Môi trường học thuật mở

Chưa có được một cơ sở vật chất lý tưởng phục vụ nghiên cứu và một chế độ thu nhập hấp dẫn để giữ chân người tài nhưng Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn vẫn luôn là đơn vị có công bố dẫn đầu Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) do đã tạo dựng và duy trì thành công một môi trường học thuật mở từ nhiều năm nay.


PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh (trái) và các thành viên phòng Vật liệu từ và siêu dẫn (Viện Khoa học vật liệu) bên thiết bị hiển vi điện tử quét phát xạ trường Hitachi S-4800.

Ngay từ những năm 1990, thế hệ những nhà nghiên cứu đi trước như GS. TSKH Nguyễn Xuân Phúc, PGS. TS Lê Văn Hồng đã có chủ trương hình thành tư duy mở trong nghiên cứu học thuật ở Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn bằng việc tạo dựng một môi trường nghiên cứu minh bạch, dân chủ. Đó là cơ sở để mỗi thành viên của phòng chủ động sáng tạo trong nghiên cứu và mở rộng liên kết quốc tế”, PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh, trưởng phòng Vật liệu từ và siêu dẫn, lý giải về tính mở này với phóng viên Tia Sáng.

Một cộng tác viên lâu năm của Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn, PGS. TS Nguyễn Phúc Dương, Viện phó Viện ITIMS (Đại học Bách khoa Hà Nội), nhận xét, tính mở đã “hút” nhiều nhà nghiên cứu ngoài Viện Khoa học vật liệu về trao đổi học thuật, dù không phải lúc nào hai bên cũng có thể tiến tới việc cùng nhau thực hiện một dự án nghiên cứu. Anh cho biết, “uy tín của các thầy và sự thông cảm, chia sẻ của họ đối với các nhà nghiên cứu trẻ trong đó tạo cho người ta cảm giác muốn đến để trao đổi, ví dụ ngay cả một tiến sỹ trẻ ở ITIMS cũng có thể mạnh dạn tới hỏi ý kiến các thầy về khả năng lựa chọn một hướng nghiên cứu nào đó”.

Tính mở được các thế hệ Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn duy trì và phát triển qua nhiều năm thông qua “sự hợp tác linh động với đồng nghiệp Việt Nam ở nước ngoài trong trao đổi ý tưởng khoa học, tài liệu nghiên cứu và có công bố chung”, GS. TSKH Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nhờ làm tốt điều đó, Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn đã có những mối quan hệ hợp tác trong nước, quốc tế tốt với Viện ITIMS, Phòng thí nghiệm Nhiệt độ thấp (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN), ĐH Hanyang (Hàn Quốc), ĐH Tohoku (Nhật Bản), Thụy Điển, Mỹ, Anh, Bỉ… Kết quả là những hướng nghiên cứu về vật liệu perovskite từ tính, hạt nano từ, vật liệu hấp thụ tuyệt đối (metamaterials), vật liệu xúc tác nano từ, ôxít titan (TiO2), vật liệu màng từ đa lớp mà Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn theo đuổi đều thuộc mối quan tâm chung của đồng nghiệp trong nước và quốc tế cùng lĩnh vực. Hằng năm, số lượng công bố trên tạp chí ISI, SCI của Phòng đều ở con số trên dưới 20, riêng năm 2016, số lượng này tăng lên 30 bài.

Mở để thu hút nhân lực

Góp phần vào sự ổn định của lượng công bố quốc tế hằng năm là lực lượng các nhà nghiên cứu trẻ, “dù không về nhiều một lúc như ITIMS nhưng đều là những người chủ chốt, đủ khả năng triển khai các ý tưởng, và tạo dựng phương hướng nghiên cứu, có thể ở mức tương đương với đồng nghiệp ở nhiều trung tâm mạnh của Việt Nam”, PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh cho biết.

Giữa lúc có rất nhiều trường đại học tư với mức lương hấp dẫn như Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM)… mở cửa đón nhân tài thì tại sao các nhà nghiên cứu trẻ lại lựa chọn làm việc ở Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn? PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh cho biết, tính mở là yếu tố quyết định, “khi chưa giúp nhau được gì nhiều thì chúng ta hỗ trợ nhau bằng cách tạo ra môi trường làm việc tốt, trao đổi học thuật thẳng thắn, chia sẻ sử dụng thiết bị để phục vụ nghiên cứu”. Có lẽ, đây cũng là cách làm chung mà các đơn vị nghiên cứu nhà nước không có lợi thế về thu nhập vẫn áp dụng. Trong một cuộc trao đổi với Tia Sáng, PGS. TS Nguyễn Sum (Khoa Toán, ĐH Quy Nhơn), người được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017, cũng tiết lộ, đến 90% người học ở nước ngoài đã về lại Khoa Toán làm việc vì cảm thấy thoải mái trong môi trường cởi mở, thân thiện và tôn trọng lẫn nhau.

