Lao động trẻ: Tỉ lệ thất nghiệp cao, kỹ năng mềm ở mức trung bình

Nhóm lao động trẻ sở hữu nhiều lợi thế như sức khỏe, sự năng động, trình độ học vấn nhưng lại có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và chỉ đáp ứng yêu cầu về kỹ năng mềm ở mức kém và trung bình trong các doanh nghiệp FDI.

Đây là những thông tin đáng chú ý trong Báo cáo “Đánh giá về tình trạng thiếu hụt kỹ năng nghề nghiệp và thực hành tốt của doanh nghiệp để nâng cao tay nghề cho thanh thiếu niên yếu thế và dễ bị tổn thương” do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) thực hiện. 


Kỹ năng “ứng xử với khách hàng”, “làm việc nhóm”, quản lý cảm xúc và kỹ năng sáng tạo là nhóm kỹ năng được các nhà tuyển dụng kỳ vọng. Các nhà tuyển dụng cũng cho biết sẽ cắt giảm lao động ở các khâu lặp lại để thay thế bằng robot. Nguồn ảnh minh họa: Dangcongsan.vn

Kiến thức và kỹ năng không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng

Trong một thập niên qua, có tình trạng sụt giảm tỉ lệ lao động ở nhóm lao động trẻ (15-24 tuổi). Báo cáo này lý giải một phần sự sụt giảm trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của thanh thiếu niên có thể do những năm gần đây thanh thiếu niên đi học bậc Đại học/Cao đẳng ngày càng nhiều hơn và giảm tỷ suất sinh. Quy mô lao động trẻ có xu hướng giảm dần, từ 8,5 triệu người trong năm 2010 xuống còn khoảng 6,6 triệu người vào năm 2018. Ngoài ra, từ năm 2000, nhóm lao động trẻ ngày càng học lên cao hơn – tỷ lệ thanh thiếu niên đi học cao đẳng/ đại học tăng lên gấp 3 lần, từ 9% lên gần 30% vào năm 2016.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất là tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhóm lao động trẻ (gần 7%, so với 1.5% ở nhóm 25-49 và gần 1% ở nhóm 50+) cho thấy các em thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm so với các nhóm tuổi lớn hơn. Trong đó, hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao nhất, đều gần 9%. Đây cũng là hai khu vực có người lao động di cư và làm các công việc phi chính thức trong các đô thị nhiều nhất hiện nay, trong tổng số 6 vùng kinh tế. Lý giải về điều này, nhóm tác giả của báo cáo cho rằng, có thể một do nhóm lao động trẻ chỉ vừa mới gia nhập lực lượng lao động và phải rất chật vật để cạnh tranh với những người lao động lớn tuổi và dày dặn kinh nghiệm hơn.   

Điểm đáng chú ý ở đây là chính nhóm có trình độ học vấn cao lại có tỷ lệ thất nghiệp cao rõ rệt. Thêm vào đó là tỷ lệ thất nghiệp của những lao động trẻ có bằng cao đẳng/đại học hoặc sau đại học cao hơn so với nhóm còn lại. Điều này phản ánh thực trạng mất cân bằng giữa kiến thức và kỹ năng mà các em được đào tạo so với nhu cầu thực tế của nhà tuyển dụng. Đây chính là rào cản đối với sinh viên mới tốt nghiệp khi tìm một môi trường làm việc phù hợp. 

Cụ thể, về kỹ năng cứng, các doanh nghiệp tham gia khảo sát khá hài lòng với các kỹ năng đọc hiểu văn bản hướng dẫn, tính toán cơ bản, công nghệ thông tin (CNTT) cơ bản/ tin học văn phòng. Nhưng các kỹ năng về ngoại ngữ và tin học nâng cao của người lao động bị đánh giá là yếu nhất. Khoảng một nửa lao động trong khối sản xuất được các doanh nghiệp cho điểm đánh giá kỹ năng dưới mức trung bình, lao động khối văn phòng “nhỉnh” hơn chút ít nhưng cũng chỉ đạt điểm trên trung bình.  

Về các kỹ năng mềm, các kỹ năng “ứng xử với khách hàng”, “làm việc nhóm”, quản lý cảm xúc và kỹ năng sáng tạo là nhóm kỹ năng được các nhà tuyển dụng kỳ vọng thì được đánh giá ở mức trung bình trong nhóm lao động được hiện tại. Nhưng đáng ngại nhất là ba kỹ năng về (1) hướng dẫn, giảng dạy, đào tạo con người, (2) bán hàng, và (3) thuyết trình của lao động trẻ chỉ được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá là kém hoặc dưới trung bình.

