COVID đang thay đổi cách nghiên cứu về hành vi con người

Chỉ trong thời gian ngắn từ khi đại dịch xảy ra, nhiều nghiên cứu về hành vi con người đã được thực hiện theo cách thức, quy mô rất khác so với trước đây. Một số nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn ở quy mô nhỏ gần như ngay lập tức sau khi hoàn thành.

Trong những tháng đầu của đại dịch COVID-19, Jay Van Bavel, nhà tâm lý học tại Đại học New York muốn xác định các yếu tố xã hội nào có thể giúp dự đoán ủng hộ của mỗi người đối với các biện pháp sức khỏe cộng đồng chẳng hạn như giãn cách xã hội hoặc đóng cửa nhà hàng. Ông đã có một số cộng tác viên sẵn sàng thu thập dữ liệu khảo sát nhưng vì đại dịch đang diễn ra khắp nơi, rất khó thực hiện nghiên cứu theo cách thức truyền thống. Vì vậy, Jay Van Bavel đã thực hiện bằng một phương pháp mới lạ.
 
Bavel đã đăng một mô tả về nghiên cứu trên Twitter vào tháng 4, với lời mời các nhà nghiên cứu khác tham gia. “Có lẽ tôi sẽ có thêm khoảng mười người tham gia và thêm một số điểm dữ liệu khác”, ông nhớ lại dự định của mình. Tuy nhiên, kết quả khiến ông rất bất ngờ. Hơn 200 nhà khoa học từ 67 quốc gia đã tham gia. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu của hơn 46.000 người. 
 
Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng, về tổng thể, những người được khảo sát cho rằng bản sắc dân tộc (national identity) là yếu tố quan trọng đối với mình thì có xu hướng tuân thủ các chính sách y tế cộng đồng. Nghiên cứu hiện đang được đánh giá bình duyệt. 
 
Đối với các nhà khoa học xã hội, đại dịch COVID-19 đã mang đến một cơ hội độc nhất vô nhị – một thí nghiệm tự nhiên “trên mọi nền văn hóa và các nhóm kinh tế xã hội”, Andreas Olsson, nhà tâm lý học tại Viện Karolinska ở Stockholm cho biết. Mọi người đều đang phải đối mặt với những mối đe dọa như nhau về sức khỏe và sinh kế, “vì vậy chúng ta có thể thấy cách mọi người phản ứng khác nhau, tùy thuộc vào văn hóa, nhóm xã hội và sự khác biệt cá nhân”. Ví dụ, các nhà nghiên cứu có thể so sánh hành vi của mọi người trước và sau khi có những thay đổi chính sách lớn, hoặc để nghiên cứu luồng thông tin chính thống và thông tin sai lệch dễ dàng hơn. 

Việc người dân các nước ủng hộ các chính sách y tế cộng đồng như đeo khẩu trang, phụ thuộc một phần vào bản sắc dân tộc. Ảnh: Reuters / Alamy.
 
Từ nghiên cứu đến thực nghiệm nhanh chóng
 
Trước khi tiến hành nghiên cứu hợp tác trên quy mô lớn này, Van Bavel và một nhóm hơn 40 nhà nghiên cứu đã cùng nhau vạch ra những cách thức mà nghiên cứu hành vi có thể cung cấp thông tin và tác động đến cách thức con người phản ứng với coronavirus SARS-CoV-2, đúng vào thời điểm mà mọi người đang sợ hãi, hoài nghi và khủng hoảng thừa thông tin. Nhóm các nhà khoa học của Van Bavel cũng đã vạch lại các nghiên cứu trước đây có thể ảnh hưởng đến các chính sách, và xác định các dự án có tiềm năng trong nhận thức mối đe dọa, ra quyết định cũng như truyền thông khoa học, cùng những yếu tố khác.
 
Nhiều người háo hức áp dụng nghiên cứu này để hiểu được phản ứng của công chúng đối với các chính sách như giãn cách hay đeo khẩu trang. Trong cuộc khảo sát hơn 46.000 người, Van Bavel và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng: những quốc gia mà người dân ủng hộ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh thường là những quốc gia thúc đẩy ý thức đoàn kết và gắn kết cộng đồng. Họ có tâm lý “tất cả chúng ta đều ngồi chung một con thuyền”, ông nói. Nhìn chung, các phân tích dự báo cho thấy ở các nước có bản sắc dân tộc mạnh mẽ thì có nhiều khả năng ủng hộ hơn đối với các biện pháp chống dich chặt chẽ như vậy. Van Bavel nói rằng điều này cho thấy có thể tận dụng bản sắc dân tộc khi thúc đẩy các chính sách y tế cộng đồng.
 
