Đánh giá về mô hình điều trị HIV mới ở Việt Nam

“HIV clinic-based buprenorphine plus naloxone versus referral for methadone maintenance therapy for treatment of opioid use disorder in HIV clinics in Vietnam (BRAVO): an open-label, randomised, non-inferiority trial”, một đánh giá vừa được công bố trên tạp chí The Lancet HIV đã đem lại cái nhìn mới về sáng kiến lồng ghép điều trị rối loạn sử dụng opioid (opioid bao gồm các loại thuốc phiện, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, bao gồm cả morphin) cùng với điều trị HIV tại Việt Nam.


Sử dụng buprenorphine là phương án cần thiết với các quốc gia muốn mở rộng khả năng tiếp cận điều trị rối loạn sử dụng opioid. Nguồn: bcpharmacy.ca

Nghiên cứu này là một trong những đánh giá khoa học đầu tiên về mô hình điều trị HIV mới ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi nạn tiêm chích ma túy là nguyên nhân chính gây nhiễm HIV. Nó cũng cho thấy tầm quan trọng trong việc xây dựng mạng lưới kết nối cộng đồng để giải quyết ‘bệnh dịch’ opioid đang tiếp tục hoành hành nước Mỹ giữa đại dịch Covid-19. Các nhà khoa học Việt Nam tại trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế và các đồng nghiệp quốc tế tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon đã phối hợp với nhau để tiến hành nghiên cứu này.  

“Nghiên cứu của chúng tôi gợi ý rằng các quốc gia muốn mở rộng việc điều trị rối loạn sử dụng opioid bằng buprenorphine nên xem xét các biện pháp can thiệp để hỗ trợ duy trì việc điều trị hướng đến mạng lưới gia đình, đồng nghiệp và nhân viên y tế cộng đồng”, giáo sư Todd Korthuis, người dẫn đầu trong lĩnh vực thuốc cai nghiện tại OHSU và là tác giả liên hệ của công trình này, cho biết.  

Korthus là giáo sư y khoa (chuyên ngành nội tổng quát và lão khoa) tại trường Y OHSU. Sau quãng thời gian tham gia chương trình học giả tham cứu của Fullbright giai đoạn 2020-2023, ông đã quyết định cùng các nhà khoa học khác khởi xướng chương trình này tại Việt Nam. Họ đã thử nghiệm ngẫu nhiên nhiều địa điểm đầu tiên so sánh liệu pháp điều trị bằng buprenorphine tại phòng khám HIV so với việc chỉ đề xuất bệnh nhân HIV đến phòng khám methadone để điều trị rối loạn sử dụng opioid. Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra tác động của rối loạn sử dụng opioid và HIV, cũng như mức độ hiệu quả của việc điều trị đối với bệnh nhân.  

Các nhà khoa học nhận thấy rằng việc hỗ trợ bệnh nhân liên tục là yếu tố then chốt. “Nghiện là một bệnh của não, vì vậy nó hay tái phát”, một trong số các tác giả của nghiên cứu, TS.BS Lê Minh Giang, Chủ nhiệm bộ môn Sức khỏe toàn cầu tại Đại học Y Hà Nội, cho biết trên kênh podcast của The Lancet HIV. “Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân từ bỏ việc điều trị rối loạn sử dụng opioid và sau đó lại tái nghiện. Đó là vấn đề đối với những người không được nhân viên y tế hỗ trợ tốt”.  

Buprenorphine, còn được gọi là Suboxone, có thể được kê đơn và sử dụng bên ngoài phòng khám chuyên khoa cai nghiên, trong khi việc dùng methadone phải được giám sát chặt chẽ một phần vì nguy cơ quá liều cao hơn ở những cơ sở không được giám sát. Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2015 đến tháng 2/2018, có khoảng 281 người đã tham gia vào dự án thử nghiệm điều trị bằng buprenorphine đầu tiên ở Việt Nam. “Phương pháp điều trị này linh hoạt hơn so với việc duy trì bằng methadone”, Korthuis nói. “Bạn có thể tích hợp nó vào các phòng khám HIV, và về mặt lý thuyết, cả phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu.” Thêm vào đó, “methadone là một loại thuốc cần được kiểm soát thật cẩn thận trong một cơ sở chuyên khoa”.  

Nghiên cứu mới cho thấy việc sử dụng buprenorphine là phương án cần thiết đối với các quốc gia muốn mở rộng khả năng tiếp cận điều trị rối loạn sử dụng opioid, đặc biệt là ở những bệnh nhân đang điều trị HIV. “Tôi rất ấn tượng trước sự đan kết xã hội vô cùng chặt chẽ ở Việt Nam”, Korthuis cho biết. “Không thể không nhắc đến vai trò của gia đình, vai trò của khu phố và vai trò của cộng đồng trong mọi mặt cuộc sống, trong đó bao gồm chăm sóc sức khỏe”. 

Trên thực tế, Korthuis đã và đang triển khai một mô hình tiếp cận tương tự ở một số khu vực nông thôn tại Oregon, thông qua một sáng kiến do Viện Y tế Quốc gia tài trợ. Sáng kiến này được biết đến với tên gọi Oregon HOPE, hướng đến việc dựa vào những người đã khỏi nghiện để thu hút những người hàng xóm của mình tham gia vào các dịch vụ phòng ngừa và điều trị. Chương trình đang được triển khai tại một số quận trên khắp miền Nam và miền Đông Oregon. □

Anh Thư dịch
Nguồn: https://www.eurekalert.org/pub_releases/2021-02/ohs-nse020421.ph

Tác giả