Nghiên cứu tác dụng chống đái tháo đường của lá cây quả nổ

Nghiên cứu nhóm tác giả ở Viện Khoa học vật liệu ứng dụng (TPHCM) cho thấy, lá cây quả nổ có các hợp chất có khả năng ức chế α-glucosidase, mở ra tiềm năng ứng dụng cây dược liệu này vào sản xuất điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Trong điều trị đái tháo đường, cần kiểm soát, duy trì nồng độ glucose máu ở mức bình thường, đặc biệt là hạn chế tăng glucose máu sau ăn. Để kiểm soát glucose máu, ngoài các biện pháp giảm cân, luyện tập và thay đổi chế độ ăn uống, người ta còn sử dụng các thuốc điều trị, bao gồm thuốc ức chế α-glucosidase có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu.

Những năm gần đây, đã có nhiều nghiên cứu tìm kiếm các hoạt chất ức chế α-glucosidase từ nhiều nguồn khác nhau như vi sinh vật, thực vật hoặc tổng hợp. Có hơn 1.000 loài cây được xác định có khả năng kiểm soát glucose máu và ít tác dụng phụ, trong đó có nhiều cây đã được nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam, như lá ổi, trà xanh, khổ qua, lá vối, cây quả nổ, lá sen, quế,…

Cây quả nổ thuộc họ Acanthaceae (Ruellia tuberosa L.), có nguồn gốc từ Nam Mỹ, là dược liệu mọc hoang khá phổ biến tại Việt Nam. Trong y học dân gian, cây quả nổ được sử dụng để điều trị bệnh thận, hạ sốt, giảm đau, chống tăng huyết áp, trị đái tháo đường, chống oxy hóa, chống ung thư, kháng viêm, kháng khuẩn,… Tuy nhiên, còn rất ít nghiên cứu trong nước về thành phần hóa học và tác dụng dược lý của loài này.

Nhóm nghiên cứu ở Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng đã thực hiện nghiên cứu “Khảo sát thành phần hóa học và nghiên cứu định hướng ứng dụng chống đái tháo đường của lá cây quả nổ”, để đánh giá hiệu quả kiểm soát glucose máu sau ăn, ức chế α-glucosidase của lá cây quả nổ.

Cây quả nổ. Ảnh: NNC

Lá tươi sau khi thu hái, được làm sạch, phơi khô và xay nhỏ 3 – 4mm. Mẫu khô được đem chiết xuất để thu cao tổng hợp ethanol bằng phương pháp chiết lỏng – rắn với ethanol 70% trong 3 ngày. Sau đó, nhóm chiết xuất, phân lập, xác định cấu trúc các hợp chất và đánh giá tác dụng ức chế α-glucosidase của cao chiết thô và các phân đoạn của lá cây quả nổ.

Nhóm đã phân lập và xác định được 4 hợp chất từ cao chiết lá quả nồ: Lupeol, Siryngaresinol, Apigenin, Verbascoside. Thử nghiệm cho thấy, các hợp chất này có khả năng ức chế α-glucosidase mạnh hơn chứng dương acarbose (một loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường). Trong đó, hợp chất Siryngaresinol là chất ức chế α-glucosidase mạnh nhất. Đặc biệt đối với dịch chiết lá quả nổ nếu sử dụng dung môi ethyl acetate, thì các hoạt chất mạnh hơn khoảng 19 lần so với chứng dương acarbose.

Kết quả nghiên cứu đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua, là cơ sở khoa học cho việc ứng dụng cây quả nổ để sản xuất thuốc trong điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2.

KHPT

Tác giả