Cầu nối công ty fintech và ngân hàng

Cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính” (FCV) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong phối hợp tổ chức, không chỉ trao giải cho các ý tưởng tiềm năng mà còn “mai mối” thành công nhiều công ty fintech với ngân hàng.

Có khoảng 55% dân số sử dụng điện thoại di động (51 triệu người), dưới 55% sử dụng Internet (50 triệu người) nhưng chỉ 30% dân số có tài khoản ngân hàng – thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 60% của thế giới, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho công nghệ tài chính – fintech.

Trong khi đó, hiện Việt Nam có khoảng 80 công ty fintech, trong đó 27 công ty đảm trách vai trò trung gian thanh toán được Ngân hàng nhà nước Việt Nam (SBV) chấp nhận. Thị trường fintech chưa thực sự khởi sắc bởi mới có một vài ngân hàng đón nhận dịch vụ tiện ích từ các công ty này trong thanh toán điện tử, ngân hàng tự động…. Tính đến hết năm 2017, giá trị giao dịch thị trường fintech ở Việt Nam chỉ đạt mức 4,4 tỷ USD và tổng đầu tư nước ngoài liên quan đến fintech tại Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2017 cũng mới đạt khoảng 129 triệu USD. Vì vậy, SBV đã thành lập Ban Chỉ đạo lĩnh vực Fintech vào tháng 3/2017 có nhiệm vụ thiết lập các kênh đối thoại trực tiếp với các công ty công nghệ tài chính để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Một trong những sáng kiến của Ban Chỉ đạo lĩnh vực Fintech là phối hợp cùng Sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính” – cuộc thi đầu tiên về fintech được tổ chức tại Việt Nam, với mục tiêu tìm giải pháp trong 5 lĩnh vực: Thanh toán điện tử (e-payments), Định danh khách hàng điện tử (e-KYC); Cho vay ngang hàng (P2P Lending), Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs) và các giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain. Đây cũng là 5 lĩnh vực mà SBV đánh giá là trọng yếu về Fintech.

Cuộc thi thu hút hơn 140 công ty fintech (45 công ty Việt Nam và 97 công ty quốc tế), đến từ 31 quốc gia. Nhận xét về chất lượng cuộc thi, GS. Nguyễn Huy Triệu – CEO The Disruptive Group và là một thành viên của ban giám khảo cho rằng, ông rất ấn tượng với chất lượng và sự đa dạng lĩnh vực của các công ty fintech tham gia.

Một trong những điểm hấp dẫn của cuộc thi này là 15 ứng viên lọt vào Vòng Hùng biện sẽ được kết nối với các đối tác của FCV – một nhóm gồm các ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam như BIDV, Viettinbank, TPBank…. – đóng vai trò như các cố vấn trong vòng “ươm tạo” kéo dài 6 tuần. Đây là điểm sáng tạo của FCV, giúp khắc phục một thực trạng tồn tại bấy lâu là công ty fintech mới chỉ nắm về mặt kỹ thuật mà không hiểu về hoạt động của ngân hàng ở Việt Nam, vì thế không thể hoàn thiện mô hình và sản phẩm phù hợp với thực tế sử dụng.

Kết thúc vòng chung kết hùng biện, Ban Giám khảo của FCV bao gồm các chuyên gia Fintech đến từ Việt Nam và quốc tế đã lựa chọn ra 6 đội xuất sắc nhất đạt các giải của Ban Tổ chức, bao gồm: Instant.vn cung cấp giải pháp cho vay SMEs thuận tiện thông qua thuật toán hỗ trợ ngân hàng đánh giá hồ sơ cho vay, Kiu Global tích hợp hệ thống Hoạch định tài nguyên doanh nghiệp vào điện toán đám mây, cho phép doanh nghiệp xác định rủi ro và tính điểm tín dụng, Wecash – cho vay cá nhân thông qua đánh giá dữ liệu mạng xã hội, hoạt động thương mại điện tử,…, Enablecode – ứng dụng hỗ trợ giao dịch ngoại tệ trực tuyến, Tradle và Weezi cung cấp giải pháp về e-KYC. Bản thân các ngân hàng cố vấn đều đánh giá cao các ý tưởng này và mong muốn cùng hợp tác phát triển với các doanh nghiệp fintech trong tương lai. Đặc biệt, ý tưởng đạt giải nhất – Weezi đã phối hợp cùng đơn vị cố vấn – Vietinbank, triển khai thử nghiệm phiên bản thực tế của ngân hàng tự động, thanh toán xác nhận bằng nhận diện khuôn mặt, vân tay,…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) Lê Minh Hưng đánh giá cao ý tưởng tổ chức cuộc thi vì thông qua cuộc thi, các công ty tham gia có cơ hội giới thiệu rộng rãi các ý tưởng sáng tạo của mình cho nhà quản lý, cũng như các ngân hàng và nhà đầu tư. Hơn nữa, Ban Chỉ đạo Fintech của Ngân hàng Nhà nước sẽ nắm bắt được sâu hơn các công nghệ đang nổi áp dụng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng”.

 

Tác giả