Các thí nghiệm khác đã chỉ ra rằng người đưa ra thông điệp cũng thực sự quan trọng. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 2 vừa qua đã khảo sát hơn 12.000 người ở 6 quốc gia – Brazil, Italia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ – về việc họ sẵn sàng chia sẻ thông điệp khuyến khích giãn cách xã hội. Khảo sát tập trung vào nghiên cứu thông điệp từ những người nổi tiếng như diễn viên Tom Hanks, Kim Kardashian hay của nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín như Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy, trong đợt dịch, những người được hỏi từ tất cả các quốc gia đều sẵn sàng chia sẻ thông điệp liên quan đến dịch bệnh do Anthony Fauci phát ngôn. So với nhà khoa học, thông tin về dịch bệnh do người nổi tiếng đưa ra có hiệu quả kém hơn.
 
Mặt khác, việc sắp xếp thông điệp về dịch bệnh gắn với các giá trị của các nhóm xã hội khác nhau, hoặc làm nổi bật xu hướng chấp thuận trong xã hội cũng có thể hữu hiệu. Cùng trong nhóm của Van Bavel, nhánh nghiên cứu do Michele Gelfand, một nhà tâm lý học tại Đại học Maryland ở College Park dẫn đầu đang nghiên cứu về các cách quảng bá việc đeo khẩu trang giữa những nhóm bảo thủ và tự do ở Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu thử nghiệm tám biện pháp can thiệp, phản ánh các giá trị đạo đức khác nhau và các yếu tố cụ thể đối với phòng chống COVID-19. Mục đích là tìm ra cách nào hiệu quả nhất trong việc khuyến khích các nhóm này tuân thủ hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng. Một thông điệp mà họ đang thử nghiệm là nhấn mạnh rằng việc đeo khẩu trang sẽ ‘giúp chúng ta mở cửa lại nền kinh tế nhanh hơn’ – một cách tiếp cận được thiết kế để thu hút các đảng viên Cộng hòa, những người có nhiều khả năng coi đại dịch là một cuộc khủng hoảng kinh tế hơn là một cuộc khủng hoảng sức khỏe. Còn một thông điệp khác, nhấn mạnh vào việc “một chiếc khẩu trang sẽ giữ cho bạn an toàn” – nhắm đến những người theo chủ nghĩa tự do.
 
“Chúng tôi đang so sánh các biện pháp với nhau để xem cách thức nào mang lại hiệu quả tốt với nhóm nào”, Gelfand nói. Do vậy, nghiên cứu này có thể đánh giá đồng thời nhiều biện pháp can thiệp cũng như khuyến nghị việc có thể sử dụng các biện pháp can thiệp khác nhau, ở các quy mô lớn, trên nhiều vùng khác nhau. Kết quả vẫn chưa được công bố.
 
Các nhà khoa học khác cũng bắt đầu sử dụng cách tiếp cận tương tự để truyền thông khuyến khích tiêm chủng ngay cả trước khi có vaccine SARS-CoV-2. Chương trình Sáng kiến Tốt về Thay đổi Hành vi tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia đã thử nghiệm các phương pháp khuyến khích mọi người tiêm vaccine cúm. Katherine Milkman, một nhà nghiên cứu hành vi tại Đại học Pennsylvania và các đồng nghiệp của cô đã thử nghiệm khoảng 20 chiến lược nhắn tin khác nhau để đánh giá. Chẳng hạn, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng việc nhắn tin cho từng người để nói rằng một mũi tiêm phòng cúm đã được đặt trước, đặc biệt dành cho họ đã làm tăng tỷ lệ tiêm chủng. 
 
Các phát hiện này ngay lập tức được các nhà nghiên cứu đang tìm cách tăng cường tỉ lệ tiêm phòng vaccine COVID-19 áp dụng. Các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Los Angeles (UCLA), đã thử lặp lại chiến lược này với những người đang được điều trị tại hệ thống Y tế UCLA vào tháng 2 và tháng 3, và nhận thấy rằng nó “khá hữu ích để tăng lượng người tiêm chủng COVID-19”, Milkman nói.
 