Nhóm lao động trẻ cũng phải đứng trong một nghịch lý khác, là họ có khả năng sử dụng công nghệ, hấp thụ các kỹ năng việc làm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhiều nhất so với các nhóm tuổi khác nhưng đến nay vẫn chủ yếu làm các công việc phi chính thức (lên tới 60%) – bấp bênh, không có hợp đồng lao động ổn định, mức độ an toàn thấp. Nếu nhóm này làm trong khu vực phi chính thức cũng thường là việc giản đơn, rất dễ bị tự động hóa và máy móc thay thế. Theo dữ liệu từ Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR, 2018), trong giai đoạn 2019-2021, mức độ tăng trưởng hàng năm của các lô hàng robot công nghiệp tại Việt Nam có thể vượt quá 40%, gần gấp đôi tỷ lệ này ở Thái Lan và Trung Quốc. 

Doanh nghiệp tiếp tục giảm nhu cầu lao động giản đơn

Đây là những thực trạng đáng chú ý để chính phủ, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo đưa ra chiến lược tập trung hỗ trợ lao động trẻ, bởi vì trong bối cảnh chuyển đổi số, tự động hóa mạnh mẽ khiến máy móc thay thế nhiều công đoạn lặp lại và nhà tuyển dụng sẽ cần kỹ năng mềm nhiều hơn. Trong cuộc khảo sát tại 44 quốc gia của ManPower Group vào năm 2019, 19.000 doanh nghiệp cho biết ưu tiên các kỹ năng của con người (kỹ năng mềm như kỹ năng xã hội và cảm xúc) hơn các kỹ năng về kỹ thuật bởi máy móc thường làm tốt hơn con người trong công việc mang tính chu trình/ lặp lại.

Khảo sát này cũng cho thấy các doanh nghiệp sẽ có nhiều thay đổi về nhu cầu nhân sự trong thời gian tới. Tiêu biểu, ngành Dệt may sẽ có xu hướng cần nhiều lao động có tay nghề ở mức trung bình hoặc cao hơn, tiếp tục giảm tỉ lệ lao động giản đơn. Ngành này sẽ cần thêm lao động cho các vị trí mới như: vẽ và tạo mẫu 3D, thiết kế và in ấn 3D, lập trình robot dệt, đánh giá và phân tích mẫu trong môi trường ảo VR, gửi và nhận mẫu sản phẩm hoặc thiết kế đến máy cắt vải qua công nghệ đám mây, dự đoán lịch bảo trì, quản lý chuỗi cung ứng điện tử, trang thương mại điện tử…. “Không thể đứng ngoài cuộc CMCN4.0. Các doanh nghiệp sẽ tận dụng lợi thế của mình cũng như điều kiện áp dụng các thiết bị máy móc hiện đại để thay thế lao động giản đơn, những người còn ở lại làm việc, còn được sử dụng làm việc thì đương nhiên phải có chất lượng cao hơn, có những kỹ năng cao hơn, những kỹ năng khác biệt hơn. Những công việc còn kiểu lặp đi lặp lại hiện nay chắc chắn sẽ bị thay thế”, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết. 

Về kế hoạch đào tạo và tuyển dụng mới nhân sự, khoảng 1/3 doanh nghiệp cho biết sẽ giữ nguyên đội ngũ nhân viên hiện tại và có thêm các hoạt động đào tạo nội bộ nhưng cũng có tới hơn 20-30% doanh nghiệp lên kế hoạch tuyển dụng thêm lao động với kiến thức/kỹ năng chuyên biệt. Do đó, rất cần hỗ trợ đào tạo và đầu tư vào giáo dục để nâng cao kỹ năng cho lao động trẻ. 

