Giầy tạo kỷ lục về tốc độ ở Tokyo

Tại Olympic Tokyo, điều nổi bật là sự xuất hiện một loạt kỷ lục mới ở môn điền kinh. Một trong những nguyên nhân là nhờ giày công nghệ cao của các vận động viên. Karsten Warholm, kỷ lục gia mới ở môn chạy vượt rào 400 mét, nói: “Chính đôi giầy đã khiến tôi có sức bền lâu hơn”.

Trước Thế vận hội năm 1968 ở Mexiko, một loại giày kỳ diệu đã làm giới điền kinh trầm trồ. Hãng sản xuất dụng cụ thể thao Puma của Đức đã phát triển một loại giày chạy bộ rất tuyệt vời nhờ nó một loạt kỷ lục đã bị các vận động viên Hoa Kỳ về chạy tốc độ phá vỡ. Thông thường, loại giày này có từ sáu đến tám đinh dài, riêng loại “giầy bàn chải” này có tới 68 đinh ngắn ở phía trước phần đế. Hồi đó mới xuất hiện đường chạy bằng nhựa tổng hợp, loại đế này có độ bám đất rất cao và giảm thiểu tối đa lực cản.

Điều này không những đã làm cho các vận động viên chạy khác bức xúc với các vận động viên Mỹ mà đối thủ cạnh tranh của Puma ở Đức là Adidas cũng nổi đóa. Do đó, Adidas đã lưu ý Liên đoàn điền kinh thế giới mẫu giầy mới này phạm quy. Các kỷ lục đã bị thu hồi và loại giày này bị cấm sử dụng trong Thế vận hội. Hơn 50 năm sau lại có những đổi mới về công nghệ dưới đôi chân các vận động viên điền kinh gây xôn xao dư luận.

Trong chung kết cự ly 400 mét rào nữ, tuyển thủ người Mỹ Sydney McLaughlin đã giành HCV chỉ trong 51,46 giây. Cô gái 21 tuổi này đã cải thiện kỷ lục thế giới của mình vào cuối tháng 6 thêm 44% giây. Ở vị trí thứ hai, cựu kỷ lục gia thế giới Dalilah Muhammad rõ ràng không đạt được thành tích tương đương kỷ lục cũ. Còn giật gân hơn nữa là chung kết 400m rào nam, Karsten Warholm của Na Uy phá kỷ lục chạy vượt rào 46 giây trong thành tích 45,94 giây, sau đó Rai Benjamin (46,17) và Alison dos Santos (46,72) cũng đạt tốc độ giới hạn của nội dung này.

Usain Bolt chỉ trích 

Trong màn lên ngôi của các kỷ lục trong môn điền kinh có vai trò đáng kể của cuộc chiến vật chất trong ngành sản xuất đồ thể thao. Đối với cú chạy tuyệt vời, đôi giầy của Warholm tỏ ra cực kỳ hữu ích. Hãng trang bị đồ thể thao Puma đã kết hợp với các kỹ sư của cuộc đua công thức 1 của Mercedes để phát triển một loại đinh-công nghệ cao. Phần nguyên liệu bên cho phần trên được làm bằng sợi carbon, phần đế cũng là một miếng carbon có thể uốn cong và ngay lập tức trở về hình dáng. “Loại giày này giúp tôi giữ được sức bền lâu hơn để dồn vào cú bung sức ở 100 mét cuối cùng”, Warholm đã nói về hiệu ứng này của đôi giầy. Bên cạnh Warholm còn có Andre De Grasse, vận động viên cự ly tốc độ người Canada, sử dụng loại giầy này.

Huyền thoại về môn chạy tốc độ Usain Bolt đã chỉ trích sự phát triển này trước khi diễn ra Thế vận hội. “Khi người ta kể với tôi về chuyện này, quả thật tôi không nghĩ chúng ta lại đi đến mức như vậy. Chúng ta đã biến những cái đinh công nghệ cao tạo lợi thế cho vận động viên để có thể chạy nhanh hơn”. Puma đã phản ứng rất khôn khéo và ngoại giao trước những lời nhận xét này . “Thật khó nói là liệu với đôi giầy này, Usain Bolt có chạy nhanh hơn hay không. Tuy nhiên theo thời gian thì đương nhiên những đôi giầy cũng phải phát triển và quả là chúng đã nhẹ hơn”, theo lời phát ngôn viên của Puma. Từ lâu đã có sự tranh luận về tác động của khoa học đến thể thao, đây là một thực tế.

