Tia X tiết lộ bức tự họa giấu kín của Artemisia Gentileschi

Bức họa “Saint Catherine” đã phản chiếu một chân dung tự họa từng được vẽ trước đó của họa sỹ thời kỳ Baroque, Artemisia Gentileschi.

Tia X giúp các nhà nghiên cứu phát hiện ra những nét vẽ đầu tiên của bức tranh 

Là người ngưỡng mộ danh họa Caravaggio, bản thân Gentileschi vẫn được coi là biểu tượng thành công hiếm hoi của phụ nữ trong sự nổi trội và lấn át của nam giới trong thế giới nghê thuật thế kỷ 17. Bà thường xuyên miêu tả những nhân vât phụ nữ anh hùng, những vị thánh.

“Saint Catherine of Alexandria”, bức họa do Artemisia Gentileschi vẽ năm 1619 có nét tương đồng một cách thực sự với một bức tự họa có tên tương tự của bà vẽ năm 1615-1617, hiện do Phòng tranh quốc gia London sở hữu: cả hai bức chân dung đều vẽ người phụ nữ tóc đen, váy đỏ, phong thái vương giả, những ngón tay xiết lấy một chiếc bánh xe gỗ là dụng cụ tra tấn đã bị vỡ trong khi tay kia ghì lấy một cành cọ tử vì đạo vào ngực mình. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai bức là một người thì tóc vấn khăn, cặp mắt nhìn thẳng vào người xem với cái nhìn chăm chú, có phần thách thức, còn người kia thì đội vương miện, cái nhìn đầy trầm ngâm hướng về phía thiên đường.

Bức vẽ được trưng bày tại Phòng tranh quốc gia London

Thật bất ngờ là bức vẽ năm 1619, hiện giờ do Phòng tranh Uffizi ở Florence, Ý sở hữu, lại tìm ra một điều bí mật nằm dưới bức tranh. Mặc dù “Saint Catherine of Alexandria” đã mô tả chân dung cô con gái Đại công tước Ferdinando de’ Medici’ – được vẽ đúng vào thời kỳ nữ họa sỹ Gentileschi ở cung đình Tuscan, nhưng một phiên bản ban đầu của tác phẩm này đã âm thầm ở dưới các lớp màu vẽ trong 5 thế kỷ, hầu như phản chiếu đúng bức chân dung ở London.

Những người tìm ra bí mật này là các chuyên gia của Opificio delle Pietre Dure of Florence – một viện nghiên cứu thuộc Bộ Di sản văn hóa Ý tại Florence, và do nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm Roberto Bellucci và Maria Luisa Reginella, một nhà học giả trẻ người Palermo mới tới Opificio nhưng đã khiến cộng đồng nghiên cứu ở đây ngưỡng mộ, dẫn dắt. Khi được hỏi, khám phá này là một kết quả ngẫu nhiên hay có chủ đích, cô trả lời: “Opificio delle Pietre Dure thường thực hiện các cuộc kiểm tra những tác phẩm nghệ thuật để có thể bảo tồn chúng một cách hiệu quả hơn. Việc tìm hiểu về bức tranh này là một trong số đó. Các kỹ thuật sử dụng để khảo sát các tác phẩm rất phong phú và đều là không xâm lấn (tia cực tím, tia hồng ngoại và tia X) cho phép các nhà nghiên cứu ‘rọi’ cái nhìn rõ ràng hơn chất nền của bức tranh”.

“Cuộc kiểm tra cho thấy bên dưới bề mặt của bức tranh là một phiên bản khác, có trước Santa Caterina (tên bức tranh bằng tiếng Ý), không có vương miện mà có dải khăn quấn trên đầu, với khuôn mặt hướng thẳng về phía người xem, thay vì là ba phần tư mặt và với cặp mắt trầm ngâm hướng về phía xa, khác hẳn với bức vẽ sau cùng mà chúng ta thấy”, Reginella giải thích thêm.

Do đó, ban đầu họa sỹ đã vẽ một bức chân dung khác, hoàn toàn khác biệt so với lần thể hiện này. Có thể nó thể hiện ý đồ khác của bà? Các nhà nghiên cứu cho biết, việc tìm hiểu sâu hơn cho thấy, bàn tay trái của vị thánh cũng ở tư thế khác, đồng thời có thêm một tấm màn che trên đường viền váy (có thể là một bộ quần áo nam giới – một ý tưởng Gentileschi đã từ bỏ) và có một khuôn mặt nhỏ bí ẩn ở phía trái khuôn mặt Santa Caterina, hoàn toàn khác lạ với bối cảnh tác phẩm đã hoàn thành. Tại sao nó lại biến mất khi hoàn chỉnh bức vẽ? “Có thể thấy rõ ràng đó là phác thảo ban đầu của một bức họa hoàn toàn khác, sau đó nhiều khả năng bị gác lại. Artemisia rút cục đã tái sử dụng tấm toan như cách nhiều họa sỹ cùng thời đã làm để tiết kiệm chi phí”.

Bức chân dung treo tại Uffizi

Bức chân dung của Gentileschi vẽ Catherine, con gái của Ferdinando de ‘Medici dưới hình ảnh của nữ đại công tước Cristina vùng Lorraine, người được phong thánh sau khi bị nhục hình đến chết vì không từ bỏ niềm tin Cơ đốc giáo 4 thế kỷ trước. Điều này lý giải vì sao bà lại quyết định đặt vương miện hoàng gia trên đầu của vị thánh – những yếu tố thuộc về dòng họ Medici, thay vì tấm khăn – phiên bản quàng khăn của Gentileschi được Phòng Tranh quốc gia London mua vài tháng trước.

Tuy nhiên còn có một điều quen thuộc của bà. “Artemisia đã dùng cả chân dung của chính mình, sử dụng hình ảnh của chính mình để vẽ những nhân vật nữ”, Cecilia Frosini – một thành viên tham gia nghiên cứu, nói. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra điều này, dựa trên một lý thuyết đã tồn tại từ lâu rằng Gentileschi đã lấy khuôn mặt của chính mình cho những nhân vật nữ: bà có thể bắt đầu với khuôn khổ cơ bản được hình thành ở bức chân dung năm 1615-1617, sau đó căn chỉnh thêm thành bức chân dung con gái vị bảo trợ của mình.

Cho dù trên thực tế là bức chân dung được họa sỹ thay đổi vì nguyên nhân gì thì những gì mà các nhà nghiên cứu phát hiện ra sẽ đem lại một cái nhìn mới và hiểu biết mới về Gentileschi, ít nhất là năm bức tranh của bà ở Uffizi. “Một lần nữa, chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu về tác phẩm để làm giàu thêm kiến thức về hội họa Ý thế kỷ 17, chắc chắn nó sẽ đem lại cảm hứng cho các học giả đánh giá lại tác phẩm để tìm hiểu thêm về phong cách của Artemisia và liên hệ với các tác phẩm khác mà bà đã vẽ vị thánh tử vì đạo của Alexandria”, Cecilia Frosini nói.

Thanh Phương  tổng hợp từ smithsonianmag.com, AP, nationalgallery.org.uk, lindro.it.

Tác giả