Tất cả những khó khăn trên càng trở nên nặng nề với nhóm lao động trẻ nhất là độ tuổi 15-17 và nhóm yếu thế nhất hiện nay là nhóm khuyết tật. Một mặt, các nhóm này thường ít có kỹ năng và kiến thức nhất. Mặt khác, các doanh nghiệp không đặt nhiệm vụ tuyển dụng các nhóm này trong sứ mệnh và tầm nhìn của mình vì nhiều quy định pháp luật phức tạp, thậm chí nhiều công ty không nắm hết các quy định tuyển dụng hai nhóm đặc biệt này; đồng thời khó đầu tư cơ sở vật chất thân thiện cho người lao động khuyết tật. Trong khi các ưu đãi về thuế để tuyển dụng các nhóm yếu thế chưa đủ hấp dẫn để các công ty xây dựng chính sách tuyển dụng đa dạng. Khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp lo lắng về năng lực thể chất/ tinh thần và khả năng hòa nhập của những lao động khuyết tật này. Chỉ có các công ty CNTT có điều kiện làm việc linh hoạt mới cho biết sẵn sàng tuyển dụng người khuyết tật nhất (77%), tỉ lệ này ở các công ty Dệt May & Da giày và các công ty Du lịch & Lữ hành lần lượt là 48% và 39%. Các công ty cũng có ít xu hướng tuyển dụng với các nhóm yếu thế khác như dân tộc thiểu số, LGBTQ hay những người nhiễm HIV.

Khuyến nghị

Do đó, TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng MDRI, trưởng nhóm thực hiện Báo cáo, khuyến nghị “Chính phủ nên xây dựng và phát triển nền tảng dịch vụ việc làm tự động, miễn phí và dễ tiếp cận với thông tin về thị trường việc làm được cập nhật liên tục; cùng với đó là đưa ra các ưu đãi hấp dẫn hơn về thuế và các gói hỗ trợ tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng chính sách tuyển dụng bao trùm dành nhóm lao động yếu thế và dễ bị tổn thương. Các cơ sở giáo dục nên thiết kế chương trình giảng dạy sáng tạo và tự chủ để đáp ứng yêu cầu của thị trường việc làm. Ngoài ra, nội dung định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo sở thích thích cũng cần được lồng ghép một cách có ý nghĩa vào chương trình học ngay từ cấp tiểu học để các em học sinh trau dồi năng lực khám phá bản thân và nuôi dưỡng tài năng, giúp các em chuẩn bị tốt hơn cho quá trình chuyển tiếp trong tương lai.”

Mặt khác, các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo nghề cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để tích hợp đào tạo kỹ năng mềm, hướng nghiệp vào chương trình giảng dạy chính thức. Chẳng hạn, các doanh nghiệp có thể tham gia thiết kế hoặc cung cấp giáo trình cho các cơ sở đào tạo, thông qua tích hợp hoặc phát triển các chương trình hoặc khóa học, các chương trình thực tập và trao đổi thực tập sinh, các chương trình đào tạo cho sinh viên và nhân viên, làm giảng viên khách mời, thiết kế các chương trình học cụ thể hoặc các khóa học chuyên môn để đáp ứng nhu cầu của ngành…

Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ cần trao đổi với các bên liên quan trong việc đưa ra các đánh giá, phản hồi về các chính sách, dịch vụ hỗ trợ cũng như thực hiện nghiên cứu thị trường để tư vấn chính sách cho chính phủ nhằm nhân rộng thực hành tốt sau thí điểm ở cấp độ quốc gia.Riêng đối với nhóm lao động trẻ yếu thế như những người khuyết tật, TS Phùng Đức Tùng cho biết, Chính phủ nên đưa ra các ưu đãi về thuế và các gói hỗ trợ tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương. Ngân sách nhà nước cũng nên chi trả một phần tiền lương thử việc, học nghề của người lao động khuyết tật. Chính phủ nên nghiên cứu, xem xét quy định một tỷ lệ cụ thể về vị trí công việc dành riêng cho lao động yếu thế và dễ bị tổn thương trong doanh nghiệp.

Bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng thương mại gia tăng và đại dịch COVID-19, sẽ càng gây ra nhiều áp lực và thách thức với thanh niên. Ông Felix Weidenkaff, chuyên gia về việc làm của ILO cho rằng bối cảnh xã hội hiện nay có thể đặc biệt gây bất lợi cho những người trẻ tuổi vì “triển vọng nghề nghiệp của họ nhạy cảm với suy thoái kinh tế hơn so với lao động lớn tuổi. Vì cơ hội trong các khu vực kinh tế chính thức ngày càng ít đi, giới trẻ ngày càng khó dịch chuyển từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức”.

Tác giả