Một kg muối có thể khử trùng cả trăm m3 nước

Sau đợt mưa lũ đầu tháng 10 gây thiệt hại nặng nề cho một số tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ mới đây, vấn đề bảo đảm nước sạch cho người dân, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Với giải pháp sản xuất anolit, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, chỉ cần chưa đến 3 kg muối đã có thể sản xuất được số dung dịch khử trùng cho 300-500 m3 nước đạt yêu cầu về vi sinh theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới, hoặc cho diện tích 10 - 20 nghìn m2 bề mặt sàn các phòng trong bệnh viện, trường học, nhà ở, trại chăn nuôi…


Một trang trại nuôi lợn ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, bị ngập sâu trong nước trong đợt mưa lũ hồi đầu tháng 10 mới đây.

Tại vùng lũ, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ xảy ra bệnh dịch cho người do thiếu nước sạch sinh hoạt trở thành vấn đề cấp bách hàng đầu trong số các nhu cầu căn bản của người dân. Theo “Sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt”“Sổ tay hướng dẫn xử lý ổ dịch tả” do Bộ Y tế ban hành, chất khử trùng thông dụng nhất được hướng dẫn sử dụng là các hợp chất của clo như Cloramin B (dưới dạng bột hoặc viên), viên Aquatab67, ngoài ra ít được dùng hơn là bột Hypoclorit canxi và dung dịch Hypoclorit natri. Tuy vậy, các chất nêu trên đều là sản phẩm nhập khẩu, nhiều khi không thể có ngay khi có cần. Cũng theo các tài liệu trên, việc dùng Cloramin B có hàm lượng 0,5% để xử lý ô nhiễm môi trường đòi hỏi chi phí rất cao, hơn nữa, Cloramin B có chứa gốc benzen – không nên dùng để khử trùng thực phẩm – do tồn dư hóa chất không có lợi cho sức khỏe con người.

   Trong bối cảnh đó, dung dịch khử trùng anolit, được tạo ra bằng phương pháp điện phân nước muối ăn NaCl trong buồng phản ứng điện hóa có màng ngăn lần đầu tiên cách đây 45 năm, càng chứng tỏ được những điểm ưu việt của mình:

– Diệt được rất nhiều loài vi khuẩn, nấm, virus và bào tử gây bệnh cho người, kể cả những loài có sức đề kháng cao như vi trùng bệnh lao, vi khuẩn bệnh than, virus viêm gan B… mà không bị vi sinh vật kháng lại;

– Khử trùng nhanh và có hoạt tính khử trùng mạnh: để đạt được cùng hiệu quả khử trùng, lượng clo hoạt động cần sử dụng trong anolit thấp hơn nhiều lần so với các chất khử trùng có clo khác như cloramin B và các loại hypoclorit.

– Ít tác động đến sức khỏe của người và động vật vì có lượng clo hoạt động thấp và nhờ khả năng chống các chất oxi hóa của tế bào động vật cấp cao.

– Được tạo ra từ nước muối và dần trở về dưới dạng muối ăn (vô cơ) thông thường có trong thiên nhiên nên không là chất tồn lưu làm ô nhiễm môi trường.

– Có giá rẻ do được sản xuất chỉ từ điện và nước muối.

Tuy nhiên, do anolit có nhược điểm là không bảo quản được lâu (càng để lâu thì hàm lượng clo hoạt động càng suy giảm) nên không thuận tiện cho sản xuất lớn rồi để đấy mà phải dùng ngay thì mới tốt. Nói cách khác, anolit chỉ có thể phát huy vai trò là chất khử trùng trong các ngành cấp thoát nước, y tế, sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm nếu được sản xuất tại chỗ.


TS. Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (phải) và TS. Nguyễn Trần Điện, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường  bên thiết bị sản xuất anolit tại xưởng thực nghiệm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Từ năm 1998, Viện Khoa học Vật liệu và sau đó là Viện Công nghệ môi trường thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia (nay là Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu chế tạo thiết bị sản xuất anolit trên cơ sở các công nghệ được chuyển giao từ Liên bang Nga và các quy trình sử dụng anolit trong các bệnh viện, trại chăn nuôi, xí nghiệp giết mổ chăn nuôi, cơ sở nuôi tôm giống, nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản, trồng và bảo quản các loại trái cây có giá trị và khả năng xuất khẩu cao… Chỉ tính riêng trong 15 năm trở lại đây, đã có hơn 5 đề tài, dự án, nhiệm vụ cấp quốc gia và hàng chục đề tài, dự án cấp Bộ, cấp tỉnh… với hàng chục đơn vị nghiên cứu thực hiện và đã được nghiệm thu. Hiện nay đã có hơn 600 thiết bị sản xuất anolit – phần lớn do Viện Công nghệ môi trường chế tạo hoặc do các doanh nghiệp được Viện chuyển giao công nghệ chế tạo – đã đi vào hoạt động ở trong các bệnh viện và các cơ sở sản xuất trong các ngành chăn nuôi, thủy sản, chế biến thực phẩm, trồng trọt… Một số công ty nước ngoài cũng đã đưa thiết bị sản xuất anolit vào tiêu thụ ở nước ta. Một công ty của Nhật đã khởi công xây dựng một nhà máy sản xuất anolit tại tỉnh Nghệ An.

Gần đây, Viện Công nghệ môi trường đã có bước tiến mới trong nghiên cứu chế tạo thiết bị sản xuất anolit, với số muối ít hơn (nguyên liệu đầu vào) cung cấp được lượng clo hoạt hóa cao hơn (sản phẩm đầu ra), được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2015: Chỉ cần chưa đến 3 kg muối có thể sản xuất được 2.000 lít anolit, khử trùng được cho 300-500 m3 nước đạt yêu cầu nước sạch về vi sinh theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới và của Bộ Y tế hoặc khử trùng được cho diện tích 10 nghìn đến 20 nghìn m2 bề mặt sàn các phòng trong bệnh viện, trường học, nhà ở, trại chăn nuôi…

TS. Nguyễn Trần Điện – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường cho rằng: “Dịch bệnh lan truyền do sử dụng nguồn nước kém vệ sinh là điều gây hoang mang và lo lắng lớn nhất cho người dân vùng lũ. Việc trang bị hệ thống sản xuất anolit đơn giản, gọn nhẹ, cơ động và có thể chủ động về công nghệ trong nước tại các địa phương thường xảy ra bão lũ có thể giúp giải quyết mối lo này.”

Chiều 13/10 vừa qua, nhận được đề nghị hỗ trợ dung dịch anolit để khử trùng, làm vệ sinh một số nhà lưới bị ngập trong mấy ngày đầu tuần của Công ty TNHH Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn (Thanh Hóa), Viện Công nghệ môi trường đã sử dụng các thiết bị thế hệ mới đang được chế tạo thử nghiệm để sản xuất anolit cung cấp cho Công ty này. Sau gần 6 giờ làm việc đã sản xuất được 1.200 lit anolit có hàm lượng các chất oxi hóa tính theo clo hoạt động trên 500 mg/lit với tổng các chất rắn hòa tan (chủ yếu là muối ăn) không quá 1,4 g/lit và trị số pH từ 7 đến 8. Sáng ngày 14/10, số anolit nói trên đã được chuyển về Thanh Hóa để sử dụng.

Tác giả