Năm 2016, hãng Nike đã đưa  “Swoosh”, loại giầy công nghệ cao đầu tiên ra thị trường. Lập tức các vận động viên chấp nhận ngay và tạo ra một loạt kỷ lục thế giới trên các đường đua, kể cả nội dung marathon. Nếu cách đây nửa thế kỷ, giữa các hãng sản xuất và các vận động viên điền kinh rộ lên sự tranh cãi về sự không công bằng trong cạnh tranh nhưng lần này Liên đoàn điền kinh thế giới đánh giá công nghệ mới là “hợp chuẩn”. Và một loạt nhà sản xuất đã chạy theo xu hướng này.

1% cũng có thể quyết định chiến thắng hay thất bại

Hiện nay, giầy của tất cả các vận động viên hàng đầu, kể cả vận động viên chạy marathon đều dùng loại giầy có trang bị tấm carbon. Giầy của các vận động viên chạy đường dài còn có đế với một loại xốp đặc biệt không những có khả năng lưu giữ năng lượng của vận động viên mà còn có thể nhả ra năng lượng. Mỗi bước có một hiệu ứng phóng nho nhỏ tiếp sức cho vận động viên rảo bước nhanh hơn và cải thiện thành tích của mình. Nhờ cải thiện công nghệ, cơ bắp và các khớp ở vận động viên được bảo vệ nhiều hơn, do đó tạo hiệu quả cao hơn khi luyện tập và sự phục hồi cũng nhanh hơn.

Nhiều kỷ lục trong thời gian qua trong môn điền kinh không thể chỉ được giải thích với những đôi giày được cải tiến. Ví dụ như ở sân vận động Olympic ở Tokyo, đường đua do công ty Mondo của Ý phát triển đóng một vai trò quan trọng. Bề mặt của nó bao gồm các hạt cao su ba chiều cho phép hấp thụ sốc và hoàn trả năng lượng – gần giống như tấm bạt lò xo. “Đổi mới là quan trọng và là một phần của thể thao. Trong quá khứ, người ta đi trên tro, sau đó là tartan, ngày nay là Mondo. Trong quá khứ, đinh được làm bằng da, ngày nay chúng được làm bằng carbon. Đó cũng là một phần của sự phát triển của thời đại.

Tuy nhiên phải có một ngăn cách mọi sự không vượt ra khỏi tầm kiểm soát, không để xảy ra sự cố như với bộ môn bơi lội. Trong thời gian từ năm 2000 đến 2010, bộ quần áo bơi lội toàn thân công nghệ cao của các vận động viên bơi lội có một lớp phủ đặc biệt giúp các vận động viên trườn nhanh hơn và đạt tốc độ cao hơn. Riêng tại Thế vận hội ở Bắc Kinh năm 2008 đã có 25 kỷ lục thế giới mới, một năm sau tại cuộc đua thế giới về bơi lội ở Roma thậm chí có tới 43 kỷ lục thế giới mới. Năm 2010, “bộ đồ thần kỳ” đã bị Hiệp hội bơi thế giới cấm. Để ngăn điều này xảy ra trong môn điền kinh, người ta hy vọng các huấn luyện viên sẽ có một cách tiếp cận nhất quán hơn.

Theo Liên đoàn điền kinh thế giới, một nhóm công tác đặc biệt sẽ thu thập các thông số sau các trận đấu để tạo sự cân bằng giữa đổi mới, lợi thế cạnh tranh và tính sẵn có của sản phẩm. Đây có thể là một cuộc chiến vật chất đầy cam go.

Và như trong rất nhiều môn thể thao, còn có một cuộc chiến chống lại doping. Bởi vì với nhiều kỷ lục thể thao, luôn rộ lên nghi ngờ liệu thành tích thi đấu xuất sắc là do tiến bộ kỹ thuật, đào tạo và tài năng – hay còn có sự trợ giúp của những chất “dinh dưỡng”, thúc cơ bắp không được phép sử dụng. Do ảnh hưởng của đại dịch nên hệ thống chống doping toàn cầu ít nhiều đã phải giảm hoạt động, có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng doping trên thế giới. Niềm vui trước những thành tích tuyệt vời về thời gian ở Tokyo không thể làm chúng ta không nghĩ đến vấn đề lạm dụng doping. Ranh giới giữa thành tích của bản thân vận động viên và tác động của công nghệ luôn là một lĩnh vực rất khó để phân biệt rành rọt.

Xuân Hoài lược dịch

Nguồn: Olympia 2021: Das Geheimnis der Rekordflut von Tokio – WELT

Tác giả