Trái bóng Telstar 18: Nhiều điều thú vị

Do hãng Adidas sản xuất Telstar 18 phần nào tái hiện hình ảnh 12 miếng da đen trên nền trắng của trái bóng được chơi hơn 40 năm trước.

Điều thú vị đầu tiên có thể thấy là Telstar 18 mang màu đen và trắng mang tính biểu tượng, gợi nhớ đến trái bóng nguyên thủy được thiết kế để các khán giả của truyền hình đen trắng cũng có thể theo dõi được trận đấu.

Đổi mới sáng tạo trong trái bóng

Adidas cho biết, Telstar 18 được làm bằng 6 miếng nhựa dẻo cách nhiệt (TPU) và 15% silicon. Các vật liệu mới này khiến cho trái bóng có nhiều ưu điểm so với những trái bóng của những kỳ World Cup trước đây như có quỹ đạo bay tốt hơn, đường bóng chính xác hơn, trái bóng trở nên nhạy hơn với các lực tác động, nhẹ hơn và ít thấm nước hơn – nghĩa là hứa hẹn sẽ có những đường chuyền chuẩn xác hơn khi các cầu thủ biết tận dụng thế mạnh của nó.

Một tính năng hiện đại bậc nhất của Telstar 18 là nó có gắn thêm một chip NFC bên trên. Nếu tải một ứng dụng miễn phí trên iOS hoặc Android, người hâm mộ có thể tương tác qua điện thoại thông minh hay máy tính bảng về trái bóng qua những thông tin độc quyền, những vị trí đặc biệt mà chip NFC cung cấp sau mỗi trận đấu. Tuy vào thời điểm này, NFC vẫn chưa thể cung cấp cho mọi người thông tin chuyên sâu hơn như lực từng cú đá của các cầu thủ hay tốc độ bay của bóng nhưng Adidas hi vọng, tính năng đó sẽ được bổ sung vào thời gian tới.

Ông Roland Rommler – giám đốc Bộ phận các thiết bị phần cứng trong bóng đá của Adidas, cho biết: “Telstar nguyên thủy là một trong những quả bóng đá mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại, và một trong những thứ luôn thay đổi thiết kế là trái bóng. Với chúng tôi, việc thay đổi thiết kế cấu trúc các miếng ghép bên ngoài và đưa chip NFC vào trái bóng có thể đem đến những trải nghiệm hoàn toàn mới cho cầu thủ và cả người xem”.

Trước Telstar 18, Azteca năm 1986 là trái bóng đầu tiên của World Cup được làm từ vật liệu tổng hợp và sau đó năm 2002, Fevernova được coi là trái bóng nhẹ hơn, có đường bay chính xác và độ nảy tốt hơn, năm 2010 là Jabulani khiến thủ môn Iker Casillas (Tây Ban Nha) điên đầu vì không thể đoán được đường bay của bóng. Các kỹ sư của NASA đã tìm ra nguyên nhân vì sao trái bóng Jabulani lại khiến cả thủ môn giàu kinh nghiệm như Casillas nhiều lúc phải bó tay – đó là do hiệu ứng khớp nối (Knuckle effect) xảy ra khi spin của trái bóng gần bằng không hoặc bằng không.

Những bài kiểm tra trước bóng lăn

Trước khi lăn trên các sân cỏ Nga, trái bóng Telstar 18 đã được các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm KH&CN vật liệu liên bang Thụy Sỹ (EMPA) kiểm tra bằng một loạt bài kiểm tra hết sức nghiêm ngặt, những trái bóng nào không qua được “kỳ kiểm tra” này sẽ không được xuất hiện ở World Cup.