Và không lâu sau đó kết quả này được ứng dụng trong đời sống. Vào tháng 3, Milkman nhận được e-mail từ Steve Martin, giám đốc điều hành của công ty tư vấn khoa học – hành vi Influence at Work ở Harpenden, Vương quốc Anh, nói rằng nhóm của anh đã thực nghiệm các phát hiện của nhóm Milkman trên đảo Jersey thuộc eo biển Măng-sơ (giữa Anh và Pháp). Martin và đồng nghiệp Rebecca Sherrington, phó trưởng y tá của Chính phủ Jersey, nhận định rằng có thể tăng khả năng một người nào đó đến tiêm vaccine nếu họ có “cảm giác sở hữu” – ví dụ, bằng cách nói họ rằng ‘vaccine này đã được dành riêng cho bạn’. Martin nói: “Chúng tôi thực sự đã gặp phải vấn đề trong việc thu hút nhân viên chăm sóc tại nhà – đặc biệt là phụ nữ trẻ, vì nhiều người nghi ngờ về vaccine”. Nhưng sử dụng cách tiếp cận của Milkman, chương trình của Martin đã tăng độ phủ của nhân viên chăm sóc tại nhà lên 93% trên Jersey, so với khoảng 80% ở các khu vực khác.”

Một bảng quảng cáo ở London khuyến khích mọi người làm theo hướng dẫn để ngăn chặn COVID-19. Ảnh: SOPA Images/Zuma.
 
Thay đổi cách thức nghiên cứu
 
Các công nghệ như geotracking (theo dõi địa lý) đang giúp các nhà khoa học xã hội theo dõi cách mọi người thực sự hành xử như thế nào trước các khuyến nghị về di chuyển trong thời kỳ COVID. Van Bavel và các đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu theo dõi địa lý từ 15 triệu điện thoại thông minh mỗi ngày để xem xét mối tương quan giữa các xu hướng bỏ phiếu của Hoa Kỳ và việc tuân thủ các khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng. Ví dụ, những người ở các quận đã bỏ phiếu cho Donald Trump của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, có dữ liệu thay đổi khoảng cách từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2020 ít hơn 14% so với những người ở các khu vực đã bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ Hillary Clinton. 
 
Walter Quattrociocchi, một nhà khoa học dữ liệu tại Đại học Ca’Foscari của Venice, Ý, cho biết các khả năng nghiên cứu được mở ra bằng geotracking là “vượt ngoài mong đợi của tôi”, vì “có rất nhiều dữ liệu để đo lường các quá trình xã hội”. Nhóm của ông đã sử dụng dữ liệu geotracking từ 13 triệu người dùng Facebook để xem cách mọi người di chuyển xung quanh Pháp, Ý và Vương quốc Anh trong những tháng đầu của đại dịch. Ba quốc gia thể hiện các mô hình di chuyển khác nhau phản ánh cơ sở hạ tầng và nền tảng địa lý của họ. Sự di chuyển ở Vương quốc Anh và Pháp lần lượt tập trung hơn quanh London và Paris, nhưng lại phân tán hơn giữa các trung tâm dân cư lớn của Ý. Theo ông, kết quả như vậy có thể giúp dự đoán khả năng phục hồi kinh tế khi đối mặt với các thảm họa khác. `
 
Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng ngày càng nhiều các cuộc khảo sát dựa trên Internet, một xu hướng được đẩy nhanh bởi đại dịch. Một nghiên cứu của Hoa Kỳ về hoạt động hàng ngày của con người trong thời kỳ đại dịch – chẳng hạn như đi làm, thăm gia đình hoặc ăn uống tại nhà hàng – trung bình nhận được hơn 6.700 phản hồi mỗi ngày. Kết quả cho thấy quan điểm chính trị có tác động đến sự tuân thủ phòng dịch hơn là tỉ lệ người bị nhiễm COVID ở từng địa phương. Những người cho biết mình đảng viên Cộng hòa có mức độ di chuyển cao hơn gần 28% so với đảng viên Dân chủ và con số ngày càng tăng trong suốt thời gian nghiên cứu từ tháng 4 đến tháng 9 năm ngoái.
 