Nhờ tính mở trong môi trường nghiên cứu mà nhiều thành viên trẻ đã bắt nhịp rất nhanh với công việc, điển hình như trường hợp của TS. Nguyễn Thanh Tùng, tuy mới chuyển về từ Viện KH&CN Quân sự (Bộ Quốc phòng) được hai năm nhưng đã là một trong những nhân vật chủ chốt của nhánh nghiên cứu về vật liệu siêu hấp thụ. PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh nhận xét, TS. Nguyễn Thanh Tùng có nền tảng chuyên môn vững, khả năng thích ứng với hoàn cảnh cao và giữ nhiều mối quan hệ quốc tế tốt sau quãng thời gian học tập tại Hàn Quốc, Bỉ và Nhật Bản. Anh đã sớm trở thành “người trong cuộc” từ khi còn ở nước ngoài, “kết nối và làm việc cùng các nhà khoa học của Viện sớm, đặc biệt là GS. TS.Nguyễn Quang Liêm và PGS. TS. Vũ Đình Lãm”, TS. Nguyễn Thanh Tùng cho biết. Là “người trong cuộc” với TS. Nguyễn Thanh Tùng còn là cùng với đồng nghiệp trong nước hướng dẫn sinh viên đại học, sau đại học từ xa.

Dù không gặp nhiều thuận lợi như TS. Nguyễn Thanh Tùng, thậm chí là phải đối mặt với khó khăn trong suốt thời gian dài như TS. Phạm Hoài Linh, một nhà nghiên cứu trẻ khác của Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn, cũng “không có ý định rời Viện, không muốn rời khỏi một nơi mà mọi người dễ dàng chia sẻ, hỗ trợ nhau trong học thuật” như lời tâm sự của chị với phóng viên Tia Sáng.

Sau hơn hai năm bảo vệ luận án tiến sĩ nhưng TS. Phạm Hoài Linh đến giờ vẫn còn khó khăn do thiếu kinh nghiệm, và nhất là “chưa đủ khả năng lựa chọn một hướng nghiên cứu khả thi từ 5 đến 10 năm, chưa đủ lực để lập nhóm nghiên cứu”. Trường hợp như chị không phải hiếm gặp với những người mới đạt trình độ tiến sĩ. Khi được hỏi cách nào giúp họ thoát khỏi khó khăn, PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh cho biết, phòng thường hỗ trợ, hướng dẫn họ viết đề tài, dự án để có những nhiệm vụ trước mắt hoặc mời vào nhóm của các thành viên giàu kinh nghiệm. Theo quan điểm của anh, “họ đã phải chịu nhiều thiệt thòi vì đã lỡ mất một thời gian dài trong nghiên cứu. Do đó, chúng ta không nên mất kiên nhẫn nếu trong vài ba năm, họ chưa có công bố. Chỉ khi thời gian này kéo dài hơn, từ 5 đến 7 năm thì mới thực sự là vấn đề”.

Khuyến khích sự chủ động ở mỗi nhà nghiên cứu

PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh ví von, vấn đề nhân sự của Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn “như dòng nước chảy, người mới đến và người cũ ra đi”, những ai còn bám trụ ở lại đều rất kiên trì, “biết cách đối mặt với hoàn cảnh và chủ động tìm đề tài nghiên cứu”. Với những thành viên từng chứng kiến sự phát triển của Phòng từ ngày thành lập thì việc “đối mặt và chủ động” được chia làm hai giai đoạn với cái mốc 2008, năm đánh dấu sự ra đời của Quỹ Nafosted.

Vào giai đoạn trước năm 2008, Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn tồn tại hai hạn chế lớn là thiếu thốn cơ sở vật chất và lực lượng nghiên cứu trong khi việc tiếp cận các đề tài hợp tác quốc tế như đề tài Nghị định thư, đề tài Viện Hàn lâm, quỹ tài trợ quốc tế… đều phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố này. Vì vậy, các thành viên chủ chốt của Phòng đã tự đào tạo nhân lực hoặc cử người đi nước ngoài, theo đuổi những hướng nghiên cứu mới của thế giới. Về trang thiết bị, bên cạnh sự đầu tư của nhà nước thì quan hệ hợp tác nhiều mặt của Phòng với một số đối tác như Thụy Điển, Pháp, Hàn Quốc…  đã đem lại sự hỗ trợ rất lớn, trong đó có những thiết bị đầu tay hết sức quan trọng cho nghiên cứu như cho chế tạo mẫu: thiết bị nghiền bi năng lượng cao, lò ống nhiệt độ cao, thiết bị phún xạ.. và các thiết bị đặc trưng tính chất từ: từ kế mẫu rung, hệ đo các tính chất vật lý…

