất cả những sức ép đa dạng này dồn Vedan vào thế phải thương lượng với nông dân.

Khi nông dân đòi Vedan bồi thường, phản ứng của chính quyền ba tỉnh là khác nhau. Tại TP.HCM, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy và UBND, Hội Nông dân đứng ra làm đầu mối tiếp nhận đơn thư của người dân. Hội Nông dân TP.HCM cũng chủ động báo cáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và qua đó báo cáo sự việc tới Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ đó đưa nội dung vụ việc Vedan ra thảo luận tại cuộc họp của Chính phủ vào ngày 02/11/2008. Tại BR-VT, chính quyền giao Sở NN & PTNT chủ trì giúp nông dân kê khai và xác định thiệt hại. Từ đề xuất của chính quyền TP.HCM và BR-VT, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TP.HCM) hỗ trợ xác minh thiệt hại, hỗ trợ chứng cứ giúp nông dân đấu tranh với Vedan. Bộ TN&MT cũng tạm ứng trước 2,6 tỷ đồng từ Quỹ Bảo vệ Môi trường giúp nông dân nộp tạm ứng án phí khi khởi kiện ra tòa án. Như vậy, nếu có chỉ đạo thống nhất từ trên xuống, các đoàn thể và thể chế hành chính VN có thể phát huy được sức mạnh tốt. Ngược lại tại Đồng Nai, do Vedan nằm trên địa bàn tỉnh, tiêu thụ nguyên liệu, tạo việc làm, đóng góp đáng kể cho kinh tế của địa phương, chính quyền Đồng Nai không chủ động hỗ trợ nông dân khởi kiện, chần chừ không tiến hành hỗ trợ kê khai và xác minh thiệt hại cho nông dân. Hội Nông dân Đồng Nai thậm chí còn thỏa thuận ghi nhận mức hỗ trợ của Vedan là 15 tỷ VNĐ, trong lúc nông dân tỉnh này đòi Vedan bồi thường 119 tỷ VNĐ. Như vậy, nếu thiếu chỉ đạo từ trên, các hiệp hội khá thụ động khi đại diện cho tiếng nói của hội viên.


Nông dân nghe hướng dẫn các thủ tục khởi kiện.

Giúp nông dân phải kể đến sự đóng góp của hội luật gia và giới luật sư. Từ tháng 7/2010 hàng chục tổ chức luật gia, luật sư với hàng trăm luật sư của ba tỉnh đã tự nguyện hỗ trợ miễn phí cho nông dân, giúp họ chuẩn bị hồ sơ và khởi kiện Vedan ra tòa. Tại Đồng Nai, sau khi nhận được sự gợi ý bằng văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai, 40 văn phòng luật sư đã tình nguyện tham gia hỗ trợ miễn phí cho nông dân Đồng Nai, giúp họ thảo đơn kiện và chuẩn bị hồ sơ vụ kiện, làm đơn giảm án phí cho các hộ nghèo, hoàn tất các thủ tục ủy quyền cho luật sư, giúp đỡ vẽ sơ đồ vùng thiệt hại, củng cố chứng cứ giúp nông dân. Với cố gắng rất lớn của các tổ chức luật sư và sự chia sẻ của các tòa án địa phương, khoảng 4.700 hồ sơ đơn kiện riêng lẻ đã được hoàn tất và khởi kiện tại các địa phương trong một thời gian khoảng 5 tuần trước khi hết thời hiệu khởi kiện và nộp tại các tòa án địa phương.

Vụ Vedan, một năm sau nhìn lại, cho thấy sức mạnh to lớn của toàn xã hội, từ báo chí, người tiêu dùng, các hiệp hội cho tới các thể chế chính thức của Nhà nước, nếu tất cả đồng lòng gìn giữ môi trường sống, cái khó ló cái khôn, sẽ có vô vàn phương cách định hướng tăng trưởng vì chất lượng cuộc sống của người dân.

Trước sức ép của dư luận, sự đe dọa của hàng ngàn vụ kiện, và sự tẩy chay của người tiêu dùng, Vedan từ chỗ chỉ hứa cam kết hỗ trợ nông dân, đã bắt đầu chấp nhận thương lượng về bồi thường. Đến ngày 10/09/2010, thông qua thỏa thuận riêng rẽ với đại diện nông dân của ba tỉnh, Vedan đã chấp nhận bồi thường gần 220 tỷ VNĐ cho 7.000 hộ nông dân, với điều kiện các hộ nông dân rút lại đơn khởi kiện. Như vậy các bên đã đạt được một giải pháp chấp nhận được mà không phải tiến hành gần 5.000 vụ kiện tốn kém thời gian, tiền bạc, với kết cục chưa thật rõ ràng. Trên thực tế, cho đến nay Vedan đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bồi thường như cam kết. Cuối tháng 01/2011, nông dân Cần Giờ TP.HCM đã nhận đủ số tiền bồi thường, họ đã quyết định chia đều số tiền 45,7 tỷ VNĐ cho 839 hộ dân bị thiệt hại. Tại BR-VT, Sở NN&PTN làm đầu mối đã phân chia 53,619 tỷ VNĐ cho 1255 nông hộ theo tỷ lệ khai báo trước khi khởi kiện. Riêng tại tỉnh Đồng Nai, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc chia tiền, vào thời điểm 07/2011 địa phương này mới chia được khoảng 37 tỷ trong tổng số 119,5 tỷ VNĐ tiền bồi thường thiệt hại của Vedan cho nông dân.

Vụ Vedan, một năm sau nhìn lại, cho thấy sức mạnh to lớn của toàn xã hội, từ báo chí, người tiêu dùng, các hiệp hội cho tới các thể chế chính thức của Nhà nước, nếu tất cả đồng lòng gìn giữ môi trường sống, cái khó ló cái khôn, sẽ có vô vàn phương cách định hướng tăng trưởng vì chất lượng cuộc sống của người dân.

Tác giả