Di sản hậu giãn cách
 
Đại dịch rõ ràng đang thay đổi phương pháp của các nhà nghiên cứu hành vi – và theo những cách có thể tồn tại lâu hơn trước các đợt giãn cách. Van Bavel nói: “Tôi nghĩ mọi người sẽ tiếp tục tìm cách thực hiện những nghiên cứu lớn hơn, với nhiều phòng thí nghiệm hơn để tạo ra những phát hiện mạnh mẽ hơn và chúng có thể áp dụng rộng rãi hơn. Các mẫu được thu thập thông qua các dự án này đa dạng hơn so với các cách tiếp cận thông thường, và do đó, tác động từ các nghiên cứu này có thể cao hơn nhiều”, ông nói.
 
Theo Milkman, cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng khiến các nhà nghiên cứu sẵn sàng hợp tác và chia sẻ thông tin hơn. Tốc độ xuất bản và thực hiện các nghiên cứu đã tăng nhanh, cô ấy nói. “Tôi đã viết một bài báo về một số phát hiện của chúng tôi trong những ngày lễ Giáng sinh chỉ trong một tuần,” cô nói. Cô xúc tiến bản thảo vì cảm thấy những phát hiện này là cấp thiết và muốn đưa chúng tới cộng đồng nhanh chóng.
 
Milkman nói rằng những hạn chế của COVID-19 đã thúc đẩy khoa học xã hội theo một hướng tốt. “Chúng ta nên làm ‘khoa học lớn’, theo cách mà các lĩnh vực như vật lý và thiên văn học làm. Thay vì thực hiện các thí nghiệm đơn lẻ, nhỏ lẻ, các nhà nghiên cứu giờ đây có thể tiến hành các nghiên cứu lớn tập hợp các nhóm lớn các nhà nghiên cứu để thử nghiệm 20 hoặc thậm chí 50 nhánh cùng một lúc”.
 
Wändi Bruine de Bruin, một nhà khoa học hành vi tại Đại học Nam California ở Los Angeles, cho biết không có khả năng tuyển những người trong nhà (giãn cách) để tiến hành nghiên cứu cũng đã buộc các nhà khoa học phải đổi mới cách tuyển dụng và nghiên cứu những người tham gia. Cô là điều tra viên của “Nghiên cứu Hiểu về nước Mỹ”, đã nhiều lần khảo sát khoảng 9.000 hộ gia đình đại diện trên toàn Hoa Kỳ về các câu hỏi liên quan đến đại dịch, chẳng hạn như ‘Bạn có định tiêm phòng không?’ hay ‘Bạn nghĩ khả năng bị nhiễm bệnh như thế nào?’. Việc bị buộc phải xây dựng các quy trình để tuyển chọn mẫu đại diện quốc gia đã cho phép Bruine de Bruin và các đồng nghiệp của cô tuyển dụng rộng rãi hơn. “Bạn không cần phải ở tại địa phương,” cô nói, và bởi vì những người tham gia không phải vào phòng thí nghiệm, nên mẫu sẽ đa dạng hơn và sẽ dễ dàng hơn.
 
Các giải pháp kỹ thuật được thúc đẩy bởi đại dịch cũng có thể thúc đẩy việc củng cố khoa học. Alexander Holcombe, một nhà tâm lý học tại Đại học Sydney, Úc, nghiên cứu nhận thức thị giác, thứ mà ông mô tả là “một lĩnh vực khoa học rất hẹp, nơi mọi người không thực hiện các nghiên cứu trực tuyến trước đại dịch”. Giãn cách xã hội buộc nhóm của ông phải học các chương trình lập trình máy tính cần thiết để thực hiện các thí nghiệm trực tuyến. “Kết quả là chúng tôi có thể có được kích thước mẫu lớn hơn”, ông nói – “một cải tiến quan trọng về phương pháp”.
 
Brian Nosek, giám đốc điều hành tại Trung tâm Khoa học Mở, một tổ chức phi lợi nhuận ở Charlottesville, Virginia, coi đại dịch là cơ hội để suy nghĩ lại một số nguyên tắc cơ bản về cách nghiên cứu khoa học. “Đó là cơ hội cho chúng ta. Chà, chúng ta nên làm điều này như thế nào? Cách mọi người giao tiếp trong lĩnh vực này và tương tác với các cộng tác viên đã có sự thay đổi cơ bản. Tôi không nghĩ (cách nghiên cứu của) chúng ta sẽ quay trở lại (trước đại dịch).”
 
Đức Phát lược dịch
Nature 593 , 331-333 (2021) 

Tác giả