Theo trang wep của EMPA, các bài kiểm tra này không chỉ là việc đo đạc chính xác chu vi và trọng lượng quả bóng mà còn là những đòi hỏi chuyên biệt: Telstar bị nhận dưới nước tới 250 lần trong một bể nước để thử xem độ thấm nước của bóng như thế nào. Kết quả là trái bóng chỉ thấm một chút nước không đáng kể nên vẫn có khả năng giữ được không khí bên trong và giữ nguyên độ nảy khi rơi từ độ cao hai mét. Bên cạnh đó, các nhà khoa học phải đo đạc tới hơn 4.000 điểm trên trái bóng để chứng tỏ là nó thực sự hoàn hảo – căng tròn, không bị lõm và giữ nguyên được hình dạng ngay cả khi bị đặt lên một thiết bị bắn vào tường thép tới 2.000 lần với tốc độ 50 km/giờ.

Đây là các bài kiểm tra được các chuyên gia của EMPA thiết kế riêng cho bóng đá. Dĩ nhiên khi áp dụng các bài kiểm tra khắc nghiệt này, không phải sản phẩm của các nhà cung cấp nào cũng đủ sức vượt qua. TS Martin Camenzind ở Phòng thí nghiệm màng sinh học nhân tạo và dệt may EMPA cho biết: “Một số quả bóng được làm bằng da đã gia tăng kích thước đáng kể sau chuỗi kiểm tra, ví dụ như có thể là hút quá nhiều nước. Quả bóng ngày nay đều được làm bằng phương pháp dán hoặc hàn, bởi vì các đường nối theo phương pháp khâu truyền thống có thể không giữ được độ bền chặt theo thời gian nữa. Tương tự, phần lớn chất liệu da truyền thống cũng phải nhường chỗ cho chất dẻo, và ngay cả phần bề mặt phía trong nó cũng có một kết cấu đặc biệt khiến trái bóng bay một cách dễ dàng hơn, nhất là khi chuyển động trên mặt cỏ ướt”.
Telstar 18 không được làm theo phương pháp truyền thống là từ những miếng hình lục giác hay ngũ giác cân xứng mà được ghép từ các miếng vật nhựa dẻo không đối xứng. Do đó, trái bóng bay có thể tạo ra một hình ảnh đặc biệt trong một số điều kiện ánh sáng riêng biệt. Các nhà khoa học đã kiểm tra điều này trên thực tế bằng những thí nghiệm có máy tính kiểm soát.

Tuy nhiên các cầu thủ chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm cũng có thể tận dụng lợi thế này của trái bóng – quỹ đạo bay phức tạp và theo lý thuyết khí động học thì nó có phần hỗn loạn, ví dụ như khi đá vào nó, anh ta có thể tạo ra một đường bóng phức tạp đi theo hình zigzag với hình ảnh trái bóng bị biến dạng. Dưới góc nhìn của vật lý ứng dụng thì điều này không phải là chuyện gì huyền bí. Camenzind giải thích, lực tác động của cầu thủ – có thể là cú đá hoặc đánh đầu, khiến trái bóng như bị biến dạng với một chuyển động không theo hình parabol thông thường.

Ở một góc nhìn khác, giáo sư vật lý Eric Goff tại trường Đại học Lynchburg ở Virginia, Mỹ đã cùng nhóm nghiên cứu của mình phân tích dữ liệu từ những thí nghiệm về đường bóng bay trong không khí. So sánh với trái Brazuca của World Cup tại Brazil năm 2014, họ thấy Telstar 18 có đường bay ngắn hơn, khoảng 8 đến 10%, nhất là khi phải chịu một lực tác động lớn và di chuyển nhanh hơn 90km/giờ.

Còn về phía nhà sản xuất, họ đang chờ đợi sự phản hồi sau các trận đấu World Cup. Tuy nhiên, Adidas không chỉ ngồi chờ không mà đã bắt đầu chuẩn bị cho sự kiện 4 năm tới bởi họ là nhà cung cấp bóng cho World Cup 2022 ở vùng đất sa mạc Qatar. Khi đó, trái bóng sẽ phải được thiết kế và chế tạo theo cách mới để có thể chịu được nhiệt độ cao.

Thanh Nhàn tổng hợp

Nguồn: Báo KH&PT

Tác giả