Chỉ cần thêm một euro cho mỗi liều vaccine là có thể khống chế đại dịch

Gustav Oertzen, chuyên gia tư vấn quản lý và giảng viên về quản lý, Đại học Leuphana Lüneburg và Moritz Schularick giáo sư kinh tế vĩ mô và giám đốc Phòng thí nghiệm Tài chính vĩ mô tại Đại học Bonn, mới đưa ra phát hiện: chỉ cần thêm một euro vào giá mỗi liều vaccine là có thể khống chế đại dịch.

Để thoát khỏi đại dịch, chúng ta biết rằng phải có đủ vaccine tiêm cho toàn thế giới nhưng nhiều nơi trên thế giới đang phải đối mặt với cùng một vấn đề mà Đức phải đối mặt vào đầu năm nay, đó là tình trạng khan hiếm vaccine. Đến đầu tháng 8, chỉ có khoảng hai phần trăm người dân ở châu Phi được tiêm chủng đầy đủ. Và thành phần hoạt chất được sử dụng thường đến từ các nhà sản xuất không được chấp thuận ở châu Âu – chẳng hạn như Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc. Năng lực sản xuất toàn cầu vẫn còn quá nhỏ để bảo vệ hàng tỷ người bằng các loại vaccine hiệu quả nhất, đặc biệt thiếu vaccine mRNA.

Việc sản xuất các loại vaccine mRNA được nhiều nơi đặc biệt ưa chuộng không đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên nếu EU và Mỹ hợp lực có thể xoay chuyển tình thế.

Đức hiện đang bơi trong vaccine do việc tiêm chủng hầu như không được tăng tốc và Biontech và Moderna đã ồ ạt tăng lượng giao hàng. Vào lúc cao điểm, khoảng 6,5 triệu liều mỗi tuần tới Đức. Hồi gần tháng tư, Olaf Scholz (SPD) nói sẽ có hàng triệu liều vaccine xuất xưởng mỗi tuần, không ai tin, cuối cùng thì hóa ra ông ta đã tiên đoán đúng.

Hai tác giả của bài báo này là Gustav Oertzen, nhà tư vấn quản lý và giảng viên về quản lý, Đại học Leuphana Lüneburg và Moritz Schularick, là giáo sư kinh tế vĩ mô và giám đốc Phòng thí nghiệm Tài chính vĩ mô tại Đại học Bonn. Họ nhận xét, trong thực tế có thể nâng cao sản lượng các loại vaccine mRNA nếu có các biện pháp khuyến khích tài chính thỏa đáng hơn và có sự phối hợp với chính phủ. 

Sự đe dọa đối với nền kinh tế

Tất nhiên, đây không chỉ là vấn đề đối với những người ở châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á, những người đang bước vào làn sóng đại dịch tiếp theo mà không được bảo vệ. Nhiều người sẽ bị mất mạng oan vì đó là những cái chết đáng ra có thể tránh được. Đó cũng là một vấn đề đối với chúng ta và nền kinh tế của chúng ta bởi nếu phần còn lại của thế giới nằm trong vòng kiềm tỏa của đại dịch càng lâu thì sự phục hồi của nền kinh tế Đức cũng như những nền kinh tế khác thoát khỏi đại dịch sẽ càng yếu đi.

Xét về mặt dịch tễ, càng có nhiều người bị lây nhiễm trên thế giới thì nguy cơ phát sinh đột biến của virus càng lớn và khả năng đáp ứng vaccine thích hợp càng khó khăn hơn. Từ đó có nguy cơ tái phát dịch ở những quốc gia khác, trong đó có Đức. Nếu xuất hiện một biến thể mới và lại phải tiêm chủng hai mũi mỗi người nữa thì dẫn đến trường hợp: với mỗi tuần có được 6 triệu liều vaccine, Đức sẽ lại mất đến sáu tháng để tiêm chủng được cho 85% dân số.

Tuy nhiên việc nâng cao năng lực sản xuất phụ thuộc vào các công ty. Trước đây, mọi nỗ lực mở rộng sản xuất vaccine một cách ồ ạt đều bị các nhà sản xuất vaccine phản đối. Không ai nghi ngờ về những nỗ lực của các hãng dược phẩm như Biontech và Moderna trong vài tháng qua nhưng phải đến khi Nghị viện châu Âu và chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ sáng kiến của các nước mới nổi và đang phát triển đề nghị cho phép tự do sử dụng bằng sáng chế và chuyển giao bí quyết, họ mới bắt đầu đồng ý cung cấp hai tỷ lọ vaccine trong vòng 18 tháng với giá gốc. Tuy nhiên, người ta còn nghi ngờ là các cam kết thể hiện còn rất mơ hồ và các cam kết giao hàng vào cuối năm 2022 vẫn không biết có đủ năng lực thực hiện.

Điểm may mắn là hai công ty này giờ đã thể hiện rõ rệt khả năng mở rộng quy mô sản xuất, khi họ từng bước chủ động giải quyết. Mới đây, Biontech đã công khai các bức ảnh về cơ sở sản xuất của mình ở Marburg. Thời gian  xây dựng cơ sở sản xuất này chỉ mất tám tuần, từ giữa tháng 12 năm 2020 đến tháng 2 năm 2021. Việc sản xuất thành phần hoạt tính cho một tỷ liều mỗi năm sẽ được diễn ra ở đây. Mặt khác, trở ngại liên quan đến khả năng tăng năng lực sản xuất là nguồn cung cấp lipid cũng được giải quyết. Các công ty Merck và Evonik đã xây dựng một cơ sở sản xuất lipid mới trong khoảng tám tuần để có thể cung cấp nguyên liệu cho Biontech.

Không thể so với tiền mua khẩu trang

Giờ đây chúng ta đều biết tổng chi phí cho những yếu tố này. Biontech đã giải thích rõ ràng, chính xác với các nhà đầu tư của mình: khoảng 200 triệu euro đủ để xây dựng một cơ sở sản xuất một tỷ lọ vaccine mỗi năm ở Marburg. Để so sánh, chúng ta biết rằng năm ngoái, chính phủ Đức đã chi khoảng bảy tỷ euro cho việc mua sắm khẩu trang, nghĩa là nhiều gấp 30 lần.

Tính ra chi phí cho mỗi liều vaccine khi mở rộng sản xuất của Biontech ở Marburg chỉ là 20 xu. Ngay cả khi bạn giả định một cách hào phóng rằng các nhà cung cấp sẽ phải chịu gấp bốn lần chi phí đầu tư, bạn chỉ cần một euro cho mỗi liều vaccine. Nói cách khác, chúng ta có thể tạo ra năng lực sản xuất hàng tỷ liều vaccine bổ sung trong vòng vài tuần với chi phí tương đối nhỏ và đạt được mức độ bao phủ vaccine nhanh hơn trên toàn thế giới. Chỉ có điều chúng ta đã không làm.

Có một cách để giải quyết vấn đề này: EU và Mỹ chấp nhận trả thêm một euro cho 2,5 tỷ liều vaccine  mà họ đã đặt hàng. Đổi lại, Biontech và Pfizer sẽ cam kết tăng gấp đôi sản lượng  trong vòng ba tháng.

Giá bán hiện tại cho EU là 19,50 euro một liều. Một euro bổ sung sẽ tương ứng với mức giá cao hơn năm phần trăm. Cuối cùng, đây là những khoản tiền nhỏ để cứu mạng con người, bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ đột biến và tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế bền vững.

Xuân Hoài tổng hợp

Nguồn: Corona: Viel zu geringen Produktionskapazitäten für mRNA-Impfstoff – DER SPIEGEL

 

Tác giả