Bảy vấn đề của nền kinh tế Mỹ

Nền kinh tế Mỹ đang bị mất cân bằng. Và dù ai thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8 tháng 11 tới đây thì cũng phải giải quyết một loạt vấn đề của nền kinh tế nước này.


Sản xuất ô tô ở Mỹ. Nguồn: Cleveland.com

Trên khán đài tại sân vận động ở thành phố 40.000 dân Wilkes-Berre ở Pennsylvania, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà hứa sẽ tạo thêm việc làm, tăng cường an ninh và hỗ trợ các ngành công nghiệp nặng như sắt thép và khai mỏ. Trump hứa sẽ khai thác than bằng công nghệ sạch và 6000 người có mặt trên sân vận động hoan hô vang dội.

Không phải vô tình mà ông Trump xuất hiện tại Wilkes-Berre. Thời kỳ hoàng kim của thị trấn này đã tắt từ lâu. Trong thế kỷ 19, ngành khai mỏ đã phát triển hết sức rực rỡ ở đây nhưng hiện nay 40.000 dân cư tại đây phải vật lộn với cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp và nghèo khổ. Trump hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cư dân nơi này. Ông Trump thừa biết cư dân ở thành phố này ủng hộ mình vì nhiều cư dân ở Wilkes-Berre và ở những vùng lân cận, nhất là thợ mỏ và công nhân công nghiệp đang bị tác động rất mạnh bởi công cuộc toàn cầu hoá. Sự thay đổi cơ cấu kinh tế do toàn cầu hóa mang lại có cái giá của nó: nhiều người bị thất nghiệp, thu nhập thực tế giảm.

Sự thật là nước Mỹ đang phải đối mặt với bảy vấn đề lớn sau:

Vấn đề thứ nhất: Cơ cấu lao động thay đổi

Chính cuộc tranh cử khốc liệt đã làm bộc lộ những vấn đề đang hằn sâu lên nước Mỹ. Nhiều trung tâm kinh tế hùng mạnh ở thế kỷ trước, điển hình như ở các tiểu bang ở phía Bắc hoặc Đông bắc như Pennsylvania, Ohio và Michigan đang bắt đầu xuống dốc. Đồng thời, năng suất lao động yếu kém và sự bất bình đẳng ngày càng tăng làm cho thu nhập của tầng lớp trung lưu cũng như lớp dưới tăng chậm chạp hơn. Toàn cầu hoá và tự động hoá đang làm cho vị trí của người công nhân bị xói mòn và yếu đi.

Tuy nhiên đây không phải là vấn đề duy nhất của nước Mỹ. Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu lao động còn có ít nhất sáu lĩnh vực lớn mà người kế nhiệm của Tổng thống Obama phải giải quyết.

Vấn đề thứ hai: Doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả

Nền kinh tế Mỹ còn đang thể hiện sự uể oải và thiếu sáng tạo. Điều này gây ngạc nhiên bởi lẽ cho đến nay Mỹ vốn được coi là cái nôi của đổi mới, sáng tạo. Nhưng không phải tất cả các tiểu bang ở Mỹ đều có thung lũng Silicon. Tất nhiên ngành nào cũng có một vài doanh nghiệp áp dụng nhanh các công nghệ mới và làm tăng năng suất lao động tuy nhiên số đông các doanh nghiệp không nỗ lực đến tăng năng suất lao động. Năng suất lao động trong mỗi giờ lao động trong khoảng thời gian từ 2004 đến 2015 chỉ tăng trung bình 1,3% (để so sánh: tỉ lệ tăng năng suất lao động trong mỗi giờ lao động từ 1995 đến 2004 là 3,2%).

Vấn đề thứ ba: Nam giới học vấn kém và thất nghiệp

Đầu năm 2016 tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ dưới 5% và cho thấy một tín hiệu tốt đẹp. Tuy nhiên, đối với một nhóm người tình hình lại khá ảm đạm. Khoảng 7 triệu nam giới ở Mỹ, ở độ tuổi 25 – 45 không có việc làm và cũng không buồn tìm việc. Những người đàn ông này có đặc điểm chung là phần lớn sống độc thân, sinh ra ở Mỹ, nhiều người gốc châu Phi. Họ thuộc lớp người quá già để đi học nhưng lại quá trẻ để nghỉ hưu và điều này thực sự là một vấn đề xã hội. Cách đây 50 năm số nam giới bị thất nghiệp là 5%, nay tăng lên 15%.

Vấn đề thứ tư: Cơ sở hạ tầng xuống cấp

Cầu cống, đường xá bị hư hỏng có lẽ là một tình trạng điển hình của các nước công nghiệp phát triển thành công. Đến một lúc nào đó thì các công trình xây dựng của nhà nước cũng trở nên già nua và xuống cấp. Chúng cần được cải tạo hoặc xây mới nhưng lại thiếu tiền. Ở nước Mỹ, điều này thể hiện rõ nhất ở sự xuống cấp của các sân bay, đường bê tông đầy ổ gà và cầu cống bị hư hỏng nhiều.

Vấn đề thứ năm: Phân hóa xã hội mang tính “di truyền”

Giấc mơ đổi đời nhanh chóng ở Mỹ dường như đang dần phai nhạt đi. Ngày nay chỉ còn dăm ba người có thể đổi đời một cách “đột phá” từ kẻ rửa bát thành triệu phú. Ở nước Mỹ ngày nay sự thăng tiến của mỗi người lệ thuộc chủ yếu vào nguồn gốc xã hội. Ai sinh ra trong nghèo khổ thường ôm mãi cái kiếp nghèo. Điều này xảy ra chủ yếu đối với người da đen.

Vấn đề thứ sáu: Học phí giáo dục

Để theo học được tại các trường đại học hàng đầu nước Mỹ như Harvard, Stanford và MIT, người học phải chi cả một gia tài. Tuy nhiên không phải chỉ có các trường top đầu này mà ngay cả các đại học và trường cao đẳng khác cũng thu học phí với mức khá cao. Ai mà không có được khoản học bổng tương đối hoặc bố mẹ không khá giả thì rất khó khăn trong con đường học hành. Hiện nay khoản nợ của sinh viên Mỹ và của những người đã ra trường đã trở thành một vấn đề hết sức to lớn. Truyền thông Mỹ đã từng đề cập đến vấn đề này như một cuộc “khủng hoảng”, khoản nợ tín dụng của sinh viên hiện đã lên đến 1,3 nghìn tỷ USD. Đây thực sự là một quả bom hẹn giờ đối với xã hội.

Vấn đề thứ bảy: Nợ công cao

Tháng 10 năm 2013, các cơ quan của chính quyền liên bang phải đóng cửa nhiều ngày, và 800.000 công chức được nghỉ phép không lương vì “government shutdown” (do hai đảng Dân chủ và Cộng hoà không nhất trí được với nhau về ngân sách mới cho năm 2014 khi họ bàn tới việc chính phủ có được phép chi tiêu nhiều hơn số tiền mà chính phủ thu vào hay không). Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ có khoản nợ đã gần tới ngưỡng kịch trần là 16,7 nghìn tỷ USD. Vấn đề “government shutdown” tuy đã được giải quyết vì các chính khách của hai đảng đã thoả thuận được với nhau nhưng khoản nợ của nước Mỹ vẫn đang là một vấn đề lớn và có khả năng còn lớn hơn nữa.

Xuân Hoài lược dịch từ “Tuần kinh tế Đức”.

Tác giả