Khi đã giải quyết phần nào hai yếu tố cơ bản, Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn đã mạnh dạn tiếp cận một số quỹ nước ngoài hoặc một số chương trình KH&CN cấp Viện Hàn lâm, cấp Bộ để kéo đề tài, dự án về làm, “tuy không quá dồi dào về số lượng nhưng đủ để chúng tôi thường xuyên có được những nhiệm vụ nghiên cứu và do đó, có công bố đều đặn, dẫu chưa nhiều như giai đoạn sau này”, PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh nhận xét.

“Giai đoạn sau này” mà PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh nhắc đến gắn liền với sự ra đời của Quỹ Nafosted và việc thành lập Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Vật liệu và Linh kiện điện tử tại Viện Khoa học vật liệu: một bên là nguồn kinh phí dành riêng cho nghiên cứu cơ bản được quản lý theo cơ chế quỹ, một bên là sự sẵn sàng của những trang thiết bị lớn và hiện đại phục vụ việc chế tạo, đo đạc các tính chất đặc trưng của vật liệu. Các thành viên đều tận dụng tốt cơ hội này, thậm chí những người khi đã ở độ tuổi 60 như GS. TSKH Nguyễn Xuân Phúc, PGS. TS Lê Văn Hồng cũng đi đầu trong việc nộp hồ sơ và nhận tài trợ của Quỹ Nafosted ngay từ đợt đầu tiên, năm 2009. Theo “truyền thống mới” này, năm nào, Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn cũng đều có đề tài Nafosted, đặc biệt vài năm gần đây là từ 4 đến 6 đề tài.

Sự chủ động trong công việc của các thành viên chủ chốt đã tác động rất lớn đến suy nghĩ của các nhà nghiên cứu trẻ. Lên kế hoạch làm việc ở Việt Nam từ khi còn làm tiến sỹ ở Bỉ, TS Nguyễn Thanh Tùng không chỉ tham gia làm việc từ xa với Viện mà còn sớm chuẩn bị hồ sơ xin tài trợ lên Quỹ Nafosted. Đề tài của anh đã được Quỹ chấp thuận tài trợ vào năm 2015, thời kỳ anh bắt đầu làm postdoc tại Nhật Bản, “vì vậy khi về Việt Nam vào năm 2016, tôi đã có thể tiếp tục mạch thực hiện đề tài mà không để thời gian ‘chết’”, TS. Nguyễn Thanh Tùng kể.

Những tín hiệu lạc quan đã đến với TS. Phạm Hoài Linh khi có được tài trợ, bắt đầu là đề tài nho nhỏ cấp cơ sở hỗ trợ cho tiến sĩ mới bảo vệ rồi tiến tới đề tài dành cho nhà khoa học trẻ cấp Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam về ứng dụng hạt nano từ trong y sinh, nhiệm vụ nghiên cứu đáng kể đầu tiên do chị làm chủ nhiệm. Dẫu vậy chị vẫn cho rằng mình “cần tự tìm ra được hướng nghiên cứu riêng, hoặc tham gia vào hướng lớn của những người khác”.

Khuyến khích từng thành viên chủ động mở rộng hợp tác quốc tế và tìm tài trợ cho nghiên cứu nhưng Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn vẫn sẵn sàng tương trợ họ. “Đôi khi, chúng tôi phối hợp việc sử dụng kinh phí của các đề tài có cùng hướng nghiên cứu để hỗ trợ nhau cùng phát triển”, PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh cho rằng điều đó cũng góp phần đem lại những công bố tốt.

Khi mọi việc đã vào nề nếp thì ở vị trí “đứng mũi, chịu sào”, PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh còn băn khoăn về việc một số máy móc mà Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn vẫn sử dụng đang có dấu hiệu xuống cấp vì không đủ kinh phí duy trì vận hành thường xuyên, “trước khi có cách giải quyết căn cơ thì cách làm trước mắt của chúng tôi là hợp tác với các đối tác nước ngoài để đo đạc, hoặc phải chấp nhận gửi bài đến những tạp chí không thuộc nhóm Q1 như yêu cầu của Quỹ Nafosted”.

Tác giả