Cuộc gặp “16+1”: Các dự án nhiệt điện ở Ban Căng được Trung quốc hỗ trợ

Trong khi nước Đức đang xác định thời điểm để đóng cửa ngành than thì các nước ở vùng Balkan tại nỗ lực mở rộng, phát triển ngành công nghiệp than. Trung Quốc (TQ) đẩy mạnh "tiếp lửa" cho chủ trương này.

Những ai từng nghe nói về thảm hoạ ô nhiễm không khí ở TQ sẽ ngạc nhiên khi nghe nói về những số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc chỉ số về bụi mịn ở một số thành phố ở Nam Âu thậm chí còn cao hơn so với chỉ số ở các thành phố lớn TQ. Theo số liệu của WHO thì thành phố Tetovo của Macedonia là nơi có chất lượng không khí tồi tệ nhất ở châu Âu. Không khí ở các khu công nghiệp ở Tuzla và Zenica thuộc Bosnia – Herzegowina cũng rất tồi tệ.

Ngành công nghiệp than là kẻ gây ô nhiễm không khí chủ yếu tại một số thành phố ở Đông Âu – trên ảnh là thành phố Tuzla ở Bosnia.

Nguyên nhân gây nên thảm trạng này chủ yếu do ngành công nghiệp than: 13 trong tổng số 30 nhà máy nhiệt điện than tạo ra lượng khí thải độc hại trải dài từ Ba Lan cho đến tận Hy Lạp. Trong số 30 các nhà máy điện than có lượng khí thải CO2 lớn nhất thì có 12 nhà máy ở Nam Âu. Lượng khí thải CO2 dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng: hiện nay các nước như Ba lan, Czech, Bosnia-Herzegowina, Serbia, Macedonia, Hung và Rumani cũng như Hy lạp và Kosovo đều chủ trương xây dựng thêm các nhà máy điện than.

Không chỉ vấn đề người tị nạn mà vấn đề khí hậu là những yếu tố gây chia rẽ ngày càng mạnh mẽ nội bộ giữa các nước châu Âu. Trong khi chính phủ Đức thành lập Uỷ ban về than để xác định thời điểm đóng cửa ngành công nghiệp này thì các nước láng giềng phía Đông lại tăng cường phát triển vào điện than. Xu hướng phát triển này ở các nước vùng Balkan lại nhận được sự hỗ trợ tài chính của TQ. Đứng đằng sau nhiều dự án nhiệt điện là một loạt nhà đầu tư TQ. Ngay cuối tuần này trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ “16+1” tại Sofia ở Bulgari, TQ có thể hứa tăng tài trợ cho nguồn năng lượng bẩn này.

Cách đây ít tuần, tổ chức phi chính phủ (NGO) Bankwatch Network đã công bố một bộ hồ sơ khá đầy đủ về việc TQ hỗ trợ cho ngành công nghiệp than ở vùng Ban Căng như thế nào. Theo tài liệu này thì các doanh nghiệp và ngân hàng TQ tham gia vào ít nhất 5 dự án nhà máy nhiệt điện ở Bosnia-Herzegowina và Serbia. Trong đó có Kostolac 3 ở Serbia và nhà máy nhiệt điện Tuzla 7, Banovici, Gacko II và Kamengrad ở Bosnia-Herzegowina.

Tổ chức Bankwatch Network cho rằng tất cả các dự án nói trên đều không đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường. NGO này cho rằng “Không có bất cứ dự án nào trong số này đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường hiện nay của EU”. Do vấn đề môi trường nên các dự án này cũng khó tìm được các nhà đầu tư cho nhiệt điện chạy than ngoài các nhà đầu tư đến từ TQ. Các ngân hàng châu Âu có xu hướng rút khỏi mảng kinh doanh than.

Bên cạnh tiêu chuẩn về môi trường, Bankwatch Network còn chỉ trích các điều kiện trong hợp đồng về đầu tư cho ngành than, thường các điều kiện này là gánh nặng đối với các nước Nam Âu. Hơn nữa người ta nghi ngờ về khả năng sinh lời của các dự án điện than. NGO này cho rằng các dự án nhà máy điện than Tuzla 7 và Banovici ở Bosnia-Herzegowina thiếu đi cơ chế phối hợp với nhau.

Tương lai của công nghiệp than ở vùng Ban Căng cũng có ý nghĩa then chốt đối với Kosovo. Vì đất nước rất nhỏ bé này có trữ lượng than xếp hàng thứ năm thế giới. Ước đoán trữ lượng than nâu ở đây có thể lên tới gần 15 tỷ tấn (trữ lượng này lớn hơn tổng trữ lượng than nâu ở cả Trung Quốc).

Các nhà máy điện than ở Kosovo phun ra không khí một lượng lớn bụi bồ hóng. Năm 2017, Kosovo đã ký thoả thuận với nhà điều hành ContourGlobal của Anh một hợp đồng xây dựng nhà máy điện than mới, công suất lên đến 470 Megawatt đáp ứng một nửa nhu cầu về năng lượng của đất nước này.

Không chỉ có các NGO chỉ trích dự án này mà cả tổ chức quốc tế Energy Community cũng đã chỉ trích các điều kiện hợp đồng mang tính một chiều, theo đó hầu hết rủi ro của dự án hầu như do phía Kosovo gánh chịu, có nghĩa là tất cả đều đổ lên đầu người đóng thuế ở nước này.

Igor Kalaba, nhà điều phối khu vực các nước Nam Âu của tổ chức NGO CAN Europe, cho rằng EU có nghĩa vụ phải bày tỏ quan điểm: “EU không thể khoanh tay đứng nhìn khi các nước thành viên tương lai ở vùng Ban Căng đầu tư cho điện than thay vì cho năng lượng tái tạo, thậm chí còn không thực hiện các tiêu chuẩn về môi trường?  EU phải ra tín hiệu, điều này là không thể chấp nhận được”.

Theo điều phối viên Kalaba, có nhiều giải pháp để thay thế điện than. Ngay cả TQ cũng sẵn sàng tăng cường đầu tư cho năng lượng tái tạo ở vùng Ban Căng. Kabala cho rằng “vấn đề không phải là ở chỗ TQ không muốn ủng hộ năng lượng tái tạo mà là các nước vùng Ban Căng lại thiên về các dự án điện than”.

Xuân Hoài dịch

Nguồn: https://www.wiwo.de/politik/europa/161-treffen-wie-china-kohleprojekte-am-balkan-befeuert/22767616.html

Tác giả